Sau khi tôi nhập vào
hiện thân ông John Ray tinh tế, một nhân
vật trong Lolita và cũng là
người thảo Lời Tựa, thì bất cứ lời nhận xét nào xuất phát trực tiếp từ tôi đều có thể gây cho người ta ấn tượng — và trên thực tế cũng
có thể gây ấn tượng cho chính tôi — như một hiện thân của Vladimir Nabokov đang nói về cuốn sách của chính ông ta. Dẫu sao chăng nữa, có vài điểm vẫn cần phải được tranh luận; và thủ pháp tự truyện có thể khiến cho người khéo bắt chước và người làm mẫu hòa lẫn vào với nhau.
Các giảng viên văn chương hay có khuynh hướng
sáng chế những luận đề như thể “Mục đích của tác giả là gì?” hay thậm chí trầm
trọng hơn “Anh chàng này muốn nói điều gì đây?” Mà tôi tình cờ lại là dạng tác
giả từ ngay lúc bắt đầu làm việc với cuốn sách nào đó đã chẳng có mục đích nào
khác ngoài việc thoát khỏi cuốn sách ấy, và là người, khi được thỉnh cầu giải
thích nguyên khởi và diễn tiến của nó, sẽ cậy nhờ vào những thuật ngữ cổ giả dụ
như sự Tương Tác của Cảm Hứng với Phối Hợp — những thứ mà, tôi xin thú nhận,
nghe như một ảo thuật gia giảng giải về mánh lới này bằng việc biểu diễn mánh lới
khác.
Nhịp đập khẽ khàng đầu tiên của Lolita chạy suốt qua tôi hồi cuối năm 1939 hay đầu năm 1940, ở Paris, vào thời gian mà tôi nằm bẹp vì
căn bệnh đau dây thần kinh liên sườn tồi tệ. Theo những gì tôi còn nhớ được, thì
cái rùng mình khởi nguồn cảm hứng đã được khơi gợi phần nào bởi một bài tường thuật trên báo về con dã nhân trong vườn bách thú Jardin des Plantes, kẻ, sau nhiều tháng bị một khoa học gia dỗ ngon dỗ ngọt, đã tạo ra được bức tranh đầu tiên từng được vẽ bằng chì than bởi một con
thú: bức phác họa này cho thấy những
thanh chấn song của cái chuồng nhốt tạo vật đáng thương ấy. Tài liệu có
tính thúc đẩy này không có sự liên quan về mặt nguyên bản đến mạch suy nghĩ tiếp theo, cái, dẫu sao thì, cũng đã dẫn đến,
nguyên mẫu của tiểu thuyết này của tôi, một truyện ngắn khoảng ba chục trang. Tôi viết nó bằng tiếng Nga, ngôn ngữ mà tôi đã sử dụng để viết tiểu thuyết từ năm 1924 (những cuốn hay
nhất trong số chúng chưa từng được dịch qua tiếng Anh, và tất cả bị cấm, vì
những lý do chính trị, ở Nga). Nam nhân là dân Trung Âu,
nymphet ẩn danh là dân Pháp, và địa điểm là
Paris với Provence. Tôi cho y cưới người mẹ đau ốm của cô bé, bà này qua đời sau đó ít lâu, và sau một toan tính bất thành nhằm lợi dụng cô bé mồ côi ở một buồng khách sạn, Arthur (bởi đấy là tên y) lao mình vào dưới bánh xe tải. Tôi đọc truyện này trong
một đêm thời chiến dưới ánh đèn bọc giấy xanh lơ cho một nhóm bạn — Mark
Aldanov, hai nhà cách mạng xã hội, với một bác sỹ nữ; song tôi không vừa ý với
nó và hủy nó một hôm nào đó sau khi chuyển qua Mỹ hồi năm 1940.
