14 January 2020

Chủ quyền ở một thế giới không biên giới

Thiên Lương

(Bài đăng trên báo Nhân Dân Hằng Tháng, số Tết 2020)



Trong lịch sử nhân loại đã có nhiều sự thay đổi lớn về địa chính trị liên quan trực tiếp đến các thành tựu công nghệ mới nhất. Ví dụ điển hình là động cơ hơi nước. Công nghệ động cơ hơi nước đã giúp nước Anh trở thành cường quốc số 1, là công xưởng của thế giới trong thế kỷ 19, với lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thời đó. 

Nhiều quốc gia đã xuất hiện và cũng không ít quốc gia biến mất sau khi con người tìm ra một công nghệ mới. Hiện nay chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử với sự phát triển phi thường của internet, bao gồm mạng xã hội; các trạm phát 4G, 5G; các vệ tinh; cáp quang; các thiết bị đầu cuối như máy tính, điện thoại; và các trung tâm lưu trữ dữ liệu khổng lồ. Tất cả chúng đang tạo nên một thế giới không biên giới nhưng cũng đẩy các xung đột sắc tộc lên mức độ khác hẳn.

Công nghệ thông tin đang tác động mạnh mẽ đến xã hội hiện đại, và có những thay đổi thầm lặng diễn ra nhưng tạo các ảnh hưởng vô cùng sâu rộng và không thể sửa chữa nhưng ít ai chú ý đến. 

Quyền thu thuế

Cách đây vài năm, chính xác là từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, đã xảy ra một hiện tượng có thể nói là chấn động tại VN: Nguyễn Hà Đông, một kỹ sư công nghệ thông tin trẻ, đã kiếm được một số tiền khổng lồ mà các doanh nhân thành đạt phải làm hàng chục năm may ra mới có được, nhờ vào một trò chơi đơn giản có tên là Flappy Bird, sau khi nó được hàng chục triệu người trên toàn thế giới tải xuống điện thoại riêng. Sau này anh đã đóng thuế cho VN theo đúng luật. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt ấy đã khiến cho người VN nhận thức rõ hơn về khả năng kiếm tiền không chỉ rất nhiều mà còn rất nhanh trên mạng, và các cơ quan thuế cũng thấy rõ hơn về thực tế của một thị trường rất mới lạ, hoàn toàn khác với thị trường hàng hóa truyền thống. Sau này cũng có nhiều trường hợp nhận được thu nhập rất cao từ mạng, nhưng có lẽ Flappy Bird vẫn là một tượng đài khó có thể vượt qua.

Một trong những quyền lực quan trọng nhất của nhà nước là thu thuế. Mọi hoạt động của bất kỳ chính quyền nào cũng đều cần nguồn tiền: đầu tiên là nuôi bộ máy nhà nước, rồi để cung ứng các dịch vụ công cộng. Thuế là công cụ quan trọng để chính quyền can thiệp vào hoạt động của nền kinh tế, để điều tiết thu nhập trong xã hội, để hạn chế một số hoạt động có hại của công dân ví dụ như vi phạm luật giao thông, và để hạn chế các mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá. 

Vậy nên từ cổ chí kim, mỗi khi có một thế lực mới lên nắm chính quyền là lập tức họ phải quản lý được các nguồn thu thuế trong nước. Thu thuế là một dạng chủ quyền quan trọng, nhất là vào thời xưa, khi đường biên giới chưa rõ ràng. Thực tế thì một nhà nước không thể được coi là có trọn vẹn chủ quyền khi công dân của nó đi đóng thuế trực tiếp cho nước khác. 

Nhiều cuộc chiến tranh lớn đã nổ ra chỉ vì các chính sách thuế của một nhà nước nào đó đã làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn của các công ty ngoại quốc. Ví dụ điển hình là cuộc chiến tranh Nha phiến ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, công nghệ đã làm đường biên giới quốc gia không còn chỉ là các cột mốc vật lý bằng bê tông hay gỗ đá nữa, mà nằm cả dưới lòng đất, trên trời, và đặc biệt là qua internet. Hàng hóa cũng không còn chỉ là những thứ hữu hình như than đá, gạo, ô tô, thuốc phiện,… mà đôi khi chỉ là những tập tin vô hình được truyền theo những con đường hết sức bí ẩn và dường như không thể kiểm soát. 

Thực tế ngày nay một phần lớn nền kinh tế thế giới đã chuyển lên không gian mạng. Trên đó đã hình thành những khu chợ khổng lồ xuyên quốc gia, nơi người ta mua bán từ cái tăm cho đến cả một chiếc máy bay, và câu hỏi đặt ra là ai đã, đang và sẽ thu thuế các khu chợ đó, nói một cách khác là ai sẽ có chủ quyền thực sự về kinh tế với một quốc gia trong thời đại internet? 

Chắc chắn nhà nước chúng ta đã nhận thức rất rõ về chủ quyền kinh tế trên không gian mạng, nên đã yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải nộp thuế và đặt máy chủ tại VN. 

