14 January 2020

Chủ quyền ở một thế giới không biên giới

Thiên Lương

(Bài đăng trên báo Nhân Dân Hằng Tháng, số Tết 2020)



Trong lịch sử nhân loại đã có nhiều sự thay đổi lớn về địa chính trị liên quan trực tiếp đến các thành tựu công nghệ mới nhất. Ví dụ điển hình là động cơ hơi nước. Công nghệ động cơ hơi nước đã giúp nước Anh trở thành cường quốc số 1, là công xưởng của thế giới trong thế kỷ 19, với lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thời đó. 

Nhiều quốc gia đã xuất hiện và cũng không ít quốc gia biến mất sau khi con người tìm ra một công nghệ mới. Hiện nay chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử với sự phát triển phi thường của internet, bao gồm mạng xã hội; các trạm phát 4G, 5G; các vệ tinh; cáp quang; các thiết bị đầu cuối như máy tính, điện thoại; và các trung tâm lưu trữ dữ liệu khổng lồ. Tất cả chúng đang tạo nên một thế giới không biên giới nhưng cũng đẩy các xung đột sắc tộc lên mức độ khác hẳn.

Công nghệ thông tin đang tác động mạnh mẽ đến xã hội hiện đại, và có những thay đổi thầm lặng diễn ra nhưng tạo các ảnh hưởng vô cùng sâu rộng và không thể sửa chữa nhưng ít ai chú ý đến. 

Quyền thu thuế

Cách đây vài năm, chính xác là từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, đã xảy ra một hiện tượng có thể nói là chấn động tại VN: Nguyễn Hà Đông, một kỹ sư công nghệ thông tin trẻ, đã kiếm được một số tiền khổng lồ mà các doanh nhân thành đạt phải làm hàng chục năm may ra mới có được, nhờ vào một trò chơi đơn giản có tên là Flappy Bird, sau khi nó được hàng chục triệu người trên toàn thế giới tải xuống điện thoại riêng. Sau này anh đã đóng thuế cho VN theo đúng luật. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt ấy đã khiến cho người VN nhận thức rõ hơn về khả năng kiếm tiền không chỉ rất nhiều mà còn rất nhanh trên mạng, và các cơ quan thuế cũng thấy rõ hơn về thực tế của một thị trường rất mới lạ, hoàn toàn khác với thị trường hàng hóa truyền thống. Sau này cũng có nhiều trường hợp nhận được thu nhập rất cao từ mạng, nhưng có lẽ Flappy Bird vẫn là một tượng đài khó có thể vượt qua.

Một trong những quyền lực quan trọng nhất của nhà nước là thu thuế. Mọi hoạt động của bất kỳ chính quyền nào cũng đều cần nguồn tiền: đầu tiên là nuôi bộ máy nhà nước, rồi để cung ứng các dịch vụ công cộng. Thuế là công cụ quan trọng để chính quyền can thiệp vào hoạt động của nền kinh tế, để điều tiết thu nhập trong xã hội, để hạn chế một số hoạt động có hại của công dân ví dụ như vi phạm luật giao thông, và để hạn chế các mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá. 

Vậy nên từ cổ chí kim, mỗi khi có một thế lực mới lên nắm chính quyền là lập tức họ phải quản lý được các nguồn thu thuế trong nước. Thu thuế là một dạng chủ quyền quan trọng, nhất là vào thời xưa, khi đường biên giới chưa rõ ràng. Thực tế thì một nhà nước không thể được coi là có trọn vẹn chủ quyền khi công dân của nó đi đóng thuế trực tiếp cho nước khác. 

