6 February 2015

Đọc không thông mà dịch rất thạo! (Nụ hôn chậm rãi mơ màng như cánh hoa)


Một số dịch giả "gạo cội" ở Việt Nam vẫn lên giọng với lớp trẻ là khi dịch phải dùng một thứ tiếng Việt dễ hiểu, thuần Việt, và tự khen lẫn nhau là thời mình thì dịch giả đều có một thứ tiếng Việt rất "nghệ sỹ". Một lần nữa, xin thưa là dịch cho "thoát", cho "dễ", cho "trong sáng", đôi khi chỉ để quý vị che dấu sự dốt nát và lười nghiên cứu ngôn ngữ của mình mà thôi. Không thể nào có một trí thức hay một nhà quý tộc Mỹ, Anh, Pháp mà lại nói bằng cái ngôn ngữ để cho người nông dân trong Chí Phèo hiểu thun thút được. Và nhiều khi do không hiểu tiếng Anh, nên quý vị đã phăng câu văn gốc đi một nghĩa khác hẳn, rồi tự mơn trớn nhau rằng thế mới là dịch nghệ sỹ, là phù thủy ngôn ngữ, là "đồng tác giả".



Xin đưa một trong vô vàn ví dụ về việc hiểu sai tiếng Anh rồi bịa ra một câu tiếng Việt rất mượt mà nhưng vừa vô nghĩa vừa chẳng liên quan gì đến bản gốc trong bản dịch Lolita của Dương Tường:

Bản gốc tiếng Anh:

The oddly prepubescent curve of her back, her ricey skin, her slow languorous columbine kisses kept me from mischief. It is not the artistic aptitudes that are secondary sexual characters as some shams and shamans have said; it is the other way around: sex is but the ancilla of art.

Khoan nói đến những chỗ khác, hãy nhìn vào cụm từ "columbine kisses" mà cụ Dương Tường dịch bay bướm thành: "mơ màng như cánh hoa"! Nghe hay đúng không, và tại sao lại dịch thế nhỉ, chắc hẳn do cụ tra từ điển Anh-Việt thấy rằng: Columbine là "Một loại cây có cánh hoa mỏng nhọn". Bí quá cụ phăng ra thành thế. Tuy nhiên, thưa cụ, columbine chỉ có nghĩa là "Một loại cây có cánh hoa mỏng nhọn" khi nó là danh từ, còn khi là tính từ như ở chỗ nảy, thì nghĩa của nó là: "of, relating to, or resembling a dove". Tức là, thưa cụ, nó chỉ những thứ thuộc về, có liên quan đến, hay là tương tự như chim bồ câu. Cụm từ "Columbine Kiss" có nghĩa gần như "French Kiss". Và ý Nabokov ở đây nói như vậy về nụ hôn sâu của nàng Rita, chứ nó không có họ hàng gì với cánh hoa như cụ nghĩ!

Vô cùng nhiều chỗ hiểu sai ngữ pháp, hiểu sai nghĩa, nhầm tính từ qua danh từ động từ trong bản dịch Lolita của Dương Tường, mà trong khuôn khổ của một bài viết không thể nào liệt kê ra. Bài viết này chỉ là một trong chuỗi bài phân tích các thể loại lỗi trong bản dịch Lolita của Dương Tường mà thôi. Chỉ xin góp ý quý vị là tiêu chuẩn chất lượng đầu tiên của dịch phẩm là sự chính xác, là chữ Tín, ai dịch cũng có thể sai, nhưng sai đến mức nào đó thì nên bỏ bút đi làm nghề nào ít cần đến kỹ năng đọc hiểu cả tiếng Anh cả tiếng mẹ đẻ như nghề dịch