18 June 2012

Lời tựa

“Lolita, hay Bản thú tội của một ông góa da trắng”, là hai nhan đề mở đầu các trang bản thảo lạ thường mà người viết những lời này nhận được. “Humbert Humbert”, tác giả của chúng, đã qua đời trong trại tạm giam, do bệnh nghẽn mạch vành, hôm 16 tháng Mười Một năm 1952, vài ngày trước khi phiên tòa xét xử dự định diễn ra. Luật sư của ông ấy, thân bằng quyến thuộc của tôi, Ngài Clarence Choate Clark, hiện thuộc đoàn luật sư Đặc Khu Columbia, đề nghị tôi biên tập lại bản thảo này căn cứ vào một điều khoản trong chúc thư của thân chủ, điều khoản đó trao cho ông anh họ xuất chúng của tôi toàn quyền giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quá trình chuẩn bị “Lolita” để in. Quyết định của ngài Clark có lẽ chịu ảnh hưởng từ việc biên tập viên mà ông ấy chọn vừa nhận được giải thưởng Polling cho một nghiên cứu khiêm tốn (“Có thể đồng cảm với cảm xúc không?”) bàn về một số tình trạng bệnh lý và sự trụy lạc.

Nhiệm vụ của tôi tỏ ra dễ dàng hơn cả hai người chúng tôi lường trước. Ngoài việc chỉnh sửa các lỗi ngữ pháp dễ thấy và cẩn trọng lược bớt vài chi tiết dai dẳng mà mặc cho các nỗ lực của chính “H.H.” vẫn tồn tại trong nguyên bản như những biển báo và bia mộ (để lộ những nơi hay những người mà theo phép lịch sự nên che lại và lượng tình tha thứ), thì tập hồi ký khác thường này được trình lại y nguyên. Biệt danh kỳ quái của tác giả hồi ký là sáng chế của chính y; và, đương nhiên, cái mặt nạ này — mà qua nó, đôi mắt thôi miên của y tuồng như rực sáng — vẫn được giữ nguyên không cởi bỏ, đúng như mong muốn của người đeo nó. Mặc dù “Haze” chỉ ăn vần với họ thật của nhân vật nữ chính, nhưng tên riêng của cô ấy lại quyện với từng sợi xơ giấy sâu kín nhất trong sách đến mức không ai được phép thay đổi; và (như người đọc sẽ tự cảm nhận được) cũng không có lý do thiết thực nào để làm vậy. Ai hiếu kỳ có thể tra cứu những tài liệu nhắc đến tội ác của “H.H.” trong các tờ nhật báo hồi tháng Chín, tháng Mười năm 1952; căn nguyên và chủ định của nó hẳn sẽ vẫn cứ là điều hoàn toàn bí ẩn, nếu tập hồi ký này không được cho phép đến nằm dưới cây đèn đọc sách của tôi.

Nhằm giúp những độc giả nệ cổ có mong muốn dõi theo số phận những người “thực” ở bên kia câu chuyện “thật”, vài chi tiết có thể được đưa ra dựa theo những gì nhận được từ ông “Windmuller”, ở “Ramsdale”, người muốn danh tính mình được giữ kín đặng cho “chiếc bóng dài u ám của sự việc buồn thảm và bẩn thỉu này” không chạm đến cái cộng đồng mà ông tự hào được là thành viên. Con gái ông, “Louise”, hiện đang là nữ sinh năm thứ hai đại học. “Mona Dahl” là sinh viên ở Paris. “Rita” vừa lập gia đình với một ông chủ khách sạn ở Florida. Phu nhân “Richard F. Schiller” đã qua đời ngay trên giường đẻ, khi đang sinh một bé gái chết non, vào đúng ngày lễ Noel năm 1952, tại Gray Star, một khu dân cư vùng Tây Bắc vô cùng hẻo lánh. “Vivian Darkbloom” đã viết xong tiểu sử, “My Cue”, sẽ được xuất bản nay mai, và các nhà phê bình đã nghiền ngẫm bản thảo cho rằng nó là cuốn tuyệt nhất của bà. Những người chăm nom các nghĩa trang khác nhau có dính dáng tới vụ việc báo lại là không thấy hồn ma nào lảng vảng.

