24 November 2015

Một Góc Nhìn về Kinh Tế VN trong thế kỷ 20


Người Việt vốn âm tính, duy tình hơn duy lý, kiểu tư duy đó không hẳn đã hoàn toàn dở, tuy nhiên, trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, thì ai muốn sống còn và thành đạt, thì nên học cách tư duy biện chứng, dựa trên số liệu và các phương pháp phân tích khoa học. 

Có nhiều "ảo giác" vẫn luẩn quẩn trong tiềm thức người Việt, chẳng hạn như huyền thoại về một Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông, hay một miền Nam mà Lý Quang Diệu phải ao ước. Tuy nhiên, sự thực khác hẳn những gì người ta vẫn nghĩ. Singapore chưa bao giờ thua kém Sài Gòn, nếu như không muốn nói là luôn có GDP đầu người tối thiểu là gấp vài lần. Và, suốt những năm chiến tranh, GDP đầu người của miền Bắc VN thật ra cũng không thua miền Nam VN là bao, mặc cho các hỗ trợ kinh tế khổng lồ từ Mỹ cho miền Nam VN. 

Trên đây là đồ thị dữ liệu về GDP trên đầu người của một số quốc gia châu Á từ năm 1913 cho đến năm 1970. Điều thú vị trong báo cáo này là nó bao gồm cả GDP của miền Nam và miền Bắc VN. Có thể thấy điểm nổi bật là sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, và một sự thật đáng buồn là cả Bắc và Nam Việt Nam lúc nào cũng nghèo đói như nhau và ở mức thấp nhất trong các nước châu Á được nói đến trong báo cáo. Suốt một thời gian dài từ 1940 đến 1970, kinh tế cả hai miền không phát triển trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc cùng các quốc gia khác đều tăng trưởng tốc độ cao. Chiến tranh đã làm cho đất nước tụt hậu ít nhất là 50 năm, tuy nhiên, không thể phủ nhận sự thật là từ đầu thế kỷ 19, Việt Nam đã là quốc gia rất, rất nghèo.

Sau 75, đất nước còn rơi vào khủng hoảng trầm trọng do cấm vận, do mất hết viện trợ từ Mỹ, Nga, Trung Quốc, do các sai lầm trong điều hành kinh tế, và chỉ mới thật sự phát triển, và phát triển rất tốt, từ 5h sáng ngày 4/2/1994, sau khi Mỹ bỏ cấm vận. Nhưng đó là một câu chuyện khác! 

Nguồn: 

Economic Divergence in East Asia:
New Benchmark Estimates of Levels of Wages and GDP, 1913-1970
Jean-Pascal Bassino* and Pierre van der Eng**

17 September 2015

Dịch Giả

Bản dịch Lolita này thuộc sở hữu của dịch giả Thiên Lương.
Mọi trích dẫn từ bản dịch phải được ghi cùng tên dịch giả.



Các tác phẩm Nabokov đã được Thiên Lương dịch và xuất bản:

2014. Lolita (ANDI).
2014. Dấu hiệu và Biểu hiệu (Tuổi Trẻ Cuối Tuần).
2014. Cảnh đời một quái vật kép (Sông Hương).
2015. Chị em nhà Vane (Văn Nghệ Quân Đội).
2015. Mối Tình Đầu (Nhà Văn & Tác Phẩm).
2016. Cơn Giông (Sông Hương).
2016. Mỹ Nhân Nga - Tổng tập truyện ngắn. Quyển 1. (Zenbook và nxb Văn Học).
2017. Mây, hồ, tháp - Tổng tập truyện ngắn. Quyển 2. (Zenbook và nxb Văn Học).
2017. Pnin (Zenbooks và nxb Văn Học). 

25 August 2015

Câu chuyện về người thừa kế di sản James Joyce

Biên soạn từ nhiều nguồn.

Vào đêm tất niên 2012, Twitter feed của trang web Ubu, nơi lưu dữ liệu của các nghệ sĩ tiên phong, đã đăng đường dẫn đến một bài báo trên tờ The Irish Times về việc hết hạn bản quyền ở châu Âu với các tác phẩm của James Joyce, nhà văn vĩ đại người gốc Ireland, tác giả kiệt tác Ulysses.

James Joyce

Đường dẫn đi cùng một thông điệp cộc lốc gửi tới cháu nội và cũng là người thừa kế duy nhất còn sống của Joyce: “Mẹ mày, Stephen Joyce bản quyền các tác phẩm của James Joyce tại EU chấm dứt giữa đêm nay”. Trong khi ngôn từ có thể cộc lốc một cách bất thường thì cảm xúc mà nó biểu lộ lại rất phổ biến.

Hành trình thành công sản của các tác phẩm chính của Joyce đã được tuyên truyền gần như khắp nơi, như thể nó là phiên bản sách về sự hủy diệt của một vì sao chết trong bộ phim Star Wars, với Stephen Joyce vào vai một tay Darth Vader trí thức nào đó bỗng nhiên không còn ở vị trí thở hồng hộc vào gáy những kẻ phiến loạn mê Joyce nữa.

Cuộc chiến bản quyền

Stephen Joyce, cháu nội của James Joyce (1882-1941), từ giữa những năm 1990 đã nắm quyền lực tối cao với một trong những di sản văn chương hiếu chiến và bế tắc nhất nhân loại (có lẽ chỉ có thể so bì với Paul, con trai của Louis Zukofsky, cho danh hiệu người thực hiện di chúc cứng rắn nhất thế giới văn chương).

Các học giả bị yêu cầu phải thanh toán các khoản phí bản quyền cắt cổ, và thường xuyên bị từ chối thẳng thừng quyền trích dẫn bất cứ thứ gì từ các tác phẩm của Joyce. Những toan tính sáng tạo các phóng tác theo Ulysses, Finnegans Wake, Dubliners, hay A portrait of the artist as a young man, hoặc những buổi đọc công cộng các cuốn sách này được điều đình với thái độ ngờ vực và thù địch.

Trong một bài báo năm 2006 trên tờ The NewYorker, D. T. Max đã xem xét mối quan hệ quá đỗi khó chịu giữa Stephen và những người hâm mộ Joyce. Max viết về việc Stephen, tại một hội nghị chuyên đề năm 1988 ở Venice nhân “ngày hội Bloom”, đã tuyên bố rằng ông ta đã “hủy mọi lá thư mà bà dì Lucia của ông ta [và cũng là cô con gái gây phiền muộn của James Joyce] viết cho ông và vợ ông” và rằng ông ta đã “làm điều tương tự với các bưu thiếp và điện tín gửi đến Lucia từ Samuel Beckett, người đã dan díu với bà hồi những năm 1920”.

Ulysses

Những người hâm mộ James Joyce tổ chức lễ hội mang tên Bloom, nhân vật chính trong Ulysses, vào ngày 16-6 hằng năm. Năm 2004, kế hoạch tổ chức đợt đọc sách nơi công cộng với các trích đoạn từ Ulysses để kỷ niệm 100 năm ngày hội Bloom ở Dublin đã bị hủy bỏ, sau khi Stephen hăm dọa chính quyền Ireland rằng họ vi phạm bản quyền di sản. Thèm muốn phá rối của Stephen thật lố bịch và dường như không bao giờ có thể được thỏa mãn.

Nhằm mục đích vinh danh đại văn hào, Thư viện Quốc gia Ireland mở một khu mới để trưng bày nhiều tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp James Joyce, bao gồm các chứng liệu, bản thảo, thư từ trao đổi giữa Joyce với người thân, bạn bè, nhà xuất bản, độc giả, vợ - kể cả những lá thư hoàn toàn riêng tư chứa đầy từ ngữ tục tĩu viết riêng cho vợ - và đặc biệt là, lần đầu tiên, bản thảo gốc của Ulysses được trưng bày.

Stephen đã cảnh cáo Thư viện Quốc gia Ireland rằng kế hoạch trưng bày bản thảo của ông nội là vi phạm bản quyền. (Thượng viện Ireland phải thông qua một điều luật bổ sung khẩn cấp để ngăn cản ông ta).

Sự phản kháng của Stephen đã làm cho Abbey Theatre phải hủy một buổi diễn vở Exiles của Joyce, và ông ta tuyên bố với Adam Harvey, một nghệ sĩ trình diễn đã thuộc lòng một phần Finnegans Wake với mong muốn thuật lại được chúng trên sân khấu, rằng anh ta “đã vi phạm” bản quyền di sản. Harvey sau này đã phát hiện ra rằng, theo luật Anh, Joyce chẳng có quyền dừng buổi biểu diễn của anh.

Cơ hội mới cho James Joyce

Người ta cho rằng các học giả chuyên nghiên cứu về Joyce sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn công chúng bởi những phô trương quyền lực thô bạo với di sản. Sam Slote, hiện đang dạy văn học Anh ở Trinity College Dublin, và cũng là một nhân vật xuất chúng trong lĩnh vực nghiên cứu về Joyce, chỉ ra rằng vẫn chưa rõ tình trạng của các ấn bản ra đời sau khi tác giả chết - chẳng hạn các bức thư và bản thảo, cũng như Stephen hero (một tiểu thuyết tự truyện dang dở mà Joyce sửa tận gốc như A Portrait) và Giacomo Joyce sẽ như thế nào.

