26 June 2012

Chương 4

Tôi lật qua lật lại các ký ức buồn thảm này, và cứ tự hỏi mình, có phải từ hồi ấy, trong ánh lóng lánh thuộc về mùa hạ xa xôi đó, mà vết nứt đời tôi đã bắt đầu; hay dục vọng cháy bỏng của tôi với đứa trẻ ấy chỉ là dấu hiệu ban đầu của tính lập dị sẵn có? Khi cố gắng phân tích các khát khao, duyên cớ, hành động, và những thứ tương tự của mình, tôi buông trôi theo một kiểu hoài tưởng nào đấy, nó nuôi dưỡng năng lực phân tích bằng vô số lựa chọn và nó làm cho mỗi tuyến đường tôi mường tượng đều rẽ nhánh, và lại rẽ nhánh bất tận trong viễn cảnh phức tạp đến phát khùng của quá khứ. Tuy nhiên, tôi tin rằng, theo lối đi thần bí nào đó của định mệnh, Lolita cũng đến từ Annabel.

Tôi cũng biết là cú sốc từ cái chết của Annabel đã củng cố sự bất mãn hồi mùa hạ ác mộng ấy, biến nó thành rào cản thường trực trước mọi chuyện tình sau này trong suốt những năm thanh xuân lạnh lẽo của tôi. Tâm tính và thể tính được hòa lẫn trong chúng tôi với sự hoàn mỹ đến mức độ mà lũ choai choai vô cảm, thực dụng, thô lỗ, xu thời ngày nay chắc không thể hiểu nổi. Rất lâu sau khi nàng mất, tôi vẫn cảm thấy suy nghĩ của nàng trôi qua suy nghĩ của tôi. Rất lâu trước lúc gặp gỡ, chúng tôi từng có nhiều giấc mộng giống hệt. Chúng tôi đối chiếu các ghi chép. Chúng tôi tìm thấy nhiều chỗ tương đồng kỳ lạ. Cùng trong tháng Sáu, cùng vào một năm (1919), một con hoàng yến lạc đường đã vẫy cánh bay vào trong nhà nàng và nhà tôi, ở hai quốc gia cách nhau rất xa. Ôi, Lolita, giá mà em yêu tôi như thế!

Tôi dành riêng phần cuối thời kỳ “Annabel” của mình để miêu tả cuộc hẹn không thành công đầu tiên của chúng tôi. Một đêm nọ, nàng đánh lừa được sự cảnh giác độc ác của cả nhà. Trong lùm cây trinh nữ lá gầy bồn chồn sau biệt thự họ thuê, chúng tôi tìm được chỗ đậu trên đống đổ nát còn sót lại của bức tường thấp bằng đá. Xuyên qua bóng tối và những cành cây mỏng manh, chúng tôi có thể thấy các hoạ tiết arabesque trên những ô cửa sổ sáng đèn, mà giờ đây, tô điểm thêm chút mực màu thuộc ký ức bén nhạy, hiện lên trước mắt tôi hệt như những lá bài — có thể vì quân địch đang bận chơi bridge. Nàng run rẩy và co mình lại lúc tôi hôn khoé môi hé mở và trái tai nóng bừng của nàng. Một chòm sao mờ ảo trên cao giữa bóng những chiếc lá dài mảnh mai; bầu trời rung rinh ấy có vẻ cũng trần truồng giống nàng dưới chiếc đầm nhẹ nhàng. Tôi ngắm gương mặt nàng trên nền trời, nó rõ nét kỳ lạ, như thể đang tỏa ra vầng hào quang mờ mờ của chính nó. Đôi chân nàng, đôi chân sống động đáng yêu của nàng, chỉ khép hờ, và khi bàn tay tôi định vị được cái mà nó cố tìm, một nét mơ màng và huyền bí, nửa sung sướng, nửa đớn đau, xuất hiện trên nét mặt trẻ con ấy. Nàng ngồi cao hơn tôi đôi chút, và hễ khi nào, trong cơn sướng khoái đơn côi, muốn được hôn tôi, đầu nàng lại cúi xuống với một cử động ngái ngủ, mềm mại, ủ rũ, gần như thiểu não, còn cặp đầu gối trần của nàng níu lấy cổ tay tôi, riết chặt, và lại buông lơi; miệng nàng run rẩy, méo mó do vị đắng của liều thuốc nước thần bí nào đó, huýt hơi vào, ghé sát mặt tôi. Nàng cố làm dịu nỗi đau tình, trước tiên bằng cách miết mạnh đôi môi khô cháy của mình lên môi tôi; rồi người tôi yêu ngả người ra xa, bồn chồn hất tóc, rồi lại rầu rĩ áp lại gần, hé miệng để tôi mớm vào, trong khi ấy, với sự rộng lượng sẵn lòng tặng nàng mọi thứ, tim, họng, ruột gan, tôi trao cho nàng giữ cây vương trượng đam mê của tôi trong nắm tay vụng dại của nàng.

