24 August 2017

Cách đọc trang đầu chương 2 phần 1 Lolita



Hôm nay tôi nói tiếp về cách đọc trang đầu chương 2 của Lolita. Như đã nói ở phần trước về chương 1, Nabokov viết Lolita với rất nhiều liên kết siêu văn bản nên người đọc bình thường sẽ rất khó khăn mới hiểu được trọn nghĩa câu văn. Kể cả người đọc đó có là người Mỹ chẳng nữa cũng không dễ hiểu hết ý ông ấy.



Chương 2 bắt đầu bằng câu văn đơn giản nhưng cũng dễ bị dịch ngu. Lưu ý về cách dùng từ: món xa-lát, gốc gác pha trộn, hòa chút dòng... Nếu lựa sai tổ hợp từ thì câu văn sẽ yếu đi nhiều. Lỗi dịch này dân viết lách nghiệp dư hay mắc, kiểu như viết: "Anh bộ đội bị thương hai chỗ, một ở mông, một ở đèo Khế"

Đoạn dịch "Cha và hai ông của cha tôi...., theo thứ tự tương ứng" mặc dù có thể dịch dễ đọc hơn thành chẳng hạn "cha tôi buôn rượu vang, cụ nội tôi buôn đá quý, cụ ngoại buôn tơ...", và không sai về nghĩa lại có vẻ thuần Việt hơn, nhưng thực ra dịch thế rất ngu, vì làm sai dụng ý của Nabokov về chuyện Humbert là dân Mỹ gốc châu Âu, và với y thì quá khứ là gì đó rất mịt mù, tăm tối, chẳng ấn tượng gì cho lắm, và y cũng chẳng buồn nhớ đến làm gì. Nhắc đến cha ông chẳng qua câu chuyện làm quà, chứ thực ra chả quan trọng. Quan trọng là chính những điều này tạo nên con người Humbert, và phần nào giải thích cho câu chuyện đằng sau.

Không ngẫu nhiên mà Nabokov lặp lại câu "theo thứ tự tương ứng" này hai lần. Nên nhớ Nabokov là nhà văn không bao giờ viết cái gì thừa.

Nếu dịch kiểu nôm na mách qué như tôi nói ở trên và cũng có kẻ đã làm thật rồi (còn in thành sách đem bán mới kinh) thì không còn là dịch văn chương nữa mà là dịch hướng dẫn sử dụng bao cao su hay nồi cơm điện rồi.

Đoạn văn này còn có một cụm từ lạ tai nữa là "hơi ấm tơ lông, lũ muỗi ánh vàng". Bốn chữ đầu liên quan đến văn hóa Tây và tuổi thơ Humbert, khi người ta nhớ về lúc còn nhỏ, được mẹ quấn trong chiếc khăn lông và để nằm trong phòng ấm trước lò sưởi giữa mùa đông băng giá, đó là những ấn tượng rất sâu đậm với y. Bốn chữ sau liên quan đến một bài luận của Lewis Caroll (tác giả kiệt tác "Alice ở thế giới kỳ diệu"), trong đó ông ấy nhắc đến những con muỗi chỉ sống được một ngày, và ký ức Humbert tựa như lũ muỗi ấy trong chiều vàng, chúng rất mong manh, sắp tàn lụi ngay bây giờ. Lưu ý sự liên kết của cả đoạn văn rất chặt chẽ và lô-gích.

Đây cũng là câu văn tuyệt đẹp, được đánh giá cực kỳ cao trong văn chương Anh ngữ, dịch không khéo là tè le tét lét hết.

Đoạn cuối trang thì dễ hiểu, không có gì để nói, tuy cũng có vài từ liên quan đến Kinh Thánh, nhưng thôi tôi không muốn đi quá xa.