Sean Latham, giáo sư tiếng Anh tại Đại học Tulsa, chủ bút “James Joyce tam cá nguyệt san”, cũng đồng quan điểm rằng đây là một cột mốc quan trọng, nhưng không báo hiệu “một thời kỳ phục hưng sôi nổi trong việc nghiên cứu Joyce. Chúng ta đã phục hưng việc này hàng thập kỷ rồi.

Sự thật là các tác phẩm chưa công bố - đáng kể nhất trong đó là các lá thư của Joyce - giờ đã hết bản quyền ở Mỹ, và dẫu sao thì cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn đến tiểu sử ông ấy. Tôi đã biết rằng đang có vài dự án lên kế hoạch in ấn những lá thư này. Hiện nay chúng tôi đã có ba tập thư từ. Một dự án đã hoàn tất. Nhiều dự án đang triển khai.

Có những lá thư mà Stephen cương quyết từ chối công bố nên việc in ấn chúng sẽ thật sự quan trọng. Chúng ta sẽ có đủ loại chuyện mà cuối cùng chúng ta sẽ được phép kể về Joyce và cuộc đời ông ấy, những chuyện trước giờ chúng ta chưa thể kể”.

Ngay sau khi hết thời hạn bản quyền, các tác phẩm của James Joyce nhanh chóng xuất hiện với các ấn bản mới, các tuyển tập mới và các bản dịch mới. Sean nhắc đến các bản in mới của Finnegans Wake, Ulysses, A Portrait và Dubliners. Bản Ulysses tiếng ý sắp được in và Sam Slote đang chuẩn bị cho một phiên bản chú giải cặn kẽ về cuốn tiểu thuyết này.

Chắc chắn cũng có khá nhiều nhà xuất bản yếu kém và cơ hội sẽ lợi dụng tình trạng công hữu của các tác phẩm. Sam cho xem một bộ sưu tập đặc biệt gớm guốc - một hộp bọc giả da màu lục có nắp đậy, chứa vài tập sách nhỏ của Joyce cũng bọc da giả. Ulysses được in thành ba tập, và để cho các tập có kích thước bằng nhau, nhà sách đã chuyển chương dài nhất, Circe, vào một nơi khác hẳn trong cuốn sách.

Trong hộp còn chứa một thứ gì đó được gọi là “Tinh tuyển truyện ngắn”, mà hóa ra chính là Dubliners với các truyện ngắn được sắp xếp lại, một cách ngu ngốc, theo thứ tự bảng chữ cái. Chẳng có gì ngạc nhiên là Stephen Joyce đã trấn áp những thứ này một cách hung ác. “Tôi biết ít nhất là một người - Sam nói - đã mua hai cuốn này, một cuốn được ông ta giữ nguyên đai nguyên kiện do cho rằng chúng sẽ lên giá. Nhưng ta sẽ còn được thấy cả đống sách tương tự thế này”.

Sean Latham đồng ý rằng các ấn bản sách của Joyce sẽ không còn được quản lý chất lượng tốt như trước nữa, nhưng không cho rằng đó là một diễn biến tệ hại, và vạch ra rằng chẳng ai còn quan tâm mấy đến việc có rất nhiều ấn bản sách của Dicken và Shakespeare nữa.

Ngay Ulysses, kiệt tác quan trọng nhất của James Joyce, cuốn sách đứng đầu hàng loạt bảng xếp hạng các tiểu thuyết vĩ đại nhất của nhân loại, cũng có một lịch sử xuất bản lạ lùng. Ấn bản đầu tiên của nó xuất hiện vào năm 1922 tại Paris hiển nhiên là có cực nhiều sai sót, đó là điều không cần phải bàn cãi. Trước đấy, khi còn được đăng từng kỳ trên The Little Review, nhiều phiên bản của tác phẩm đã phải qua nhiều tay và tùy vào sở thích, ý đồ riêng của biên tập viên mà tác phẩm bị cắt xén, bị giản lược, hoặc sửa.

Trong thời gian này, Joyce tiếp tục biên tập, thêm thắt nhiều chi tiết khác vào tác phẩm. Do đó, giữa các văn bản có sự khác biệt đáng kể. Chính Joyce lúc còn sống cũng không khẳng định phiên bản nào đúng. Hậu quả là không có ấn bản nào được xem là thật sự hoàn hảo, khiến cho tác phẩm mãi là đề tài tranh cãi bất tận giữa các học giả.

Mặc dù vô cùng khó đọc, dài khoảng 265.000 từ và sử dụng từ vựng tới 30.300 từ, Ulysses vẫn được đánh giá rất cao. Năm 1998, một hội đồng tuyển chọn gồm 10 người - đa số là người Mỹ - của New York Modern Library, một nhà xuất bản thuộc Random House, đã cùng nhau chọn danh sách 100 tác phẩm viết bằng tiếng Anh có giá trị nhất của thế kỷ 20.

Joyce có hai tác phẩm được chọn: Ulysses đứng đầu bảng và A portrait of the artist as a young man hạng ba. The great Gatsby của Scott Fitzgerald hạng nhì và Lolita của Vladimir Nabokov đứng thứ tư. Quả thật, thứ tự xếp hạng các kiệt tác này có thay đổi trong những lần bình chọn khác nhau của các nhóm độc giả khác nhau, nhưng các tác phẩm của James Joyce luôn đứng ở vị trí đầu tiên.

Chính sự phức tạp liên quan đến bản thân nội dung Ulysses cũng như các phiên bản của nó phần nào làm cho việc Stephen hết sức cứng rắn khi điều đình về bản quyền di sản, càng khiến giới học thuật và những người hâm mộ James Joyce bất mãn với người thừa kế này.

Dẫu sao chăng nữa, việc chấm dứt thời hạn bảo vệ bản quyền các tác phẩm của James Joyce đã giúp cho cả các tác phẩm phái sinh rộng đường đến với công chúng, sẽ có nhiều người biết đến các kiệt tác của ông hơn, và đó cũng là sự tôn vinh cao quý nhất với một trong những nhà văn bậc thầy của nhân loại.  

Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần

10 August 2015

Thông tin sai lệch – Mảnh đất màu cho thuyết âm mưu



Vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước vừa qua đã gây nên sự căm phẫn và nỗi kinh hãi đến tột cùng trong dư luận, và việc phá án mau lẹ của các cơ quan công quyền phần nào làm yên lòng dân và đem lại niềm tin vào công lý và lẽ phải ở đời. Tuy nhiên, vẫn có không ít lời xì xầm, nhất là trên facebook, về điểm này điểm nọ liên quan đến vụ án. 

Thực ra thì bản chất sự hoài nghi ấy không có gì mới. Trên thế giới, nhất là ở Mỹ, luôn có những người theo thuyết âm mưu (tiếng Anh: conspiracy theory). Những người này luôn tìm cách lý giải các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm khủng khiếp nào đó đằng sau.

Giả thuyết của họ luôn đi ngược lại các giải thích chính thống, và nó luôn nhằm đến việc buộc tội một nhóm người hay một tổ chức, hay một yếu tố siêu nhiên nào đó gây nên hay đứng đằng sau một sự kiện hoặc một hiện tượng gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế chính trị xã hội. Các hiện tượng đó có thể đơn giản là một vụ giết người thảm khốc, một vụ khủng bố dã man, một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ, thậm chí là những “bí mật” hết sức hoang đường nào đó, chẳng hạn như người ngoài hành tinh đang làm việc cho các cơ quan chính phủ Mỹ.

Thuyết âm mưu khá được ưa thích, ngoài lý do người dân luôn hoài nghi vào những thứ họ không hiểu rõ, còn vì sự hấp dẫn ly kỳ của nó. Một trong các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng có liên quan đến thuyết âm mưu là Fahrenheit 9/11 – bộ phim giành giải cành cọ vàng ở Cannes của đạo diễn Michael Moore. Bằng cách khéo léo sử dụng các tin tức chọn lọc, bộ phim này đã đưa ra những giả thuyết của riêng mình về Tổng thống Bush cùng những kẻ thực sự đứng sau vụ khủng bố 11.9. Đương nhiên là giả thuyết này khác xa với những gì chính quyền Mỹ vẫn công bố.

Ngoài ra, bất chấp các bằng chứng khoa học hiển nhiên, người ta vẫn không thôi nghi ngờ vào những sự kiện như cuộc đổ bộ đầu tiên lên Mặt Trăng của người Mỹ, vụ ám sát tổng thống Kennedy, và đủ thứ ầm ĩ khác.

Người ta vẫn chưa thể lý giải nguyên nhân tại sao có nhiều người thực tâm tin vào các thuyết âm mưu, và phủ nhận tất cả các bằng chứng khoa học và pháp lý khác. Một số học giả cho rằng do con người sẵn có niềm tin từ thời thượng cổ vào sự tồn tại của các thế lực hắc ám trong tự nhiên, những học giả khác lại cho rằng nhiều người muốn tìm cách giải thích các sự kiện, hiện tượng quan trọng bằng những nguyên nhân quan trọng, chẳng hạn họ không bao giờ chịu tin rằng một thứ gì đó khổng lồ và khó hiểu như đám mây lại đơn giản chỉ do nước bốc hơi lên trời mà thôi. Nói chung, họ cần một lý do nào đó đủ kinh khủng để lý giải cho một sự kiện họ cho là hết sức kinh khủng.

