25 August 2015

Câu chuyện về người thừa kế di sản James Joyce

Biên soạn từ nhiều nguồn.

Vào đêm tất niên 2012, Twitter feed của trang web Ubu, nơi lưu dữ liệu của các nghệ sĩ tiên phong, đã đăng đường dẫn đến một bài báo trên tờ The Irish Times về việc hết hạn bản quyền ở châu Âu với các tác phẩm của James Joyce, nhà văn vĩ đại người gốc Ireland, tác giả kiệt tác Ulysses.

James Joyce

Đường dẫn đi cùng một thông điệp cộc lốc gửi tới cháu nội và cũng là người thừa kế duy nhất còn sống của Joyce: “Mẹ mày, Stephen Joyce bản quyền các tác phẩm của James Joyce tại EU chấm dứt giữa đêm nay”. Trong khi ngôn từ có thể cộc lốc một cách bất thường thì cảm xúc mà nó biểu lộ lại rất phổ biến.

Hành trình thành công sản của các tác phẩm chính của Joyce đã được tuyên truyền gần như khắp nơi, như thể nó là phiên bản sách về sự hủy diệt của một vì sao chết trong bộ phim Star Wars, với Stephen Joyce vào vai một tay Darth Vader trí thức nào đó bỗng nhiên không còn ở vị trí thở hồng hộc vào gáy những kẻ phiến loạn mê Joyce nữa.

Cuộc chiến bản quyền

Stephen Joyce, cháu nội của James Joyce (1882-1941), từ giữa những năm 1990 đã nắm quyền lực tối cao với một trong những di sản văn chương hiếu chiến và bế tắc nhất nhân loại (có lẽ chỉ có thể so bì với Paul, con trai của Louis Zukofsky, cho danh hiệu người thực hiện di chúc cứng rắn nhất thế giới văn chương).

Các học giả bị yêu cầu phải thanh toán các khoản phí bản quyền cắt cổ, và thường xuyên bị từ chối thẳng thừng quyền trích dẫn bất cứ thứ gì từ các tác phẩm của Joyce. Những toan tính sáng tạo các phóng tác theo Ulysses, Finnegans Wake, Dubliners, hay A portrait of the artist as a young man, hoặc những buổi đọc công cộng các cuốn sách này được điều đình với thái độ ngờ vực và thù địch.

Trong một bài báo năm 2006 trên tờ The NewYorker, D. T. Max đã xem xét mối quan hệ quá đỗi khó chịu giữa Stephen và những người hâm mộ Joyce. Max viết về việc Stephen, tại một hội nghị chuyên đề năm 1988 ở Venice nhân “ngày hội Bloom”, đã tuyên bố rằng ông ta đã “hủy mọi lá thư mà bà dì Lucia của ông ta [và cũng là cô con gái gây phiền muộn của James Joyce] viết cho ông và vợ ông” và rằng ông ta đã “làm điều tương tự với các bưu thiếp và điện tín gửi đến Lucia từ Samuel Beckett, người đã dan díu với bà hồi những năm 1920”.

Ulysses

Những người hâm mộ James Joyce tổ chức lễ hội mang tên Bloom, nhân vật chính trong Ulysses, vào ngày 16-6 hằng năm. Năm 2004, kế hoạch tổ chức đợt đọc sách nơi công cộng với các trích đoạn từ Ulysses để kỷ niệm 100 năm ngày hội Bloom ở Dublin đã bị hủy bỏ, sau khi Stephen hăm dọa chính quyền Ireland rằng họ vi phạm bản quyền di sản. Thèm muốn phá rối của Stephen thật lố bịch và dường như không bao giờ có thể được thỏa mãn.

Nhằm mục đích vinh danh đại văn hào, Thư viện Quốc gia Ireland mở một khu mới để trưng bày nhiều tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp James Joyce, bao gồm các chứng liệu, bản thảo, thư từ trao đổi giữa Joyce với người thân, bạn bè, nhà xuất bản, độc giả, vợ - kể cả những lá thư hoàn toàn riêng tư chứa đầy từ ngữ tục tĩu viết riêng cho vợ - và đặc biệt là, lần đầu tiên, bản thảo gốc của Ulysses được trưng bày.

