20 November 2014

Sao phải dịch cho ai?

Có một số dịch giả già của VN hay tuyên bố rằng dịch giả phải xác định "dịch cho ai", và dưới quan điểm nghe có vẻ rất nghiêm túc này là những bản dịch sai lung tung cả do dịch giả cố tình chuyển ngữ sai cho dễ hiểu hoặc vô tình dịch sai do không chịu đọc cho hiểu thấu đáo bản gốc. Thật dễ dịch với quan điểm như vậy, vì người ta chỉ cần đọc loáng thoáng cho hiểu qua loa bản gốc rồi xào đại ra một thứ văn lá cải thời thượng nào đó, rắc thêm ít tính từ đa cảm, rồi đảo câu cho xuôi, và ném lên giấy là xong. Cho nên các dịch giả yếu ngoại ngữ và văn hóa càng ngày càng cố tìm cách núp dưới nó để bảo vệ chính mình và các đồng nghiệp cùng hội cùng thuyền khác.



Tuy nhiên, quan điểm đó, theo tôi, sai từ đầu. Đối tượng độc giả thuộc về thẩm quyền của tác giả chứ không phải của dịch giả. Tất cả những cố gắng ép bản dịch phục vụ cho một đối tượng độc giả nào đấy của riêng dịch giả chỉ làm hỏng nguyên tác mà thôi. Nếu tác giả viết cho giới trung lưu châu Âu thế kỷ 19 đọc, mà dịch giả lại chuyển ngữ cho gái teen Việt Nam 2014 đọc, thì hiển nhiên là sẽ sai bét. Vả lại, khái niệm độc giả cũng rất mông lung, chẳng ai biết được một độc giả điển hình ở VN là như thế nào? Nam hay Nữ, trình độ văn hóa lớp mấy, đã đọc những cuốn sách nào, có thu nhập bao nhiêu, vân vân. Có lẽ dịch giả đang tự đánh lừa chính mình, và ngụy biện cho sự kém cỏi của mình, bằng cách tự nặn ra trên bàn viết của mình một đối tượng độc giả trung bình nào đó, rồi bóp méo văn bản gốc đi cho dễ dịch.

Một người đọc sách chân chính phải tìm được chìa khóa đi vào thế giới của tác phẩm, phải lần mò tìm đường trong bóng tối, phải khai phá những lối đi hiểm hóc, phải trèo qua những đỉnh núi cao, phải đi khắp cánh rừng nguyên sinh đầy hoa thơm cỏ lạ, để tận hưởng các kho báu không mấy ai biết đến, chứ không thể nằm sẵn, há mồm ra, vừa lướt facebook vừa chờ các dịch giả lười biếng nào đó nhai tác phẩm cho nhuyễn ra với nước bọt và bựa răng của họ rồi mớm vnào họng mình cho dễ nuốt.