18 December 2019

Đừng biến mình thành nguồn gieo rắc năng lượng xấu



Báo Nhân Dân



Trẻ, thông thạo nhiều ngoại ngữ, làm kinh doanh giỏi, dịch giả Thiên Lương được biết đến nhiều trong vài năm gần đây nhờ bản dịch các tác phẩm thuộc hàng kinh điển của văn hào gốc Nga Vladimir Nabokov. Facebooker Thiên Lương (ảnh bên) còn được nhiều công dân mạng biết tới với cách nhìn nhận vấn đề luôn logic, khách quan, duy lý, anh cũng là đối trọng của một bộ phận cư dân mạng có thói quen chê bai. Vẫn tâm thế tự tin, lạc quan và hài hước, dịch giả - facebooker Thiên Lương trò chuyện cùng Nhân Dân hằng tháng ngay khi dư vị mùa xuân còn phảng phất:


Là một du học sinh được đào tạo bài bản ở nước ngoài, rồi một ngày, bút danh Thiên Lương bỗng đình đám trên văn đàn vì bản dịch tác phẩm văn học hay và khó đọc vào bậc nhất: Lolita của Nabokov. Anh muốn tìm kiếm sự nổi tiếng bằng cách tự làm khó chính mình, hay vì quá thất vọng với thực trạng dịch thuật văn học trong nước, hoặc một lý do nào đó thuần khiết hơn?

Câu chuyện về bản dịch Lolita của tôi khá thú vị. Thật ra ai theo dõi từ đầu đều biết nó xuất phát từ một cuộc tranh luận nổi tiếng trên báo chí và mạng xã hội. Do những lỗi dịch quá hiển nhiên thậm chí ngay từ những dòng đầu tiên của bản dịch Dương Tường, nên có khá nhiều người muốn dịch lại kiệt tác này. Tuy nhiên mọi người bỏ cuộc rất nhanh sau vài ba trang đầu. Nói chung, theo tôi dịch thuật không phải là công việc có thể làm theo nhóm. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về các cuộc tranh luận dịch thuật, nhưng tôi cho rằng chúng rất có ích vì không thể để kéo dài mãi tình trạng “đọc không thông mà dịch rất thạo”, nói cho cùng thì bản dịch nào cũng phải bám sát bản gốc chứ không thể bịa ra cho xuôi tai rồi nhận là đồng tác giả được. Không rõ ngày xưa thế nào chứ ngày nay thì việc phóng tác đó là một sự vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Bất cứ hợp đồng bản quyền dịch nào cũng có lưu ý đến điều này! Trên thực tế thì cuộc tranh luận về Lolita cũng đưa đến kết quả tích cực là dịch giả phải công khai xin lỗi vì đạo chú thích, nhà sách phải tiến hành biên tập lại toàn bộ cuốn sách, và độc giả có thêm một bản dịch mới. Ngoài việc Lolita là một kiệt tác đặc biệt, luôn được xếp hạng đầu trên văn đàn thế giới, tôi thích Nabokov còn vì ông ấy là một người con của nước Nga vĩ đại, và dẫu có viết tiếng Anh thì chất Nga trong văn chương của ông ấy vẫn rất rõ. Một điều đáng tiếc là mặc dù được đánh giá rất cao trên văn đàn thế giới nhưng cho đến nay văn học Nga chưa được tôn trọng đúng mức ở Việt Nam, một số tác phẩm lớn của họ tuy đã được dịch ra tiếng Việt nhưng hầu hết bị dịch qua ngôn ngữ thứ ba, và dĩ nhiên chúng ta đều biết rằng bản dịch qua ngôn ngữ trung gian sẽ có chất lượng kém.

