25 May 2014

Nước xuất Mã của Lolita



Lolita nổi tiếng là một tác phẩm khó đọc và cực kỳ khó dịch, đến mức có thể nói rằng không có một dòng nào trong cuốn sách này không làm độc giả phải ngẫm nghĩ về dụng ý của tác giả cùng những liên tưởng ngầm định đến những nơi khác, cả nằm trong và nằm rất ngoài khuôn khổ cuốn sách. Tuy nhiên, vẫn có những chỗ đặc biệt khó hiểu, và theo kinh nghiệm của tôi thì chúng thường nằm ở đầu và cuối các chương. Nabokov rất thích dùng hình ảnh để minh họa cho dòng suy tưởng của mình, và cái khó khi đọc Lolita là các hình ảnh ấy không dễ hiểu với độc giả bình thường, do chúng thuộc về các lĩnh vực rất đa dạng mà không phải ai cũng am tường. 

Câu văn cuối chương 9 phần II Lolita có thể là một ví dụ tốt cho điều tôi viết trên đây: 

Một trong những ô vuông mắt cáo của cái cửa sổ nhỏ hai cánh giăng đầy mạng nhện tại chỗ ngoặt cầu thang được lắp kính màu ngọc đỏ, vết thương tươi rói này nằm giữa những hình chữ nhật không nhuộm màu và vị trí bất đối xứng của nó — một nước xuất Mã từ trên đỉnh, luôn làm tôi bất an lạ lùng.

Ngữ cảnh liên quan: Lolita lúc này đã có quan hệ với Quilty, nhưng Humbert vẫn chưa nghi ngờ gì. Một ngày nọ, Lo gọi điện nói sẽ về muộn và nhờ Humbert tiếp cô bạn Mona mà nàng hẹn đến nhà tập kịch. Mona và Humbert nói chuyện với nhau, và Humbert có cảm giác Mona đang tìm cách gạ gẫm mình, đúng lúc đó thì Lolita về nhà. Và Humbert để cho hai bạn gái ở lại với nhau, bước lên cầu thang. 

Để diễn tả tâm trạng bối rối của Humbert, Nabokov đã để cho ông ta mô tả ô cửa sổ mà ông ta đang nhìn thấy trên chỗ ngoặt cầu thang như một bàn cờ cách điệu, với một ô kính màu ngọc đỏ như vết thương tươi rói gợi hình ảnh một nước xuất Mã từ trên đỉnh. Nếu ai không chơi cờ Vua có lẽ sẽ thấy câu văn này khó hiểu, nhưng ai biết chơi môn cờ này sẽ hiểu cảm giác của Humbert. Trong cờ Vua, bàn cờ được chia thành 64 ô vuông khác màu, và quân Mã di chuyển khó lường nhất, theo một hình chữ nhật cạnh là 3x2 ô vuông, rất nhiều đòn phối hợp nguy hiểm và tuyệt đẹp trong cờ Vua có sự tham gia của quân Mã nhờ sự biến hóa trong nước đi của nó. Ngoài ra, trong cờ Vua, người chơi luôn tư duy theo chiều hướng quân đối thủ ở phía trên, phía bên kia bàn cờ, nên câu văn một nước xuất Mã từ trên đỉnhcòn gợi ý đến một nước ra quân Mã của đối phương, một nước đưa quân cờ tráo trở và khó lường nhất của họ vào cuộc chơi. Đó có lẽ cũng là tâm trạng của Humbert sau cuộc gặp với Mona. Phải chăng Lolita đã chớm có dấu hiệu phản bội, đã có những bước đi tráo trở đầu tiên trong cuộc tình giữa hai người? Ý nghĩ đó đâm vào lòng Humbert và để lại vết thương còn tươi rói. 

Thực ra, thế giới bên ngoài chỉ là hình ảnh phản chiếu những gì nằm trong chính nội tâm của người quan sát, thậm chí theo những người theo quan điểm duy tâm chủ quan cực đoan thì thế giới bên ngoài không tồn tại khách quan; và chỉ có chủ thể có ý thức là hiện thực không nghi ngờ gì, còn lại tất cả chỉ tồn tại trong ý thức của chủ thể đó mà thôi. Cách viết của Nabokov trong Lolita luôn bám theo quan điểm ấy, nên nhiều đoạn văn ngắn trong Lolita, mặc dù nhìn có vẻ không liên quan đến tác phẩm, nhưng nếu người dịch không hiểu nhân vật và không có đủ kiến thức về hình ảnh mà Nabokov sử dụng, thì sẽ dịch sai hoàn toàn. Có thể đoạn dịch sai ấy không làm độc giả hiểu sai về tác phẩm, nhưng sẽ tầm thường hóa nó, biến nó thành một câu chuyện rẻ tiền về một mối quan hệ ấu dâm mà thôi. 

19 May 2014

Tôi Yêu Cô



Pushkin

Thiên Lương dịch

Tôi yêu cô: dường như, tình yêu ấy
Trong lòng tôi chưa hẳn đã nguôi ngoai;
Nhưng mong sao nó không phiền cô nữa
Tôi nào muốn cô buồn mãi những một mai
Tôi yêu cô âm thầm, vô vọng
Lúc rụt rè, khi ghen quặn lòng đau;
Tôi yêu cô chân thành, cẩn trọng
Cầu cho cô được vậy với người sau.

BẢN GỐC:

Я вас любил

Александр Сергеевич Пушкин (1799—1837)

Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам бог любимой быть другим.

1829