Sự thiếu vắng lòng tin cũng là một nguyên nhân quan trọng đưa đến các thuyết âm mưu. Người dân nghèo, ít học, bị loại ra khỏi cuộc chơi, ở các tầng lớp thấp trong xã hội rất dễ là nạn nhân của các thuyết âm mưu, và họ chính là những kẻ tin một cách thành thực nhất vào các giả thuyết hoang đường nhất. Những người có học thức cao, thu nhập cao, ở giới trung lưu và cao hơn thường ít khi tin vào các thuyết âm mưu, do họ được thông tin tốt hơn và đa chiều hơn, họ hòa nhập cùng hệ thống chính trị và kinh tế, họ có thái độ tích cực hơn với xã hội, và họ có xu hướng tin vào các thông tin chính thống mà họ nhận được. Điều đó cũng dễ hiểu, vì càng ở trên cao thì người ta càng có tầm nhìn bao quát hơn.

Một trong những ví dụ đơn giản là bàn làm việc tiếp dân của các cơ quan. Những nơi để cửa kính thấp, cho khách thấy rõ hồ sơ được xử lý thế nào trên bàn, thường mang lại cảm giác yên tâm hơn cho người dân.

Quay trở lại vụ thảm sát Bình Phước, có thể thấy rằng sự kiện khủng khiếp này được gieo lên mảnh đất đầy những hoài nghi ngay từ đầu. Do chạy đua theo thông tin, nhằm câu độc giả, một số tờ báo đã đưa tin vội vã, và do đó có rất nhiều tin trái ngược lẫn nhau, không từ những nguồn tin cậy, thậm chí là bịa đặt, làm cho độc giả vô cùng hoang mang, không biết đâu là thật, là giả. Có thể nói rằng chính những thông tin sai lệch và không được đính chính này đã gợi lên các giả thuyết âm mưu trong một bộ phận dư luận.

Thực tế thì không thể tiêu diệt thuyết âm mưu, nó là một phần của văn hóa. Dù xã hội có văn minh đến đâu thì bất cứ sự kiện lớn nào vẫn sẽ là mảnh đất cho các cây âm mưu lớn mọc lên. Tuy nhiên, để cho các giả thuyết hoang đường ấy chỉ khu trú trong một bộ phận dân cư nhất định, và không bị kẻ xấu lợi dụng, kích động người dân thì cần khá nhiều việc để làm, từ nâng cao văn hóa và trách nhiệm của phóng viên, cho đến sự minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước. Người dân sẽ tin tưởng hơn vào thông tin chính thống khi họ nghĩ rằng họ được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra.

http://www.thanhnien.com.vn/toi-viet/thong-tin-sai-lech-manh-dat-mau-cho-thuyet-am-muu-585372.html

15 July 2015

Mất chủ quyền quốc gia trên mạng

Từ Phong

Hàng chục triệu người Việt Nam đang tự nguyện hiến dâng hầu hết thông tin cá nhân của mình cho các mạng xã hội. Điều này tạo ra những nguy cơ lớn về an ninh, về chủ quyền quốc gia. Đã đến lúc phải thay đổi.



Theo Facebook, hiện nay họ có 30 triệu người dùng tại Việt Nam (trong đó 27 triệu người dùng trên thiết bị di động).

Tính đến tháng 1.2015, lượng người Việt dùng Facebook mỗi ngày đã tăng 43% so với cùng kì năm ngoái. Về độ tuổi người dùng, có đến 3/4 người Việt dùng Facebook từ 18 - 34 tuổi. Ngoài ra, người Việt hiện dành khoảng 2 tiếng rưỡi mỗi ngày cho Facebook, gấp đôi thời gian dành để xem ti vi.

Ảnh hưởng của Facebook: từ lượng thành chất

Những con số thống kê này cho thấy ảnh hưởng ngày càng kinh khủng của Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung lên cuộc sống người Việt hiện nay. Chúng ta đang bỏ những nguồn lực khổng lồ của cả dân tộc vào các hệ thống công nghệ của nước ngoài, và đóng góp đáng kể cho sự thành công của những tập đoàn trị giá hàng trăm tỉ đô la Mỹ.

Không phủ nhận những mặt tích cực của mạng xã hội lên đời sống từng cá nhân và cả xã hội, nhờ có nó mà chúng ta có thể giữ được quan hệ với bạn bè, tìm kiếm các mối quan hệ mới, gặp lại những người cũ, dù chỉ trên không gian ảo. Và cũng nhờ nó mà nhiều vấn đề đã được khơi lên trong cộng đồng để rồi tạo sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, chẳng hạn như chất lượng các bản dịch văn học tại Việt Nam. Sau khi cư dân Facebook lên tiếng về các thảm họa dịch thuật, thì giới chuyên môn và các nhà sách đã phải cẩn trọng hơn, phải thu hồi và sửa chữa các bản dịch lỗi.

Tuy nhiên, những mặt trái của mạng xã hội cũng làm chúng ta phải e ngại. Mới đây, một cô gái trẻ đã tự tử do không chịu nổi những lời đàm tiếu trên Facebook sau khi bị người yêu tung đoạn video quay cảnh nhạy cảm giữa hai người lên mạng. Một nhà khoa học đã phải mất nhiều ngày giải thích về bằng tiến sỹ khoa học của mình trước những tấn công vu cáo ông.

Những bài viết tràn ngập trên mạng hằng ngày đả kích các lãnh đạo đất nước, phỉ báng vĩ nhân, thậm chí là kích động hằn thù dân tộc. Rất nhiều thông tin không thể kiểm chứng và từ những nguồn không tin cậy đã làm cho thành viên Facebook hoang mang và nhiều khi dẫn đến các phản ứng tập thể mù quáng, mà những trường hợp điển hình nhất gần đây thuộc về dự án sân bay Long Thành, thay cây xanh và thiết kế đường tàu trên cao tại Hà Nội. Bất chấp các ý kiến chuyên gia và quan điểm của những người có trách nhiệm, vẫn có một phần đám đông trên Facebook không thôi hoài nghi về tính hợp lý cùng những mặt tích cực của các dự án này.

Sự tự do gần như tuyệt đối cùng tính vô danh tương đối của xã hội Facebook đã tạo ra sự bình đẳng giả tạo về mặt thông tin. Người ta không còn phân biệt được sự khác nhau giữa các ý kiến chuyên môn của một giáo sư toán với một cậu sinh viên, giữa một chuyên gia danh tiếng trong ngành hàng không với một kỹ sư nông nghiệp về hưu nào đó.

Chứng nghiện Facebook

Theo kết quả một thăm dò ý kiến trên một tờ báo lớn, có đến 47,9% người tham gia cho rằng “người dùng đã chia sẻ quá nhiều thứ không cần thiết trên Facebook”, 34,5% cho rằng “người dùng lãng phí thời gian trên Facebook”. Tại sao rất nhiều người bỏ thời gian quý báu của mình cho Facebook, mặc dù chính họ cũng phải công nhận rằng tuyệt đại đa số thời gian ấy là vô nghĩa, hoặc chí ít thì cũng không đem lại lợi ích vật chất hay tinh thần nào nhiều hơn so với khi họ dành chúng cho đời thực?

Câu trả lời có thể tìm thấy qua bản chất của chiến lược kinh doanh mà các chuyên gia gọi là tiếp thị Skinner, lấy theo tên nhà khoa học nổi tiếng trong ngành tâm lý học hành vi. Trong thí nghiệm của mình, Burrhus Frederic Skinner đã cho một con chuột vào chiếc lồng có một cái đĩa không, một cần gạt, bóng đèn và loa; mỗi khi loa phát âm thanh hay bóng đèn bật sáng, thì chuột có thể nhận được thức ăn trên đĩa nếu nhấn vào cần gạt. Thực tế cho thấy chuột học được ngay cách gạt cần để nhận thức ăn theo các tín hiệu âm thanh và ánh sáng của chủ.


Hầu hết các mạng xã hội thành công đều xây dựng đế chế của mình dựa theo phát hiện này của Skinner: các icon trên Facebook sẽ đổi màu, nhấp nháy, máy tính sẽ phát tín hiệu âm thanh quen thuộc khi có tin nhắn mới, khi có feed mới, khi có email mới, khi có tin tức mới; và khi người dùng mở trang web lên sẽ nhận được “phần thưởng”, dù cho họ có thích hay không cái gọi là “phần thưởng” ấy. Đó cũng là nguyên nhân làm cho các cô bé cập nhật ảnh mới liên tục, các cậu bé ngồi lì hàng ngày trên Facebook, các ông già về hưu viết hàng chục status hằng ngày để nhận được like của những người xa lạ. Không khó hình dung sự liên hệ giữa các dụng cụ thí nghiệm với các công cụ trên trang web của Facebook.

Sau một thời gian nhất định gia nhập vào cộng đồng mạng, con người bị rơi vào ảo giác rằng họ sẽ phải thường xuyên mở trang web lên nếu không muốn bỏ lỡ điều gì đó, và thời gian họ dành cho mạng xã hội ngày càng tăng, tới mức họ không còn phân biệt được cuộc sống thật và ảo nữa. Có những người có 5.000 bạn trên Facebook và hàng chục ngàn follower (người theo dõi), nhưng đám tang họ thì lạnh lẽo ở quê với vài ba bạn học từ thời thơ ấu, khi chưa ai biết máy tính cá nhân là gì.
Nói cách khác, ngày nay máy tính đã là chiếc lồng Skinner hiện đại, và mạng xã hội, trên phương diện nào đó, là một nhà máy khổng lồ với hàng tỉ chiếc lồng như thế.

Có phải Facebook được chào đón ở mọi nơi?