Cũng giống như anh, facebooker Thiên Lương nhiều năm qua, trên trang cá nhân của mình đã không ngừng phân tích, chỉ ra tư duy cảm tính, theo số đông của một bộ phận cộng đồng mạng Việt Nam, nhất là khi cư dân mạng bày tỏ quan điểm, cách nhìn nhận về các vấn đề xã hội liên quan đến số đông. Trên mạng xã hội có cụm từ “auto chửi”, chỉ những “công dân mạng”, luôn chửi bới, phản bác bất cứ một chủ trương chính sách mới nào. Facebooker Thiên Lương làm cách nào để luôn giữ được thái độ điềm đạm, khách quan, thậm chí hơi hài hước để khai mở cho một đám đông bất mãn?

Ta có thể thấy, ở ngoài đời khi gặp đám cháy trong nhà hát, đám đông thường dồn hết về một chỗ để rồi kẹt cứng ở đó chứ ít ai bình tĩnh nghĩ xem còn lối nào khác để thoát thân. Một điều dễ thấy là đám đông facebook cũng tương tự thế, có một dạng trí tuệ tập thể. Facebook là một môi trường đặc biệt phù hợp với trí tuệ tập thể do nó được xây dựng sao cho kích thích đám đông tự dạy nhau cách đưa tin để được like nhiều. Thành thử nhiều khi một cá nhân được đám đông dạy cho cách viết, chứ không phải là ngược lại. Nhiều người nổi tiếng trên facebook Việt Nam, viết bài thường được vài nghìn like, nhưng tôi thấy chẳng khác gì những diễn viên thú trong rạp xiếc. Thời gian đầu mới lên mạng, họ khá hiền lành, mỗi ngày than thở vài câu, tản mạn dăm dòng, tối đến làm nửa tá thơ cóc, chia sẻ ảnh vợ con, cảnh đẹp quê hương đất nước... Đến một ngày nọ, do bức xúc gì đó, họ chửi bới xã hội, chính quyền, được like nhiều hơn rất nhiều, thế là họ nhớ cái cảm giác được like ấy. Khi họ quay lại viết thơ, tản mạn, tâm sự, chụp ảnh, nói những điều tử tế thì chẳng mấy ai quan tâm. Dần dần họ trở thành một kẻ chê bai mọi thứ. Thật ra rất nhiều facebooker là nạn nhân của những kẻ like họ, bị đám đông huấn luyện, chứ không phải là người dẫn dắt đám đông như họ lầm tưởng về mình. Tại sao tin xấu được like nhiều thì do bản năng con người thôi, khi đọc tin xấu có lẽ họ được an ủi. Còn nói về không khí chung thì tôi không nghĩ xã hội bên ngoài có nhiều người bất mãn như trên facebook. Cuộc sống thật tươi đẹp và lạc quan hơn nhiều so với những gì chúng ta chứng kiến hằng ngày trên mạng. Tuy nhiên triết lý của facebook làm cho sự bất mãn dễ cộng hưởng, làm cho cái xấu và tin tức giả mạo dễ lan truyền nhanh và rộng. Đó cũng là điều mà rất nhiều người, thậm chí lãnh đạo của facebook, nhận ra rồi. Tuy nhiên hiện nay họ vẫn kiếm được rất nhiều tiền từ đó, cho nên khó có hy vọng là họ sẽ làm gì để thay đổi triệt để.

Mới đây, để đáp trả lại một bộ phận bi quan trước bảng xếp hạng GDP bình quân đầu người một số quốc gia Đông - Nam Á, khi thấy GDP Việt Nam thua cả nước bạn Lào, anh viết, có đoạn: “Đời thế nào là do cái tâm ta mà ra cả. Nếu muốn kích động dân chống chế độ, thì nhìn cái bảng này thấy Việt Nam thua hết, hơn mỗi Campuchia. Còn nếu nhìn với cái tâm sáng, thì thấy Việt Nam tăng trưởng thần kỳ, từ chỗ bằng 1/2 Lào, 1/7 Philippines, nay đã gần đuổi kịp. Và cứ thế này hai thập niên nữa thì ta chắc chỉ còn thua mỗi Singapore”. Một status mạch lạc, khoa học, logic và công tâm của anh trên facebook cá nhân rất thuyết phục, và dường như “bóc trần” được tâm thế thật của số không ít người tham gia mạng xã hội?