Nhiều cuộc chiến tranh lớn đã nổ ra chỉ vì các chính sách thuế của một nhà nước nào đó đã làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn của các công ty ngoại quốc. Ví dụ điển hình là cuộc chiến tranh Nha phiến ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, công nghệ đã làm đường biên giới quốc gia không còn chỉ là các cột mốc vật lý bằng bê tông hay gỗ đá nữa, mà nằm cả dưới lòng đất, trên trời, và đặc biệt là qua internet. Hàng hóa cũng không còn chỉ là những thứ hữu hình như than đá, gạo, ô tô, thuốc phiện,… mà đôi khi chỉ là những tập tin vô hình được truyền theo những con đường hết sức bí ẩn và dường như không thể kiểm soát. 

Thực tế ngày nay một phần lớn nền kinh tế thế giới đã chuyển lên không gian mạng. Trên đó đã hình thành những khu chợ khổng lồ xuyên quốc gia, nơi người ta mua bán từ cái tăm cho đến cả một chiếc máy bay, và câu hỏi đặt ra là ai đã, đang và sẽ thu thuế các khu chợ đó, nói một cách khác là ai sẽ có chủ quyền thực sự về kinh tế với một quốc gia trong thời đại internet? 

Chắc chắn nhà nước chúng ta đã nhận thức rất rõ về chủ quyền kinh tế trên không gian mạng, nên đã yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải nộp thuế và đặt máy chủ tại VN. 

Quyền với dữ liệu công dân

Một người mẹ đã kể lại trên mạng một câu chuyện vừa buồn cười vừa đáng ngại về chính gia đình mình. Trước đến nay, chị ấy không bao giờ băn khoăn về con gái, vì con bé luôn ngoan ngoãn, đi học xong là về nhà. Nhưng có lần hai mẹ con đi chơi, ngồi gần một khách sạn nhỏ và thấy điện thoại con gái dù không có 4G nhưng vẫn vào được mạng qua wifi thì chị mới phát hiện ra là máy cô bé đã có sẵn mạng của khách sạn ấy. Sau đó, khi kiểm tra lại điện thoại con gái, người mẹ mới phát hiện ra vô số mạng wifi khác với tên các khách sạn nhỏ dọc đường từ trường về nhà.

Sự riêng tư hiện nay đã là một thứ quá xa xỉ, và gần như không tưởng, với tất cả chúng ta. Chúng ta đã bán, đang bán, và, tiếc thay, với giá rất rẻ, gần như toàn bộ dữ liệu cá nhân của mình mà không ý thức được đầy đủ về giá trị của chúng. 

Chúng ta ai cũng từng gặp một thực tế là ngay sau khi chát với bạn trên mạng về một món hàng nào đó, hoặc thậm chí chỉ cần nói chuyện với ai đó về nó trong khi điện thoại để bên cạnh, thì vài phút sau là máy chúng ta sẽ tràn ngập quảng cáo về món hàng ấy. 

Tuy nhiên, dữ liệu không chỉ là mỏ vàng cho quảng cáo, mà còn là vấn đề an ninh quốc gia . Hiện nay mọi người đều dùng điện thoại thông minh, mạng xã hội. Và mỗi chiếc điện thoại đều lưu trữ email, ảnh, phim, phần mềm quản lý tài khoản ngân hàng, ví điện tử,… thậm chí vô số thông tin nhạy cảm khác như tọa độ di chuyển hàng ngày, các file công việc quan trọng và thậm chí cả các bức ảnh nhạy cảm của cá nhân và gia đình. Ngay cả nếu bạn không dùng điện thoại thông minh, bạn cũng chưa chắc đã tránh được khỏi mạng lưới của các tập đoàn lớn, vì bạn có thể lọt vào ảnh chụp của một người nào đó khác. Vậy nên bạn hãy rất cẩn thận khi ngồi sân bay để chờ một chuyến bay lãng mạn không muốn ai biết, vì có thể bạn sẽ lọt vào camera điện thoại của một người xa lạ, nhưng người xa lạ ấy lại có quan hệ nào đó với người quen của vợ hay chồng bạn. 