Khoảng năm
1949, tại Ithaca, thuộc vùng Bắc New York, nơi tôi dạy văn học Nga, nhịp đập ấy, vốn chưa khi nào ngưng hẳn, bắt đầu quấy tôi trở lại. Sự phối hợp kết giao cùng cảm hứng bằng niềm đam mê tươi mới và cuốn hút tâm trí tôi vào một cách xử lý mới với chủ đề, lần này bằng tiếng Anh — ngôn ngữ của nữ gia sư đầu tiên của tôi ở St. Petersburg, hồi năm 1903, bà Rachel Home. Nàng
nymphet, giờ đây mang chút dòng máu Ai-Len, thực tế vẫn là cô thiếu nữ y như thế, và ý tưởng căn bản về tình-con-duyên-mẹ cũng vẫn tiếp tục tồn tại; song về mặt khác thì câu chuyện rất mới mẻ và kín đáo mọc dần các
vuốt và cánh của tiểu thuyết.
Cuốn sách tiến triển chậm, với nhiều gián đoạn và những chỗ lạc đề. Tôi mất độ bốn chục năm để thêu dệt nên nước Nga và Tây Âu, và giờ đây tôi đối mặt với nhiệm vụ thêu dệt nước Mỹ. Việc thu thập những nguyên liệu địa phương thuộc loại sẽ cho phép tôi rưới thêm đôi chút “thực tế” (một trong vài từ sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu thiếu các dấu ngoặc kép) trung bình vào mẻ rượu của trí tưởng tượng cá nhân, ở tuổi năm mươi, hóa ra là một quá
trình khó hơn nhiều so với nó đã từng diễn ra ở châu Âu vào thời trai trẻ của tôi khi năng lực cảm thụ và khả năng ghi nhớ đương ở đỉnh cao tất yếu. Những cuốn sách khác xen ngang. Một đôi lần, tôi
đã định đốt tập bản thảo dở dang và đã mang Juanita Dark của tôi
xa tới tận chiếc bóng của cái lò đốt rác đứng xiêu vẹo trên thảm cỏ trinh trắng, thì
lúc đó tôi bị chặn lại bởi ý nghĩ rằng oan hồn cuốn sách bị thiêu hủy sẽ ám các tài liệu của tôi
cho đến khi tôi chết.
Mùa hè nào vợ tôi và
tôi cũng đi săn bắt bướm. Các mẫu vật được ký thác vào các cơ quan khoa học, giả dụ như Bảo Tàng Động Vật Học Đối Sánh ở Harvard hay bộ sưu tầm của Đại Học Cornell. Các nhãn ghi nơi tìm thấy mẫu vật được ghim dưới những con bướm này sẽ rất hữu ích cho học giả nào đó ở thế kỷ hai mươi mốt có sở thích với tiểu sử bí hiểm. Tại các tổng hành dinh của chúng tôi như Telluride, bang Colorado; Afton, bang Wyoming; Portal, bang
Arizona; và Ashland, bang Oregon, cuốn Lolita ấy lại được tôi hăng say viết tiếp vào những chiều muộn hoặc những ngày
nhiều mây. Tôi kết thúc việc chép
bản thảo qua chữ viết thường vào mùa xuân năm 1954, vợ tôi gõ lại nó
thành ba bản bằng máy đánh chữ, và ngay sau đó tôi bắt đầu tìm kiếm nhà xuất bản.
Lúc đầu, theo
tư vấn của một ông bạn cũ cẩn thận, tôi đã nhún nhường đến mức đặt điều kiện xuất bản cuốn sách dưới bút danh khác. Tôi không biết mình
sẽ có lúc nào đó thấy ân hận là ít
lâu sau, do hiểu rõ rằng cái mặt nạ có thể dễ dàng để lộ nguyên cớ của chính tôi như thế nào,
tôi lại quyết định ký tên thật cho Lolita. Bốn nhà xuất bản Mỹ — W, X, Y, Z — lần lượt được tôi chào bản đánh máy và đưa cho những người biên tập của họ liếc qua nó, đã bị sốc do Lolita đến mức mà thậm chí ngài F.P., ông bạn cũ cẩn thận của tôi, cũng không tính đến.