Tôi vẫn nhớ mùi hương loại phấn thơm nào đó  tôi tin là nàng đã trộm nó từ cô hầu người Tây Ban Nha của mẹ nàng — mùi xạ hương ngòn ngọt, tầm thường. Nó hòa trộn với mùi bánh quy của cơ thể nàng, và cảm xúc trong tôi bỗng dâng lên đầy ắp; một chấn động bất ngờ từ bụi cây gần bên ngăn chúng trào ra — và khi chúng tôi buông nhau, mạch máu rần rật nhức nhối, chú tâm vào cái hầu như chắc chắn là một con mèo đang lảng vảng săn mồi, thì từ ngôi nhà vọng ra tiếng mẹ nàng gọi nàng với giọng điệu càng lúc càng điên cuồng hơn — và Bác sỹ Cooper tập tễnh, nặng nề, lết vào vườn. Nhưng lùm cây trinh nữ ấy — bầu trời mù sao, cảm giác nhột nhạt, ngọn lửa bừng bừng, giọt mật ngọt ngào cùng nỗi đau nhức nhối vẫn ở lại cùng tôi, còn cô bé ấy, với đôi chân bờ biển và cái lưỡi nồng nhiệt, không ngừng ám ảnh tôi từ đó — suốt hai mươi tư năm sau, tận cho tới khi tôi phá bỏ được bùa chú của nàng bằng cách hoá thân nàng vào cô bé khác.







Lolita. Bản dịch tiếng Việt. Chương 4.

22 June 2012

Chương 3

Annabel, cũng như tác giả, có dòng máu pha trộn, nhưng trường hợp của nàng là nửa Anh, nửa Hà Lan. Hôm nay tôi không nhớ được nét mặt nàng rõ ràng như vài năm trước, hồi tôi chưa biết Lolita. Có hai kiểu ký ức thị giác: kiểu một là lúc mà bạn khéo léo tạo lại hình ảnh tại phòng xử lý ảnh của tâm trí, với đôi mắt mở (và lúc đó tôi mường tượng Annabel bằng những thuật ngữ chung chung như: “nước da mật ong”, “đôi tay mảnh mai”, “tóc nâu cắt ngắn”, “cặp lông mi dài”, “miệng lớn tươi tắn”); và kiểu kia là lúc bạn gợi ngay lên, với đôi mắt nhắm lại, trên vùng tối phía trong mí mắt, ảnh chiếu bản sao khách quan, hoàn hảo của gương mặt yêu dấu, một bóng ma bé nhỏ bằng những sắc màu tự nhiên (và đó cũng là cách mà tôi nhìn thấy Lolita).

Bởi vậy, hãy cho phép tôi nghiêm túc tự hạn chế mình, trong việc miêu tả Annabel, với nhận xét rằng nàng là cô bé đáng yêu, nhỏ hơn tôi vài tháng tuổi. Song thân nàng là bạn cũ của bác tôi, và cũng cổ hủ như bà ấy. Họ thuê biệt thự cách không xa khách sạn Mirana. Ông Leigh đầu hói, da nâu, còn bà Leigh (nhũ danh Vanessa van Ness) to béo, bự phấn. Sao mà tôi ghét họ đến thế! Hồi đầu, Annabel với tôi toàn trao đổi những chuyện đâu đâu. Nàng cứ vốc cát mịn lên và cho chúng chảy xuống qua các kẽ ngón tay. Tư duy chúng tôi đã được định theo cùng một hướng giống như những thiếu niên châu Âu sáng dạ cùng tầng lớp với chúng tôi vào thời đó, và tôi e là không thể tìm được nhiều tài năng thiên phú cá nhân trong những quan tâm của chúng tôi tới tính đa dạng của các cõi nhân gian, tới những trận đấu tennis, tới sự vô tận, tới thuyết duy ngã và nhiều điều khác. Sự mềm yếu và mong manh của những con thú mới sinh gây cho chúng tôi cùng một nỗi đau nhức nhối hệt như nhau. Nàng muốn thành y tá thiện nguyện ở một quốc gia châu Á đói khát nào đó; tôi muốn thành điệp viên nổi danh.