Mỗi chiếc điện thoại bị mất hoặc bị hỏng có thể làm cho chủ nhân của nó khốn khổ vì những dữ liệu vô cùng quan trọng với chủ nhân nó. Vậy hàng trăm triệu chiếc điện thoại được kết nối thành mạng và thường xuyên gửi toàn bộ dữ liệu cá nhân về các máy chủ ở nước ngoài thì sẽ tạo ra một kho dữ liệu kinh khủng đến thế nào?

Thực tế, với những phần mềm chuyên dụng và chạy trên các siêu máy tính, một tập đoàn công nghệ ngoại quốc hoàn toàn có thể lập được những cơ sở dữ liệu công dân vĩ đại đến mức không một chính phủ nào có được, thậm chí hình dung ra nổi. Nó có thể biết mọi công dân di chuyển ra sao, có bao nhiêu tiền, có quan hệ với ai, (cả những quan hệ mà đến người trong gia đình còn không biết), có sở thích riêng ra sao, quan điểm chính trị thế nào,... Nói chung tất cả những gì quan trọng nhất của một con người mà đôi khi chính họ cũng không biết lại sẽ nằm trong máy chủ và thuộc về tài sản một tập đoàn nào đó ở nước ngoài. 

Đây không còn là một vấn đề viễn tưởng như trong các tiểu thuyết ngày xưa nữa, mà đã là một thực tế mà chúng ta phải đối diện, và càng ngày càng đe dọa chủ quyền và quyền tự quyết của chúng ta.

Con đường nào?

Vậy đâu là con đường thích hợp cho chúng ta trong một thế giới mới mà chúng ta không thể và cũng không nên bế quan tỏa cảng? Câu trả lời có lẽ không đơn giản và sẽ cần đến các nhà quản lý có tầm nhìn thật sự xa và hiểu được cả cơ hội và sự nguy hiểm của các công nghệ mới. Nhưng từng người dân cũng phải ý thức được sự quan trọng của chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. 

Và dù cách làm có là gì, thì hai vấn đề nhà nước cần quan tâm nhất có lẽ vẫn như trên: Quyền thu thuế và quyền với dữ liệu công dân. Dù có kiểm soát được mọi xăng ti mét biên giới và từng cửa khẩu, vẫn chưa thể được coi là có chủ quyền đầy đủ.

Chúng ta đã chiến thắng được nhiều đế quốc lớn và giành được độc lập tự do dù luôn nghèo hơn và kém hơn kẻ thù về công nghệ, nguyên nhân không chỉ do lòng dũng cảm và ý chí mà chủ yếu do người dân và chính quyền luôn đoàn kết vì mục đích chung, đúng như lời Bác Hồ dạy: 

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”

Với tinh thần ấy thì chắc chắn rằng chẳng có gì không thể vượt qua được, nhất là với thế và lực mạnh mẽ như hiện nay của chúng ta, và dù có gặp khó khăn gì thì lời giải đều có thể rất đơn giản và nằm sẵn trong lịch sử chống ngoại xâm của cha ông. 



9 January 2020

Lô-gích mềm trong một câu văn Lolita



Mặc dù ngôn ngữ, trên phương diện nào đó, là một dạng toán, nhưng thực tế thì ngôn ngữ tập trung vào cảm xúc nhiều hơn là tính lô-gích và sự cô đọng của toán học.

Một ví dụ khá thú vị mà thầy hay nghĩ lại là một câu văn cực ngắn và cực đơn giản trong Lolita, nhưng tương đối khó dịch, thậm chí là rất khó dịch vì nhiều người đã đụng vào và đều làm sai:

"His father and two grandfathers had sold wine, jewels and silk, respectively."

(His) ở ngữ cảnh này là nói về father của nhân vật chính (Humbert). Như vậy câu văn siêu đơn giản, không cần tra từ điển, google dịch ngon lành. Tuy nhiên nó không hoàn toàn đơn giản như mới nhìn. Với ai ngại tra từ điển thì thầy nói luôn respectively được dùng như một từ rất toán học, có ý nói là các đối tượng trong mệnh đề sẽ được phân chia tương ứng. Ví dụ bảo A và B bằng 5 và 6 respectively thì nghĩa là A=5, B=6.

