17 truyện ngắn của văn hào vĩ đại Vladimir Nabokov vừa được NXB Văn học và Công ty Zenbook xuất bản tại VN trong cuốn Mỹ nhân Nga. Dịch giả Thiên Lương là người trực tiếp thực hiện việc chuyển ngữ.
Nhà văn của các nhà văn
Vladimir Nabokov sinh năm 1899 tại cố đô Saint Petersburg của Nga, và qua đời năm 1977 tại Montreux, Thụy Sỹ. Ông là nhà văn nổi tiếng thế giới với nhiều kiệt tác như Pnin, Ada hay Ardor, Lửa nhạt, Nói đi, Ký ức, Lolita và bộ Tổng tập truyện ngắn bao gồm toàn bộ 68 truyện ngắn ông từng sáng tác trong đời.
Mặc dù Nabokov có danh tiếng lừng lẫy trên văn đàn thế giới, nhưng các tác phẩm của ông hầu như chưa được dịch ra tiếng Việt ngoài Lolita và Tiếng cười trong bóng tối. Nguyên nhân do phong cách viết của ông giàu hình ảnh, đa nghĩa, cầu kỳ, chơi chữ rất tuyệt vời, ngoài ra còn theo thủ pháp dòng ý thức (stream of consciousness) rất khó dịch qua tiếng Việt. Sự khác biệt quá lớn giữa văn hóa Việt, Nga và Mỹ cũng làm cho việc chuyển ngữ rất dễ gặp sai lầm, thậm chí làm hỏng toàn bộ tác phẩm chỉ vì các lỗi dịch. Các tác phẩm của những nhà văn viết theo phong cách này đều rất khó dịch và rất kén độc giả. Marcel Proust, James Joyce, Virgina Woolf cũng là các văn hào nổi tiếng với những tác phẩm viết theo phong cách này, và rất đáng tiếc là các tác phẩm lớn của họ vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt, và một vài bản dịch hiếm hoi thì không mấy thành công và thậm chí phải hứng chịu rất nhiều lời than phiền về chất lượng dịch.
Ngoài ra, Nabokov còn là giáo sư văn chương đại học, nên ông sử dụng các kỹ thuật viết cực kỳ sáng tạo, với vốn từ vựng vô cùng phong phú. Trong cuốn Lolita, Nabokov sử dụng đến 14.000 từ đơn nhất, để so sánh, có thể lấy ví dụ cuốn Bắt trẻ đồng xanh của J.D. Salinger chỉ sử dụng 3.500 từ đơn nhất. Hầu hết các tiểu thuyết tiếng Anh sử dụng vốn từ vựng trong khoảng 3.000 - 5.000. Hiển nhiên là việc dịch một tác phẩm được viết với vốn từ lên đến 14.000 sẽ phức tạp theo cấp số nhân so với các tác phẩm dùng vỏn vẹn vài ba ngàn từ.
Các thách thức dịch thuật
Khó dịch, khó đọc và khó có độc giả bình dân là những lý do khiến các công ty sách vẫn ngại ngần với Nabokov. Tuy nhiên, các truyện ngắn của Nabokov có thể là những bài tập, những lối tắt, những cửa sổ, những chặng nước rút cho độc giả khả năng tiếp cận được các tiểu thuyết lớn của ông. Được viết suốt quãng thời gian gần nửa thế kỷ, chúng cũng là các cột mốc trong đời nhà văn, các kỷ niệm trong sự nghiệp vĩ đại của ông, các thử nghiệm sáng tạo văn chương mà sau này đôi khi được ông dùng lại trong tiểu thuyết của mình. Rất nhiều học giả cho rằng qua các truyện ngắn có thể thấy được sự phát triển cả về con người và nghệ thuật của Vladimir Nabokov theo thời gian.