Bỗng nhiên chúng tôi lao vào yêu nhau, man dại, vụng về, trơ trẽn, khổ sở; vô vọng nữa, tôi phải bổ sung thêm như vậy, bởi vì nỗi khao khát điên cuồng muốn chiếm hữu lẫn nhau ấy chỉ có thể được làm dịu bớt bằng cách uống cạn và hòa tan từng giọt linh hồn và thể xác của nhau; vậy mà chúng tôi thậm chí không thể nào giao cấu được với nhau như bọn trẻ ở khu nhà ổ chuột vẫn hết sức dễ dàng tìm được thời cơ để thực hiện. Sau lần liều lĩnh kiếm cách gặp gỡ ban đêm ở vườn nhà nàng (mà lát nữa sẽ kể thêm), thì sự riêng tư duy nhất mà chúng tôi được cho phép là có thể ở ngoài tầm tai nhưng không ngoài tầm mắt tại khu vực đông người của plage. Nơi đó, trên cát mềm, cách người lớn vài bước chân, chúng tôi thường nằm ườn cả buổi sáng, chìm ngập vào cơn khát tình đến tê dại, và tận dụng từng cơ may của không gian và thời gian để chạm vào nhau: bàn tay nàng, giấu một phần trong cát, trườn tới gần tôi, các ngón tay thon thon màu nâu mê man lại gần, gần nữa; rồi đầu gối trắng sữa của nàng bắt đầu hành trình dài, cẩn trọng; đôi lúc, một đụn cát, tình cờ được xây lên bởi mấy đứa trẻ con nhỏ tuổi hơn, ban cho chúng tôi chỗ ẩn náu đủ để ngấu nghiến đôi môi mặn chát của nhau; những đụng chạm nửa vời ấy đưa các cơ thể non tơ sung sức của chúng tôi tới trạng thái kích thích mãnh liệt đến độ thậm chí làn nước xanh mát lạnh, mà dưới đó chúng tôi vẫn quắp lấy nhau, cũng không thể xoa dịu.

Trong số vài báu vật mà tôi làm thất lạc sau những năm lang bạt tuổi trưởng thành, có tấm ảnh do bác Sybil chụp, nó cho thấy Annabel, cha mẹ nàng và một quý ông lớn tuổi, nghiêm nghị, chân khập khiễng, một Bác sỹ Cooper nào đó, người đang ve vãn bác tôi hồi mùa hè ấy, tụ quanh một cái bàn trong tiệm café ven đường,. Nhìn Annabel không rõ nét lắm, vì nàng bị chụp đúng lúc đang cúi người xuống ly chocolat glacé của mình, đôi vai gầy để trần và đường ngôi trên mái tóc là tất cả những gì có thể nhận ra, (theo như tôi nhớ lại bức ảnh), giữa vết nắng nhòa mà trong đó nhan sắc nàng dần phai nhạt; nhưng tôi, ngồi có vẻ hơi tách khỏi những người còn lại, thì lại nổi bật lên đầy kịch tính: một anh chàng buồn bã, lông mày sâu róm, mặc sơ mi thể thao thẫm màu với quần soọc trắng may rất khéo, chân bắt chéo, ngồi nghiêng mặt, nhìn xa xôi. Tấm ảnh ấy được chụp vào hôm cuối mùa hè tai hại của chúng tôi, chỉ vài phút trước lúc chúng tôi cố gắng lần thứ hai và cũng là sau cùng nhằm cưỡng lại định mệnh. Lấy cái cớ vớ vẩn nhất (đây là thời cơ cuối của hai đứa và chẳng còn điều gì thật sự có ý nghĩa nữa), chúng tôi trốn khỏi tiệm café, ra bãi biển, tìm được rẻo cát hoang vắng, và ở nơi đó, trong bóng râm màu tím của vài tảng đá đỏ tạo hình một thứ giống như cái hang nhỏ, chúng tôi đã có cuộc giao lưu ngắn bằng những vuốt ve đầy khao khát, với chứng nhân duy nhất là cặp kính râm ai đó bỏ quên. Tôi đã quỳ gối xuống, sắp chiếm hữu cô bé tôi yêu thì hai người đi tắm rậm râu, ông già biển cả và em trai ông, hiện ra từ biển, với những tiếng hò reo cổ vũ thô tục; và bốn tháng sau, nàng chết do bệnh sốt phát ban ở đảo Corfu.







Lolita. Bản dịch tiếng Việt. Chương 3.

The 1849 fair copy of the poem "Annabel Lee" by Edgar Allan Poe


Bài thơ Annabel Lee của Edgar Poe. Annabel Lee là "tiền thân" của Lolita.



20 June 2012

Annabel Lee (Bản dịch)


Thực ra, có thể sẽ chẳng bao giờ có Lolita nào hết, nếu vào một mùa hè xa xôi, Humbert đã không yêu Annabel - cô bé đầu tiên ấy. Còn Annabel thì bước ra từ bài thơ Annabel Lee, một trong những kiệt tác của thi hào Edgar Allan Poe. Thưa quí ông quí bà độc giả, xin hãy nhìn mớ gai chằng chịt này:



Annabel Lee

Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

Chuyện xảy ra đã nhiều năm về trước
Ở vương quốc bên biển, sóng rầm rì
Một cô gái, hẳn mọi người dã biết
Nàng có tên là Annabel Lee
Nàng đã sống với một điều ao ước
Yêu người và được yêu lại nhường kia.

