Báo Thanh niên
Phong trào phê bình dịch thuật đang nổi lên ở Việt Nam trong thời gian gần đây là mặt tích cực của môi trường văn chương hiện đại, và cũng góp phần mang lại những thay đổi theo chiều hướng tích cực của giới dịch giả và làm sách.Tuy nhiên, cũng như nhiều cuộc tranh luận bế tắc khác trên các diễn đàn, trong vấn đề dịch thuật này chúng ta rất hay gặp một số lỗi ngụy biện liên quan đến dịch giả.
Lolita của Vladimir Nabokov và Émile hay là về giáo dục của Rousseau là hai trong nhiều tác phẩm bị rơi vào 'thảm họa dịch thuật' - Ảnh tư liệu |
1. Đổ lỗi cho sinh viên: thật kỳ lạ, nhưng loại bài viết ngụy biện chày cối kiểu này xuất hiện khá thường xuyên. Người bảo vệ dịch giả, sau khi không thể chối cãi được các lỗi dịch tệ hại và dốt nát, quay qua nói rằng các bản dịch này "nghe nói" là dịch giả đưa cho sinh viên (hoặc các dịch giả vô danh nào đó) dịch, rồi chỉ ký tên lĩnh nhuận bút ở dưới. Tuy nhiên, những lập luận dạng này rất phi lý vì:
-Nếu dịch giả nào hành xử như vậy, thì liệu họ có danh dự hay không? có đạo đức hay không? Tại sao một người lại có thể bán rẻ tên tuổi của mình với cái giá rẻ mạt như vậy? Và nếu họ làm như thế thì các bạn sẽ nghĩ sao về tất cả các bài trả lời phỏng vấn, các bài PR trên báo chí của nhà sách và của chính dịch giả ấy? Các bạn có chấp nhận được sự lừa đảo trắng trợn đến thế hay không?
-Nếu dịch giả nào đã đưa sinh viên dịch bản dịch thảm họa ấy, thì hoàn toàn có thể đặt tất cả các bản dịch của họ dưới sự nghi ngờ rằng chúng, từ trước đến nay, đều do "sinh viên" dịch mà thôi.
-Mặc nhiên coi sinh viên là những dịch giả dốt nát, trong khi nhiều lỗi trong các bản dịch của dịch giả gạo cội còn dốt nát và cẩu thả đến mức không có sinh viên nào nghĩ là mình có thể dịch tệ đến như vậy.
2. Dựa vào số tác phẩm đã dịch: đây cũng là lập luận ngụy biện thường gặp. Người bảo vệ dịch giả cho rằng với số lượng các tác phẩm đã dịch thì có thể tin tưởng là dịch giả có trình độ không tồi. Tuy nhiên, việc một tác phẩm nào đó bị dịch kém là cơ sở tin cậy để nghi ngờ rằng tất cả các bản dịch khác của dịch giả đã dịch tác phẩm ấy đều kém, chứ không phải là ngược lại. Hoàn toàn có khả năng rằng nếu kiểm tra lại các bản dịch khác mà dịch giả ấy đã dịch, thì cũng sẽ thấy các thảm họa tương tự mà thôi. Cách duy nhất để đánh giá chất lượng bản dịch là đối chiếu nó với bản gốc, không thể có cách nào khác.
3. Dựa trên tuổi tác và sức khỏe: nhiều người bảo vệ dịch giả cho rằng không nên tấn công các lỗi dịch của một dịch giả nào đó do ông ta / cô ta / bà ta quá già / quá trẻ / quá nghèo / đang bị bệnh nan y / vân vân và vân vân. Như vậy có thiệt thòi lắm không, với các dịch giả đàn ông, to cao, đẹp trai, giàu có, học thức, khỏe mạnh, đang độ tráng niên? Phải chăng người ta có quyền dịch sai khi ở trên và dưới những độ tuổi nào đó, khi có các chỉ số đường huyết, áp huyết, men gan... nằm ngoài các giới hạn nào đó? Khi họ là đàn bà, đồng tính, hay là đang chuẩn bị chuyển đổi giới tính? Quả thật, sức khỏe là yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng bản dịch. Nhưng nếu dựa vào sức khỏe để bảo vệ cái kém cỏi của bản dịch thì không công bằng với độc giả, trừ khi nhà nước dán tem lên sách, báo trước cho độc giả biết là bản dịch này do người thiểu năng dịch.
Còn về tuổi tác của dịch giả thì, theo tôi, khả năng ngoại ngữ và viết lách của con người thường ít suy giảm theo thời gian nếu họ không bị bệnh nặng, Tô Hoài càng già viết càng hay, Xiao Qian dịch Ulysses của James Joyce qua tiếng Hoa khi ông đã ngoài 80. Riêng trong văn chương thì tuổi tác là một ưu thế, một ưu thế hoàn toàn không nhỏ.
4. Nhầm lẫn giữa dịch giả và tác giả: đây cũng là một dạng lỗi ngụy biện hay gặp. Nhiều người cứ tưởng ai đi dịch sách của Tolstoi, Murakami, Proust, Nabokov, Modiano, Faulkner thì cũng giỏi như tác giả hoặc chí ít thì cũng giỏi hơn các dịch giả phải đi dịch những thứ tầm thường hơn. Nhưng “cái áo không làm nên thầy tu”. Dịch kiệt tác mà sai be bét thì còn tệ hơn dịch truyện ngôn tình.
Và dịch giả, nói cho cùng, chỉ là con khỉ của nhà văn. Mỗi kiệt tác văn chương là một sản phẩm độc nhất vô nhị, tác giả là thiên tài vài tỷ người có một, còn bản dịch có thể có hàng ngàn, người dịch giỏi lắm cũng chỉ có thể coi là học trò tự nguyện của nhà văn, một thứ nô lệ trí thức nếu đủ giỏi, còn nếu không đủ giỏi thì dịch giả sẽ là một thứ nô lệ phản chủ.
Nhưng ảo tưởng "lốt sư tử" ở Việt Nam đã sinh ra rất nhiều dịch giả thiếu năng lực, đem kiệt tác văn chương ra dịch loạn, tàn sát biết bao nhiêu văn hào trong lòng độc giả. Nếu dịch giả lượng được sức mình, không lao đầu vào đá, chỉ đi dịch các tác phẩm đơn giản để kiếm sống qua ngày, thì văn hóa đọc của độc giả Việt Nam trong những thập niên gần đây nếu không tốt lên thì chí ít cũng không tệ đi. Bởi lẽ, sau khi mòn mỏi chờ đợi sự vĩ đại của các văn hào lớn nhất của nhân loại, và được xem báo chí tung hô khắp nơi, độc giả rất sốc khi mua bản dịch mới về và phát hiện ra các kiệt tác ấy hóa ra chỉ là những đống rác chữ lộn xộn và nhảm nhí mà thôi.
Để các cuộc tranh luận về dịch thuật nói riêng và các vấn đề xã hội nói chung có thể đem lại những kết quả tích cực chứ không chỉ lao vào các ngõ cụt, ai nói người ấy nghe, như hiện nay, thì các bên tham gia tranh luận nên tuân thủ vài logic căn bản, chẳng hạn như trên đây.