Nhìn đơn giản như một cuốn tiểu thuyết, thì “Lolita” xử lý những tình cảnh và những xúc cảm mà nếu bị làm nhạt nhòa đi bằng các thủ pháp tránh né nhàm chán thì sẽ khiến độc giả thấy mập mờ đến phát bực. Đúng là không một chữ khiêu dâm nào có thể được tìm thấy trong cả tác phẩm; kẻ mọi rợ vai u thịt bắp được các lề thói ngày nay dạy cho quen với việc chấp thuận không chút băn khoăn hàng loạt từ ngữ tục tĩu trắng trợn trong những tiểu thuyết ba xu, ắt sẽ kinh ngạc bởi sự vắng mặt của chúng ở nơi đây. Song, nếu người biên tập, vì chiều lòng kẻ đoan chính ngược đời này, phải tìm cách giảm bớt hoặc lược bỏ các cảnh mà loại trí tuệ nào đấy có thể cho là “kích dục” (liên quan đến việc này, hãy đọc phán quyết bất hủ được Ngài John M. Woolsey đưa ra ngày mùng 6 tháng Mười Hai năm 1933 về một quyển sách khác còn bộc tuệch hơn nhiều), thì sẽ phải thôi luôn việc xuất bản “Lolita”, bởi lẽ chính các cảnh mà ai đó có thể cẩu thả kết tội rằng tự chúng mang biểu hiện sắc dục, lại là những yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất trong tiến triển của một bi kịch kiên định hướng đến mục tiêu không gì khác hơn là tôn vinh luân lý. Kẻ yếm thế có thể bảo rằng thương phẩm khiêu dâm cũng đưa ra luận điệu y như thế; người hiểu biết có thể phản đối bằng cách quả quyết rằng bản thú tội sôi nổi của “H.H.” đơn thuần là trận siêu bão trong một ống nghiệm; rằng tối thiểu 12% đàn ông Mỹ  — ước tính “thận trọng” theo TS. Blanche Schwarzmann (thông báo bằng miệng) — vẫn tận hưởng hằng năm, bằng cách này hoặc cách khác, cái trải nghiệm đặc biệt mà “H.H.” miêu tả với sự tuyệt vọng đến vậy; rằng nếu người viết nhật ký loạn trí của ta, vào mùa hè tai hại năm 1947, đã tìm đến một nhà bệnh học tâm lý giỏi tay nghề, thì chắc sẽ chẳng có thảm họa nào xảy ra; nhưng nếu như thế, thì cũng sẽ không có cuốn sách này.

Người viết lời dẫn giải này mong được thứ lỗi về việc nhắc lại những gì đã từng được nhấn mạnh trong các cuốn sách và các bài thuyết trình của mình, ấy là “gớm ghiếc” thường chỉ là từ đồng nghĩa với “khác thường”, và kiệt tác nghệ thuật hiển nhiên là luôn luôn độc đáo, vì vậy, nó phải tạo được, bởi bản chất của mình, ít nhiều bất ngờ gây sốc. Tôi không có dự định ngợi ca “H.H.” Không nghi ngờ gì nữa, y kinh khủng, y đê tiện, y là tấm gương sáng ngời về bệnh phong hủi luân lý, là hỗn hợp của sự hung bạo và tính hài hước, những cái, có lẽ, đã để lộ ra nỗi thống khổ của y, nhưng không giúp thu hút được cảm tình. Y đồng bóng nặng. Nhiều quan điểm tùy tiện của y về người dân và cảnh vật của quốc gia này tỏ ra rất lố bịch. Sự chân thật tuyệt vọng đập suốt lời thú tội không miễn trách y khỏi những lầm lỗi xảo quyệt quỷ quái. Y không bình thường. Y chẳng phải người quân tử. Nhưng ma quái làm sao, cây violin ngân nga của y có thể gợi lên tính nhân hậu và lòng trắc ẩn dành cho Lolita, làm ta bị mê hoặc với cuốn sách mặc dù vẫn thấy ghê tởm chính tác giả của nó!

Là bệnh sử, chắc chắn “Lolita” sẽ trở thành tài liệu kinh điển trong giới tâm thần học. Là tác phẩm nghệ thuật, nó vượt lên trên các khía cạnh sám hối của mình; và điều quan trọng với chúng tôi còn hơn cả ý nghĩa khoa học và giá trị văn chương, là ảnh hưởng về mặt đạo đức của cuốn sách lên những độc giả nghiêm túc; bởi trong nghiên cứu riêng tư đắng cay này có ẩn náu một bài học phổ quát; đứa bé ương ngạnh, người mẹ ích kỉ, gã biến thái hổn hển khát dục, họ không chỉ là các nhân vật sinh động trong câu chuyện độc nhất vô nhị: họ báo chúng ta biết trước về những xu hướng nguy hại; họ vạch trần cái ác đang sung mãn. “Lolita” khiến cho tất cả chúng ta — các bậc cha mẹ, các nhà hoạt động xã hội, các nhà sư phạm — phải chuyên tâm, với tinh thần cảnh giác cao hơn và tầm nhìn xa rộng hơn, vào việc nuôi dưỡng một thế hệ tốt đẹp hơn trong một thế giới an toàn hơn.

Widworth, Mass.                                                                     Tiến sỹ John Ray, Jr.
5 tháng Tám năm 1955