Stephen đã cảnh cáo Thư viện Quốc gia Ireland rằng kế hoạch trưng bày bản thảo của ông nội là vi phạm bản quyền. (Thượng viện Ireland phải thông qua một điều luật bổ sung khẩn cấp để ngăn cản ông ta).

Sự phản kháng của Stephen đã làm cho Abbey Theatre phải hủy một buổi diễn vở Exiles của Joyce, và ông ta tuyên bố với Adam Harvey, một nghệ sĩ trình diễn đã thuộc lòng một phần Finnegans Wake với mong muốn thuật lại được chúng trên sân khấu, rằng anh ta “đã vi phạm” bản quyền di sản. Harvey sau này đã phát hiện ra rằng, theo luật Anh, Joyce chẳng có quyền dừng buổi biểu diễn của anh.

Cơ hội mới cho James Joyce

Người ta cho rằng các học giả chuyên nghiên cứu về Joyce sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn công chúng bởi những phô trương quyền lực thô bạo với di sản. Sam Slote, hiện đang dạy văn học Anh ở Trinity College Dublin, và cũng là một nhân vật xuất chúng trong lĩnh vực nghiên cứu về Joyce, chỉ ra rằng vẫn chưa rõ tình trạng của các ấn bản ra đời sau khi tác giả chết - chẳng hạn các bức thư và bản thảo, cũng như Stephen hero (một tiểu thuyết tự truyện dang dở mà Joyce sửa tận gốc như A Portrait) và Giacomo Joyce sẽ như thế nào.

Sean Latham, giáo sư tiếng Anh tại Đại học Tulsa, chủ bút “James Joyce tam cá nguyệt san”, cũng đồng quan điểm rằng đây là một cột mốc quan trọng, nhưng không báo hiệu “một thời kỳ phục hưng sôi nổi trong việc nghiên cứu Joyce. Chúng ta đã phục hưng việc này hàng thập kỷ rồi.

Sự thật là các tác phẩm chưa công bố - đáng kể nhất trong đó là các lá thư của Joyce - giờ đã hết bản quyền ở Mỹ, và dẫu sao thì cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn đến tiểu sử ông ấy. Tôi đã biết rằng đang có vài dự án lên kế hoạch in ấn những lá thư này. Hiện nay chúng tôi đã có ba tập thư từ. Một dự án đã hoàn tất. Nhiều dự án đang triển khai.

Có những lá thư mà Stephen cương quyết từ chối công bố nên việc in ấn chúng sẽ thật sự quan trọng. Chúng ta sẽ có đủ loại chuyện mà cuối cùng chúng ta sẽ được phép kể về Joyce và cuộc đời ông ấy, những chuyện trước giờ chúng ta chưa thể kể”.

Ngay sau khi hết thời hạn bản quyền, các tác phẩm của James Joyce nhanh chóng xuất hiện với các ấn bản mới, các tuyển tập mới và các bản dịch mới. Sean nhắc đến các bản in mới của Finnegans Wake, Ulysses, A Portrait và Dubliners. Bản Ulysses tiếng ý sắp được in và Sam Slote đang chuẩn bị cho một phiên bản chú giải cặn kẽ về cuốn tiểu thuyết này.

Chắc chắn cũng có khá nhiều nhà xuất bản yếu kém và cơ hội sẽ lợi dụng tình trạng công hữu của các tác phẩm. Sam cho xem một bộ sưu tập đặc biệt gớm guốc - một hộp bọc giả da màu lục có nắp đậy, chứa vài tập sách nhỏ của Joyce cũng bọc da giả. Ulysses được in thành ba tập, và để cho các tập có kích thước bằng nhau, nhà sách đã chuyển chương dài nhất, Circe, vào một nơi khác hẳn trong cuốn sách.