Mặc dù đúng là ở Âu Châu cổ đại, và tận cho đến thế kỷ mười tám (những ví dụ dễ thấy đến từ nước Pháp), sự dâm tục cố ý đã không mâu thuẫn với những giây phút lóe sáng trong hài kịch, hoặc văn chương châm biếm đầy khí lực, hoặc thậm chí cảm hứng của một thi sỹ tài hoa trong tâm trạng phóng đãng, và cũng đúng là
trong thời hiện đại thì thuật ngữ “văn hóa phẩm khiêu dâm” có nghĩa là tầm thường, hám lợi, với những quy tắc kể chuyện chặt chẽ nhất định. Hành động khiêu dâm cần cho bắt cặp với lời lẽ sáo rỗng bởi lẽ mọi kiểu tận hưởng khoái cảm mỹ học phải bị thay thế trọn vẹn bởi sự kích dục đơn giản, thứ đòi hỏi lời lẽ truyền thống để tác động trực tiếp lên bệnh nhân. Người sáng tác văn hóa phẩm khiêu dâm phải tuân thủ các quy tắc cứng nhắc cũ kỹ để làm
cho bệnh nhân của anh ta được bao bọc bởi cùng một bầu không khí thỏa mãn an toàn, bầu không khí vốn dĩ quen thuộc với những người hâm mộ truyện trinh thám — những truyện mà trong đó, nếu bạn không
coi chừng, kẻ sát nhân thật sự có thể lại thành ra là, trước sự phẫn uất của người hâm mộ, tính độc đáo nghệ thuật (ai mà lại muốn, tỷ như, một truyện trinh thám chẳng có đến dù chỉ một cuộc đối thoại?) Bởi vậy, trong các tiểu thuyết khiêu
dâm, hành động phải bị giới hạn trong sự giao cấu giữa những lời khuôn sáo. Phong cách, cấu trúc, tính hình tượng không khi
nào được phép làm sao lãng độc giả khỏi thú tính đầm ấm của anh ta. Cuốn tiểu thuyết phải bao gồm sự thay thế luân phiên những cảnh nhục dục. Các đoạn văn ở giữa phải được rút lại thành những đường khâu cảm xúc, những cầu nối hợp lý có thiết kế tối giản, những giải thích và trình bày vắn tắt, mà độc giả hầu như chắc chắn sẽ bỏ qua nhưng phải được biết là chúng có tồn tại để không cảm thấy bị lừa dối (do bị nhồi sọ từ lề thói của các chuyện thần tiên “có thật” ở thời thơ ấu). Hơn nữa, những cảnh nhục dục trong cuốn sách phải bám theo một mạch tăng dần, với những biến thể mới, những phối hợp mới, những sinh thực khí mới, cùng sự gia
tăng đều đặn số lượng người tham gia (trong một vở kịch của Sade, họ còn gọi cả gã làm vườn vô), và bởi vậy mà phần kết thúc cuốn sách phải thừa mứa tri thức dâm dật hơn hẳn mấy chương đầu.
Vài kỹ thuật ở phần đầu Lolita (giả dụ như Nhật Ký của Humbert) làm cho một số người trong số các độc giả đầu tiên của tôi tưởng lầm rằng đây là một thứ
dâm thư. Họ trông chờ vào chuỗi gia tăng các cảnh gợi tình;
khi những cái này ngưng lại, độc giả cũng ngưng đọc luôn, và cảm thấy buồn chán và thất vọng. Tôi
ngờ rằng điều này là một trong những lý do tại sao không phải cả bốn hãng chịu đọc bản đánh máy ấy đến cuối. Dù họ có nhận thấy nó khiêu dâm hay không thì điều đó
cũng chẳng làm tôi quan tâm. Sự khước từ của họ với việc mua sách không dựa trên cách tôi xử lý chủ đề mà dựa trên chính chủ đề, bởi có đến ít nhất là ba chủ đề tuyệt đối cấm kỵ, đến mức hầu hết các nhà xuất bản Mỹ đều lo ngại. Hai cái kia là: một cuộc hôn
nhân Nhọ-Trắng thành công trọn vẹn và mỹ mãn đã đơm hoa kết trái thành con đàn cháu đống; và kẻ vô thần tuyệt đối được sống trọn đời sung sướng và có ích, rồi chết trong
lúc đang ngủ, thọ 106 tuổi.