Nàng con trẻ, tôi cũng là con trẻ
Ở vương quốc bên biển, sóng rầm rì
Chưa từng có ai yêu nhau như thế
Như tôi và nàng Annabel Lee
Yêu đến mức để thiên thần ghen tỵ
Dù thiên thần vẫn ở chốn xanh kia.

Chính vì thế mà đã từ lâu lắm
Ở vương quốc bên biển, sóng rầm rì
Cơn gió lạnh từ mây đen ập xuống
Đã giết chết nàng Annabel Lee
Anh em, họ hàng cao sang đổ đến
Những người thân đã mang xác nàng đi
Rồi họ đã chôn nàng trong mồ lạnh
Ở vương quốc bên biển, sóng rầm rì.

Niềm hạnh phúc, dù mới là một nửa
Mà thiên thần đã ganh tỵ nhường kia
Chính vì thế (mọi người hay biết cả
Ở vương quốc bên biển, sóng rầm rì)
Cơn gió lạnh từ đám mây đen đúa
Đã giết chết nàng Annabel Lee.

Nhưng tình yêu chúng tôi càng mạnh mẽ
Hơn những ai sống hạnh phúc đến già
Và những ai khôn khéo đã chắc gì –
Dù cả thiên thần ngự trên cao ấy
Hay quỉ ma dưới sóng biển rầm rì
Cũng không ngăn cách nổi hồn tôi với
Linh hồn của nàng Annabel Lee.

Ánh trăng sáng gợi ra nhiều giấc mộng
Tôi mơ về nàng Annabel Lee
Nhìn những ngôi sao thấy đôi mắt sáng
Đẹp tuyệt vời của Annabel Lee
Cứ hằng đêm, hằng đêm tôi lại đến
Với người vợ hiền, người yêu, người bạn
Năm trong nấm mồ bên chốn biển xa
Đang ngủ yên trong sóng biển rầm rì.

*

Lý-Lệ-An

Người dịch: Gs. Phạm Văn Quảng, California

Vương quốc xưa bên bờ biển cả,
Lý-Lệ-An thiếu nữ trâm anh!
Tình nàng vằng vặc cao xanh,
Tình ta hơn những mối tình thiên thu.

Yêu nhau thuở còn thơ ngây ấy,
Vương quốc kia sóng dậy bồi hồi.
Tim ta một nhịp sóng đôi,
Thiên thần thượng giới ngậm ngùi hờn ghen.

Ôi! Hồng nhan hoa nhường nguyệt thẹn!
Giữa đêm đen gió buốt thổi về,
Xác hoa giã biệt sông mê,
Bào huynh nàng đã đưa về mộ xa.

Biển xanh nước bao la biền biệt,
Vương quốc xưa tha thiết tình ta.
Mộ xây kép ánh trăng tà,
Biển xanh vằng vặc lòng ta nhớ nàng.

Thiên thần nửa thiên đàng hạnh phúc,
Còn hờn ghen ngưỡng phục tình ta.
Là đây thơ nhạc giao hòa,
Là đây bạc mệnh–lời ca cõi trần.

Từ mây cao gió vần vũ thổi,
Lạnh hồn hoa chìm nổi anh linh.
Tình ta là cả trời xanh,
Cao xa hơn những mối tình thiên thu.

Biển sâu quỉ âm u với gọi,
Sáo thiên thần thượng giới lâng lâng.
Chẳng hề tán loạn tâm thân,
Hồn ta gói trọn hồn nàng Lệ An.

Nửa miệng hoa trăng tàn như cắt,
Ngàn sao trong đôi mắt người yêu.
Lý Lệ An vẫn yêu kiều,
Cùng ta cõi mộng dệt nhiều ý thơ.

Sao đã mọc không mờ ánh mắt,
Trăng đã lên hiu hắt mộng vàng
Cô dâu, hiền nội, người thương,
Ta nằm đây cạnh mộ nàng sóng đôi,
Triều dâng biển sóng bồi hồi,
Biển xanh ta vẫn muôn đời có nhau.


Annabel Lee

Lolita Bản dịch tiếng Việt Annabel Lee


Edgar Allan Poe

It was many and many a year ago,
In a kingdom by the sea,
That a maiden there lived whom you may know
By the name of Annabel Lee;
And this maiden she lived with no other thought
Than to love and be loved by me.