Cách dịch đơn giản nhất, và phổ biến nhất là:

"Ông tôi bán rượu và một cụ nội tôi bán đá quý, một cụ nội tôi bán lụa."

Đó là cách triển khai phương trình của câu ra theo dạng toán. Mặc dù có chút sai sót và lủng củng nhưng về căn bản là đúng với nội dung mà câu văn muốn chuyển tải. Nó cũng như một dạng triển khai (A+B)^2 thành A^2+B^2+2AB.

Nhưng văn chương không phải toán học. Khi Nabokov viết câu văn đó, dĩ nhiên ông biết tiếng Anh có các từ cần thiết để viết như kiểu dịch trên, nhưng ông đã không viết thế. Tại sao?

Vì mục đích câu văn này còn để nói lên tính cách và hoàn cảnh của Humbert: Là một người lưu vong, dân châu Âu qua Mỹ sống, nên với y thì quá khứ là cái gì đó khá xa lạ, mù mờ, thậm chí là một thứ không muốn nhắc đến.

Nên với cách viết này, Nabokov muốn cho nhân vật của mình kể về quá khứ và gia đình như một chuyện gì đó miễn cưỡng, nói cho xong, chẳng quan trọng cho lắm. Các đôi tượng trong câu văn đều không liên quan nhiều đến nhân vật chính, và ngay cả cái cách dùng từ respectively rất tay chơi ở cuối câu, cũng thể hiện sự thờ ơ của nhân vật chính: Đại khái là vậy, tôi cũng không nhớ rõ lắm, và cũng chẳng quan trọng cho lắm.

Sợi dây duy nhất níu Humbert lại với quá khứ châu Âu là người cha mà thôi, còn trước đó thì không mấy liên quan, nên các ông và cụ đó chỉ là những người liên quan qua cha Humbert. Đặt nhân vật chính của tác phẩm vào vị trí trung tâm câu văn thì sẽ làm sai ý của nó.

Và nếu dịch theo kiểu toán như phương án thầy đưa ở trên, thì các đối tượng trong câu lại rất gần gũi với Humbert và hiển nhiên sẽ không cho độc giả cái cảm giác mà Nabokov muốn tạo ra trong tâm trí họ.

Mà đó mới là một câu văn gần như là dễ nhất trong Lolita!

7 January 2020

Inception



Có một bộ phim mà tôi thích đến mức từng dùng tên nó làm một cái nick trên một diễn đàn khá đông người (giờ thì quên cả password rồi). Và tên nó là Inception.

Ý tưởng của bộ phim khá thú vị, nhưng cũng xuyên suốt các nền triết học: Khi bạn đã đưa được một ý tưởng khởi nguồn vào đầu ai đó rồi thì nó sẽ tự phát triển, sẽ nhân lên, đào sâu, bám rễ, cầm tù nạn nhân cho đến khi chết.

Inception chính là sự khởi đầu ấy. Trong bộ phim này, một nhóm người đã tìm mọi cách để cấy cái inception tự lập vào đầu kẻ thừa kế một tài sản khổng lồ, để y từ chối khoản tài sản đó.

Thực ra đây không phải là cái gì mới, từ những trang đầu của Cựu Ước đã có câu:

19. Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn chúng đến với Adam để xem Adam gọi chúng là gì: hễ Adam gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế.

"19. And out of the ground the Lord God formed every beast of the field, and every fowl of the air; and brought them unto Adam to see what he would call them: and whatsoever Adam called every living creature, that was the name thereof."

Ngay khi bạn đặt tên cho một thứ gì đó, tức là bạn đã có một inception về nó, và sau này nó sẽ bám theo bạn suốt đời. Vậy nên các đôi tán nhau trên mạng đừng gọi nhau là vợ chồng sớm quá, điều đó sẽ giết chết tương lai các bạn, không chừng.

