4 December 2017

Tự sự về một kẻ đánh mất quê hương

HẢI ĐĂNG

Bài đăng trên báo Thời Nay, một ấn phẩm của Nhân Dân



Không bao giờ trở về nước Nga kể từ năm 1918, “tư cố hương” vì vậy là chủ đề lớn trong văn nghiệp của Vladimir Nabokov (1899 - 1977), mà minh chứng sống động nhất là “Pnin” - cuốn tiểu thuyết đem lại cho tác giả đề cử giải thưởng danh giá National Book Award năm 1958.



Nội dung của “Pnin” như nhan đề giản đơn của sách tường thuật quãng đời trầm lặng của vị GS gốc Nga Timofey Pnin. Đến Mỹ theo lời khuyên từ đồng nghiệp cũ, “giấc mơ Mỹ” của Pnin sớm kết thúc khi chỉ được phân công dạy tiếng Nga tại trường đại học địa phương Waindell. Khác biệt về văn hóa cùng sự sùng bái nghệ thuật Nga biến mọi hành động của Pnin trở thành một chuỗi hình ảnh kỳ quặc trong mắt các giảng viên và sinh viên đại học.

Mang nhiều nét tương đồng với cuộc đời V.Nabokov, hình tượng Pnin là một bức tự họa trào phúng của tác gia kiêm giáo sư văn chương thiên tài và cực đoan này. Như tiểu sử nhà văn, Pnin đã tham gia lực lượng “bạch vệ” phản cách mạng từ năm 18 tuổi. Khi nội chiến Nga kết thúc, Pnin đã lưu vong qua Đức, Pháp và cuối cùng đặt chân lên Mỹ. Nhưng không ở đâu mà Pnin được toại nguyện với việc ngợi ca ngôn ngữ Nga, được bình phẩm về những áng văn chương của Tolstoy hay chìm đắm trong miền thôn quê xứ bạch dương hoang vắng và bình yên. Tại Mỹ - “miền đất hứa”, người ta chỉ coi Pnin - như một “khách ở trọ” phiền nhiễu, xếp sau cả các giáo sư văn chương bất tài cùng những nhà nữ quyền nửa mùa. Bi kịch đến đỉnh điểm khi Pnin tình cờ xem được một bộ phim tài liệu Xô-viết “hết thảy là nghệ thuật thuần túy, những dịp hội hè đình đám, và niềm hân hoan trong các công việc tuy cực nhọc nhưng rất đáng tự hào”. Đôi mắt Pnin đã nhòa lệ, song thói ngoan cố vẫn khiến Pnin tự nhủ mình thật “kỳ quặc, lố bịch, nhục nhã”. Tác phẩm để mở kết thúc bằng chi tiết Pnin phải nghỉ việc dạy học tại Waindell.

Ẩn chứa cái nhìn và ngôn ngữ kể chuyện của một kẻ “thiếu quê hương” nhưng tiểu thuyết “Pnin” không sa vào những chủ đề phi chính trị của một vài nhà văn lưu vong như “người đương thời” Solzhenitsyn hay S. Rushdie sau này. Thay vào đó, bằng những hồi tưởng và vốn văn hóa uyên thâm của mình, V.Nabokov đã khéo léo phục dựng một đất nước Nga vĩ đại với nền nghệ thuật đáng khâm phục qua câu chuyện bi hài về GS Pnin “có đôi chân gầy guộc” cùng thứ “tiếng Anh trọ trẹ”.

Vốn là “gã hề trong rạp xiếc” văn chương với thú chơi chữ, phong cách giễu nhại hài hước đến cay nghiệt như nhận xét của I. Bunin, V.Nabokov đã “phù phép” những ngày tháng quạnh hiu của Pnin hóa thành tràng cười sảng khoái với nhiều độc giả. Nhưng sau tiếng cười ấy, người đọc phải rùng mình trước nỗi bất hạnh mà Pnin đang nếm trải chỉ vì sự bồng bột của tuổi trẻ, những nghịch cảnh do chiến tranh gây ra mà không ít tác phẩm văn học Xô-viết nổi tiếng như “Sông Đông êm đềm”, “Người thứ 41” từng lột tả thành công.

(Tiểu thuyết “Pnin”, Vladimir Nabokov, Thiên Lương dịch, NXB Văn học 2017).

No comments:

Post a Comment