Thực ra Facebook không hiền lành vô tội như nụ cười của ông chủ tỷ phú của nó. Không ngẫu nhiên mà một số quốc gia cấm sử dụng mạng xã hội nước ngoài. Việc người dùng dành quá nhiều thời gian cho mạng, lưu trữ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng, và thậm chí trao đổi các thông tin nhạy cảm trên mạng, có thể làm cho ông chủ của kho dữ liệu khổng lồ ấy có được quyền lực khổng lồ với đời sống hàng tỉ công dân nước khác.

Ngày nay, việc mất quyền kiểm soát với dữ liệu cá nhân của công dân cũng là mất một phần chủ quyền quốc gia. Có thể nói rằng, phần lớn người dân hiện nay sợ mất kết nối với Facebook và Google còn hơn là mất nước, mất điện, kẹt xe hay thiếu thức ăn. Kết nối với internet đã trở thành nhu cầu cơ bản nhất, thấp nhất, và cũng là quan trọng nhất của tháp nhu cầu Maslow.



EU gần đây liên tục lên tiếng yêu cầu các mạng xã hội phải đảm bảo tính riêng tư của người sử dụng, phải cho phép họ xóa vĩnh viễn các dữ liệu cá nhân. Điều nguy hiểm hơn nữa là, thông qua việc sử dụng các cookie, Facebook theo dõi các hoạt động duyệt web của người dùng ngay cả khi họ không có tài khoản Facebook, hay đã hủy tài khoản, đăng xuất ra khỏi trang hoặc tắt chức năng quảng cáo trực tuyến. Điều này vi phạm luật pháp EU. Người dùng bị Facebook theo dõi khi họ sử dụng nút "like" được đặt trên hơn hàng triệu trang web bao gồm cả các trang của chính quyền và ngành y.

Những quan ngại của EU không phải là cá biệt. Các nhà chính trị đã thấy rằng rất nhiều điều luật cần phải sửa đổi để phù hợp với phát triển vũ bão của công nghệ. Và đã có nhiều chuyên gia cảnh báo về viễn cảnh khủng khiếp - khi thế giới bị hủy diệt bởi một hệ thống mạng xã hội biết tự tiến hóa và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính con người, như trong phim Terminator Genysis. Mặc dù hiện nay chuyện đó chỉ có thể xảy ra trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, nhưng thực ra cũng mới chỉ chừng 10 năm trước đây, không ai trong chúng ta có thể hình dung về việc con người sẽ tiêu tốn hầu hết thời gian của mình trên mạng, và lưu trữ hầu hết cuộc đời mình trên mạng như hiện nay. Vậy nên, rất nhiều thứ khó tưởng tượng nổi cũng có thể đến trong vòng 10 năm tới.

Hành động nào của chúng ta?

Có lẽ đã quá muộn để bàn về một mạng xã hội của riêng Việt Nam. Vả lại, trình độ công nghệ cũng chưa bao giờ cho phép chúng ta làm được điều ấy. Việc xử lý khối lượng thông tin khổng lồ trong thời gian thực đòi hỏi những công nghệ phức tạp hơn rất nhiều so với chúng ta hình dung qua gương mặt hiền lành và đơn sơ của Google hoặc Facebook.

Tuy nhiên, nếu cứ phát triển nhanh như hiện nay, thì rất có thể sẽ đến lúc có cả trăm triệu người Việt dành trung bình mỗi ngày 8 tiếng để vào Facebook. Và viễn cảnh ấy thực sự đáng lo ngại. Để người dân không lãng phí thời gian của mình trên mạng vào việc đào bới thông tin làm giàu cho các ông chủ bên kia bờ đại dương, và không bị kích động định kỳ theo tâm lý đám đông bằng những hình ảnh cực đoan trên mạng, có lẽ cần đến những thay đổi căn bản về luật và cách tiếp cận vấn đề.

Nếu chỉ nghĩ đến việc kiểm soát các tài khoản Facebook cá nhân và nghiêm trị các hành vi phạm pháp trên mạng thì rất khó giải quyết vấn đề. Bởi lẽ kẻ nắm quyền sinh sát với hàng triệu tài khoản Facebook Việt Nam lại không chịu kiểm soát của pháp luật Việt Nam. Và do mạng xã hội không có biên giới, cho nên rất khó có cơ sở pháp lý để xử lý những tài khoản mạng mặc dù được viết bằng tiếng Việt và chỉ hướng đến khách hàng người Việt, nhưng lại được đăng ký và sử dụng hoàn toàn ở nước ngoài. Về lâu dài thì không thể kiểm soát những thứ mà chúng ta hoàn toàn không có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu.

Có lẽ chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác, và tìm ra mô hình hợp tác hai bên cùng có lợi với các mạng xã hội. Và nên yêu cầu họ, ngoài việc kiếm lợi cho mình, phải có những hợp tác tích cực về mặt an ninh thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, và kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống của họ. Chủ quyền trên không gian mạng không còn là chuyện gì đó xa xôi, huyễn tưởng nữa, mà đã là yêu cầu cấp thiết, trước khi quá trễ. Vì có lẽ chúng ta sẽ chẳng có cơ hội cử ai đó quay lại quá khứ để thay đổi cái ngày mà mạng xã hội được cho phép hoạt động tự do tại Việt Nam.

Bài đã đăng trên báo Thanh Niên: 
http://www.thanhnien.com.vn/toi-viet/mat-chu-quyen-quoc-gia-tren-mang-583558.html

6 June 2015

Tìm Vàng từ Chiếc Loa Rác


Dường như có quá nhiều người quan tâm đến vụ chị bán ve chai Sài Gòn tìm được 5 triệu yên trong chiếc loa cũ và sau khi bị những người xung quanh tranh cướp tiền đã nộp lại cho công an. Có thể thấy đám đông đang mong chờ một kết thúc “cổ tích” là sau một năm thông báo mà không có ai đứng ra nhận, thì chị sẽ lấy được số tiền đó, hoặc, đúng hơn là, một phần của nó, hình như 50% sau khi trừ các chi phí liên quan, theo quy định của pháp luật VN.





Mong muốn ấy hiển nhiên phần nào thể hiện một mơ ước thầm kín nào đó của đám đông – chẳng hạn như đổi đời nhờ ông chú bên Mỹ, ông bác bên Nga, hoặc trúng số độc đắc, và ở trường hợp riêng này đã vật chất hóa thành chiếc loa cũ với kho tiền Nhật bên trong. Toàn bộ những thứ này kết hợp với hình ảnh mang tính biểu tượng của một nhân vật nghèo khổ có giới tính nữ chắc chắn đã gợi lên những chuỗi hình ảnh liên tưởng, và quả là một kịch bản hoàn hảo không chỉ cho báo chí, facebook, mà còn cho nhiều loại hình nghệ thuật khác nữa.

Tuy nhiên, hạnh phúc, như Nam Cao từng viết, là cái chăn hẹp, bên này co thì bên khác hở. Số tiền 5 triệu yên ấy hẳn là phải thuộc về một ai đó, và căn cứ theo loại tiền cũng như nơi cất giấu nó, thì có thể suy đoán rằng nó thực ra đã đến từ Nhật Bản, một quốc gia mà người dân có thói quen giấu tiền ở nhà, do lãi suất quá thấp và do sau đợt vỡ bong bóng tài sản vào thập niên 1990, Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) đã bãi bỏ một phần chính sách bảo hiểm tiền gửi. Năm ngoái, ngài Taro Aso, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật,  từng thu hút sự chú ý của dư luận khi tuyên bố người Nhật đang “ngồi trên” 880 tỷ Yên, tương đương 7,33 nghìn tỷ USD, tiền mặt. Báo chí Nhật khi đó đưa tin rằng người dân nước này đang cất giữ số tiền khổng lồ ấy “dưới đệm”. Hoặc, nói một cách hình tượng hơn, “trong loa”.

Rất có thể đã có một người Nhật nào đó tích góp số tiền tiết kiệm của mình trong một chiếc hộp, rồi giấu nó vào trong một chiếc loa cũ. Rồi sau này do sơ suất, do đãng trí, hoặc do người thân không biết, chiếc loa này đã được quăng ra bãi rác điện tử, rồi được nhập về VN qua những con đường khác nhau, chẳng hạn qua Căm Pu Chia, nơi dân buôn đồ điện tử cũ rất ưa chuộng. Người Nhật đó có thể là một người nghèo, một phụ nữ lao động chân tay, đã dành dụm nó cho tuổi già của mình, hoặc cho con cháu mình.

Khó tin là người giàu lại giấu tiền trong một chiếc loa cũ, và cũng khó tin là một người VN lại giấu tiền yên của Nhật như vậy. Tiền yên không phải là loại tiền được ưa chuộng để cất giữ như một tài sản ở VN, và cũng hiếm ai chôn tiền trong nhà ở một đất nước có lãi suất ngân hàng rất cao và thị trường bất động sản tăng giá ổn định như chúng ta.

Đến đây, bỗng nhiên người viết những dòng này có một giấc mơ nhỏ. Tại sao, thay vì vui sướng với việc lượm được tiền người khác, chúng ta không thử thật tâm cố gắng tìm chủ sở hữu của nó, chẳng hạn bằng cách chụp và thông tin chi tiết các thông số kỹ thuật của chiếc loa cũ, chiếc hộp đựng tiền, số tiền trong hộp, cho dư luận Nhật biết để tìm chủ nhân đích thực của nó. Đúng là số tiền 5 triệu yên không lớn với một quốc gia giàu có như Nhật Bản, và cũng không phải tài sản lớn ở một quốc gia có phi công buôn lậu hàng cân vàng như chúng ta; nhưng, có những thứ không thể đo bằng tiền. Người ta có thể dựng tượng một chú chó vì nó chờ chủ nhiều năm ở ga tàu, chứ chưa chắc người ta đã dựng tượng một tỷ phú hãnh tiến nào đó.

