6 June 2015
Tìm Vàng từ Chiếc Loa Rác
Dường như có quá nhiều người quan tâm đến vụ chị bán ve chai Sài Gòn tìm được 5 triệu yên trong chiếc loa cũ và sau khi bị những người xung quanh tranh cướp tiền đã nộp lại cho công an. Có thể thấy đám đông đang mong chờ một kết thúc “cổ tích” là sau một năm thông báo mà không có ai đứng ra nhận, thì chị sẽ lấy được số tiền đó, hoặc, đúng hơn là, một phần của nó, hình như 50% sau khi trừ các chi phí liên quan, theo quy định của pháp luật VN.
Mong muốn ấy hiển nhiên phần nào thể hiện một mơ ước thầm kín nào đó của đám đông – chẳng hạn như đổi đời nhờ ông chú bên Mỹ, ông bác bên Nga, hoặc trúng số độc đắc, và ở trường hợp riêng này đã vật chất hóa thành chiếc loa cũ với kho tiền Nhật bên trong. Toàn bộ những thứ này kết hợp với hình ảnh mang tính biểu tượng của một nhân vật nghèo khổ có giới tính nữ chắc chắn đã gợi lên những chuỗi hình ảnh liên tưởng, và quả là một kịch bản hoàn hảo không chỉ cho báo chí, facebook, mà còn cho nhiều loại hình nghệ thuật khác nữa.
Tuy nhiên, hạnh phúc, như Nam Cao từng viết, là cái chăn hẹp, bên này co thì bên khác hở. Số tiền 5 triệu yên ấy hẳn là phải thuộc về một ai đó, và căn cứ theo loại tiền cũng như nơi cất giấu nó, thì có thể suy đoán rằng nó thực ra đã đến từ Nhật Bản, một quốc gia mà người dân có thói quen giấu tiền ở nhà, do lãi suất quá thấp và do sau đợt vỡ bong bóng tài sản vào thập niên 1990, Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) đã bãi bỏ một phần chính sách bảo hiểm tiền gửi. Năm ngoái, ngài Taro Aso, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật, từng thu hút sự chú ý của dư luận khi tuyên bố người Nhật đang “ngồi trên” 880 tỷ Yên, tương đương 7,33 nghìn tỷ USD, tiền mặt. Báo chí Nhật khi đó đưa tin rằng người dân nước này đang cất giữ số tiền khổng lồ ấy “dưới đệm”. Hoặc, nói một cách hình tượng hơn, “trong loa”.
Rất có thể đã có một người Nhật nào đó tích góp số tiền tiết kiệm của mình trong một chiếc hộp, rồi giấu nó vào trong một chiếc loa cũ. Rồi sau này do sơ suất, do đãng trí, hoặc do người thân không biết, chiếc loa này đã được quăng ra bãi rác điện tử, rồi được nhập về VN qua những con đường khác nhau, chẳng hạn qua Căm Pu Chia, nơi dân buôn đồ điện tử cũ rất ưa chuộng. Người Nhật đó có thể là một người nghèo, một phụ nữ lao động chân tay, đã dành dụm nó cho tuổi già của mình, hoặc cho con cháu mình.
Khó tin là người giàu lại giấu tiền trong một chiếc loa cũ, và cũng khó tin là một người VN lại giấu tiền yên của Nhật như vậy. Tiền yên không phải là loại tiền được ưa chuộng để cất giữ như một tài sản ở VN, và cũng hiếm ai chôn tiền trong nhà ở một đất nước có lãi suất ngân hàng rất cao và thị trường bất động sản tăng giá ổn định như chúng ta.
Đến đây, bỗng nhiên người viết những dòng này có một giấc mơ nhỏ. Tại sao, thay vì vui sướng với việc lượm được tiền người khác, chúng ta không thử thật tâm cố gắng tìm chủ sở hữu của nó, chẳng hạn bằng cách chụp và thông tin chi tiết các thông số kỹ thuật của chiếc loa cũ, chiếc hộp đựng tiền, số tiền trong hộp, cho dư luận Nhật biết để tìm chủ nhân đích thực của nó. Đúng là số tiền 5 triệu yên không lớn với một quốc gia giàu có như Nhật Bản, và cũng không phải tài sản lớn ở một quốc gia có phi công buôn lậu hàng cân vàng như chúng ta; nhưng, có những thứ không thể đo bằng tiền. Người ta có thể dựng tượng một chú chó vì nó chờ chủ nhiều năm ở ga tàu, chứ chưa chắc người ta đã dựng tượng một tỷ phú hãnh tiến nào đó.
Mặc dù với công nghệ hiện đại thì việc tìm chủ nhân cũ của một chiếc loa không phải là việc quá khó khăn, nhưng rất có thể việc tìm kiếm đó sẽ vô ích do chính chủ nhân chiếc loa đã qua đời hoặc mất trí nhớ, tuy nhiên nó cũng không tốn kém gì nhiều, và đặc biệt là, trong bối cảnh người Việt đang mang tiếng xấu ở Nhật và nước ngoài sau hàng loạt vụ buôn lậu, ăn cắp, và phạm các tội khác, thì các nỗ lực vì một số tiền nhỏ nhoi ấy biết đâu lại mang được những thay đổi đáng kể trong nhận thức của người nước ngoài về chúng ta. Dẫu sao thì các nỗ lực ấy cũng đáng để người ta bỏ công sức vào hơn là đứng ngoài vui mừng hò reo vì thấy có ai đó bỏ túi được tiền người khác làm mất.
Hẳn có người sẽ nói, như vậy thì chị ve chai quá thiệt thòi. Vâng, đúng là không nên phong thánh cho một chị ve chai. Khó có thể bắt một người nghèo như chị ấy phải hy sinh mấy trăm triệu đồng gần như đã nằm trong túi cho một giấc mơ viển vông mang tầm vĩ mô nào đó. Nhưng nếu như có nhiều người cùng mơ một giấc mơ lớn hơn cái loa cũ đôi chút, với viễn cảnh về một người nghèo nào đó ở một đất nước xa xôi nhận lại được chiếc loa giấu số tiền chắt bóp của mình, và nhờ đó mà ít nhất là người ấy và thân bằng quyến thuộc của họ có những suy nghĩ tốt hơn về người Việt, thì việc quyên góp vài trăm triệu để mua lại chiếc loa cũ đó từ chị ve chai chỉ là một chuyện quá nhỏ, ngang vài trang quảng cáo trên các tờ báo lớn của VN mà thôi.
Cho đến giờ, đất nước chúng ta vẫn mang cái tiếng là nơi tiêu thụ đồ cũ, là bãi rác công nghệ của thế giới, và là nơi vẫn phải ngửa tay nhận tiền giúp đỡ từ nước ngoài. Rồi chúng ta sẽ phải thoát ra khỏi được cảnh này, nhưng, có lẽ, nếu có tâm thế của những người tự trọng cùng tấm lòng nhân hậu với ước mơ xây dựng và bảo vệ tương lai bằng chính bàn tay mình, thì ngày đó sẽ đến sớm hơn. Và nói cho cùng, thì nếu ta có làm điều thiện nào đó, thì cũng vì chính mình và con cái của mình mà thôi.
Subscribe to:
Posts (Atom)