Vài phản ứng hết sức tức cười: một người biên tập gợi ý là hãng của anh ấy có thể cân nhắc chuyện xuất bản nếu như tôi biến nàng Lolita của tôi thành cậu bé tuổi mười hai và để cậu ta bị dụ bởi Humbert, một gã nông dân, trong chuồng gia súc, giữa phong cảnh thê
lương và cằn cỗi, mọi điều này được trình bày bằng các câu văn ngắn, mạnh, “hiện thực” (“Hắn cư xử điên khùng. Tôi nghĩ là chúng ta ai cũng cư
xử điên khùng. Tôi nghĩ Chúa cũng cư xử điên khùng.”
Và những thứ tương tự như vậy.) Mặc dù mọi người chắc đã biết là tôi ghét cay ghét đắng các biểu tượng và phúng dụ (một phần do mối thù cũ của tôi với tà phép của Freud và một phần do nỗi kinh tởm của tôi với sự khái quát được sáng chế bởi những người sáng tác văn chương thần thoại và những nhà xã hội học), thế nhưng một người biên tập lẽ ra rất sáng dạ đã đọc lướt
qua Phần Một rồi miêu tả Lolita như “Âu Châu già dắt nước Mỹ trẻ vào đời trụy lạc,”
trong lúc một tên ba chớp ba nháng khác lại trông
thấy trong nó “nước Mỹ trẻ dắt Âu Châu già vào đời trụy lạc.” Chủ nhà xuất bản X, người có các vị cố vấn chán Humbert đến mức họ chưa hề đọc được quá nửa cuốn sách, đã hồn nhiên biên cho tôi là Phần Hai
dài quá. Mặt khác, chủ nhà xuất bản Y lại lấy làm tiếc, rằng chẳng có ai tử tế trong cuốn sách.
Chủ nhà xuất bản Z bảo, nếu ông ta in Lolita, chắc
ông ta với tôi sẽ vào tù.
Không có nhà văn nào ở một quốc gia tự do lại cho rằng họ phải quan tâm đến ranh giới chính
xác giữa gợi cảm và gợi dục; đó là điều hết sức vô lý; tôi chỉ có thể ngưỡng mộ chứ không thể tranh đua về độ chính xác trong cách nhìn của những người tạo dáng các động vật hữu nhũ trẻ đẹp để chụp ảnh đăng lên tạp chí sao cho toàn bộ đường viền cổ áo chỉ vừa đủ thấp để khơi gợi một tiếng cười thầm của tay bưởng trưởng và vừa đủ cao để không làm ông bưu cục trưởng phải nhăn mặt. Tôi cho là, vẫn tồn tại những độc giả thấy hưng phấn với sự hiện diện các lời lẽ chợ búa trong các tiểu thuyết khổng lồ và sáo rỗng đến tuyệt vọng, những thứ được đánh máy bằng ngón tay cái của những kẻ tầm thường cương cứng và được đánh giá là “có ảnh hưởng lớn” và “nổi bật” bởi bọn phê bình bồi bút. Có những linh hồn lịch thiệp tuyên bố Lolita vô nghĩa do nó chẳng dạy họ được bất cứ điều gì. Tôi không phải độc giả mà cũng không phải nhà văn thể loại văn chương hư cấu ra vẻ mô phạm, và, bất chấp xác nhận của John Ray, Lolita chẳng có bài học nào đi cùng. Với tôi thì một tác
phẩm hư cấu chỉ tồn tại trong chừng mực nó cho tôi cái mà tôi sẽ gọi huỵch toẹt ra là khoái cảm thẩm mỹ, đó là cảm giác được — bằng cách nào đó, ở nơi nào đó — kết nối với những trạng thái khác của sự tồn tại, nơi nghệ thuật (tính hiếu kỳ, sự dịu dàng, lòng nhân hậu, niềm hoan lạc) là tiêu chuẩn. Không có nhiều cuốn sách như vậy. Tất cả những cuốn còn lại hoặc là lá cải thời thượng hoặc là những thứ vẫn được vài người cho là Văn Chương Ý Tưởng, những thứ mà trong rất nhiều trường hợp lại chính là lá cải thời thượng cô lại thành các khối thạch cao
khổng lồ được truyền cẩn thận từ đời này qua đời khác cho tới khi có người nào đó xông lên với cây búa và thử làm một choác
ra trò lên Balzac, lên Gorki, lên Mann.
