Mặc dù cái gọi là giới trí thức Việt Nam đang bất đồng ý kiến đến mức cực đoan về tấm ảnh một đạo diễn và một cô hoa hậu ngồi lên những chiếc ghế được kê chân lên đống sách, nhưng thật ra vấn đề này đã được Marx nhắc đến trong bộ Tư Bản, và thậm chí ngày nay còn được coi là một trong những khái niệm trung tâm của chủ nghĩa Marx, đó chính là chứng bái vật giáo.
Hình ảnh Lê Hoàng - Triệu Thị Hà ngồi lên sách bị 'ném đá' trên mạng - Ảnh: T.L
Từ bái vật giáo hàng hóa
Thuật ngữ “bái vật” được dùng để chỉ hiện tượng mà một vật nào đó, đặc biệt là một vật do con người tạo ra, được người ta cho rằng có sức mạnh phi thường và có quyền lực mạnh hơn các vật khác. Về cơ bản, bái vật (fetishism) là việc gán cho một vật vô tri vô giác nào đó có giá trị hay có sức mạnh đặc biệt mang tính biểu tượng. Vật đó có thể là một bức tượng, một chiếc đồng hồ, một cái xe hơi, một ngôi nhà, hay thậm chí đơn giản là một cuốn sách.
Theo Marx, trong xã hội tư bản chủ nghĩa, con người giao tiếp với nhau thông qua hàng hóa, hầu hết các mối quan hệ dựa trên sự trao đổi hàng hóa (bao gồm sức lao động và thời gian), và điều này đưa đến hậu quả tất yếu là con người đánh giá nhau qua hàng hóa, hàng hóa trở thành đại diện cho con người, và đến một lúc nào đó, con người sẽ tha hóa đến mức sùng bái hàng hóa, gán cho chúng những sức mạnh và giá trị tinh thần mà chúng hoàn toàn không sở hữu.
Có thể đáng tiếc, có thể không, nhưng cho đến ngày nay, quan điểm này của Marx vẫn hoàn toàn chính xác!
Cho đến sai lạc tình dục
Sigmund Freud (6 May 1856 – 23 September 1939)
Ngoài ra, Sigmund Freud cũng sử dụng thuật ngữ "bái vật" để mô tả một hình thái sai lạc tình dục, khi đối tượng tình cảm là đồ vật vô tri giác hay bộ phận cụ thể nào đó trên cơ thể. Các nhà tâm lý hiện đại cho rằng chứng bái vật vừa bắt nguồn từ điều kiện môi trường hay hệ quả của những trải nghiệm gây cảm xúc mạnh để lại dấu vết trong não (tức các chấn thương tâm lý), nhưng cũng có thể do các yếu tố thể chất như cấu trúc não và di truyền. Chẳng hạn như một người từ bé đã thấy cảnh bố mẹ làm tình trên những cuốn sách, thì sau này, một cách vô thức, sẽ cảm nhận được khoái lạc khi nhìn thấy sách.
Bái vật trong tình dục là trạng thái phải được nhìn thấy, được sờ mó, hôn hít một vật nào đó thuộc nhiều loại khác nhau thì mới tạo được khoái cảm. Về cơ bản, bái vật là một sai lạc về đối tượng, lấy một bộ phận ra để thay thế cái toàn thể, ví dụ có nhiều nam giới bị kích thích tình dục với giày của phụ nữ. Vật càng gần cơ quan sinh dục nữ càng dễ gây kích thích, vì thế đồ lót của phụ nữ là thứ rất gây kích động cho nam giới. Như vậy, hình ảnh những cuốn sách bị phụ nữ ngồi lên sẽ có thể gây khoái cảm đặc biệt cho một số bệnh nhân nam giới, do chúng ở vị trí gần với các cơ quan sinh dục nữ nhất, như chúng ta đã thấy trong trường hợp nổi tiếng được nhắc đến ở đầu bài viết này.
Điều trị
Có nhiều liệu pháp đã từng được áp dụng để điều trị căn bệnh lệch lạc tâm lý này, ví dụ như liệu pháp tạo ra điều kiện để kinh sợ: cho người bệnh đối diện với vật được yêu thích và ngay khi họ phát sinh hứng khởi tình dục thì bị ngay một kích thích khó chịu hay đau đớn. Trước đây người ta đã dùng những kích thích đau đớn như choáng điện là điều kiện để gây kinh sợ. Giả dụ như chúng ta có thể cho người bệnh ngồi trước một màn hình có chạy nhiều hình ảnh khác nhau, mỗi khi có cuốn sách nào chạy qua thì ghế sẽ phát ra dòng điện đủ mạnh để bệnh nhân đau đớn, hoặc thậm chí tiết ra một số dung dịch bay hơi có mùi khó chịu để bệnh nhân cảm thấy kinh sợ.
Nhưng để chữa căn bệnh tận gốc, thì phải tìm cách cho bệnh nhân nhận thức được sự khác biệt giữa hàng hóa và con người nói riêng cũng như các giá trị tinh thần nói chung. Và mặc dù có lý thuyết cho rằng cấu trúc bộ não là căn nguyên của chứng bái vật giáo, nhưng điều đó chưa bao giờ được chứng minh. Và Marx vẫn đặt niềm tin vào một hình thái xã hội mà ở đó quan hệ giữa con người không chỉ còn là quan hệ hàng hóa.
Còn chúng ta, trong khi chờ đợi giấc mơ của Marx thành hiện thực, thì ít nhất cũng đừng để mình thành một bệnh nhân của ông bác sĩ thành Viên kia!
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140712/tu-chuyen-le-hoang-ngoi-len-sach-den-lech-lac-tam-ly-can-dieu-tri.aspx