I was a child and she was a child,
In this kingdom by the sea:
But we loved with a love that was more than love -
I and my Annabel Lee;
With a love that the winged seraphs of heaven
Coveted her and me.

And this was the reason that, long ago,
In this kingdom by the sea,
A wind blew out of a cloud, chilling
My beautiful Annabel Lee;
So that her high-born kinsmen came
And bore her away from me,
To shut her up in a sepulchre
In this kingdom by the sea.

The angels, not half so happy in heaven,
Went envying her and me -
Yes! that was the reason (as all men know,
In this kingdom by the sea)
That the wind came out of the cloud one night,
Chilling and killing my Annabel Lee.

But our love it was stronger by far than the love
Of those who were older than we -
Of many far wiser than we -
And neither the angels in heaven above,
Nor the demons down under the sea,
Can ever dissever my soul from the soul
Of the beautiful Annabel Lee;

For the moon never beams without bringing me dreams
Of the beautiful Annabel Lee;
And the stars never rise but I feel the bright eyes
Of the beautiful Annabel Lee;
And so, all the night-tide, I lie down by the side
Of my darling -my darling -my life and my bride,
In the sepulchre there by the sea -
In her tomb by the sounding sea.


18 June 2012

Chương 2

Tôi được sinh ra vào năm 1910, tại Paris. Cha tôi là người lịch thiệp, phóng khoáng, món salad gen đa chủng tộc: công dân Thụy Sĩ, gốc gác pha trộn Pháp và Áo, hòa chút dòng Danube chảy trong huyết mạch. Tôi sẽ phân phát ngay bây giờ vài bức bưu ảnh xanh bóng, đáng yêu. Cha tôi sở hữu một khách sạn xa hoa ở Riviera. Cha và hai ông của cha tôi buôn rượu vang, đá quý và tơ lụa, theo thứ tự tương ứng. Năm ba chục tuổi, ông cưới một thiếu nữ Anh, con gái Jerome Dunn, một người leo núi, và cháu gái hai mục sư vùng Dorset, các chuyên gia về những chủ đề ít ai biết đến — cổ thổ nhưỡng học và phong hạc cầm, theo thứ tự tương ứng. Người mẹ hết sức ăn ảnh của tôi đã chết trong tai nạn dị thường (dã ngoại, sét đánh) hồi tôi mới ba tuổi. Ngoại trừ chút hơi ấm vương vấn nơi ngõ cụt nào đó trong quá khứ tối tăm, không chút nào về người còn đọng lại ở các miền nông sâu của thung lũng ký ức, nơi mà, nếu bạn còn chịu đựng được văn phong tôi (tôi đương ghi dưới sự theo dõi), mặt trời tuổi thơ tôi đã lặn: chắc chắn mọi người đều biết những dư hương thơm ngát ấy của ngày vẫn lơ lửng, cùng lũ muỗi mắt, quanh hàng giậu nở hoa nào đó hoặc bất chợt bị khách lãng du bước vào và đi xuyên qua, dưới chân đồi, trong chập choạng chiều hè; hơi ấm tơ lông, lũ muỗi ánh vàng.

Chị của mẹ tôi, Sybil, người mà một ông anh họ của cha tôi từng lấy làm vợ rồi bỏ mặc, phục vụ trong nhà tôi như một dạng quản gia kiêm gia sư không công. Có người sau này kể tôi nghe rằng bà từng đem lòng yêu cha tôi, rằng ông đã thản nhiên lợi dụng tình yêu ấy vào một ngày mưa và quên béng nó lúc trời quang mây tạnh. Tôi vô cùng quấn quít với bà mặc cho sự cứng nhắc — cứng nhắc đến tai hại — trong một số phép tắc của bà. Có lẽ bà muốn rèn tôi thành, vào cái ngày tiền định ấy, một ông góa tử tế hơn cha tôi. Bác Sybil có cặp mắt xanh thẳm viền hồng và da mặt màu sáp. Bà viết thơ. Bà mê tín một cách thi vị. Bà nói bà biết chắc rằng bà sẽ chết ngay sau sinh nhật thứ mười sáu của tôi, và chuyện xảy ra đúng như thế. Chồng bà, một tay chào bán dầu thơm rất giỏi, dành hầu hết thời gian làm ăn tại Mỹ, nơi ông ta rốt cuộc đã lập công ty riêng và kiếm được ít bất động sản.