Lời cáo buộc khác
mà vài độc giả áp đặt lên Lolita là nó chống Mỹ. Đây là cái làm tôi đau hơn nhiều so với lời buộc tội ngu ngốc về sự đồi bại. Những cân nhắc về độ sâu và viễn cảnh (một thảm cỏ ngoại thành, một thảo nguyên vùng
núi) khiến cho tôi dựng được một số bối cảnh Bắc Mỹ. Tôi cần một môi trường tạo
được sự phấn khích nhất định. Và chẳng có gì tạo được sự phấn khích nhiều hơn
thói thô bỉ phàm tục. Nhưng, liên quan đến thói thô bỉ phàm tục thì
không có sự khác biệt căn bản nào giữa phong tục tập quán của Cựu Thế Giới và Tân Thế Giới. Bất cứ người vô sản nào từ Chicago cũng có thể thành nhà tư sản (theo nghĩa của Flaubert), y như một công tước Anh. Tôi lựa chọn motel
Mỹ thay vì khách sạn Thụy Sỹ hoặc nhà trọ Anh chỉ vì tôi cố gắng trở thành một nhà văn Mỹ và chỉ đòi hỏi đúng những quyền lợi mà các nhà văn Mỹ khác vẫn được hưởng. Mặt khác, tạo vật Humbert của tôi là người nước ngoài và kẻ vô chính phủ, và có rất nhiều thứ, ngoài vấn đề nymphet, mà tôi không đồng ý với ông
ta. Và mọi độc giả Nga của tôi đều biết rằng các
cựu thế giới của tôi — Nga, Anh, Đức, Pháp — cũng kỳ quái và chủ quan hệt như tân thế giới của tôi.
Vì sợ rằng tuyên bố ngắn ngủn mà tôi đưa ra ở đây có vẻ như sự giãi bày những nỗi hận lòng nào đó, nên tôi buộc phải vội vã bổ sung rằng, ngoài những thằng chã
đọc bản đánh máy Lolita hoặc ấn bản Olympia Press của nó theo tinh thần “Sao ông ấy lại phải viết nó nhỉ?” hay “Sao tôi nên đọc về bọn
điên này nhỉ?” thì vẫn có không ít người, khôn ngoan, nhạy cảm, vững vàng, hiểu sách tôi tốt hơn nhiều so với tôi có thể giải thích cơ chế nội tại của nó tại đây.
Tôi dám nói rằng, mọi nhà văn nghiêm túc đều
nhận thức về ấn bản sách này hay ấn bản sách khác của ông ta như một sự hiện diện
ấm lòng thường trực. Ánh sáng dẫn đường của nó cháy đều ở nơi nào đó trong tầng
hầm và chỉ một đụng chạm khẽ khàng nhất tác động lên bộ ổn nhiệt bí mật của ông
ta sẽ lập tức làm ngấm ngầm bùng lên làn hơi ấm quen thuộc. Sự hiện diện này, ánh sáng rực rỡ này của cuốn sách, ở một chốn xa xôi bất cứ lúc nào cũng đến được, là
cảm giác vô cùng thân thiết, và cuốn sách
càng trùng khớp chính xác hơn với sắc
màu và đường viền được mường tượng trước của nó thì nó càng tỏa sáng rộng hơn và đều hơn. Nhưng thậm chí như vậy, thì vẫn có những nơi chốn nhất định, những con đường phụ, những thung lũng ưa thích, những nơi tác giả gợi nhớ lại một cách thiết tha hơn và thưởng thức một cách dịu dàng hơn phần còn lại trong cuốn sách của ông ta. Tôi không đọc lại Lolita từ khi
tôi sửa chữa xong bản in thử vào mùa xuân năm 1955, nhưng giờ đây
tôi thấy nó vẫn là một hiện diện dễ chịu như thể nó lặng lẽ lơ lửng quanh nhà tựa một ngày mùa hạ mà người ta biết chắc là ngời sáng sau sương mù. Vậy nên những khi tôi nghĩ
về Lolita, dường như tôi luôn lựa được cho khoái cảm đặc biệt của mình những