Ngay trong Lolita, từ chương 1, phần 1, Nabokov đã nói đến một inception của cả câu chuyện: Đó là mối tình của Humbert với Annabel - một cô bé cùng tuổi Lolita sau này. Và Nabokov đã dùng một từ không thể chính xác hơn để nói về cô gái đó: Initial Girl!

Có lẽ ai trong chúng ta cũng có một Initial Girl hay Boy hay Gay nào đó!

Nhiều khi nhớ lại quá khứ, thấy những inception vô tình từ khi còn rất nhỏ mà vẫn bám riết không rời, chi phối rất nhiều điều đang và sẽ xảy ra với cá nhân tôi.

Có những cô gái chỉ vì thầy bói nói từ nhỏ rằng sẽ làm vợ hai, sẽ có con riêng, hay gì đó,... mà cái inception đó bám theo họ cả đời đến mức có khi họ làm như thế thật.

Con người, theo quan điểm của Marx, là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, hay nói một cách chính xác hơn thì là những gì họ đã trải qua, mà những gì họ trải qua đều có liên quan đến một inception nào đó. Như tôi từng nói đùa, bạn yêu cô gái nào là phải chấp nhận ngủ với mọi cuốn sách cô ấy đã đọc, mọi con đường cô ấy đã đi qua, mọi thằng đã ngủ với cô ấy, thậm chí một vết sẹo nhỏ của cô ấy vì nhảy qua hàng rào nhọn hay bỏng nước sôi, cũng sẽ là một phần đời bạn. Bạn sẽ không bao giờ chối bỏ chúng được.

Nên có nhiều người đàn ông thích gái trinh không hẳn chỉ vì một cái màng vật lý nào đó mà vì dường như những cô gái ấy ít quá khứ hơn, họ chưa bị gã nào cấy các inceptions tình dục vào não, cũng như một cái điện thoại chưa ai dùng thì bộ nhớ sạch hơn, nhất là khi bộ nhớ con người không thể reset lại được.

Và tôi nghĩ có thể mặt hàng thời thượng nhất, có lãi nhất trong tương lai là các inceptions, nếu cấy được chúng vào đầu đám đông thì bạn sẽ có tất cả.

"Một ngày nào đó từ facebook cũ"

3 January 2020

Phê phán tư duy toán học thuần túy



Anh hay nói về tư duy toán học. Thực ra bản chất kiểu tư duy này luôn tìm cách công thức hóa mọi thứ trên đời, và bọn Tây cực kỳ giỏi trong vấn đề này. Ví dụ một cái đơn giản thôi như sắc đẹp của gái, dân châu Á cứ cãi nhau toàn những thứ định tính như thắt đáy lưng ong, mặt trái xoan, lông mày lá liễu, má hồng, lưng chữ cụ vú chữ tâm,... toàn thứ không làm sao mà số hóa ra được. Còn bọn Tây rất ngắn gọn, nó đưa luôn số liệu, kiểu như chuẩn của gái đẹp là 3 vòng 90x60x90, rốn phải đúng giữa trọng tâm, sải tay bằng chiều cao, ngón tay ngón chân các cái như nào, vân vân và vân vân. Đấy được các số liệu thế nào đấy thì là đẹp, không thôi. Cãi nhau xinh xấu mất thời gian.

Đông Y và Tây Y cũng thể hiện rõ 2 kiểu tư duy đó. Bọn thầy thuốc Đông Y cứ lần mò bắt mạch, ngửi hơi thở gái đoán xem như nào, Tây nó bảo mời chị đái vào cái que này cho tôi, 2 vạch là chửa, khỏi nói nhiều. Rất là Toán học.

