26 July 2013

Nhịp Và Phách

NHỊP

Khi nghe một bản nhạc hay một bài hát, ta thường thấy cách một khoảng thời gian đều nhau nào đó có một tiếng đệm mạnh (hay một tiếng trống đệm theo). Khoảng thời gian đều nhau giữa tiếng mạnh trước với tiếng mạnh sau gọi là nhịp.

Để phân biệt nhịp nọ với nhịp kia người ta dùng một vạch thẳng đứng trên khuông nhạc gọi là vạch nhịp. Trong tiếng Anh, nhịp còn được gọi là Bar, có lẽ do hình dạng của chúng.

Số chỉ nhịp ghi đầu bản nhạc, sau khoá nhạc và chỉ ghi một lần ở khuông nhạc đầu tiên (trừ trường hợp có sự thay đổi nhịp)

Số chỉ nhịp trông giống như một phân số:

-Số ở trên biểu thị số phách có trong mỗi ô nhịp.
-Số ở dưới biểu thị độ dài của mỗi phách là bao nhiêu (tương ứng với hình nốt nào)



- Khoảng cách giữa 2 vạch nhịp gọi là ô nhịp hoặc nhịp trường canh.
- Khi kết thúc 1 đoạn nhạc hay thay đổi khoá nhạc, thay đổi nhịp, người ta dùng 2 vạch nhịp, gọi là vạch kép.


- Chấm dứt bài nhạc người ta dùng vạch kết thúc bao gồm 1 vạch bình thường và 1 vạch đậm hơn ở phía ngoài.


PHÁCH

Trong mỗi nhịp (ô nhịp hay nhịp trường canh) lại chia ra nhiều quãng thời gian đều nhau nhỏ hơn gọi là phách.
Mỗi nhịp đều có phách mạnh, phách nhẹ. Phách mạnh bao giờ cũng nằm ở đầu ô nhịp. Nhờ có phách mạnh, phách nhẹ ta mới phân biệt được các loại nhịp khác nhau.

Số lượng phách trong mỗi ô nhịp tuỳ thuộc vào số chỉ nhịp.


Phách có thể chia ra làm nhiều phần nhỏ hơn một nốt nhạc hoặc có thể có nhiều phách trong một hình nốt nhạc.

Ví dụ:

Một ô nhịp thông thường thì số lượng phách được qui định bởi số chỉ nhịp (không được ít hơn hoặc nhiều hơn)

Nhịp 2/4: mỗi nhịp (ô nhịp) có 2 phách ứng với 2 hình nốt đen;
Nhịp 3/4: mỗi nhịp (ô nhịp) có 3 phách ứng với 3 hình nốt đen;
Nhịp 4/4: mỗi nhịp (ô nhịp) có 4 phách ứng với 4 hình nốt đen;
Nhịp 6/8: mỗi nhịp (ô nhịp) có 6 phách ứng với 6 hình nốt móc đơn;
...
Tuy nhiên có khi ở ô nhịp đầu, do chủ ý của tác giả, bản nhạc được bắt đầu từ một phách yếu, ô nhịp đó không đủ số phách theo qui định. Ô nhịp đó gọi là nhịp lấy đà.



Nguồn: Sưu Tầm