hình ảnh thí dụ như ngài Taxovich, hoặc tờ danh sách lớp của trường trung học Ramsdale ấy, hoặc Charlotte đang nói “không thấm nước,” hoặc Lolita, như trong những thước phim quay chậm, đang tiến về hướng các tặng phẩm của Humbert, hoặc những bức ảnh trang hoàng tầng áp mái được cách
điệu hóa của Gaston Godin, hoặc ông thợ cắt tóc ở Kasbeam (người làm tôi tốn mất một tháng làm việc), hoặc
Lolita đang chơi tennis, hoặc bệnh viện tại Elphinstone, hoặc Dolly Schiller nhợt nhạt, mang thai, đáng yêu, bất khả vãn hồi, đang hấp hối ở Gray Star (thủ đô cuốn
sách), hoặc những tiếng leng keng từ thị trấn dưới thung lũng vọng lên con đường đèo (mà trên đó tôi đã bắt được con
bướm cái đầu tiên thuộc giống Lycaeides sublivens
Nabokov). Đây là hệ thần kinh của tiểu thuyết. Đây là các điểm bí mật, các
tọa độ trong tiềm thức mà dựa trên chúng cuốn sách này đã được đồ nên — dẫu tôi nhận thức được rất rõ ràng rằng những cảnh này cảnh khác sẽ bị đọc lướt qua hoặc không để ý đến, hoặc thậm chí chẳng bao giờ được đụng đến, bởi những kẻ bắt đầu đọc cuốn sách dưới ấn tượng rằng nó là cái gì đó từa tựa như “Hồi Ký của một Kỹ Nữ” hoặc “Les Amours de Milord
Grosvit.” Việc cuốn tiểu thuyết của tôi có hàm chứa nhiều ám chỉ khác nhau đến ham muốn sinh
lý của một gã đồi trụy là hoàn toàn chính xác. Nhưng rốt cuộc thì tất cả chúng ta không phải trẻ con,
không phải các phạm nhân thất học vị thành niên, không phải các nam sinh trường nội trú Anh Quốc, những kẻ sau một đêm buông thả đồng tính
lại phải chịu đựng cảnh ngược đời là đọc các tác giả cổ điển trong những phiên bản đã bị sàng lọc.
Thật trẻ con nếu nghiên cứu một tác phẩm hư cấu để thu lượm tin tức về một quốc gia hoặc về một tầng lớp xã hội hoặc về tác giả. Tuy nhiên, một trong số rất ít bạn thân của tôi, sau khi đọc Lolita, đã tỏ ra lo lắng một cách chân thành rằng tôi (tôi!) đã phải sống “giữa những kẻ chán ngấy như vậy” — trong khi sự bất tiện duy nhất mà tôi thật sự phải trải qua là sống tại xưởng của mình giữa những cái chân cái tay bị vứt bỏ và phần thân dang dở.
Sau khi Olympia Press, ở Paris, xuất bản cuốn
sách, một nhà phê bình Mỹ đưa ra giả thuyết rằng Lolita là hồ sơ về chuyện tình
của tôi với truyện tình. Việc thay “Anh ngữ” vào chỗ “truyện tình” sẽ làm cho
công thức tao nhã này đúng hơn. Nhưng ở chỗ này, tôi thấy giọng mình đã lên tới
cao độ quá mức ghê tai. Chẳng ai trong số những người bạn Mỹ của tôi từng đọc
các cuốn sách tiếng Nga của tôi và vì vậy mọi đánh giá về sức mạnh trong các cuốn
tiếng Anh của tôi sẽ không thể minh bạch. Bi kịch cá nhân của tôi, cái không thể,
và quả thật không nên, trở thành mối quan tâm của bất cứ ai, là việc tôi phải từ
bỏ tiếng Nga, đặc ngữ tự nhiên, không bị hạn chế, giàu có, và vô cùng dễ sai
khiến của tôi để dùng thứ tiếng Anh hạng hai, thiếu vắng mọi món đạo cụ — gương
ngăn, phông màn nhung đen, truyền thống và các liên tưởng ngầm định — mà ảo thuật
gia bản xứ, vạt áo đuôi tôm tung bay, có thể dùng một cách diệu kỳ để vượt qua
được di sản cha ông theo lối của mình.