Bản chất Tây Y là số hóa tất cả mọi thứ liên quan đến sức khỏe. Bọn chúng vạch ra được một hệ thống định nghĩa rõ thế nào là khỏe mạnh. Mọi chỉ số vượt ra ngoài ngưỡng đều phải điều chỉnh cho trở lại bình thường. Điều chỉnh thế nào thì có phương pháp hết.

Đi quản lý doanh nghiệp, các anh chị cũng thấy. Doanh nghiệp tốt phải quản lý được bằng số. Làm sao mà đánh giá nhân viên được nếu không dùng con số. Một nhà quản lý tốt phải số hóa được hết các thứ liên quan đến nhân viên. Chỉ có cách đó mới có doanh nghiệp mạnh. Doanh nghiệp gia đình mới tư duy kiểu em đó tốt lắm, chăm lắm, đáng tin cậy. Công ty to mà làm thế thì phá sản sớm.

Kiểu tư duy Toán này đã làm cho bọn Tây vượt lên trên một thời gian dài, chứ chẳng phải tại chúng nó da trắng mắt xanh, hay do bên Tây lạnh, hay do cái gì mà các anh chị vẫn tưởng tượng ra. Do số hóa được hết mọi thứ trên đời nên khoa học kỹ thuật và kinh tế của chúng phát triển cực nhanh. Và về bản chất thì việc bọn Tây tạo ra cái chữ chúng ta đang viết cũng là một quá trình số hóa một thứ rất analog là tiếng nói con người mà thôi.

Nhưng không hẳn là kiểu tư duy Toán này đã toàn ưu điểm. Theo thầy thì một trong những cái dở của bọn tư duy quá thiên về Toán là luôn nghĩ mọi sự trên đời này đều có thể giải quyết được. Hay nói một cách dễ hiểu hơn là bọn học giỏi Toán luôn sẵn sàng lao vào một cái rất rắc rối vì nghĩ kiểu gì mình cũng tìm ra cách thoát khỏi nó. Có khi chính việc lao vào một thứ rắc rối như thế làm cho bọn nó thấy sướng.

Trong khi sự khác biệt giữa người khôn ngoan và người thông minh là ở chỗ người thông minh thì luôn nghĩ mình sẽ tìm được cách thoát khỏi sự rắc rối, còn người khôn ngoan thì không rơi vào. Để mình rơi vào đống phân rồi thì có thoát ra cũng không thể như cũ được nữa!

Kiểu tư duy quá nặng về Toán còn rất dễ dẫn đến tự kỷ - khi con người chỉ quan tâm đến cảm xúc mình mà tuyệt nhiên không cần biết xung quanh ra làm sao. Họ hiếm khi đặt mình vào vị trí người khác để xem người khác cảm nhận chuyện đó thế nào, vì với họ thì người khác chỉ là các biến số trong một phương trình. Thực ra bọn học Toán đều bị tự kỷ, chỉ là ở mức độ nào. Tự kỷ đến mức bệnh lý thì dễ thấy, chứ còn tự kỷ nhẹ thì đầy, có khi bố mẹ anh chị em còn không biết.

Bọn Mỹ cũng là một ví dụ không thể hay hơn về kiểu tư duy nặng về Toán này. Bọn nó chỉ cần giải được bài toán của mình chứ tuyệt nhiên không quan tâm đến các yếu tố không cân đong đo đếm được như cảm xúc của người khác. Tuy nhiên nước Mỹ có quá nhiều chủng tộc, quá nhiều luồng tư duy, nên họ vẫn cân bằng được trên sự tự kỷ của họ, nghĩa là chưa để cho phản ứng thành dây chuyền dẫn đến đổ vỡ hệ thống.

Có nhiều nhà khoa học phương Tây còn cực đoan đến mức coi Chúa trời chỉ như một công thức Toán, vấn đề là khi nào chúng ta tìm được mà thôi. Còn người châu Á thì nghĩ hoàn toàn ngược lại.

Câu hỏi dĩ nhiên là chúng ta nên tư duy kiểu nào?

Không biết!