Trong hộp còn chứa một thứ gì đó được gọi là “Tinh tuyển truyện ngắn”, mà hóa ra chính là Dubliners với các truyện ngắn được sắp xếp lại, một cách ngu ngốc, theo thứ tự bảng chữ cái. Chẳng có gì ngạc nhiên là Stephen Joyce đã trấn áp những thứ này một cách hung ác. “Tôi biết ít nhất là một người - Sam nói - đã mua hai cuốn này, một cuốn được ông ta giữ nguyên đai nguyên kiện do cho rằng chúng sẽ lên giá. Nhưng ta sẽ còn được thấy cả đống sách tương tự thế này”.

Sean Latham đồng ý rằng các ấn bản sách của Joyce sẽ không còn được quản lý chất lượng tốt như trước nữa, nhưng không cho rằng đó là một diễn biến tệ hại, và vạch ra rằng chẳng ai còn quan tâm mấy đến việc có rất nhiều ấn bản sách của Dicken và Shakespeare nữa.

Ngay Ulysses, kiệt tác quan trọng nhất của James Joyce, cuốn sách đứng đầu hàng loạt bảng xếp hạng các tiểu thuyết vĩ đại nhất của nhân loại, cũng có một lịch sử xuất bản lạ lùng. Ấn bản đầu tiên của nó xuất hiện vào năm 1922 tại Paris hiển nhiên là có cực nhiều sai sót, đó là điều không cần phải bàn cãi. Trước đấy, khi còn được đăng từng kỳ trên The Little Review, nhiều phiên bản của tác phẩm đã phải qua nhiều tay và tùy vào sở thích, ý đồ riêng của biên tập viên mà tác phẩm bị cắt xén, bị giản lược, hoặc sửa.

Trong thời gian này, Joyce tiếp tục biên tập, thêm thắt nhiều chi tiết khác vào tác phẩm. Do đó, giữa các văn bản có sự khác biệt đáng kể. Chính Joyce lúc còn sống cũng không khẳng định phiên bản nào đúng. Hậu quả là không có ấn bản nào được xem là thật sự hoàn hảo, khiến cho tác phẩm mãi là đề tài tranh cãi bất tận giữa các học giả.

Mặc dù vô cùng khó đọc, dài khoảng 265.000 từ và sử dụng từ vựng tới 30.300 từ, Ulysses vẫn được đánh giá rất cao. Năm 1998, một hội đồng tuyển chọn gồm 10 người - đa số là người Mỹ - của New York Modern Library, một nhà xuất bản thuộc Random House, đã cùng nhau chọn danh sách 100 tác phẩm viết bằng tiếng Anh có giá trị nhất của thế kỷ 20.

Joyce có hai tác phẩm được chọn: Ulysses đứng đầu bảng và A portrait of the artist as a young man hạng ba. The great Gatsby của Scott Fitzgerald hạng nhì và Lolita của Vladimir Nabokov đứng thứ tư. Quả thật, thứ tự xếp hạng các kiệt tác này có thay đổi trong những lần bình chọn khác nhau của các nhóm độc giả khác nhau, nhưng các tác phẩm của James Joyce luôn đứng ở vị trí đầu tiên.

Chính sự phức tạp liên quan đến bản thân nội dung Ulysses cũng như các phiên bản của nó phần nào làm cho việc Stephen hết sức cứng rắn khi điều đình về bản quyền di sản, càng khiến giới học thuật và những người hâm mộ James Joyce bất mãn với người thừa kế này.

Dẫu sao chăng nữa, việc chấm dứt thời hạn bảo vệ bản quyền các tác phẩm của James Joyce đã giúp cho cả các tác phẩm phái sinh rộng đường đến với công chúng, sẽ có nhiều người biết đến các kiệt tác của ông hơn, và đó cũng là sự tôn vinh cao quý nhất với một trong những nhà văn bậc thầy của nhân loại.  

Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần

No comments:

Post a Comment