Mặc dù với công nghệ hiện đại thì việc tìm chủ nhân cũ của một chiếc loa không phải là việc quá khó khăn, nhưng rất có thể việc tìm kiếm đó sẽ vô ích do chính chủ nhân chiếc loa đã qua đời hoặc mất trí nhớ, tuy nhiên nó cũng không tốn kém gì nhiều, và đặc biệt là, trong bối cảnh người Việt đang mang tiếng xấu ở Nhật và nước ngoài sau hàng loạt vụ buôn lậu, ăn cắp, và phạm các tội khác, thì các nỗ lực vì một số tiền nhỏ nhoi ấy biết đâu lại mang được những thay đổi đáng kể trong nhận thức của người nước ngoài về chúng ta. Dẫu sao thì các nỗ lực ấy cũng đáng để người ta bỏ công sức vào hơn là đứng ngoài vui mừng hò reo vì thấy có ai đó bỏ túi được tiền người khác làm mất.

Hẳn có người sẽ nói, như vậy thì chị ve chai quá thiệt thòi. Vâng, đúng là không nên phong thánh cho một chị ve chai. Khó có thể bắt một người nghèo như chị ấy phải hy sinh mấy trăm triệu đồng gần như đã nằm trong túi cho một giấc mơ viển vông mang tầm vĩ mô nào đó. Nhưng nếu như có nhiều người cùng mơ một giấc mơ lớn hơn cái loa cũ đôi chút, với viễn cảnh về một người nghèo nào đó ở một đất nước xa xôi nhận lại được chiếc loa giấu số tiền chắt bóp của mình, và nhờ đó mà ít nhất là người ấy và thân bằng quyến thuộc của họ có những suy nghĩ tốt hơn về người Việt, thì việc quyên góp vài trăm triệu để mua lại chiếc loa cũ đó từ chị ve chai chỉ là một chuyện quá nhỏ, ngang vài trang quảng cáo trên các tờ báo lớn của VN mà thôi.

Cho đến giờ, đất nước chúng ta vẫn mang cái tiếng là nơi tiêu thụ đồ cũ, là bãi rác công nghệ của thế giới, và là nơi vẫn phải ngửa tay nhận tiền giúp đỡ từ nước ngoài. Rồi chúng ta sẽ phải thoát ra khỏi được cảnh này, nhưng, có lẽ, nếu có tâm thế của những người tự trọng cùng tấm lòng nhân hậu với ước mơ xây dựng và bảo vệ tương lai bằng chính bàn tay mình, thì ngày đó sẽ đến sớm hơn.  Và nói cho cùng, thì nếu ta có làm điều thiện nào đó, thì cũng vì chính mình và con cái của mình mà thôi.

10 April 2015

Từ vựng Lolita



Từ được sử dụng nhiều nhất trong Lolita là tên của nữ nhân vật chính: Dolores - 65 lần, Dolly - 100 lần, Lolita - 240 lần, và Lo - 273 lần, tổng số: 678 lần trong một tiểu thuyết khoảng 110 ngàn từ, như vậy tên cô chiếm đến 0,6% tổng số từ. Riêng chương 26, phần 1, tên Lolita chiếm đến 12% tổng số từ.
Tên Humbert xuất hiện 106 lần (trong đó Humbert Humbert: 19 lần), chưa kể khá nhiều biến thể của nó. Các từ tiếng Pháp, Latin và đức được dùng rất "thoải mái" trong tiểu thuyết, và rất nhiều từ trong số chúng là các từ hiếm khi được sử dụng tại chính quê hương chúng.
Lolita có 14 ngàn từ đơn nhất, 10 ngàn thân từ đơn nhất, và 4 ngàn thân từ chỉ được dùng một lần. Thống kê này cho thấy khả năng dùng từ cực kỳ xuất sắc của Nabokov.


15 February 2015

Lolita và Humbert làm tình với nhau bao nhiêu lần mỗi ngày?



Ngay đầu chương 7 phần II Lolita có một đoạn mà sự khác biệt giữa bản tiếng Anh và bản tiếng Nga rất đáng để ghi lại:

Tiếng Anh:

Her weekly allowance, paid to her under condition she fulfill her basic obligations, was twenty-one cents at the start of the Beardsley era—and went up to one dollar five before its end.

Tiếng Nga:

Её недельное жалование, выплачиваемое ей при условии, что она будет исполнять трижды в сутки основные свои обязанности, было, в начале Бердслейской эры, двадцать один цент (к концу этой эры оно дошло до доллара и пяти центов, что уже составляло не один цент, а целых пять за сеанс).

Bản tiếng Anh chỉ nói là nếu hoàn thành nghĩa vụ (tình dục) trong một tuần thì Lolita được trả 21 xu. Về sau được nâng giá lên 1 đô và 5 xu. Nhưng trong bản tiếng Nga, Nabokov viết rõ ra là Lolita được trả 21 xu một tuần nếu mỗi ngày đáp ứng được ba lần, tính ra là 1 xu 1 lần; và sau này nâng lên 1 đô 5 xu, tính ra là... 5 xu một lần! Với độ tuổi gần 40 của Humbert, thì 3 lần làm tình hằng ngày đều đặn cũng là đáng nể đấy nhỉ!

Lolita đúng là tongue-in-cheek erotic novel.


6 February 2015

Đọc không thông mà dịch rất thạo! (Nụ hôn chậm rãi mơ màng như cánh hoa)


Một số dịch giả "gạo cội" ở Việt Nam vẫn lên giọng với lớp trẻ là khi dịch phải dùng một thứ tiếng Việt dễ hiểu, thuần Việt, và tự khen lẫn nhau là thời mình thì dịch giả đều có một thứ tiếng Việt rất "nghệ sỹ". Một lần nữa, xin thưa là dịch cho "thoát", cho "dễ", cho "trong sáng", đôi khi chỉ để quý vị che dấu sự dốt nát và lười nghiên cứu ngôn ngữ của mình mà thôi. Không thể nào có một trí thức hay một nhà quý tộc Mỹ, Anh, Pháp mà lại nói bằng cái ngôn ngữ để cho người nông dân trong Chí Phèo hiểu thun thút được. Và nhiều khi do không hiểu tiếng Anh, nên quý vị đã phăng câu văn gốc đi một nghĩa khác hẳn, rồi tự mơn trớn nhau rằng thế mới là dịch nghệ sỹ, là phù thủy ngôn ngữ, là "đồng tác giả".



Xin đưa một trong vô vàn ví dụ về việc hiểu sai tiếng Anh rồi bịa ra một câu tiếng Việt rất mượt mà nhưng vừa vô nghĩa vừa chẳng liên quan gì đến bản gốc trong bản dịch Lolita của Dương Tường:

Bản gốc tiếng Anh:

The oddly prepubescent curve of her back, her ricey skin, her slow languorous columbine kisses kept me from mischief. It is not the artistic aptitudes that are secondary sexual characters as some shams and shamans have said; it is the other way around: sex is but the ancilla of art.

Khoan nói đến những chỗ khác, hãy nhìn vào cụm từ "columbine kisses" mà cụ Dương Tường dịch bay bướm thành: "mơ màng như cánh hoa"! Nghe hay đúng không, và tại sao lại dịch thế nhỉ, chắc hẳn do cụ tra từ điển Anh-Việt thấy rằng: Columbine là "Một loại cây có cánh hoa mỏng nhọn". Bí quá cụ phăng ra thành thế. Tuy nhiên, thưa cụ, columbine chỉ có nghĩa là "Một loại cây có cánh hoa mỏng nhọn" khi nó là danh từ, còn khi là tính từ như ở chỗ nảy, thì nghĩa của nó là: "of, relating to, or resembling a dove". Tức là, thưa cụ, nó chỉ những thứ thuộc về, có liên quan đến, hay là tương tự như chim bồ câu. Cụm từ "Columbine Kiss" có nghĩa gần như "French Kiss". Và ý Nabokov ở đây nói như vậy về nụ hôn sâu của nàng Rita, chứ nó không có họ hàng gì với cánh hoa như cụ nghĩ!

Vô cùng nhiều chỗ hiểu sai ngữ pháp, hiểu sai nghĩa, nhầm tính từ qua danh từ động từ trong bản dịch Lolita của Dương Tường, mà trong khuôn khổ của một bài viết không thể nào liệt kê ra. Bài viết này chỉ là một trong chuỗi bài phân tích các thể loại lỗi trong bản dịch Lolita của Dương Tường mà thôi. Chỉ xin góp ý quý vị là tiêu chuẩn chất lượng đầu tiên của dịch phẩm là sự chính xác, là chữ Tín, ai dịch cũng có thể sai, nhưng sai đến mức nào đó thì nên bỏ bút đi làm nghề nào ít cần đến kỹ năng đọc hiểu cả tiếng Anh cả tiếng mẹ đẻ như nghề dịch

5 February 2015

Dịch sau quên trước.



