10 October 2017

Pnin của Nabokov: Biết thua trong danh dự!

Là con trai của một chính trị gia giàu có của nước Nga Sa Hoàng, Nabokov quen sống trong nhung lụa từ nhỏ, và nếu không có cách mạng Nga, thì ông có lẽ sẽ được thừa hưởng số tài sản trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ. (Thực tế thì khu bất động sản ông đã được thừa kế trước khi phải rời bỏ nước Nga, hiện nay có giá khoảng 200 triệu đô la Mỹ).


Cuộc cách mạng vĩ đại diễn ra cách đây đúng 100 năm đã tước đoạt của Nabokov rất nhiều thứ, và trong các tác phẩm của ông luôn có những chi tiết nhắc đến nước Nga hiện đại với những ám ảnh khó quên, chẳng hạn theo Nabokov, trong cuốn Pnin, thì dân lưu vong Nga là:
"...một xã hội tha hương mà trong suốt một phần ba thế kỷ hưng thịnh hầu như vẫn vô danh với giới trí thức Mỹ, những kẻ mà với họ thì ý niệm về sự di cư của dân Nga được dựng lên bởi sự tinh khôn của hệ thống tuyên truyền Xô-viết thành một đám đông mơ hồ và hoàn toàn hư cấu gồm toàn những cái gọi là bọn Tờ-rốt-kít (dẫu có là ai), bọn phản động phá sản, bọn Chê-ka cải tạo hoặc cải trang, các quý bà có tước vị, các linh mục chuyên nghiệp, chủ nhà hàng, và các nhóm quân Bạch Vệ, tất cả những kẻ này chẳng có chút ý nghĩa nào về mặt văn hóa."
Không thể nói Nabokov có thiện cảm với chính quyền Xô-viết, tuy nhiên, là một nhà quý tộc được giáo dục tốt, ông nhìn nhận về cuộc cách mạng đó cũng như một cuộc đấu súng mà rốt cuộc cũng phải có kẻ thắng người thua, vấn đề là anh biết thua trong danh dự hay không. 
Có lẽ đó cũng là sự khác biệt của một người lưu vong quý tộc với những kẻ lưu vong thiếu văn hoá, không biết thua cuộc trong danh dự, và mãi mãi ôm lòng hận thù với quê hương, dù chính họ cũng chẳng bao giờ tìm được sự bình yên nơi đất khách!