Mặc khác, phần lớn truyện ngắn của Nabokov cũng là các kiệt tác được văn giới quốc tế yêu thích, chẳng hạn Dấu hiệu và Biểu hiệu, Chị em nhà Vane, Cẩm nang du ngoạn Berlin, Cơn giông, Mối tình đầu, Lễ Giáng sinh, Một truyện đồng thoại. Và Dấu hiệu và Biểu hiệu còn được đánh giá là truyện ngắn Anh ngữ hay nhất lịch sử. Chắc chắn nếu được dịch thật tốt qua tiếng Việt, chúng sẽ là các tác phẩm rất giá trị, sẽ là tư liệu cho công việc nghiên cứu văn chương đỉnh cao và sẽ đóng góp rất nhiều cho kho tàng văn học dịch tại VN.
Theo lời dịch giả Thiên Lương, thì mặc dù anh đã có kinh nghiệm qua nhiều năm nghiên cứu và dịch Lolita, song việc dịch truyện ngắn Nabokov không hề dễ hơn so với các tiểu thuyết lớn của ông, nếu như không muốn nói là còn khó hơn. Mặc dù được viết ngắn gọn, nhưng chính sự ngắn gọn ấy khiến cho các tác phẩm rất cô đọng, rất bất ngờ và được nhà văn xử lý rất kỹ. Điểm đặc biệt nữa trong sự nghiệp Nabokov là nhà văn sáng tác bằng cả hai ngôn ngữ Anh và Nga, khiến cho các dịch giả của ông buộc phải dịch được từ cả hai ngôn ngữ nếu không muốn phải dịch qua ngôn ngữ trung gian và làm mất đi vẻ đẹp nguyên bản. Dẫu sao thì một bản dịch văn chương từ ngôn ngữ thứ ba vẫn luôn bị đánh giá thấp trong con mắt của các học giả.
Tâm hồn Nga trong trái tim một nhà văn Mỹ
Những dòng cuối truyện ngắn Lá thư đến nước Nga có thể coi như những phút giây yếu lòng hiếm hoi mà Nabokov mở cho ta thấy loáng thoáng tầng ngầm tâm hồn ông:
Các thế kỷ sẽ trôi qua,
học sinh sẽ chán ngấy
lịch sử những chấn động của chúng ta,
tất cả sẽ qua đi, tất cả sẽ qua đi,
song
hạnh phúc của tôi,
bạn yêu ơi,
hạnh phúc của tôi sẽ còn mãi,
trong ánh đèn đường ẩm ướt,
trong chỗ ngoặt cẩn thận
của cái cầu thang đá
dốc xuống con kênh nước đen,
trong nụ cười một đôi khiêu vũ,
trong mọi thứ
mà Chúa
hào phóng bao bọc
quanh sự cô đơn của con người.
Phải sống hơn nửa thế kỷ xa quê hương từ tuổi đôi mươi, song Nabokov không bao giờ sở hữu ngôi nhà nào ở nước ngoài, mặc dù thành công của Lolita đã mang lại cho ông cả một gia tài lớn. Dường như tâm hồn ông vẫn vương vấn đâu đó bên sông Neva và các con kênh của thành phố Saint Petersburg thần thánh. Dẫu có viết bằng tiếng Anh, thì chất Nga vẫn quyện vào từng sợi xơ giấy sách ông. Và có lẽ sự đa văn hóa trong tâm hồn một ông hoàng lưu vong cũng phần nào khiến cho văn chương Nabokov luôn làm mê hoặc lòng người, dẫu ông đã từ giã cõi này gần bốn mươi năm về trước.
Mỹ nhân Nga mới chỉ là quyển 1 trong 4 quyển tổng tập truyện ngắn Nabokov. Theo dự tính của Zenbook và dịch giả Thiên Lương, thì toàn bộ tập sách này sẽ hoàn thành vào năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhà văn. Tuy nhiên, dẫu khá dày, với gần 1.500 trang tiếng Việt, nhưng bộ sách này mới chỉ là một phần nhỏ trong di sản vĩ đại của Nabokov, và chắc chắn cần rất nhiều nỗ lực nữa của các dịch giả, các công ty sách, các nhà xuất bản và các nhà nghiên cứu để các kiệt tác khác của ông đến được với độc giả VN.
Bạch Dương
Bài đăng trên báo Thanh Niên.
No comments:
Post a Comment