Trả lời phỏng vấn báo Văn Nghệ Công An số 281 ra ngày 17/03/2016
Chào dịch
giả Thiên Lương, ba năm trước anh được biết đến vì sự kiện phê bình bản dịch
Lolita và việc đạo chú thích của dịch giả Dương Tường và sau đó anh đã bỏ gần
hai năm ra dịch lại toàn bộ tác phẩm vĩ đại này của Nabokov, không biết hiện
nay anh còn tham gia vào công việc dịch nữa không?
Tôi vẫn dịch
các tác phẩm của Nabokov đấy chứ, đã dịch được vài chục truyện ngắn của ông ấy,
và khá nhiều trong số chúng đã được đăng lên các tờ báo lớn của VN. Hầu hết các
truyện ngắn tiếng Anh hay nhất của ông ấy, như “Dấu hiệu và Biểu hiệu”, “Chị em
nhà Vane”,… đã được tôi dịch và cho đăng báo. Nabokov là một trong số ít các
nhà văn bậc thầy của nhân loại, thật đáng tiếc là tác phẩm của ông hầu như chưa
được dịch ra tiếng Việt.
Nhận xét chung của anh về tình hình văn học dịch ở VN trong
3 năm qua?
Sau đợt phê
bình Lolita thì tôi cho là giới dịch giả bắt đầu phân hóa khá rõ rệt, thực ra sự
đoàn kết giả tạo trước đây theo kiểu bảo vệ nồi cơm của nhau là rất có hại cho
môi trường dịch thuật. Tuy nhiên, tôi cũng không ủng hộ việc những người viết lại
tấn công lẫn nhau. Chúng ta nên tôn trọng sự thật và chỉ sự thật mà thôi, ai dịch
sai quá nhiều thì vẫn nên bị lên án, không vì họ lớn tuổi hay họ là bạn bè mà
ta phải cố sống cố chết bênh vực. Kiểu tư duy làng xã bao che lẫn nhau, ai ra
sách thì cả đám kéo đến khen trả lễ như ăn cưới, chỉ kéo lùi mọi thứ, không
riêng lĩnh vực dịch. Còn về chất lượng sách dịch thì nói chung cuốn nào mà được
để ý đến thì chắc chắn là có vô số lỗi. Lâu lâu lại rộ lên các thảm họa dịch
thuật mới chẳng qua cũng chỉ do chúng được (hay là bị) công ty làm sách bỏ tiền
ra PR quá mạnh, nên chúng bị (hay được) mọi người chú ý đến mà thôi.
Anh nghĩ rằng độc giả VN may mắn hay không khi các tác phẩm
văn chương có giá trị của nước ngoài được chuyển ngữ rất nhiều trong thời gian
qua dù rằng chất lượng các bản dịch lại là vấn đề...?
Tôi nghĩ
không may mắn mà cũng chẳng xui xẻo gì, nói tóm lại là không ảnh hưởng gì nhiều
đến xã hội, vì văn chương bây giờ có được mấy ai đọc đâu? Dịch sai hay dịch
đúng thì cũng vậy. Một bản dịch thảm họa chỉ gây hại khi nó bán được vài chục
ngàn bản trở lên, chứ còn bán một vài ngàn bản, và đa phần trong đó cũng không
được ai đọc, thì nói chúng tốt hay xấu đều sai cả. Nói chung các bản dịch văn
chương ở VN, theo tôi, hầu hết là vô hại.
Theo anh thì để các bản dịch sai xuất hiện tràn lan trên kệ
sách mỗi nhà như vừa qua, lỗi tại ai? Dịch giả? Biên tập? Nhà sách? Hay chính
là độc giả cũng dễ dãi quá?