Đám đông luôn có kiểu tư duy thiên về cảm tính, không dựa trên số liệu và không biện chứng, không đặt sự việc trong bối cảnh liên quan. Còn nếu nhìn với cái tâm sáng thì ai cũng phải thấy những thành tựu vượt bậc trong kinh tế và mọi mặt khác trong xã hội. Xuất phát điểm của đất nước chúng ta rất thấp, mặc dù trước 1975, miền bắc có thu nhập GDP trên đầu người tương đương miền nam bất chấp chi tiêu của hàng trăm ngàn lính Mỹ ở miền nam, nhưng cả hai miền đều nghèo nhất châu Á. Trước cách mạng, tỷ lệ người dân mù chữ lên đến 95%. Chiến tranh kéo dài cũng làm chúng ta thiệt hại nặng nề về mọi mặt. Chỉ sau hơn hai thập niên đổi mới, hiện nay tuy còn thua kém nhưng khoảng cách giữa chúng ta và các nước khu vực đã giảm xuống rất nhiều, và nếu duy trì được tốc độ phát triển như những năm gần đây thì chỉ độ hai chục năm nữa Việt Nam sẽ vượt một số nước trong khu vực, và lọt vào 20 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vì vậy chúng ta nên lạc quan hơn với tương lai đất nước, và thật sự thì tình hình chung đang tốt đẹp về mọi mặt. Chính Tổng thống Mỹ còn phải ca ngợi sự phát triển thần kỳ của Việt Nam, tại sao chúng ta lại phải bi quan? Nhiều khi đám đông tư duy rất định kiến, y như trẻ con vậy, trong khi mọi số liệu hiện nay đều rất dễ tìm thấy trên internet, mà người ta vẫn chỉ tin vào những gì người ta muốn tin và chỉ nhìn thấy cái đã in sâu vào đầu họ. Không phải lúc nào tư duy lý tính thuần túy cũng tốt, như tổ tiên ta vẫn nói: làm gì cũng phải có tình, có lý. Tuy nhiên nếu coi “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình” thì cũng không tốt, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa như ngày nay, khi chúng ta phải làm việc với những cường quốc có cách suy nghĩ rất duy lý.

Một số tác phẩm của Nabokov do Thiên Lương dịch
Theo anh, liệu có cách nào để cộng đồng mạng trong nước tham gia mạng xã hội văn minh, tích cực và đúng pháp luật hơn?

Tôi nghĩ Nhà nước nên xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin thất thiệt, kích động chia rẽ dân tộc, phân biệt chủng tộc và xuyên tạc đường lối chính sách. Thực tế chúng ta cũng thấy người dân bắt đầu nhận thức được sự bất tín của các nguồn tin trên mạng, ngày trước các facebooker phản động rất dễ nhận được hàng nghìn like với các bài viết nhảm nhí xuyên tạc, hoặc các tấm hình bị sửa đổi, còn hiện nay thì rất nhiều người đã vào phản đối chúng. Và có nhiều bạn trẻ đã tự lập ra các trang riêng để phản bác lại luận điệu của các nhóm phản động quá khích. Theo sự phát triển tất yếu của đất nước thì mạng xã hội cũng văn minh theo thôi. Tuy nhiên những đất nước phát triển quá nhanh như chúng ta còn gặp vấn đề về khoảng cách thế hệ. Những người cũ, lớn lên trong thời kỳ đất nước quá khó khăn, chia nhau từng mảnh áo, cân thịt, tất nhiên sẽ khó có tiếng nói chung với các bạn trẻ mới ra trường vài năm mà lương đã hàng chục triệu mỗi tháng. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nên có trách nhiệm với đất nước hơn chứ đừng chạy theo vài cái like ảo trên mạng và để đám đông huấn luyện, chi phối, rồi tự biến mình thành những nguồn gieo rắc năng lượng xấu cho mọi người.

Trân trọng cảm ơn dịch giả - facebooker Thiên Lương!
Mi Sol (Thực hiện)


No comments:

Post a Comment