Quyền với dữ liệu công dân

Một người mẹ đã kể lại trên mạng một câu chuyện vừa buồn cười vừa đáng ngại về chính gia đình mình. Trước đến nay, chị ấy không bao giờ băn khoăn về con gái, vì con bé luôn ngoan ngoãn, đi học xong là về nhà. Nhưng có lần hai mẹ con đi chơi, ngồi gần một khách sạn nhỏ và thấy điện thoại con gái dù không có 4G nhưng vẫn vào được mạng qua wifi thì chị mới phát hiện ra là máy cô bé đã có sẵn mạng của khách sạn ấy. Sau đó, khi kiểm tra lại điện thoại con gái, người mẹ mới phát hiện ra vô số mạng wifi khác với tên các khách sạn nhỏ dọc đường từ trường về nhà.

Sự riêng tư hiện nay đã là một thứ quá xa xỉ, và gần như không tưởng, với tất cả chúng ta. Chúng ta đã bán, đang bán, và, tiếc thay, với giá rất rẻ, gần như toàn bộ dữ liệu cá nhân của mình mà không ý thức được đầy đủ về giá trị của chúng. 

Chúng ta ai cũng từng gặp một thực tế là ngay sau khi chát với bạn trên mạng về một món hàng nào đó, hoặc thậm chí chỉ cần nói chuyện với ai đó về nó trong khi điện thoại để bên cạnh, thì vài phút sau là máy chúng ta sẽ tràn ngập quảng cáo về món hàng ấy. 

Tuy nhiên, dữ liệu không chỉ là mỏ vàng cho quảng cáo, mà còn là vấn đề an ninh quốc gia . Hiện nay mọi người đều dùng điện thoại thông minh, mạng xã hội. Và mỗi chiếc điện thoại đều lưu trữ email, ảnh, phim, phần mềm quản lý tài khoản ngân hàng, ví điện tử,… thậm chí vô số thông tin nhạy cảm khác như tọa độ di chuyển hàng ngày, các file công việc quan trọng và thậm chí cả các bức ảnh nhạy cảm của cá nhân và gia đình. Ngay cả nếu bạn không dùng điện thoại thông minh, bạn cũng chưa chắc đã tránh được khỏi mạng lưới của các tập đoàn lớn, vì bạn có thể lọt vào ảnh chụp của một người nào đó khác. Vậy nên bạn hãy rất cẩn thận khi ngồi sân bay để chờ một chuyến bay lãng mạn không muốn ai biết, vì có thể bạn sẽ lọt vào camera điện thoại của một người xa lạ, nhưng người xa lạ ấy lại có quan hệ nào đó với người quen của vợ hay chồng bạn. 

Mỗi chiếc điện thoại bị mất hoặc bị hỏng có thể làm cho chủ nhân của nó khốn khổ vì những dữ liệu vô cùng quan trọng với chủ nhân nó. Vậy hàng trăm triệu chiếc điện thoại được kết nối thành mạng và thường xuyên gửi toàn bộ dữ liệu cá nhân về các máy chủ ở nước ngoài thì sẽ tạo ra một kho dữ liệu kinh khủng đến thế nào?

Thực tế, với những phần mềm chuyên dụng và chạy trên các siêu máy tính, một tập đoàn công nghệ ngoại quốc hoàn toàn có thể lập được những cơ sở dữ liệu công dân vĩ đại đến mức không một chính phủ nào có được, thậm chí hình dung ra nổi. Nó có thể biết mọi công dân di chuyển ra sao, có bao nhiêu tiền, có quan hệ với ai, (cả những quan hệ mà đến người trong gia đình còn không biết), có sở thích riêng ra sao, quan điểm chính trị thế nào,... Nói chung tất cả những gì quan trọng nhất của một con người mà đôi khi chính họ cũng không biết lại sẽ nằm trong máy chủ và thuộc về tài sản một tập đoàn nào đó ở nước ngoài. 

Đây không còn là một vấn đề viễn tưởng như trong các tiểu thuyết ngày xưa nữa, mà đã là một thực tế mà chúng ta phải đối diện, và càng ngày càng đe dọa chủ quyền và quyền tự quyết của chúng ta.

Con đường nào?

Vậy đâu là con đường thích hợp cho chúng ta trong một thế giới mới mà chúng ta không thể và cũng không nên bế quan tỏa cảng? Câu trả lời có lẽ không đơn giản và sẽ cần đến các nhà quản lý có tầm nhìn thật sự xa và hiểu được cả cơ hội và sự nguy hiểm của các công nghệ mới. Nhưng từng người dân cũng phải ý thức được sự quan trọng của chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. 

Và dù cách làm có là gì, thì hai vấn đề nhà nước cần quan tâm nhất có lẽ vẫn như trên: Quyền thu thuế và quyền với dữ liệu công dân. Dù có kiểm soát được mọi xăng ti mét biên giới và từng cửa khẩu, vẫn chưa thể được coi là có chủ quyền đầy đủ.

Chúng ta đã chiến thắng được nhiều đế quốc lớn và giành được độc lập tự do dù luôn nghèo hơn và kém hơn kẻ thù về công nghệ, nguyên nhân không chỉ do lòng dũng cảm và ý chí mà chủ yếu do người dân và chính quyền luôn đoàn kết vì mục đích chung, đúng như lời Bác Hồ dạy: 

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”

Với tinh thần ấy thì chắc chắn rằng chẳng có gì không thể vượt qua được, nhất là với thế và lực mạnh mẽ như hiện nay của chúng ta, và dù có gặp khó khăn gì thì lời giải đều có thể rất đơn giản và nằm sẵn trong lịch sử chống ngoại xâm của cha ông. 



No comments:

Post a Comment