Tôi lớn lên, một đứa bé khoẻ mạnh và vui sướng, trong thế giới rực rỡ của truyện tranh, cát sạch, cây cam, lũ chó thân thiện, khung cảnh biển cùng những gương mặt tươi cười. Khách sạn tráng lệ Mirana quay quanh tôi như một cõi riêng, một vũ trụ sơn màu trắng, nằm gọn trong vũ trụ xanh thẳm rộng lớn hơn, rực sáng ngoài kia. Từ người cọ xoong chảo đeo tạp dề cho đến nhà độc tài mặc đồ vải flannel, ai cũng yêu tôi, ai cũng chiều tôi. Các quý bà lớn tuổi người Mỹ ngả người trên ba toong của họ về phía tôi giống như những ngọn tháp Pisa. Các quận chúa Nga bị khánh kiệt, không trả được tiền cho cha tôi, vẫn mua những viên kẹo bòn bon đắt tiền cho tôi. Ông, mon cher petit papa, đưa tôi ra ngoài chèo thuyền và đạp xe, dạy tôi bơi, lặn và lướt ván nước, đọc Don Quixote với Les Misérables cho tôi nghe, tôi tôn sùng và khâm phục ông, tôi thấy sung sướng thay ông mỗi lần nghe lỏm được đám gia nhân đưa chuyện về các cô nhân tình đủ kiểu của ông, những tạo vật xinh đẹp dịu dàng rất quan tâm đến tôi, rủ rỉ và rỏ những giọt lệ quý giá lên cảnh vắng mẹ đáng mừng của tôi.

Tôi học một trường Anh hệ ngoại trú cách nhà vài dặm, ở đấy tôi chơi rackets và fives, được điểm xuất sắc, có quan hệ rất tốt với bạn học cũng như với giáo viên. Những biến cố giới tính rõ ràng, mà tôi có thể nhớ được là đã xảy ra trước sinh nhật thứ mười ba (nghĩa là trước lần đầu tiên tôi gặp Annabel bé bỏng của mình), chỉ là: cuộc trao đổi trịnh trọng, lịch thiệp, và thuần tuý lý thuyết về các bất ngờ ở tuổi dậy thì tại vườn hồng nhà trường cùng thằng nhóc người Mỹ, con trai của một nữ diễn viên điện ảnh lừng danh hồi đấy, mà nó hiếm khi được thấy ở thế giới ba chiều; và vài phản ứng là lạ về phía cơ thể tôi trước một vài bức ảnh, ngọc ngà và sẫm bóng, với những đường ven vô cùng mềm mại, trong cuốn sách La Beauté Humaine lộng lẫy và có vẻ rất đắt tiền của Pichon mà tôi chôm được từ dưới núi họa báo Graphics đóng bìa cứng vân cẩm thạch ở thư viện của khách sạn. Về sau, với phong cách hòa nhã thú vị, cha tôi dạy cho tôi mọi kiến thức ông nghĩ tôi cần biết về tình dục; đó là ngay trước khi gửi tôi, vào mùa thu năm 1923, đến một lycée ở Lyon (nơi chúng tôi rồi sẽ trải qua ba mùa đông); nhưng chao ôi, vào mùa hạ năm ấy, ông đi Ý du lịch với bà de R. và con gái bà, cho nên tôi chẳng còn ai để than vãn, chẳng còn ai để hỏi han.





Lolita. Bản dịch tiếng Việt. Chương 2.

Chương 1

Lolita, ánh sáng đời tôi, lửa dục lòng tôi. Lầm lỗi của tôi, linh hồn của tôi. Lo-lii-ta: đầu lưỡi lướt ba bước xuôi vòm miệng để vỗ nhẹ, tại bước ba, lên răng. Lo. Lii. Ta.

Nàng là Lo, Lo đơn sơ, vào buổi sáng, đứng cao bốn foot mười inch, đi một chiếc tất. Nàng là Lola mặc quần dài. Nàng là Dolly ở trường học. Nàng là Dolores trên dòng điền tên. Nhưng trong tay tôi, nàng lúc nào cũng là Lolita.

Nàng có tiền thân nào không? Nàng có, quả thật nàng đã có. Thực ra, có lẽ chẳng có Lolita nào cả nếu tôi không yêu, vào mùa hạ nọ, một cô bé khởi thủy nào đó. Ở một công quốc ven biển. Ồ, khi nào ư? Áng chừng bao nhiêu năm trước lúc Lolita chào đời thì bấy nhiêu năm cũng là tuổi của tôi mùa hạ ấy. Quý vị luôn có thể trông vào kẻ giết người về cách trình bày màu mè.

Thưa các quý bà và quý ông trong ban bồi thẩm, tang vật số một là cái mà các thiên thần tối cao có đôi cánh tuyệt trần, các thiên thần hồn nhiên, bị đưa tin sai lệch, đã ghen tị. Hãy ngắm cuộn gai rối ren này.






Lolita. Bản dịch tiếng Việt. Chương 1.

