Tượng Pyotr đại đế tại cố đô Nga |
Có hai thành phố ảnh hưởng rất mạnh đến thời thanh niên của tôi, là Stockhom và Saint Petersburg (Ленинград). Chúng nằm cách nhau không xa, và ít nhiều liên quan đến một nhân vật vĩ đại là Pyotr I Đại Đế (Пётр I Великий).
Người Nga hết sức kính trọng vị Hoàng Đế này của họ, vì dưới thời cai trị của ông ta, nước Nga đã phát triển rực rỡ, đánh bại hai cựu thù là đế quốc Ottoman và Thụy Điển, tái chiếm các lãnh thổ đã mất và lấy đường thông ra biển.
Thụy Điển đã từng là một đế quốc hùng mạnh ở châu Âu, họ liên tục tấn công Nga và cướp được không ít lãnh thổ của quốc gia này. Do Moscow nằm quá xa vùng biển của Nga, nơi Thụy Điển thường xuyên quấy phá, nên vào năm 1703, Pyotr Đại Đế đã đến một vùng đất hẻo lánh nằm ngay vịnh Phần Lan của biển Baltic, phi ngựa lên một quả đồi, cắm ngọn giáo xuống đất, và nói: Đây sẽ là thủ đô của nước Nga.
Hành động huyền thoại này của Pyotr Đại Đế đã thể hiện tầm nhìn vượt trội và quyết tâm sắt đá của một nhà lãnh đạo kiệt xuất.
Sau đó là một cuộc chiến vĩ đại giữa Nga và Thụy Điển, kết thúc bằng việc Thụy Điển thất bại nặng nề, và hòa ước Nystad giữa Nga và Thụy Điển được chính thức ký kết ngày 14 tháng 9 năm 1721. Theo Hòa Ước này, Thụy Điển phải cắt nhường cho đế quốc Nga vĩnh viễn các vùng Livonia, Ingria và Estonia, cùng với Karelia kéo dài đến Vyborg.
Thất bại này cũng chấm dứt vĩnh viễn các tham vọng bá quyền của Thụy Điển, và họ đã tập trung các nguồn lực của mình vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, để đạt được vị thế ngày nay: một trong những quốc gia có GDP đầu người cao nhất thế giới và hệ thống an sinh xã hội hoàn hảo hạng nhất.
Nói lại một chút về lịch sử, để giải thích cho sự kinh ngạc của tôi, một đứa trẻ lớn lên trong đủ thứ hận thù với các dân tộc khác, khi nhìn thấy bức tượng Pyotr Đại Đế tại một quảng trường nhỏ ở Stockholm. Người bạn đi cùng, một người Thụy Điển chính gốc, cao to và nhợt nhạt như hầu hết những người Bắc Âu khác, đã giải thích cho tôi hiểu rằng "đồng bào" của anh rất tôn trọng Pyotr Đại Đế và họ cho rằng chính sự thịnh vượng ngày nay của họ có phần công lao của vị Hoàng-Đế-kẻ-thù này.
Lịch sử châu Âu là những cuộc chiến liên miên giữa các nước láng giềng. Hầu như bất cứ dân tộc châu Âu nào cũng có những món nợ đẫm máu với dân tộc khác trong cùng lục địa. Và đó cũng là vấn đề của toàn thế giới. Mỹ đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật, giết chết hàng trăm ngàn người. Hàng triệu người đã chết trong chiến tranh thế giới thứ Hai. Không thể tìm được hai đất nước có chung biên giới mà lại không có những món nợ đẫm máu người, những tranh chấp lãnh thổ không thể giải quyết, những bất đồng không bao giờ tìm được tiếng nói chung! Đó là cuộc sống, đó là cái bi, cái hài, cái xấu và cũng là cái đẹp của cuộc sống chúng ta!
Vậy nên hãy mỉm cười với chúng, hãy nhìn về phía trước, hãy nghĩ đến tương lai, bởi lẽ những gì đã thuộc về quá khứ thì không thể nào thay đổi được nữa. Đừng vác mãi trên lưng cây thánh giá của sự định kiến, nó sẽ càng ngày càng nặng và rồi sẽ đè bẹp anh một ngày nào đó. Biết buông bỏ thì sẽ nhẹ lòng hơn, và sẽ bước lên được những tầng cao mới. William Clay đã từng nói "Không có kẻ thù vĩnh viễn hay bạn bè vĩnh viễn, chỉ có những lợi ích vĩnh viễn" ("There are no permanent enemies, and no permanent friends, only permanent interests.").
Phải chăng câu nói ấy cũng là liều thuốc cần cho một đứa trẻ mãi vẫn không lớn được vì gánh mãi những hận thù?
17-02-2014
No comments:
Post a Comment