Một câu văn vô cùng đơn giản, có thể nói là một trong những câu văn đơn giản nhất của Lolita, cũng bị dịch hết sức nhảm nhí:



Closed were the white shutters of the Junk mansion, and somebody had attached a found black velvet hair ribbon to the white FOR SALE sign which was leaning toward the sidewalk. No dog barked.

Junk Mansion: Ý mỉa mai ngôi nhà to của thằng trọc phú buôn Đồng Nát, hàng xóm nhà Lolita ở Ramsdale. Con chó cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong tác phẩm, nó được nhắc đến nhiều lần, và là nguyên nhân làm bà Haze chết (do tránh con chó khi chạy qua đường để gửi thư cho Lolita, và trượt chân ngã, bị xe cán phải). Nabokov không bao giờ viết cái gì mà không nghĩ. Ông đã dùng các hình ảnh mang tính biểu tượng đề nhắc độc giả nhớ lại ký ức. Chắc Dương Tường dịch đến đây quên béng mất phần trước.

Black velvet hair ribbon: Có lẽ bất cứ ai học tiếng Anh vài tháng cũng biết đây là cái gì, không hiểu tại sao Dương Tường dịch thành "dải nhung đen với tua rua tóc".

Còn mấy cái lỗi sau thì không còn gì để nói. Đoạn văn vài chục chữ mà dịch thiếu và dịch sai một nửa!

4 February 2015

Ấp cục nước đá lên ngực?

Một trong những trang dịch kinh hoàng của cụ DT, gần như dòng nào cũng sai, mà sai toàn lỗi nặng! Tức cười nhất là lỗi này:

Nguyên bản: 

I was not able, alas, to hold my breakfast, but dismissed that physicality as a trivial contretemps, wiped my mouth with a gossamer handkerchief produced from my sleeve, and, with a blue block of ice for heart, a pill on my tongue and solid death in my hip pocket, I stepped neatly into a telephone booth in Coalmont (Ah-ah-ah, said its little door)



Cụ nghĩ sao mà dịch câu "with a blue block of ice for heart" thành... "ấp một cục nước đá xanh xanh lên ngực ở vùng tim". Chữ for ở đây có nghĩa là "in place of", Nabokov viết nghĩa bóng về chuyện Humbert đang bị lên cơn đau tim. (Và sau này ông ta cũng chết vì căn bệnh đó!). Humbert luôn tự nhận mình là người hào hoa phong nhã ăn mặc đẹp đẽ (theo chất Pháp), và ông ta đang ăn vận rất lịch sự như một quý ông để đi đấu súng với tình địch, không lẽ ông ta lại ấp một cục nước đá vào ngực cho quần áo ướt lướt thướt hay sao, cụ đọc văn người ta làm sao mà dịch ngô nghê thế cơ chứ! Chỗ cần hiểu nghĩa bóng thì cụ giải ra nghĩa đen, chỗ nghĩa đen thì cụ chuyển qua nghĩa bóng!

Chưa nói đến những chỗ dịch hết sức vụng như: Ah Ah Ah, said its little door, ý nhân cách hóa tiếng động của cửa phòng điện thoại công cộng, mà dịch thành Chà-Chà-Chà thì đúng là vụng không còn gì để nói!

3 February 2015

Freud "bị mất chỗ"?




Freud luôn bị Nabokov công kích trong Lolita, bởi vậy, người dịch Lolita nên đọc về Freud để dịch đúng nhiều đoạn văn trong tác phẩm, nếu không sẽ mắc những lỗi nực cười chẳng hạn như lỗi sau đây trong bản dịch của Dương Tường và Nhã Nam: 




Tiếng Anh:

And then I added another week just for the pleasure of taking on a powerful newcomer, a displaced (and, surely, deranged) celebrity, known for his knack of making patients believe they had witnessed their own conception.

"A displaced celebrity" ở đây hiển nhiên là nói đến Freud, và chữ displaced lấy từ cụm từ Displaced Person - "DP" - những kẻ bị buộc phải rời khỏi quê hương, một lối chơi chữ nhẹ nhàng dễ hiểu với ai thật sự biết tiếng Anh và hiểu về Nabokov và Freud. Cụ dịch thế này có chết không.

2 February 2015

Một chuyện đùa

Một chuyện đùa



Anton Pavlovich Chekhov

Phan Hồng Giang dịch

Một buổi trưa mùa đông trong sáng... Trời giá lạnh, rét cóng. Nađia khoác tay tôi. Những hạt bụi tuyết nhỏ trắng xóa bám lên mấy món tóc xoăn vòng rủ hai bên thái dương nàng, lên hàng lông tơ mịn phía trên môi. Nàng và tôi đứng trên một ngọn đồi cao. Từ chỗ chúng tôi đứng, sườn đồi đổ dài thoai thoải xuống lấp loáng dưới ánh nắng, như một tấm gương. Bên cạnh chúng tôi là một chiếc xe trượt tuyết nhỏ bọc một lớp dạ màu đỏ tươi.

- Chúng ta cùng trượt xuống dưới đi, Nađia! - tôi van nài nàng - Một lần thôi! Tôi cam đoan với cô là chúng ta sẽ chẳng hề gì đâu.

Nhưng Nađia sợ. Cả khoảng gian từ đôi giày cao su nhỏ nhắn của nàng đến chân quả đồi phủ băng này đối với nàng thật ghê sợ, tưởng như là một vực sâu vô tận. Đứng đây, nàng chỉ mới đưa mắt nhìn xuống dưới, hay tôi chỉ mới gợi ý bảo nàng ngồi vào xe trượt tuyết là nàng đã sợ hết hồn, không thở được nữa, huống hồ nếu nàng liều mạng lao xuống cái vực sâu kia thì không biết rồi ra sao! Nàng sẽ chết mất, sẽ phát điên mất.

- Ta trượt đi cô! - Tôi cố nài. - Việc gì mà sợ! Cô phải biết sợ thế là nhát gan, xoàng lắm cô ạ!

Cuối cùng, Nađia cũng ưng thuận, nhưng qua nét mặt nàng, tôi biết rằng nàng liều mạng mà nghe lời tôi. Tôi đỡ nàng vào xe trượt; nàng run rẩy, gương mặt nàng tái nhợt. Tôi vòng tay qua giữ lấy Nađia và cùng nhau lao xuống.

Chiếc xe lao đi vun vút như một viên đạn. Làn không khí bị xé ra quật vào mặt, gào rít bên tai dữ tợn đâm vào da buốt nhói, gió như muốn giật phăng đầu ra khỏi vai. Gió ép mạnh, đến nghẹt thở. Tưởng chừng như có một con quỷ nào đang giơ tay nắm lấy chúng tôi và vừa rú lên vừa kéo xuống địa ngục. Mọi vật chung quanh nhập lại thành một vệt dài vun vút lao về phía sau... Chỉ một giây lát nữa thôi có lẽ chúng tôi sẽ chêt!

- Nađia, anh yêu em! - tôi thì thào nói.

Chiếc xe trượt dần dần chạy chậm lại, tiếng gió gào và tiếng càng trượt xe rít lúc này đã không còn đáng ghê sợ, ngực đã thấy dễ thở, và thế là chúng tôi đã xuống đến chân đồi. Nađia sợ tưởng chết đi được, gương mặt tái nhợt, nàng thở không ra hơi... Tôi đỡ nàng đứng dậy.

- Các vàng tôi cũng không trượt lần nữa đâu! - nàng nói và đưa cặp mắt mở to đầy sợ hãi, nhìn tôi.
- Các vàng tôi cũng chịu! Chỉ thiếu chút nữa là tôi chết!

Một lát sau, nàng dần dần hết sợ và đã bắt đầu nhìn vào mắt tôi với vẻ dò xét: có phải tôi đã nói bốn tiếng ấy, hay chỉ là trong tiếng gió gào rít nàng nghe thấy như vậy? Còn tôi, tôi đứng bên cạnh nàng, lấy thuốc lá ra hút và chăm chú nhìn chiếc găng tay của mình.

Nàng khoác tay tôi và chúng tôi cùng nhau dạo chơi hồi lâu bên đồi tuyết. Hình như điều bí ẩn làm nàng thấy trong lòng băn khoăn. Có phải anh nói ra những lời đó không? Có những lời đó hay không? Có hay không? Đó là một câu hỏi của lòng tự trọng, của danh dự, của cuộc đời và niềm hạnh phúc - một câu hỏi rất hệ trọng, hệ trọng nhất trên đời này. Nađia chăm chăm nhìn tôi bằng cặp mắt buồn rầu nôn nóng bồn chồn. Nàng chậm rãi do dự trả lời những câu hỏi của tôi như chờ mong tôi sẽ tự nói ra cái điều bí ẩn ấy. Ôi, khuôn mặt nàng lúc ấy đáng yêu biết bao, ý nhị biết bao! Tôi thấy rõ nàng đang tự day dứt với mình, nàng cần nói một điều gì, cần hỏi một điều gì, nhưng nàng không tìm được lời, nàng cảm thấy rụt rè kinh sợ, một niềm vui nào đang ngăn trở nàng nói...

- Này anh... - Nàng nói, mắt không nhìn tôi.
- Cái gì vậy? - tôi hỏi.
- Chúng ta cùng nhau... lao dốc lần nữa đi.

Chúng tôi lần theo những bậc thang trèo lên đồi. Tôi lại đỡ Nađia lên xe, mặt nàng tái nhợt, và toàn thân run run. Chúng tôi lại lao xe về phía vực thẳm khủng khiếp và, gió lại gào, tiếng xe lại rít lên. Và cũng đúng vào lúc chiếc xe lao nhanh nhất, tiếng gió gào rít ghê gớm nhất, tôi lại nói:          

- Nađia, anh yêu em!