Thực ra tôi
không đồng ý với quan điểm cho rằng hiện nay có quá nhiều bản dịch sai, vì khi
nói thế thì ta mặc nhiên cho rằng ngày xưa có nhiều bản dịch đúng. Tuy nhiên,
các bản dịch thời xưa còn tệ hơn bây giờ nhiều. Cũng dễ hiểu thôi, làm sao ta
có thể dịch đúng được với các từ điển giấy rất kém cỏi và bất tiện, thiếu hoàn
toàn sự hỗ trợ của internet, của bạn bè nước ngoài, và thiếu cả trải nghiệm sống
ở nước ngoài? Chẳng qua thời xưa rất ít người có khả năng đọc ngoại ngữ, lại
càng ít người có được bản gốc trong tay, cho nên các dịch giả thời xưa muốn dịch
sao cũng được, miễn xuôi tai. Nói như một nhà văn VN, là nhiều dịch giả “đọc
không thông mà dịch rất thạo”. Tuy nhiên, xuôi tai và dễ đọc hoàn toàn không phải
là các tiêu chí để đánh giá chất lượng bản dịch, đặc biệt là các kiệt tác. Tôi
cho rằng tình hình dịch thuật hiện nay tuy có xấu nhưng cũng vẫn tốt hơn xưa. Nếu
có xấu hơn thì là do độc giả giỏi hơn thôi. Ngày nay dịch giả chịu áp lực rất lớn,
gần như họ phải làm việc trong một cái lồng kính trong suốt dưới ánh đèn cao áp
vậy.
Anh nghĩ để thay đổi được hiện trạng trên, cần có những động
thái gì từ xuất bản, từ biên tập và từ chính độc giả?
Dịch giả
đóng vai trò quyết định và tối hậu trong chất lượng bản dịch. Chẳng ai biên tập
được một bản dịch sai từ đầu đến cuối. Nhà sách thì thực ra phải lo lợi nhuận,
nhập giấy vào, bán giấy ra. Đa số độc giả thì có chịu đọc và có đọc được bản gốc
đâu mà biết bản dịch tốt hay tệ? Nói chung muốn có một nền dịch thuật tốt hơn
thì phải có các dịch giả giỏi hơn, mà muốn có dịch giả giỏi hơn thì phải có tiền
nhiều hơn. Người giỏi bao giờ cũng đổ vào các chỗ có thu nhập cao. VN không thiếu
người giỏi, thừa sức dịch tốt cả Nabokov, Proust, Kant, Hegel hay James Joyce,
nhưng vấn đề là hầu như chẳng ai giỏi mà lại đi làm khổ sai 2 năm để lấy 1000
đô la cả. Đó là vấn đề của làng dịch VN hiện nay!
Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận lời chê. Các dịch giả
nên có tâm thế như thế nào thì hợp lẽ khi tiếp nhận các luồng ý kiến khác nhau
từ độc giả của mình và từ chính các đồng nghiệp.
Tôi nghĩ dịch
cũng là một nghề như bao nghề khác, có nhục có vinh, tất nhiên cũng có những
tác phẩm rất khó dịch, có những tác giả cực kỳ khó dịch, và cần sự tôn trọng nhất
định với dịch giả nào dịch thành công những kiệt tác ấy, những văn hào vĩ đại ấy,
nhưng tuyệt đại đa số bản dịch khác chỉ là các sản phẩm hết sức bình thường
thôi. Tôi nghĩ các dịch giả nên có tâm thế chấp nhận phê bình, dẫu sao chăng nữa,
nếu ai phê bình được cuốn sách nào đó thì chí ít họ cũng đã đọc nó ít nhiều, vậy
là quý lắm rồi. Chứ còn vô số người viết ngoài kia chỉ mong được đọc, và thậm
chí phải bỏ cả tiền ra tự in sách đem tặng, mà không ai thèm đọc thì sao?
Dịch giả VN
hay phản ứng thái quá với sự phê bình, chẳng qua do họ hơi ảo tưởng về mình.
Nhưng, vài tỷ người mới có một Nabokov, một Tolstoi, hay một James Joyce, chứ đọc
và dịch sách họ thì thiếu gì người làm được? Đương nhiên dịch được và dịch đạt,
dịch hay, dịch nhã là những khái niệm khác nhau một trời một vực, nhưng đó lại
là câu chuyện khác! Và tôi nghĩ trong tình hình văn hóa bè cánh làng xã hiện
nay thì ở VN chúng ta chỉ có “dịch quen” và “dịch lạ” mà thôi.
No comments:
Post a Comment