9 January 2020

Lô-gích mềm trong một câu văn Lolita



Mặc dù ngôn ngữ, trên phương diện nào đó, là một dạng toán, nhưng thực tế thì ngôn ngữ tập trung vào cảm xúc nhiều hơn là tính lô-gích và sự cô đọng của toán học.

Một ví dụ khá thú vị mà thầy hay nghĩ lại là một câu văn cực ngắn và cực đơn giản trong Lolita, nhưng tương đối khó dịch, thậm chí là rất khó dịch vì nhiều người đã đụng vào và đều làm sai:

"His father and two grandfathers had sold wine, jewels and silk, respectively."

(His) ở ngữ cảnh này là nói về father của nhân vật chính (Humbert). Như vậy câu văn siêu đơn giản, không cần tra từ điển, google dịch ngon lành. Tuy nhiên nó không hoàn toàn đơn giản như mới nhìn. Với ai ngại tra từ điển thì thầy nói luôn respectively được dùng như một từ rất toán học, có ý nói là các đối tượng trong mệnh đề sẽ được phân chia tương ứng. Ví dụ bảo A và B bằng 5 và 6 respectively thì nghĩa là A=5, B=6.

Cách dịch đơn giản nhất, và phổ biến nhất là:

"Ông tôi bán rượu và một cụ nội tôi bán đá quý, một cụ nội tôi bán lụa."

Đó là cách triển khai phương trình của câu ra theo dạng toán. Mặc dù có chút sai sót và lủng củng nhưng về căn bản là đúng với nội dung mà câu văn muốn chuyển tải. Nó cũng như một dạng triển khai (A+B)^2 thành A^2+B^2+2AB.

Nhưng văn chương không phải toán học. Khi Nabokov viết câu văn đó, dĩ nhiên ông biết tiếng Anh có các từ cần thiết để viết như kiểu dịch trên, nhưng ông đã không viết thế. Tại sao?

Vì mục đích câu văn này còn để nói lên tính cách và hoàn cảnh của Humbert: Là một người lưu vong, dân châu Âu qua Mỹ sống, nên với y thì quá khứ là cái gì đó khá xa lạ, mù mờ, thậm chí là một thứ không muốn nhắc đến.

Nên với cách viết này, Nabokov muốn cho nhân vật của mình kể về quá khứ và gia đình như một chuyện gì đó miễn cưỡng, nói cho xong, chẳng quan trọng cho lắm. Các đôi tượng trong câu văn đều không liên quan nhiều đến nhân vật chính, và ngay cả cái cách dùng từ respectively rất tay chơi ở cuối câu, cũng thể hiện sự thờ ơ của nhân vật chính: Đại khái là vậy, tôi cũng không nhớ rõ lắm, và cũng chẳng quan trọng cho lắm.

Sợi dây duy nhất níu Humbert lại với quá khứ châu Âu là người cha mà thôi, còn trước đó thì không mấy liên quan, nên các ông và cụ đó chỉ là những người liên quan qua cha Humbert. Đặt nhân vật chính của tác phẩm vào vị trí trung tâm câu văn thì sẽ làm sai ý của nó.

Và nếu dịch theo kiểu toán như phương án thầy đưa ở trên, thì các đối tượng trong câu lại rất gần gũi với Humbert và hiển nhiên sẽ không cho độc giả cái cảm giác mà Nabokov muốn tạo ra trong tâm trí họ.

Mà đó mới là một câu văn gần như là dễ nhất trong Lolita!

No comments:

Post a Comment