Khi chiếc xe dừng lại, Nađia vội đưa mắt nhìn quanh quả đồi mà chúng tôi vừa trượt xuống, rồi nhìn đăm đăm vào mặt tôi, lắng nghe giọng nói thờ ơ lãnh đạm của tôi và toàn thân nàng, cả từ cái mũ, cái bao tay và dáng người nàng nữa, đều toát lên một cái gì hồ nghi khó hiểu. Trên gương mặt nàng như hiện lên các câu hỏi:

"Điều gì đã xảy ra? Ai nói những lời ấy? Anh ấy hay là chỉ do ta nghe được?"

Điều bí ẩn ấy làm nàng không yên lòng chút nào, nàng không chịu được nữa. Cô bé đáng thương ấy không trả lời nổi những câu hỏi, nét mặt rầu rĩ như muốn khóc.

- Chúng ta về nhà thôi nhé? - tôi hỏi.
- Không, không... tôi thích... trượt xe thế này, - nàng nói, mặt ửng đỏ lên. - Hay là chúng ta cùng nhau trượt lần nữa đi?

Nađia nói rằng nàng "thích" cái trò trượt này, thế mà khi ngồi lên xe, nàng vẫn run, gương mặt nàng vẫn tái nhợt, hơi thở vẫn ngắt quãng vì sợ hãi như những lần trước.

Lần thứ ba chúng tôi trượt xuống. Tôi thấy nàng đăm đăm nhìn lên mặt tôi. theo dõi đôi môi tôi. Nhưng tôi lấy chiếc khăn tay che miệng đi rồi khẽ đằng hắng lên mấy tiếng, và khi xe lao xuống lưng chừng đồi, tôi còn kịp nói:

- Nađia, anh yêu em!

Điều bí ẩn vẫn là điều bí ẩn! Nađia im lặng, nàng đang nghĩ ngợi điều gì... Tôi tiễn nàng từ sân trượt về nhà. Nàng cố đi chậm lại, chờ xem tôi có nói với nàng những lời ấy không. Tôi cảm thấy tâm hồn nàng đang đau khổ, nàng đang cố dằn lòng để khỏi phải thốt lên:

- Không, gió không thể nói được những lời ấy! Mà tôi cũng không muốn tin rằng gió đã nói những lời ấy!

Sáng hôm sau, tôi nhận được một mảnh giấy của nàng: "Nếu hôm nay anh có đi trượt tuyết, đến rủ tôi cùng đi nhé! Nađia". Từ hôm đó, ngày nào tôi và Nađia cũng lên đồi và mỗi lần lao xe từ trên đồi xuống, tôi lại thì thào nhắc lại những lời đó:

- Nađia, anh yêu em!

Chẳng bao lâu sau, Nađia quen nghe những lời ấy như quen uống rượu, hay dùng moócphin. Nàng không thể sống thiếu những lời đó nữa. Thực ra, lao xe từ trên đồi xuống vẫn đáng sợ như xưa, nhưng giờ đây chính cái nguy hiểm, cái kinh sợ đó lại đem đến một cái gì đặc biệt đắm say cho những lời yêu đương ấy, những lời vẫn là điều bí ẩn và dằn vặt lòng người như trước... Kẻ bị nghi ngờ vẫn là gió và tôi... Ai, gió hay là tôi, đã thổ lộ với nàng những lời yêu đương ấy, nàng không biết được; nhưng hình như nàng không để ý đến điều đó nữa bởi vì tục ngữ nói uống rượu từ bình nào, có gì đáng bận tâm dâu, chỉ cốt sao say được thôi.

Có lần vào một buổi trưa, tôi đến sân trượt một mình; đi lẫn trong đám đông. tôi bỗng nhìn thấy Nađia đang đi về phía đồi và đưa mắt tìm tôi... Rồi nàng chậm chạp bước theo bậc thang trèo lên đỉnh đồi... Trượt xe một mình thật đáng ghê sợ biết bao, ôi, thật đáng ghê sợ! Mặt nàng tái nhợt, trắng như tuyết, toàn thân run rẩy, nàng bước đi hệt như đến nơi chịu án tử hình, nhưng nàng vẫn xăm xăm đi, đầu không ngoái lại. Chắc là cuối cùng nàng quyết định thử xem: nàng có còn nghe thấy những lời ngọt ngào say đắm ấy nữa không, khi không có tôi bên cạnh? Tôi nhìn thấy nàng tái nhợt, miệng há ra vì sợ hãi; ngồi lên xe, nhắm mắt lại và, sau khi vĩnh biệt trái đất, bắt đầu lao xuống chân đồi... Tiếng càng trượt xe rít lên... Nađia có nghe thấy những lời đó nữa không, tôi không biết... Tôi chỉ thấy nàng bước ra khỏi xe một cách mệt nhọc, gần như kiệt sức. Qua nét mặt nàng có thể thấy rằng chính nàng cũng không biết nàng có nghe được những lời đó hay không. Nỗi sợ hãi khi xe lao xuống đồi đã làm nàng không còn khả năng nghe được, phân biệt được các âm thanh, không còn khả năng hiểu nữa...

Thế rồi những ngày xuân tháng Ba đã tới... Mặt trời như trở nên dịu dàng hơn. Quả đồi tuyết của chúng tôi bắt đầu sẫm lại, dần mất đi cái vẻ óng ánh của nó, và cuối cùng thì tan đi. Chúng tôi thôi không trượt xe nữa. Nađia đáng thương cũng không còn nơi nào để nghe những lời ấy nữa, bởi vì gió thì không còn thổi nữa, mà tôi thì sửa soạn đi Pêtérburg - đi rất lâu, có lẽ là suốt đời.

Có lần khoảng hai ngày trước khi đi Pêtérburg vào một buổi chiều tà, tôi ngồi trong khu vườn nhỏ. Một hàng rào cao có đinh nhọn ngăn cách khu vườn ấy với sân nhà Nađia... Trời hãy còn lạnh, tuyết hãy còn đọng lại dưới đám phân cây cối vẫn trơ trụi, nhưng hương vị mùa xuân đã đến, từng đàn quạ bay về tổ, trú đêm kêu lên quàng quạc. Tôi đến bên hàng rào và ghé nhìn qua khe hở. Tôi thấy Nađia bước ra thềm và đưa mắt nhìn lên trời buồn bã... Làn gió xuân nhẹ thổi qua khuôn mặt nhợt nhạt rầu rĩ của nàng... Làn gió xuân gợi lại cho nàng cái tiếng gió rít trên đồi tuyết, khi nàng nghe thấy bốn tiếng ấy, và gương mặt nàng trở nên buồn bã lạ thường, nước mắt lặng lẽ chảy trên má... Nàng đáng thương đưa hai tay mình về phía trước như muốn cầu xin làn gió đem đến cho nàng những lời yêu đương đó một lần nữa. Và tôi, chờ khi có làn gió đến, thì thào nói:

- Nađia, anh yêu em!

Trời, điều gì đã xảy ra với nàng lúc ấy! Nađia khẽ kêu kên và khuôn mặt nàng bỗng chan hoà một nụ cười rạng rỡ. Nađia đưa hai tay lên đón lấy gió, trông nàng lúc ấy thật là mừng rỡ, đẹp xinh và hạnh phúc.

Còn tôi, tôi trở vào nhà và đi thu xếp đồ đạc...

Chuyện ấy đã qua lâu rồi. Bây giờ Nađia đã có chồng, gia đình nàng gả chồng cho nàng hay nàng tự nguyện lấy? - điều ấy cũng chẳng có gì đáng bận tâm. Chồng nàng là thư ký hội đồng giám hộ trẻ con quý tộc. Nađia đã có ba con. Nhưng chút kỷ niệm cùng nhau trượt băng và gió lúc ấy đem đến cho nàng bốn tiếng: "Nađia, anh yêu em!" thì nàng không quên được; đối với nàng, điều ấy đã trở thành kỷ niệm hạnh phúc nhất, xúc động nhất, đẹp đẽ nhất trong đời nàng...

Còn tôi, bây giờ tôi đã đứng tuổi, tôi không hiểu nổi vì lẽ gì tôi đã nói những lời đó, làm sao tôi đã đùa như thế...

27 January 2015

Có lẽ Lolita được cụ Dương Tường dịch từ cuối lên đầu!



Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã đứng về phía sự thật! Mặc dù cụ Dương Tường đã nhận lỗi, tuy nhiên với kiểu trả lời quanh co vớt vát thế này của cụ, thì có lẽ vẫn cần thêm vài bài viết nữa! Chỉ cần nhìn cái ví dụ (về chuyện dịch từ The Annotated Lolita) mà tôi đưa ra trong bài viết "Cụ Dương Tường Đạo Chú Thích Lolita ở đâu" là các chú thích ở chương 20, phần 1, trang 121 trong bản Lolita tiếng Việt, tái bản có sửa chữa, được giải của Hội Nhà Văn HN (!), do Nhã Nam in; tức là nó nằm ở khoảng 1/3 đầu bản dịch (toàn bộ bản dịch của cụ có hơn 400 trang) - là đủ thấy sự ngụy biện của cụ khi nói rằng:

"Chính trong khi tìm trên Google, tôi mới biết có cuốn The annotated Lolita. Tôi bèn viết thư nhờ dịch giả Nguyệt Cầm ở bên Mỹ kiếm hộ một cuốn. Khi nhận được cuốn này, tôi đã dịch được hai phần ba Lolita. Phải nói là có được "bảo bối" này, một phần ba công việc còn lại của tôi nhẹ hẳn."