Lời tựa

“Lolita, hay Bản thú tội của một ông góa da trắng”, là hai nhan đề mở đầu các trang bản thảo lạ thường mà người viết những lời này nhận được. “Humbert Humbert”, tác giả của chúng, đã qua đời trong trại tạm giam, do bệnh nghẽn mạch vành, hôm 16 tháng Mười Một năm 1952, vài ngày trước khi phiên tòa xét xử dự định diễn ra. Luật sư của ông ấy, thân bằng quyến thuộc của tôi, Ngài Clarence Choate Clark, hiện thuộc đoàn luật sư Đặc Khu Columbia, đề nghị tôi biên tập lại bản thảo này căn cứ vào một điều khoản trong chúc thư của thân chủ, điều khoản đó trao cho ông anh họ xuất chúng của tôi toàn quyền giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quá trình chuẩn bị “Lolita” để in. Quyết định của ngài Clark có lẽ chịu ảnh hưởng từ việc biên tập viên mà ông ấy chọn vừa nhận được giải thưởng Polling cho một nghiên cứu khiêm tốn (“Có thể đồng cảm với cảm xúc không?”) bàn về một số tình trạng bệnh lý và sự trụy lạc.

Nhiệm vụ của tôi tỏ ra dễ dàng hơn cả hai người chúng tôi lường trước. Ngoài việc chỉnh sửa các lỗi ngữ pháp dễ thấy và cẩn trọng lược bớt vài chi tiết dai dẳng mà mặc cho các nỗ lực của chính “H.H.” vẫn tồn tại trong nguyên bản như những biển báo và bia mộ (để lộ những nơi hay những người mà theo phép lịch sự nên che lại và lượng tình tha thứ), thì tập hồi ký khác thường này được trình lại y nguyên. Biệt danh kỳ quái của tác giả hồi ký là sáng chế của chính y; và, đương nhiên, cái mặt nạ này — mà qua nó, đôi mắt thôi miên của y tuồng như rực sáng — vẫn được giữ nguyên không cởi bỏ, đúng như mong muốn của người đeo nó. Mặc dù “Haze” chỉ ăn vần với họ thật của nhân vật nữ chính, nhưng tên riêng của cô ấy lại quyện với từng sợi xơ giấy sâu kín nhất trong sách đến mức không ai được phép thay đổi; và (như người đọc sẽ tự cảm nhận được) cũng không có lý do thiết thực nào để làm vậy. Ai hiếu kỳ có thể tra cứu những tài liệu nhắc đến tội ác của “H.H.” trong các tờ nhật báo hồi tháng Chín, tháng Mười năm 1952; căn nguyên và chủ định của nó hẳn sẽ vẫn cứ là điều hoàn toàn bí ẩn, nếu tập hồi ký này không được cho phép đến nằm dưới cây đèn đọc sách của tôi.

Nhằm giúp những độc giả nệ cổ có mong muốn dõi theo số phận những người “thực” ở bên kia câu chuyện “thật”, vài chi tiết có thể được đưa ra dựa theo những gì nhận được từ ông “Windmuller”, ở “Ramsdale”, người muốn danh tính mình được giữ kín đặng cho “chiếc bóng dài u ám của sự việc buồn thảm và bẩn thỉu này” không chạm đến cái cộng đồng mà ông tự hào được là thành viên. Con gái ông, “Louise”, hiện đang là nữ sinh năm thứ hai đại học. “Mona Dahl” là sinh viên ở Paris. “Rita” vừa lập gia đình với một ông chủ khách sạn ở Florida. Phu nhân “Richard F. Schiller” đã qua đời ngay trên giường đẻ, khi đang sinh một bé gái chết non, vào đúng ngày lễ Noel năm 1952, tại Gray Star, một khu dân cư vùng Tây Bắc vô cùng hẻo lánh. “Vivian Darkbloom” đã viết xong tiểu sử, “My Cue”, sẽ được xuất bản nay mai, và các nhà phê bình đã nghiền ngẫm bản thảo cho rằng nó là cuốn tuyệt nhất của bà. Những người chăm nom các nghĩa trang khác nhau có dính dáng tới vụ việc báo lại là không thấy hồn ma nào lảng vảng.

Nhìn đơn giản như một cuốn tiểu thuyết, thì “Lolita” xử lý những tình cảnh và những xúc cảm mà nếu bị làm nhạt nhòa đi bằng các thủ pháp tránh né nhàm chán thì sẽ khiến độc giả thấy mập mờ đến phát bực. Đúng là không một chữ khiêu dâm nào có thể được tìm thấy trong cả tác phẩm; kẻ mọi rợ vai u thịt bắp được các lề thói ngày nay dạy cho quen với việc chấp thuận không chút băn khoăn hàng loạt từ ngữ tục tĩu trắng trợn trong những tiểu thuyết ba xu, ắt sẽ kinh ngạc bởi sự vắng mặt của chúng ở nơi đây. Song, nếu người biên tập, vì chiều lòng kẻ đoan chính ngược đời này, phải tìm cách giảm bớt hoặc lược bỏ các cảnh mà loại trí tuệ nào đấy có thể cho là “kích dục” (liên quan đến việc này, hãy đọc phán quyết bất hủ được Ngài John M. Woolsey đưa ra ngày mùng 6 tháng Mười Hai năm 1933 về một quyển sách khác còn bộc tuệch hơn nhiều), thì sẽ phải thôi luôn việc xuất bản “Lolita”, bởi lẽ chính các cảnh mà ai đó có thể cẩu thả kết tội rằng tự chúng mang biểu hiện sắc dục, lại là những yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất trong tiến triển của một bi kịch kiên định hướng đến mục tiêu không gì khác hơn là tôn vinh luân lý. Kẻ yếm thế có thể bảo rằng thương phẩm khiêu dâm cũng đưa ra luận điệu y như thế; người hiểu biết có thể phản đối bằng cách quả quyết rằng bản thú tội sôi nổi của “H.H.” đơn thuần là trận siêu bão trong một ống nghiệm; rằng tối thiểu 12% đàn ông Mỹ  — ước tính “thận trọng” theo TS. Blanche Schwarzmann (thông báo bằng miệng) — vẫn tận hưởng hằng năm, bằng cách này hoặc cách khác, cái trải nghiệm đặc biệt mà “H.H.” miêu tả với sự tuyệt vọng đến vậy; rằng nếu người viết nhật ký loạn trí của ta, vào mùa hè tai hại năm 1947, đã tìm đến một nhà bệnh học tâm lý giỏi tay nghề, thì chắc sẽ chẳng có thảm họa nào xảy ra; nhưng nếu như thế, thì cũng sẽ không có cuốn sách này.

Người viết lời dẫn giải này mong được thứ lỗi về việc nhắc lại những gì đã từng được nhấn mạnh trong các cuốn sách và các bài thuyết trình của mình, ấy là “gớm ghiếc” thường chỉ là từ đồng nghĩa với “khác thường”, và kiệt tác nghệ thuật hiển nhiên là luôn luôn độc đáo, vì vậy, nó phải tạo được, bởi bản chất của mình, ít nhiều bất ngờ gây sốc. Tôi không có dự định ngợi ca “H.H.” Không nghi ngờ gì nữa, y kinh khủng, y đê tiện, y là tấm gương sáng ngời về bệnh phong hủi luân lý, là hỗn hợp của sự hung bạo và tính hài hước, những cái, có lẽ, đã để lộ ra nỗi thống khổ của y, nhưng không giúp thu hút được cảm tình. Y đồng bóng nặng. Nhiều quan điểm tùy tiện của y về người dân và cảnh vật của quốc gia này tỏ ra rất lố bịch. Sự chân thật tuyệt vọng đập suốt lời thú tội không miễn trách y khỏi những lầm lỗi xảo quyệt quỷ quái. Y không bình thường. Y chẳng phải người quân tử. Nhưng ma quái làm sao, cây violin ngân nga của y có thể gợi lên tính nhân hậu và lòng trắc ẩn dành cho Lolita, làm ta bị mê hoặc với cuốn sách mặc dù vẫn thấy ghê tởm chính tác giả của nó!

Là bệnh sử, chắc chắn “Lolita” sẽ trở thành tài liệu kinh điển trong giới tâm thần học. Là tác phẩm nghệ thuật, nó vượt lên trên các khía cạnh sám hối của mình; và điều quan trọng với chúng tôi còn hơn cả ý nghĩa khoa học và giá trị văn chương, là ảnh hưởng về mặt đạo đức của cuốn sách lên những độc giả nghiêm túc; bởi trong nghiên cứu riêng tư đắng cay này có ẩn náu một bài học phổ quát; đứa bé ương ngạnh, người mẹ ích kỉ, gã biến thái hổn hển khát dục, họ không chỉ là các nhân vật sinh động trong câu chuyện độc nhất vô nhị: họ báo chúng ta biết trước về những xu hướng nguy hại; họ vạch trần cái ác đang sung mãn. “Lolita” khiến cho tất cả chúng ta — các bậc cha mẹ, các nhà hoạt động xã hội, các nhà sư phạm — phải chuyên tâm, với tinh thần cảnh giác cao hơn và tầm nhìn xa rộng hơn, vào việc nuôi dưỡng một thế hệ tốt đẹp hơn trong một thế giới an toàn hơn.

Widworth, Mass.                                                                     Tiến sỹ John Ray, Jr.
5 tháng Tám năm 1955