Phải chăng cụ Dương Tường dịch Lolita... từ cuối lên đầu chăng? Hay là tôi phải chụp thêm vài chục ví dụ cách đều nhau hai chục trang trong toàn bộ bản dịch của cụ để chứng minh là gần như toàn bộ chú thích trong bản dịch ấy được lấy nguyên xi từ The Annotated Lolita?

Hình như từ các nhạc sĩ đạo nhạc cho đến các "dịch giả" đạo kiến thức đều có chung một kiểu ngụy biện! 

8 January 2015

Dịch giả Thiên Lương: Độc giả dung túng, dịch thuật tụt hậu

(Thethaovanhoa.vn) - Tại sao một nhà văn nghe nói vĩ đại mà lại viết ngô nghê đến thế? Tại sao một kiệt tác được hàng chục triệu người đọc mà lại sai lung tung? - đó là những câu hỏi độc giả có quyền đặt ra khi đọc một bản dịch kiệt tác không đạt.

Năm 2013, với bản dịch độc lập Lolita (không bản quyền, không cộng tác với một đơn vị xuất bản nào) chỉ vì không đồng tình với bản dịch có sẵn, Thiên Lương gây tò mò trên văn đàn. Trong suốt một năm qua, dịch giả này vẫn tiếp tục theo đuổi công việc phản biện các lỗi dịch thuật trong những bản dịch tiếng Việt của một số kiệt tác văn chương thế giới. Thiên Lương từng học ngành Điều khiển học tại Nga, thông thạo tiếng Anh và tiếng Nga.
* Dựa theo những bản dịch cụ thể đã đọc và so sánh, anh nhận xét thế nào về chất lượng dịch thuật các kiệt tác thế giới khi được đưa đến Việt Nam?
- Tôi thấy rất ít bản dịch ở Việt Nam chạm đến được cái đẹp của nguyên bản. Tuy nhiên, để đánh giá nghiêm túc một bản dịch thì chỉ có một cách duy nhất là đối chiếu chúng với bản gốc, và tôi thật sự thất vọng với bản dịch Lolita của Dương Tường do nó quá khác biệt so với nguyên bản tiếng Anh của Vladimir Nabokov. Lolita là tác phẩm đứng đầu trong hàng loạt bình chọn tiểu thuyết hay nhất của nhân loại, và thật đáng tiếc nếu nó không được dịch thật tốt qua tiếng Việt.
Các bản dịch khác mà tôi có đối chiếu cũng sai lệch rất nhiều, có thể nói là khác biệt ở mức khó chấp nhận.




Bìa bản dịch Lolita của Thiên Lương do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế

* Các bản dịch như vậy có tác động ra sao đến tiếp nhận và trình độ của độc giả Việt Nam về lâu dài?
- Các bản dịch kém tác động xấu đến độc giả. Có thể độc giả sẽ nghĩ, tại sao một nhà văn nghe nói là vĩ đại đến thế mà lại viết rất bình thường, thậm chí ngô nghê như thế này, tại sao một kiệt tác được hàng chục triệu người đọc, mà lại bình thường, thậm chí sai lung tung thế này. Rồi họ sẽ mất dần thói quen đọc các bản dịch, và tác hại ấy rất lâu dài. Nếu bản dịch sai thuộc về các lĩnh vực như y tế, giáo dục, kinh tế, chính trị, thì tác hại còn khủng khiếp hơn nữa.
Đừng đánh giá thấp các lỗi dịch, đừng nghĩ rằng dịch sai đôi chút cũng không sao, miễn là hay. Có những lỗi dịch làm thay đổi toàn bộ tác phẩm, làm người đọc hiểu sai hoàn toàn. Có những lỗi dịch làm độc giả hoang mang, không biết tác giả là loại nhà văn nào mà viết kém thế. Mặc dù có thể cho bạn thấy hàng ngàn ví dụ như vậy, nhưng trong khuôn khổ của một bài phỏng vấn, tôi sẽ đưa ra một lỗi cực kỳ dễ hiểu với hầu hết bạn đọc có biết tiếng Anh sơ cấp, nhưng lại sai nghiêm trọng. Nó ở trang 261, bản dịch Lolita của Nhã Nam: “Miss Pratt nói, khua hai bàn tay lốm đốm vết men gan để minh họa”, và “hai bàn tay lốm đốm vết men gan” này, theo Nabokov viết bằng tiếng Anh, là liver-spotted hands, nghĩa là bàn tay của người già bị lốm đốm vết đồi mồi mà thôi. Kiểu dịch này chắc hẳn làm cho độc giả hoài nghi vào trình độ của một nhà văn thiên tài như Vladimir Nabokov.
* Dịch giả Đoàn Tử Huyến nói: “Hiện nay, yêu cầu về chất lượng dịch văn học không còn như cách đây mấy chục năm nên dịch giả cũng không thể dịch giống như trước”. Anh nghĩ sao?
- Tôi đồng ý. Ngày xưa, rất ít người có khả năng có được bản gốc, và lại càng hiếm ai đọc nổi bản gốc các tác phẩm văn chương nước ngoài, cho nên dịch giả dịch sao cũng được. Độc giả ngày nay đã khác.
* Thay đổi đó nói lên điều gì về sự khác biệt giữa các thế hệ dịch giả?
- Dịch giả ngày nay có người bạn trung thành và người thầy vĩ đại là Internet, nên họ có cơ hội để dịch tốt hơn rất nhiều so với các dịch giả thế hệ trước. Ngoài ra, chúng ta đang có hàng chục ngàn bạn trẻ sống và học tập ở nước ngoài, họ giỏi ngoại ngữ hơn rất nhiều dịch giả tự học. Ngày nay, những kiến thức tích lũy được sau năm tháng đã không còn ý nghĩa gì nhiều, quan trọng là năng lực nhận thức mối liên hệ tiềm ẩn giữa các sự vật hiện tượng (theo Vaclav Havel). Kiến thức nằm khắp nơi trên Internet, vấn đề là bạn có khả năng “đọc” được nó hay không.
* Có 2 quan điểm đối lập về dịch thuật: có người yêu cầu rất chặt chẽ về độ chính xác so với bản gốc; có người cho rằng chỉ cần giữ được “cái hồn” hay “cái thần” của tác giả tác phẩm, đúng sai có thể châm chước. Quan điểm của anh ra sao?
- Tôi nghĩ trên đời này chẳng ai dám nói là mình hiểu cái thần, cái hồn của các vĩ nhân, và cũng không có ai có tư cách nói như vậy. Và tôi cho rằng các tác giả cũng sẽ rất phẫn nộ (nếu họ còn có thể phẫn nộ) khi nghe thấy một ông dịch giả nào đó tuyên bố rằng bản dịch của ông ta tuy sai lung tung nhưng nắm được “cái hồn”, “cái thần” của tác giả! Nabokov từng phản đối kịch liệt quan điểm dịch méo mó bịa đặt kiểu đó.
Đừng coi thường độc giả, và đừng ngụy biện, đánh tráo một thứ có thể cân đong đo đếm, có thể định lượng là “dịch đúng”, qua một thứ chỉ có thể định tính, rất mông lung, là “dịch hay”. Quan điểm “dịch sai cũng được” ấy nếu còn được độc giả dung túng thì sẽ còn kéo dịch thuật Việt Nam tụt hậu nhiều năm. Tôi thấy đã đến lúc Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế vào công việc dịch thuật. Phải xác định rõ tiêu chuẩn với bản dịch, và phải minh bạch các tiêu chuẩn về lỗi cơ học, tức là sai kiểu “đen” dịch thành “trắng”. Số lỗi vượt quá tiêu chuẩn là nhà sách phải thu hồi, chứ không thể để tình trạng dịch ẩu như thế này kéo dài mãi. Theo tôi, tối đa số lỗi nên là 0,5%, nghĩa là 200 chữ được sai 1. Và trong giai đoạn hỗn loạn này, có thể các cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp sâu hơn vào thị trường sách dịch.



Việt Nam đã dịch 50% kiệt tác?
Theo Modern Library thì 10 tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ 20 là:
Ulysses - James Joyce
The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại) - F.Scott Fitzgerald
A Portrait Of The Artist As A Young Man (Chân dung một chàng trai trẻ) - James Joyce
Lolita (Lolita) - Vladimir Nabokov
Brave New World - Aldous Huxley
The Sound And The Fury (Âm thanh và cuồng nộ) - William Faulkner
Catch-22 - Joseph Heller
Darkness At Noon - Arthur Koestler
Sons And Lovers - D.H.Lawrence
The Grapes Of Wrath (Chùm nho uất hận) - John Steinbeck.
Danh sách của Modern Library (thuộc NXB Random House, Mỹ) bị cho là quá “thân Mỹ”, đúng hơn là thiên về Bắc Mỹ và châu Âu. Trong ngoặc đơn là tên bản dịch tiếng Việt phổ biến, vậy là Việt Nam đã dịch một nửa số kiệt tác, có cuốn dịch đến 2-3 lần, nhưng nhiều quyển chất lượng lại rất có vấn đề.


Mi Ly (thực hiện)

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần