4 October 2016

"Mỹ nhân Nga" của Nabokov - một thách thức về văn chương và dịch thuật

17 truyện ngắn của văn hào vĩ đại Vladimir Nabokov vừa được NXB Văn học và Công ty Zenbook xuất bản tại VN trong cuốn Mỹ nhân Nga. Dịch giả Thiên Lương là người trực tiếp thực hiện việc chuyển ngữ.

Nhà văn của các nhà văn

Vladimir Nabokov sinh năm 1899 tại cố đô Saint Petersburg của Nga, và qua đời năm 1977 tại Montreux, Thụy Sỹ. Ông là nhà văn nổi tiếng thế giới với nhiều kiệt tác như Pnin, Ada hay Ardor, Lửa nhạt,  Nói đi, Ký ức, Lolita và bộ Tổng tập truyện ngắn bao gồm toàn bộ 68 truyện ngắn ông từng sáng tác trong đời.

Mặc dù Nabokov có danh tiếng lừng lẫy trên văn đàn thế giới, nhưng các tác phẩm của ông hầu như chưa được dịch ra tiếng Việt ngoài LolitaTiếng cười trong bóng tối. Nguyên nhân do phong cách viết của ông giàu hình ảnh, đa nghĩa, cầu kỳ, chơi chữ rất tuyệt vời, ngoài ra còn theo thủ pháp dòng ý thức (stream of consciousness) rất khó dịch qua tiếng Việt. Sự khác biệt quá lớn giữa văn hóa Việt, Nga và Mỹ cũng làm cho việc chuyển ngữ rất dễ gặp sai lầm, thậm chí làm hỏng toàn bộ tác phẩm chỉ vì các lỗi dịch. Các tác phẩm của những nhà văn viết theo phong cách này đều rất khó dịch và rất kén độc giả. Marcel Proust, James Joyce, Virgina Woolf cũng là các văn hào nổi tiếng với những tác phẩm viết theo phong cách này, và rất đáng tiếc là các tác phẩm lớn của họ vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt, và một vài bản dịch hiếm hoi thì không mấy thành công và thậm chí phải hứng chịu rất nhiều lời than phiền về chất lượng dịch.

Ngoài ra, Nabokov còn là giáo sư văn chương đại học, nên ông sử dụng các kỹ thuật viết cực kỳ sáng tạo, với vốn từ vựng vô cùng phong phú. Trong cuốn Lolita, Nabokov sử dụng đến 14.000 từ đơn nhất, để so sánh, có thể lấy ví dụ cuốn Bắt trẻ đồng xanh của J.D. Salinger chỉ sử dụng 3.500 từ đơn nhất. Hầu hết các tiểu thuyết tiếng Anh sử dụng vốn từ vựng trong khoảng 3.000 - 5.000. Hiển nhiên là việc dịch một tác phẩm được viết với vốn từ lên đến 14.000 sẽ phức tạp theo cấp số nhân so với các tác phẩm dùng vỏn vẹn vài ba ngàn từ.


Các thách thức dịch thuật

Khó dịch, khó đọc và khó có độc giả bình dân là những lý do khiến các công ty sách vẫn ngại ngần với Nabokov. Tuy nhiên, các truyện ngắn của Nabokov có thể là những bài tập, những lối tắt, những cửa sổ, những chặng nước rút cho độc giả khả năng tiếp cận được các tiểu thuyết lớn của ông. Được viết suốt quãng thời gian gần nửa thế kỷ, chúng cũng là các cột mốc trong đời nhà văn, các kỷ niệm trong sự nghiệp vĩ đại của ông, các thử nghiệm sáng tạo văn chương mà sau này đôi khi được ông dùng lại trong tiểu thuyết của mình. Rất nhiều học giả cho rằng qua các truyện ngắn có thể thấy được sự phát triển cả về con người và nghệ thuật của Vladimir Nabokov theo thời gian.

Mặc khác, phần lớn truyện ngắn của Nabokov cũng là các kiệt tác được văn giới quốc tế yêu thích, chẳng hạn Dấu hiệu và Biểu hiệu, Chị em nhà Vane, Cẩm nang du ngoạn Berlin, Cơn giông, Mối tình đầu, Lễ Giáng sinh, Một truyện đồng thoại.Dấu hiệu và Biểu hiệu còn được đánh giá là truyện ngắn Anh ngữ hay nhất lịch sử. Chắc chắn nếu được dịch thật tốt qua tiếng Việt, chúng sẽ là các tác phẩm rất giá trị, sẽ là tư liệu cho công việc nghiên cứu văn chương đỉnh cao và sẽ đóng góp rất nhiều cho kho tàng văn học dịch tại VN.

Theo lời dịch giả Thiên Lương, thì mặc dù anh đã có kinh nghiệm qua nhiều năm nghiên cứu và dịch Lolita, song việc dịch truyện ngắn Nabokov không hề dễ hơn so với các tiểu thuyết lớn của ông, nếu như không muốn nói là còn khó hơn. Mặc dù được viết ngắn gọn, nhưng chính sự ngắn gọn ấy khiến cho các tác phẩm rất cô đọng, rất bất ngờ và được nhà văn xử lý rất kỹ. Điểm đặc biệt nữa trong sự nghiệp Nabokov là nhà văn sáng tác bằng cả hai ngôn ngữ Anh và Nga, khiến cho các dịch giả của ông buộc phải dịch được từ cả hai ngôn ngữ nếu không muốn phải dịch qua ngôn ngữ trung gian và làm mất đi vẻ đẹp nguyên bản. Dẫu sao thì một bản dịch văn chương từ ngôn ngữ thứ ba vẫn luôn bị đánh giá thấp trong con mắt của các học giả.


Tâm hồn Nga trong trái tim một nhà văn Mỹ

Những dòng cuối truyện ngắn Lá thư đến nước Nga có thể coi như những phút giây yếu lòng hiếm hoi mà Nabokov mở cho ta thấy loáng thoáng tầng ngầm tâm hồn ông:

Các thế kỷ sẽ trôi qua,
học sinh sẽ chán ngấy 
lịch sử những chấn động của chúng ta,
tất cả sẽ qua đi, tất cả sẽ qua đi, 
song 
hạnh phúc của tôi, 
bạn yêu ơi, 
hạnh phúc của tôi sẽ còn mãi,
trong ánh đèn đường ẩm ướt, 
trong chỗ ngoặt cẩn thận 
của cái cầu thang đá 
dốc xuống con kênh nước đen, 
trong nụ cười một đôi khiêu vũ, 
trong mọi thứ 
mà Chúa 
hào phóng bao bọc 
quanh sự cô đơn của con người.

Phải sống hơn nửa thế kỷ xa quê hương từ tuổi đôi mươi, song Nabokov không bao giờ sở hữu ngôi nhà nào ở nước ngoài, mặc dù thành công của Lolita đã mang lại cho ông cả một gia tài lớn. Dường như tâm hồn ông vẫn vương vấn đâu đó bên sông Neva và các con kênh của thành phố Saint Petersburg thần thánh. Dẫu có viết bằng tiếng Anh, thì chất Nga vẫn quyện vào từng sợi xơ giấy sách ông. Và có lẽ sự đa văn hóa trong tâm hồn một ông hoàng lưu vong cũng phần nào khiến cho văn chương Nabokov luôn làm mê hoặc lòng người, dẫu ông đã từ giã cõi này gần bốn mươi năm về trước.

Mỹ nhân Nga mới chỉ là quyển 1 trong 4 quyển tổng tập truyện ngắn Nabokov. Theo dự tính của Zenbook và dịch giả Thiên Lương, thì toàn bộ tập sách này sẽ hoàn thành vào năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhà văn. Tuy nhiên, dẫu khá dày, với gần 1.500 trang tiếng Việt, nhưng bộ sách này mới chỉ là một phần nhỏ trong di sản vĩ đại của Nabokov, và chắc chắn cần rất nhiều nỗ lực nữa của các dịch giả, các công ty sách, các nhà xuất bản và các nhà nghiên cứu để các kiệt tác khác của ông đến được với độc giả VN.

Bạch Dương

Bài đăng trên báo Thanh Niên.

30 September 2016

Sách 'Mỹ nhân Nga' giới thiệu 17 truyện ngắn của Nabokov

Tập truyện ngắn của cha đẻ tiểu thuyết "Lolita" - nói về nỗi đau thầm kín của một ông hoàng lưu vong - vừa ra mắt ở Việt Nam.



Quyển một của bộ tổng tập truyện ngắn Nabokov vừa được Nhà xuất bản Văn học và Zenbook phát hành tại Việt Nam. Quyển này mang tên Mỹ nhân Nga gồm 17 truyện ngắn trong tổng số 68 truyện Nabokov từng sáng tác. Dịch giả Thiên Lương là người chuyển ngữ các truyện ngắn từ bản gốc tiếng Anh và tiếng Nga.

Bìa cuốn Mỹ nhân Nga

Vladimir Nabokov có phong cách viết hoa mỹ, uyên bác, phức tạp và chứa đựng vô vàn "ngón" chơi chữ, bẫy ngôn từ. Cách xếp đặt tác phẩm của ông được nhận xét đẹp hoàn hảo như cánh bướm, lại trí tuệ như bàn cờ vua luôn mê hoặc, cuốn hút người đọc. Tuy vậy, sự cầu kỳ trong văn phong của ông khiến cho nhiều người có chút ngại ngần khi tiếp cận các tác phẩm của Nabokov.

Ở đại văn hào này tích hợp nét đa văn hóa trong một con người gốc quý tộc Nga. Ông trưởng thành với đủ nghề ở châu Âu, rồi làm giáo sư văn chương ở Mỹ. Những điều này làm cho văn của ông tải được không chỉ sự vĩ đại, khoáng đạt, chất thôn dã và vẻ đẹp tâm hồn Nga mà cả tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của châu Âu, Mỹ.

Những yếu tố trên gây không ít khó khăn cho việc dịch sách của Nabokov. Người dịch Mỹ nhân Nga giữ quan điểm bản dịch chỉ có giá trị khi được dịch từ ngôn ngữ gốc. Do Nabokov sáng tác bằng cả tiếng Anh và tiếng Nga, 68 truyện ngắn của ông có một lịch sử xuất bản khá phức tạp. Chúng được đăng rải rác suốt nửa thế kỷ trên các tờ báo Nga và Mỹ. Sau này, chúng được con trai nhà văn gom lại và in trong một tổng tập với tên Collected Stories (Tổng tập truyện ngắn).

"Dẫu sao chăng nữa, công nghệ hiện đại ở một thế giới phẳng hơn cũng làm cho việc dịch thuật trở nên thuận lợi hơn, cho dịch giả cơ hội tra cứu sâu hơn, nhanh hơn và rộng hơn, nhờ vậy mà các tác giả khó dịch như Nabokov sẽ có nhiều cơ hội đến được với độc giả Việt Nam", dịch giả Thiên Lương nói.

Dù là tác giả được đánh giá rất cao trên thế giới, thậm chí được xem như nhà văn của các nhà văn, Nabokov có vị trí khá khiêm tốn ở thư viện văn học dịch Việt Nam. Gần 40 năm từ khi nhà văn qua đời tại Thụy Sĩ, chỉ một phần rất nhỏ thuộc di sản văn chương của ông được giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Trong đó, chỉ có hai cuốn Lolita và Tiếng cười trong bóng tối được dịch từ nguyên tác và gây tiếng vang trong giới đọc sách.

Bộ tổng tập truyện ngắn của nhà văn Nabokov được chia làm 4 quyển, đều do dịch giả Thiên Lương chuyển ngữ. Dự kiến, quyển cuối cùng được dịch xong vào năm 2019 - năm kỷ niệm 120 năm ngày sinh Nabokov.

Hoàng Nam

29 September 2016

'Quái vật' Nabokov trở lại Việt Nam

"Anh ta phát hiện ra một thế giới mới, và vì đó chúng ta phải biết ơn anh ta. Một con quái vật, nhưng là một người viết tuyệt vời. Có lẽ đây là nhà văn khéo léo nhất trong vương quốc bao la của văn học Nga. Anh ta là chú hề đầu đỏ trong rạp xiếc. Nhưng tôi có cái tật yêu mến các tài năng, dù là từ những chú hề”, Ivan Bunin không tiếc lời ca ngợi đồng nghiệp trẻ Nabokov.



Các nhà văn thường không có thói quen khen ngợi các đồng nghiệp của mình. Vậy mà Ivan Bunin, nhà văn người Nga đầu tiên giành giải Nobel Văn chương, tác giả tập truyện ngắn kinh điển đã được dịch sang tiếng Việt Những lối đi dưới hàng cây tăm tối, không ít lần phải nhắc tới tên Nabokov.

Hậu thế có thể thông cảm cho Bunin bởi không ai muốn nhường lại vị trí vinh quang của mình và chênh lệch 30 tuổi mang tới nhiều khác biệt về quan điểm nghệ thuật. Các truyện ngắn của Nabokov đơn giản là những “ân phước thẩm mỹ” mà ông ban tặng cho người yêu văn chương.

Bìa cuốn sách "Mỹ nhân Nga" do họa sĩ Trương Tiến Trà vẽ
Kể cả những người đã “nằm lòng” tác phẩm nổi tiếng Lolita của Nabokov, khi đọc tập truyện ngắn Mỹ nhân Nga, bạn đọc Việt Nam có thể sẽ vẫn cảm thấy “khó nuốt”. Bởi đây là địa hạt để nhà văn vĩ đại thỏa sức tung ra những thử nghiệm của mình.

Giống như loại rượu hảo hạng âm ỉ rồi bùng nổ, các truyện ngắn của Nabokov trúc trắc với những liên tưởng đôi khi khá xa vời khiến người đọc mất nhiều thời gian lần theo các manh mối, nhưng bù lại, phía cuối luôn là những kho báu tuyệt vời.

Mỹ nhân Nga gồm 17 truyện ngắn, mỗi truyện là một không gian riêng, một cuộc chơi nghệ thuật với nhiều cái bẫy giăng ra cho người đọc. Đây cũng chỉ là quyển đầu trong bốn quyển Tổng tập truyện ngắn của Vladimir Nabokov, dự kiến hoàn thành trong vòng ba năm và đã được phát hành tại Việt Nam.

Nguyên Trang
Thể thao & Văn hóa

28 September 2016

"Mỹ nhân Nga" của Nabokov: Khu rừng ma mị

Mỹ nhân Nga mới là quyển đầu trong bốn quyển thuộc Tổng tập truyện ngắn Vladimir Nabokov, dự kiến hoàn thành trong vòng ba năm. Sách do NXB Văn học phối hợp với ZenBook thực hiện, hiện đã có mặt trên toàn quốc.


“Chữ V hồ như màu hồng nhạt, trong suốt: Tôi nghĩ nó được gọi là, một cách dễ hiểu, màu hồng thạch anh: đây là màu gần nhất tôi có thể kết nối với chữ V. Mặt khác, chữ N có màu bột yến mạch hơi xám vàng”- Nabokov giải thích về hội chứng thính-giác-màu mà ông được ban tặng.

Khu rừng đầy cạm bẫy dành cho người đọc

Không những có cảm giác màu với những chữ cái, nhà văn vĩ đại người Nga còn là người luôn tư duy bằng hình ảnh. Điều này khiến cho các tác phẩm của của ông, đặc biệt là những truyện ngắn thử nghiệm, giống một bức tranh lớn không dễ giải đố.

Cách đây ít ngày, Hiệp hội Văn bút Mỹ đã quyết định hồi sinh Giải PEN/Nabokov cho những thành tựu văn học trên thế giới. Đây là giải thưởng rất được trọng vọng, trao hai năm một lần cho tác giả “có tác phẩm gợi lên, ở chừng mực nào đó, sự linh hoạt tuyệt diệu và hết mình trong văn học qua việc kiếm tìm những chân lý sâu xa nhất cùng những khoái lạc tột đỉnh của Nabokov – điều mà Nabokov gọi là "sự râm ran không sao tả xiết trong xương sống’”.

Ảnh bìa "Mỹ nhân Nga" do họa sĩ Trương Tiến Trà vẽ.
Không chỉ bây giờ, khi những tác phẩm lớn của Nabokov được công nhận rộng rãi trên thế giới, mà ngay cả lúc mới chỉ là một nhà văn trẻ, tài năng dị thường của ông đã khiến giới văn sĩ sửng sốt.

Ivan Bunin, nhà văn người Nga đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học, phải “nghiến răng” khen đồng nghiệp trẻ là “quái vật”, là “nhà văn khéo léo nhất trong vương quốc bao la của văn học Nga”.

Dù có lần Nabokov khó chịu hỏi ngược lại Bunin: “Ông có ý gì khi gọi tôi là quái vật?” nhưng phải thừa, nhận bậc thầy truyện ngắn Bunin phần nào đúng trong việc chọn từ. Các độc giả tại Việt Nam có thể dễ dàng kiểm chứng điều này qua tập truyện ngắn Mỹ nhân Nga của Nabokov mới được dịch và xuất bản.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nabokov có 68 truyện ngắn, viết trong khoảng thời gian từ những năm 1920 tới những năm 1950.

Tập Mỹ nhân Nga, gồm 17 truyện, trải dài thời gian bắt đầu lúc Nabokov vừa đặt bút viết truyện ngắn đầu tiên tới khi ông là giáo sư đại học, với không gian bao la từ nước Nga quê hương, băng tới Trung Âu  và rời sang châu Mỹ.Trong khoảng không-thời gian rộng lớn này, Nabokov đã tiến hành nhiều thử nghiệm trong văn chương, khiến ngay cả những độc giả đã quen với văn phong trong Lolita, cũng khó để bắt kịp được.

Điểm chung trong các truyện là lối viết duy mỹ theo tư duy hình ảnh của Nabokov. Các câu văn rất dài, những liên tưởng xa xôi, nhiều câu đố gài gắm vào, khiến độc giả buộc phải đi theo lối duy hình ảnh của tác giả mới lần mò ra. Điều tuyệt diệu nữa cần phải lưu ý khi đọc Nabokov là ông không bao giờ dùng thừa từ. Tài hoa của Nabokov thấy rõ ở chỗ dùng rất nhiều tính từ, đặc biệt hay dùng tính từ chỉ người cho vật, nhưng không hề sáo rỗng mà ngược lại, có chủ đích rất rõ ràng.

Độc giả sẽ dễ bị rơi vào khu rừng nguyên sinh ma mị các tầng chơi chữ của Nabokov, nếu hấp tấp lướt qua, sẽ như Trư Bát Giới nuốt chửng đào tiên, còn tỉ mỉ lần theo các dấu vết, phần thưởng sẽ là những khoái lạc văn chương mà Nabokov gọi là “ân phước thẩm mỹ”.

Dù giống nhau ở cùng một sự cầu kỳ về chữ nghĩa, mỗi truyện trong tập Mỹ nhân Nga lại có một đời sống riêng. Bunin đúng khi gọi Nabokov là “quái vật” bởi dường như ông đã mở ra một thế giới mới lạ lẫm với rất nhiều người. Chủ đề các truyện vốn đã lạ, qua bàn tay biến hóa khôn lường của Nabokov, lại càng được khuếch đại. Số chữ tuy ngắn nhưng mỗi truyện phác họa ra một bức tranh lớn hơn nhiều. Ngay Lolita cũng có tiền thân là một truyện ngắn như thế này.

“Chúng ta phải biết ơn anh ta về điều này”, Bunin lại một lần nữa nói đúng.

Chân dung Vladimir Nabokov - "quái vật" giới văn chương.
Thách thức dịch thuật

Thêm một bóng dáng dễ nhận thấy trong truyện của Nabokov: đó là bà mẹ Nga. Cảm thức tha hương gần như là điển hình khi nhắc tới Nabokov (và sau này là Milan Kundera).

Olga, nhân vật chính trong truyện ngắn Mỹ nhân Nga, trùng tên và có nhiều quãng đời tương đồng với người em gái thân thương của Nabokov. Đến cả một cái cây trong Ma cây hay một người đàn ông xa lạ không rõ quốc tịch trong Chiêu mộ cũng đầy mùi bạch dương.

Thế nên, Dmitri Nabokov, con trai nhà văn, mới chia sẻ rằng, một trong những day dứt lớn nhất của Nabokov là phải từ bỏ tiếng Nga mẹ đẻ hết sức đẹp đẽ để viết bằng tiếng Anh. Tập truyện ngắn Mỹ nhân Nga, do đó, những truyện thời kỳ đầu sáng tác bằng tiếng Nga, và về sau, tiếng Anh. Để đảm bảo dịch đúng từ nguyên tác, dịch giả cần phải là người thông thạo cả hai ngôn ngữ này. Đó đã là một khó khăn.Tuy nhiên, mới chỉ là cơ bản ban đầu.

Khó khăn nhất khi dịch Nabokov nằm ở chính khoản duy mỹ của ông. Bản thân Nabokov sinh thời cũng là “cao thủ” trong giới dịch thuật. Ông là người truyền tải rất thành công một số tác phẩm lớn của Nga và cũng tự tay dịch lại một số tác phẩm tiếng Nga của mình sang tiếng Anh. Với Nabokov, dịch cũng là một nghệ thuật.

Theo ông, sai lầm trong dịch thuật có thể chia thành ba cấp độ. Đầu tiên, và nhẹ nhất, là các lỗi rành rành do ngu dốt hoặc thiếu hiểu biết. Đây là điểm yếu của con người nên có thể tha thứ. Cấp độ thứ hai để tới “địa ngục” là người dịch bỏ qua các từ hay đoạn do không chịu dụng tâm tìm hiểu hoặc cảm thấy nó tối nghĩa hay sẽ khiến độc giả có những liên tưởng khiêu dâm. Khó có thể chấp nhận nếu người dịch cho rằng mình hiểu chuyện hơn tác giả. Cấp độ ba, và là tệ hại nhất, đó là đánh bóng, vuốt ve, trang hoàng lại một cách đê tiện các tác phẩm như món đồ thời trang để phù hợp với ý niệm và định kiện của công chúng. Theo Nabokov, đây là một tội ác.

Nabokov từng phát hiện trong đoạn đầu của nguyên tác Anna Karenina, có tới tám chữ “nhà” trong sáu câu trong khi bản tiếng Pháp chỉ giữ lại một chữ. Tolstoi cũng nhiều lần dùng từ “nói” nhưng bị dịch thành “kêu lên”, “thốt ra”, “nói lại”, “kết luận”… Vì lo sợ lặp từ, các dịch giả vô tình bỏ qua thủ pháp có tính toán của tác giả.

Nhìn lại các tác phẩm của Nabokov, không chỉ trúc trắc về mặt hình thức mà còn cầu kì tới từng chữ, ẩn quá nhiều câu đố đến lắt léo, khó hiểu kèm những đoạn viết văn như viết thơ… Như vậy, không chỉ bị rào cản bởi tính đa ngôn ngữ, con đường cho dịch giả dịch Nabokov còn rất nhiều cạm bẫy chông gai phía trước.

Tín hiệu vui cho người yêu các tác phẩm của Nabokov là dù nhiều khó khăn là vậy nhưng đơn vị phát hành tin rằng độc giả có thể yên tâm về chất lượng dịch của Mỹ nhân Nga.

Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

27 September 2016

Cảm thức Piter trong “Mỹ nhân Nga” của Nabokov

Vladimir Nabokov, nhà văn vĩ đại người Mỹ gốc Nga, tác giả kiệt tác Lolita, vừa quay lại với độc giả Việt Nam qua cuốn sách "Mỹ nhân Nga" do Thiên Lương chuyển ngữ và Zenbook cộng tác cùng Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
    Được biết, cuốn sách này là phần đầu tiên trong dự án dịch thuật phức tạp và công phu nhằm đưa toàn bộ tổng tập truyện ngắn Nabokov đến với độc giả VN vào năm 2019 — nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhà văn.
    Bìa sách "Mỹ nhân Nga"

    Văn hào gốc quý tộc
    Là một nhà quý tộc, ra đời năm 1899 và sống tại cố đô Saint Petersburg (Piter) của Nga đến năm 1917, được thừa kế tài sản trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ từ khi mới 17 tuổi, nhưng Nabokov phải sống lưu vong sau cách mạng tháng Mười. Ông đã từng phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống ở châu Âu và Mỹ. Các truyện ngắn trong Mỹ nhân Nga được viết từ khi ông mới 22 tuổi cho đến những năm 1950, khi ông đã ngoài 50 tuổi và đã nổi tiếng với cuốn Lolita. Để đến được những dòng văn tuyệt đẹp  "Lolita, ánh sáng đời tôi, lửa dục lòng tôi, lầm lỗi của tôi, linh hồn của tôi", Nabokov đã phải tôi luyện ngòi bút mình qua hàng trăm tác phẩm cùng biết bao thăng trầm kiếp tha phương.
    Mặc dù phải rời Nga từ khi còn rất trẻ, nhưng Vladimir Nabokov có một sự nghiệp văn chương vĩ đại gắn liền với nước Mẹ. Phần lớn trong số 68 truyện ngắn ông từng viết của cả đời mình đều có bóng dáng và phảng phất hương vị Nga, thậm chí trong đó chỉ có 10 tác phẩm được ông viết bằng tiếng Anh. 
    Từ câu chuyện về con Ma cây, sau chuyến viếng thăm tác giả ở nơi đất khách quê người, để lại “…phảng phất mùi hương tinh tế tuyệt trần của bạch dương và rêu ẩm” cho đến những phận đời lưu vong phiêu bạt xứ người như nàng Olga Mỹ nhân Nga, hay “một bà cụ bảy chục tuổi đã tự sát trên mộ người chồng mới chết” ở một nghĩa trang Chính thống giáo vào một đêm Berlin đơn côi, thủy chung, với “những ánh phản chiếu ẩm ướt, những tiếng còi xe, những cơn gió lộng” trong Lá thư đến nước Nga… Tất cả đều cho thấy một tâm hồn thuần Nga trong một nhà văn dường như đã trải qua hết thảy những nỗi buồn, niềm đau, xa hoa phú quý và nhục nhã ê chề của quê hương ông, của thời đại ông, của thân phận con người.
    Và cuộc giải thoát tự thân
    Buộc phải bỏ lại sau lưng một quê hương vĩ đại tuyệt đẹp, mất đi cả gia sản lớn của gia đình quý tộc, Nabokov hẳn đã trải qua những năm tháng dằn vặt, đớn đau và nuối tiếc. Ai chưa từng sống những năm tháng cay đắng tột cùng thì làm sao viết lên được những dòng chữ máu thịt thế này: “Niềm hạnh phúc của tôi là một thách thức. Những lúc lãng du theo các con phố, theo các quảng trường, theo các đường dọc bờ kênh - và lơ đễnh cảm thấy đôi môi ẩm ướt qua đế giày thủng - tôi kiêu hãnh mang theo niềm hạnh phúc không thể lý giải của mình”.  
    Cuộc sống thật không dễ dàng, và cũng chẳng công bằng, không chỉ với một mình ai, song Nabokov đã biết cách vượt qua như nhân vật Ivanov trong truyện ngắn Dao cạo - tha thứ cho chính kẻ đã làm hại đời mình, dẫu số phận đã trao vào tay một con dao sắc lẻm và để kẻ thù nằm ngửa cổ bất lực trên chiếc ghế cắt tóc. Phải chăng, chính sự giác ngộ và lòng vị tha đó của nhà văn đã giúp ông lột xác, đưa ông bay lên những đỉnh kim cương vinh quang, và ghi danh ông muôn thuở trong di sản văn hóa nhân loại với những tác phẩm luôn được yêu mến trên toàn thế giới hàng chục năm qua. 
    Đạo diễn nổi tiếng Trần Anh Hùng và cuốn "Mỹ nhân Nga". 

    Đến sự bất tử duy nhất
    Văn chương Nga luôn được đánh giá rất cao trên thế giới, với nhiều giải Nobel và nước Nga cũng có đến ba nhà văn có tác phẩm được xếp trong danh sách 10 cuốn sách hay nhất mọi thời đại. Đó là Leo Tolstoy, Anton Chekhov và Vladimir Nabokov. Một thời chưa xa, ở nước ta, vài thế hệ đã lớn lên cùng các Ivan, Pavel, Olga, Natasha, những tảng băng óng ánh trên sông Neva hay chiều Moskva sương mù và khói tỏa. 
    Sự quay lại của Nabokov không chỉ gợi nhớ về tuổi thanh xuân trong veo của các chàng trai cô gái giờ đã vào tuổi trung niên. Không ít người trong số họ đang giữ những vị trí trọng trách của đất nước, và một lần nữa tác phẩm mới nhất được chuyển ngữ của Nabokov sẽ là ô cửa mở rộng cho các bạn trẻ còn trên ghế nhà trường thấy được vẻ đẹp bất khả tri cùng sức quyến rũ đời đời kiếp kiếp của nước Nga vĩ đại và bí ẩn. Nó hẳn cũng là cơ hội để các nhà văn, giới nghiên cứu văn chương đỉnh cao được tiếp cận các tác phẩm lớn của một tác giả vẫn được coi là nhà văn của các nhà văn, một bậc thầy văn chương tiếng Anh với vốn từ vựng khổng lồ và phong cách viết mê hoặc, say đắm, huyền ảo, vừa lãng mạn lại vừa tàn nhẫn đến bất ngờ.
    Nabokov nổi tiếng duy mỹ và cầu toàn, thêm vào đó là năng lực thiên phú: Cảm nhận được màu sắc qua con chữ, cho nên văn chương của ông luôn lấp lánh vẻ đẹp hoàn mỹ như những cánh bướm niềm đam mê thứ hai của ông sau văn chương. Nhưng vẻ đẹp siêu phàm ấy cũng là thử thách không dễ vượt qua với cả độc giả và dịch giả. Tuy nhiên, với Mỹ nhân Nga, dịch giả Thiên Lương dường như đã xóa nhòa các rào cản ngôn ngữ để đem lại cho độc giả của mình những cảm xúc vẹn nguyên từ tâm hồn Nabokov - một trong những người con vĩ đại của Piter.
    Nguồn: báo Lao động

    13 September 2016

    "Mỹ nhân Nga" - kiệt tác của Nabokov đến với người yêu văn Việt Nam

    Chấn Hưng

    Bốn năm sau khi bản dịch "Lolita" tiếng Việt ra mắt lần đầu, “Mỹ nhân Nga” - kiệt tác thứ hai của Vladimir Nabokov mới đến được với những người yêu văn chương đỉnh cao tại Việt Nam.

    Trên thực tế thì bản dịch "Lolita" đầu tiên của Dương Tường cũng kéo theo rất nhiều lời phê phán về chất lượng dịch thuật cũng như nguồn gốc của các chú thích mà dịch giả tự nhận là của mình.

    Sau đó, chính Dương Tường thừa nhận việc lấy chú thích nhưng không ghi nguồn, còn nhà sách thì bỏ công ra sửa lại những lỗi dịch nhất định, và mọi chuyện sau đó mới tạm lắng xuống. Phải nói rằng Nabokov khá vất vả khi vào Việt Nam.


    17 kiệt tác của một văn hào vĩ đại


    “Mỹ nhân Nga” bao gồm 17 truyện ngắn được Nabokov sáng tác bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh. Cuốn sách này cũng là đầu tiên trong bộ sách 4 quyển tổng tập truyện ngắn Nabokov.

    Điều thú vị là dự án dịch thuật công phu này được thực hiện bởi dịch giả Thiên Lương, người đã chỉ ra các lỗi dịch và tình trạng đạo văn trong bản dịch "Lolita" của Dương Tường. Được biết, chính Thiên Lương sau đó cũng dịch lại toàn bộ "Lolita" từ tiếng Anh nguyên bản, và bản dịch đó đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn và những người mê sách ở Việt Nam.

    Văn chương Nabokov nổi tiếng là khó dịch, ông vẫn được coi như một nhà văn của các nhà văn. Một nữ dịch giả từng có chút tên tuổi trong làng dịch Việt Nam đã phải thú nhận là hơn 4 lần mở Nabokov định dịch mà số trang bà làm được không bao giờ quá con số 10.

    Vốn từ vựng phong phú và cách viết phức tạp, cầu kỳ, với kỹ năng sử dụng màu sắc, âm thanh, hình ảnh, nhịp điệu tuyệt vời đã làm cho văn chương Nabokov đẹp siêu phàm nhưng cũng vô cùng khó đọc và luôn là thử thách cho mọi dịch giả.

    Truyện ngắn là lĩnh vực nơi các nhà văn thử thách kỹ thuật viết súc tích của mình, cho nên chính các truyện ngắn lại rất khó dịch, và chứa đầy cạm bẫy ngôn từ.

    Nabokov từng nói rằng Chekhov là một người chạy nước rút rất giỏi, nhưng không dai sức. Do Chekhov chỉ viết truyện ngắn mà thôi. “Mỹ nhân Nga” là một ví dụ về việc một người giỏi chạy đường trường như Nabokov sẽ chạy nước rút thế nào.

    Quả thật, rất khó so sánh truyện ngắn Nabokov với Chekhov, mặc dù cả hai ông đều là người Nga, và chất Nga trong các tác phẩm của hai ông đều đặc quánh, không thể không nhận ra. Mặc dù trong các truyện được viết sau năm 1940, khi đã qua Mỹ, thì Nabokov bắt đầu thay đổi dần phong cách của mình. Có lẽ nỗi cay đắng vì phải sống lưu vong, vì mất cha khi còn quá trẻ,… đã dần dần đi vào dĩ vãng, và nhà văn thoát được khỏi các ám ảnh đau thương để viết tiếp các kiệt tác mới, mà đỉnh cao là cuốn "Lolita."

    Tuy nhiên, đến truyện ngắn “Dấu hiệu và Biểu hiệu,” một trong các truyện ngắn hay nhất của không chỉ một mình Nabokov mà còn của toàn bộ nền văn chương Anh ngữ hiện đại, thì các ám ảnh về cuộc sống lưu vong lại quay về, mặc dù khi viết nó, nhà văn đã ở tuổi 50.

    Từ một ngày trong đời cặp vợ chồng già sống lưu vong, nương nhờ vào người thân, Nabokov đã vẽ lên cả một giai đoạn lịch sử đau thương và mất mát của loài người: thế chiến thế giới thứ hai và chủ nghĩa phát-xít. Và đằng sau còn là nhiều câu chuyện khác về cõi nhân sinh, về những ám ảnh kiếp người, về định mệnh... hết thảy được viết lên bởi một nhà văn đang trên đỉnh cao sự nghiệp của mình.


    Một thách thức không chỉ về dịch thuật


    Thực ra, văn chương đỉnh cao tuy được dịch và in khá nhiều tại Việt Nam nhưng trong thời gian gần đây, không chỉ "Lolita" mà còn rất nhiều tác phẩm khác bị đem ra kiểm tra lại và cho thấy hầu hết chúng có vấn đề về chất lượng dịch.

    Trong thời gian trước, các dịch giả rất thiếu tư liệu tra cứu, không có Internet, không có các từ điển mạnh, và thậm chí là chưa từng được sống ở nước ngoài, cho nên có thể nói các bản dịch có thể dễ đọc với độc giả bình dân, nhưng đều không thể hiện nổi chất văn và giá trị của bản gốc. Có thể nói là đó chỉ là các bản lược dịch hoặc phóng tác, hay nói như nhà văn Trung Trung Đỉnh, là được thực hiện theo phong cách… “đọc không thông mà dịch rất thạo."



    Trong điều kiện khó khăn thời đó thì làm như vậy là cả một cố gắng, chúng ta không nên và không thể phủ nhận công lao những dịch giả đi trước. Tuy nhiên, đến lúc nào đó thì chúng ta cần dịch lại các kiệt tác cũ, và cách dịch tốt nhất vẫn phải là tín và đạt, không thể dịch sai mà hay được, nói thế chỉ là một sự ngụy biện đê tiện mà thôi.

    Chưa có nhiều tác phẩm của Nabokov đến được với độc giả Việt Nam có lẽ cũng vì cách viết quá bác học của ông khiến cho việc dịch phóng tác hoàn toàn bất lực. Vẻ đẹp tác phẩm Nabokov không chỉ nằm trong cốt truyện mà cả kỹ thuật viết. Nếu dịch giả dịch sai thì cuốn sách coi như vứt đi, không còn ý nghĩa gì cả.

    Chính vì vậy, “Mỹ nhân Nga” là một cuốn sách thách thức không chỉ với dịch giả và nhà xuất bản, mà còn với cả độc giả. Liệu người đọc có thói quen đọc kỹ, đọc chậm, đọc đi đọc lại để thấy vẻ đẹp của văn chương đích thực, hay đã quen lối đọc báo, đọc facebook và các bản dịch dễ dãi, “đọc rất thông dù dịch không thạo” đang tràn ngập trên thị trường?

    Và liệu dịch giả Thiên Lương có vượt qua được chính mình để hoàn thành toàn bộ dự án lớn kéo dài nhiều năm này hay không? Với hơn một ngàn trang tiếng Anh, bộ sách này dày ngang với các cuốn sách lớn như Anna Karenhina, Ulysses... và cần rất nhiều thời gian của dịch giả và các biên tập viên. Đó cũng là một câu hỏi, vì rất nhiều dự án dịch thuật ở Việt Nam đã chấm dứt ngay sau tập đầu tiên.

    Dẫu sao thì chúng ta vẫn nên hy vọng vào một tương lai tốt hơn cho nền dịch thuật đang chịu nhiều tai tiếng. Và rất mong các dịch giả sẽ chung sức dịch các tác giả lớn chưa được giới thiệu nhiều ở Việt Nam, như Vladimir Nabokov, James Joyce, Marcel Proust.

    Nguồn: 

    http://www.vietnamplus.vn/my-nhan-nga-kiet-tac-cua-nabokov-den-voi-nguoi-yeu-van-viet-nam/405295.vnp

    10 August 2016

    Mỹ Nhân Nga


    Tổng tập truyện ngắn Vladimir Nabokov
    Quyển I
    Phát hành dự kiến: 15/8/2016

    20 March 2016

    Nghề Dịch Có Nhục Có Vinh

    Trả lời phỏng vấn báo Văn Nghệ Công An số 281 ra ngày 17/03/2016



    Chào dịch giả Thiên Lương, ba năm trước anh được biết đến vì sự kiện phê bình bản dịch Lolita và việc đạo chú thích của dịch giả Dương Tường và sau đó anh đã bỏ gần hai năm ra dịch lại toàn bộ tác phẩm vĩ đại này của Nabokov, không biết hiện nay anh còn tham gia vào công việc dịch nữa không?

    Tôi vẫn dịch các tác phẩm của Nabokov đấy chứ, đã dịch được vài chục truyện ngắn của ông ấy, và khá nhiều trong số chúng đã được đăng lên các tờ báo lớn của VN. Hầu hết các truyện ngắn tiếng Anh hay nhất của ông ấy, như “Dấu hiệu và Biểu hiệu”, “Chị em nhà Vane”,… đã được tôi dịch và cho đăng báo. Nabokov là một trong số ít các nhà văn bậc thầy của nhân loại, thật đáng tiếc là tác phẩm của ông hầu như chưa được dịch ra tiếng Việt.

    Nhận xét chung của anh về tình hình văn học dịch ở VN trong 3 năm qua?

    Sau đợt phê bình Lolita thì tôi cho là giới dịch giả bắt đầu phân hóa khá rõ rệt, thực ra sự đoàn kết giả tạo trước đây theo kiểu bảo vệ nồi cơm của nhau là rất có hại cho môi trường dịch thuật. Tuy nhiên, tôi cũng không ủng hộ việc những người viết lại tấn công lẫn nhau. Chúng ta nên tôn trọng sự thật và chỉ sự thật mà thôi, ai dịch sai quá nhiều thì vẫn nên bị lên án, không vì họ lớn tuổi hay họ là bạn bè mà ta phải cố sống cố chết bênh vực. Kiểu tư duy làng xã bao che lẫn nhau, ai ra sách thì cả đám kéo đến khen trả lễ như ăn cưới, chỉ kéo lùi mọi thứ, không riêng lĩnh vực dịch. Còn về chất lượng sách dịch thì nói chung cuốn nào mà được để ý đến thì chắc chắn là có vô số lỗi. Lâu lâu lại rộ lên các thảm họa dịch thuật mới chẳng qua cũng chỉ do chúng được (hay là bị) công ty làm sách bỏ tiền ra PR quá mạnh, nên chúng bị (hay được) mọi người chú ý đến mà thôi.

    Anh nghĩ rằng độc giả VN may mắn hay không khi các tác phẩm văn chương có giá trị của nước ngoài được chuyển ngữ rất nhiều trong thời gian qua dù rằng chất lượng các bản dịch lại là vấn đề...?

    Tôi nghĩ không may mắn mà cũng chẳng xui xẻo gì, nói tóm lại là không ảnh hưởng gì nhiều đến xã hội, vì văn chương bây giờ có được mấy ai đọc đâu? Dịch sai hay dịch đúng thì cũng vậy. Một bản dịch thảm họa chỉ gây hại khi nó bán được vài chục ngàn bản trở lên, chứ còn bán một vài ngàn bản, và đa phần trong đó cũng không được ai đọc, thì nói chúng tốt hay xấu đều sai cả. Nói chung các bản dịch văn chương ở VN, theo tôi, hầu hết là vô hại.

    Theo anh thì để các bản dịch sai xuất hiện tràn lan trên kệ sách mỗi nhà như vừa qua, lỗi tại ai? Dịch giả? Biên tập? Nhà sách? Hay chính là độc giả cũng dễ dãi quá?

    Thực ra tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng hiện nay có quá nhiều bản dịch sai, vì khi nói thế thì ta mặc nhiên cho rằng ngày xưa có nhiều bản dịch đúng. Tuy nhiên, các bản dịch thời xưa còn tệ hơn bây giờ nhiều. Cũng dễ hiểu thôi, làm sao ta có thể dịch đúng được với các từ điển giấy rất kém cỏi và bất tiện, thiếu hoàn toàn sự hỗ trợ của internet, của bạn bè nước ngoài, và thiếu cả trải nghiệm sống ở nước ngoài? Chẳng qua thời xưa rất ít người có khả năng đọc ngoại ngữ, lại càng ít người có được bản gốc trong tay, cho nên các dịch giả thời xưa muốn dịch sao cũng được, miễn xuôi tai. Nói như một nhà văn VN, là nhiều dịch giả “đọc không thông mà dịch rất thạo”. Tuy nhiên, xuôi tai và dễ đọc hoàn toàn không phải là các tiêu chí để đánh giá chất lượng bản dịch, đặc biệt là các kiệt tác. Tôi cho rằng tình hình dịch thuật hiện nay tuy có xấu nhưng cũng vẫn tốt hơn xưa. Nếu có xấu hơn thì là do độc giả giỏi hơn thôi. Ngày nay dịch giả chịu áp lực rất lớn, gần như họ phải làm việc trong một cái lồng kính trong suốt dưới ánh đèn cao áp vậy.

    Anh nghĩ để thay đổi được hiện trạng trên, cần có những động thái gì từ xuất bản, từ biên tập và từ chính độc giả?

    Dịch giả đóng vai trò quyết định và tối hậu trong chất lượng bản dịch. Chẳng ai biên tập được một bản dịch sai từ đầu đến cuối. Nhà sách thì thực ra phải lo lợi nhuận, nhập giấy vào, bán giấy ra. Đa số độc giả thì có chịu đọc và có đọc được bản gốc đâu mà biết bản dịch tốt hay tệ? Nói chung muốn có một nền dịch thuật tốt hơn thì phải có các dịch giả giỏi hơn, mà muốn có dịch giả giỏi hơn thì phải có tiền nhiều hơn. Người giỏi bao giờ cũng đổ vào các chỗ có thu nhập cao. VN không thiếu người giỏi, thừa sức dịch tốt cả Nabokov, Proust, Kant, Hegel hay James Joyce, nhưng vấn đề là hầu như chẳng ai giỏi mà lại đi làm khổ sai 2 năm để lấy 1000 đô la cả. Đó là vấn đề của làng dịch VN hiện nay!

    Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận lời chê. Các dịch giả nên có tâm thế như thế nào thì hợp lẽ khi tiếp nhận các luồng ý kiến khác nhau từ độc giả của mình và từ chính các đồng nghiệp.

    Tôi nghĩ dịch cũng là một nghề như bao nghề khác, có nhục có vinh, tất nhiên cũng có những tác phẩm rất khó dịch, có những tác giả cực kỳ khó dịch, và cần sự tôn trọng nhất định với dịch giả nào dịch thành công những kiệt tác ấy, những văn hào vĩ đại ấy, nhưng tuyệt đại đa số bản dịch khác chỉ là các sản phẩm hết sức bình thường thôi. Tôi nghĩ các dịch giả nên có tâm thế chấp nhận phê bình, dẫu sao chăng nữa, nếu ai phê bình được cuốn sách nào đó thì chí ít họ cũng đã đọc nó ít nhiều, vậy là quý lắm rồi. Chứ còn vô số người viết ngoài kia chỉ mong được đọc, và thậm chí phải bỏ cả tiền ra tự in sách đem tặng, mà không ai thèm đọc thì sao?

    Dịch giả VN hay phản ứng thái quá với sự phê bình, chẳng qua do họ hơi ảo tưởng về mình. Nhưng, vài tỷ người mới có một Nabokov, một Tolstoi, hay một James Joyce, chứ đọc và dịch sách họ thì thiếu gì người làm được? Đương nhiên dịch được và dịch đạt, dịch hay, dịch nhã là những khái niệm khác nhau một trời một vực, nhưng đó lại là câu chuyện khác! Và tôi nghĩ trong tình hình văn hóa bè cánh làng xã hiện nay thì ở VN chúng ta chỉ có “dịch quen” và “dịch lạ” mà thôi.

    1 February 2016

    Cơn Giông

    Vladimir Nabokov
    Thiên Lương dịch

    Tác phẩm đã đăng trong Tạp Chí Sông Hương số Tết Bính Thân



    Nơi góc phố, dưới vòm hoa đoan, một mùi hương ngào ngạt quấn lấy tôi. Những tảng sương mù đồ sộ dâng lên trên trời đêm, và khi khoảnh sao cuối cùng bị nuốt chửng, thì ngọn gió mù loà, che mặt bằng tay áo, lùa thấp theo phố vắng. Trong bóng tối nhập nhoạng, trên cánh cửa sắt của tiệm cắt tóc, một chiếc khiên treo – chiếc thau vàng – chao như quả lắc.

    Về đến nhà, tôi bắt gặp ngọn gió đã đợi trong phòng: nó sập mạnh khung cửa sổ – và vội vã thốc ngược lại khi tôi khép cánh cửa sau lưng mình. Dưới cửa sổ phòng tôi có cái sân trong sâu hun hút, nơi đó, ban ngày, những chiếc sơ mi, bị đóng đinh trên các dây phơi rực nắng, toả sáng xuyên qua các bụi tử đinh hương, và từ dưới ấy thỉnh thoảng lại vọng lên những tiếng sủa sầu muộn – giọng mấy người thu mua đồng nát ve chai; –  ứ-ứ, cây vỹ cầm tàn tật nức nở; và, có lần, một phụ nữ tóc vàng béo ú tới, đứng ngay giữa sân, hát hay đến nỗi các cô hầu, cúi cần cổ trần, nhoài cả người ra ngoài mọi cửa sổ, sau đó, khi chị ta ngưng hát, mọi thứ trở nên yên lặng khác thường; chỉ nghe tiếng bà chủ nhà tôi, một mụ goá lôi thôi, đang thổn thức hỉ mũi trong hành lang.

    Giờ thì dưới ấy, màn sương u ám ngột ngạt đang trương lên, –  nhưng kìa, ngọn gió mù loà, vừa bơ vơ luồn xuống đáy sâu, lại bắt đầu rướn lên trời, – và đột nhiên – nó sáng mắt ra, lao vút lên và, trong những hố sâu màu hổ phách bên bức tường đen ngòm đối diện, những bóng tay và bóng tóc tất tả tới lui, bắt lại các khung cửa bay, sầm sập đóng chặt cửa sổ. Các cửa sổ vụt tắt. Và lập tức, trong màn đêm tím thẫm, một tràng âm thanh trầm đục, tiếng sấm xa, bắt đầu vỡ ra, lan rộng. Rồi mọi thứ lại lặng đi, như lúc chị hành khất ngừng hát, siết chặt tay lên bộ ngực đầy.

    Tôi thiếp đi trong sự yên ả ấy, lử lả vì vui, một niềm vui mà tôi chẳng thể viết thành lời, – và giấc mơ tôi chan chứa bóng hình em.

    Tôi bừng tỉnh vì đêm vỡ vụn. Ánh lấp lánh nhợt nhạt, cuồng dại bay ngang bầu trời, tựa chớp hồi quang của chiếc nan hoa vĩ đại. Hết tiếng sét này đến tiếng sét khác xé toạc bầu trời. Mưa rơi rào rạt nơi nơi.

    Tôi say những rung động xanh nhờ ấy, cái lạnh nhẹ buốt ấy. Tôi bước lên bậu cửa sổ ướt đẫm, hít không khí siêu phàm, nó làm tim tôi ngân lên, như kính.

    Càng lúc càng gần hơn, càng lúc càng kỳ vĩ hơn, cỗ mã xa của nhà tiên tri rền vang theo những áng mây. Ánh sáng của sự điên rồ, của những ảo cảnh nhức mắt, rọi tỏ cõi đêm, những mái dốc kim loại, những bụi tử đinh hương cuống cuồng chạy trốn. Thần sấm, một ông khổng lồ tóc bạc, với bộ râu bão táp bị gió vắt ngược qua vai, mặc bộ lễ phục phấp phới chói ngời, đứng, ngả người về phía sau, trong cỗ mã xa ngùn ngụt cháy của mình, gồng tay ghìm lũ chiến mã khổng lồ, lông đen huyền, bờm rực lửa tím. Chúng lao vùn vụt, chúng phì bọt lóng lánh đì đùng, cỗ mã xa nghiêng ngả, và nhà tiên tri bối rối ghì dây cương mà chẳng ăn thua. Gương mặt ông bị méo đi bởi gió và sự căng thẳng; cơn lốc, thổi tung các nếp lễ phục, lột trần đầu gối vạm vỡ, lũ chiến mã, tung bờm rực lửa, bay mỗi lúc mỗi hăng – thấp dần, thấp dần theo những áng mây. Và đây, với những tiếng sấm ầm ì, chúng tung vó qua một nóc nhà sáng bóng, cỗ mã xa liệng đi, Elijah loạng choạng, và lũ chiến mã, điên lên bởi đụng phải chất kim loại phàm trần, nhào ngược lên trời. Nhà tiên tri bị quăng ra ngoài. Một bánh xe văng đi. Từ cửa sổ nhà mình, tôi thấy cái vành khổng lồ rực lửa của nó lăn theo mái nhà, chệnh choạng tại bờ mái, và nhảy vào bóng tối lờ mờ. Còn lũ chiến mã, kéo lê theo chúng cỗ mã xa bị lật nhào, nảy tưng tưng, đã bay nhanh theo những áng mây cao ngất; tiếng rầm rầm tắt dần, và ngọn lửa giông lụi tàn trong những vực thẳm tím than.

    Thần sấm, vừa rơi lên mái, nặng nề đứng dậy, đôi xăng đan của ông trượt đi; ông đạp chân vỡ cửa tò vò mái nhà, càu nhàu, khoát tay túm lấy ống khói. Chầm chậm quay gương mặt tối sầm lại, ông đưa mắt tìm kiếm thứ gì đó – hẳn là chiếc bánh xe vừa bung khỏi cái trục vàng. Sau đó ông ngước lên, các ngón tay túm chặt bộ râu rối, cáu kỉnh lắc đầu – chắc đây không phải lần đầu chuyện ấy xảy ra – và, hơi tập tễnh, bắt đầu thận trọng leo xuống dưới.

    Rời cửa sổ, hấp tấp và hồi hộp, tôi khoác áo choàng và chạy xuống chiếc thang dốc dẫn thẳng đến sân trong. Cơn giông đã qua, nhưng trời còn lất phất mưa. Phương đông ửng màu xanh tái tuyệt đẹp.

    Cái sân trong, nhìn từ trên cao thì như thể chìm trong bóng tối đặc quánh, thực ra ngập màn sương mỏng đang tan. Giữa sân, trên bãi cỏ thẫm màu vì ẩm ướt, một ông già gày guộc, lưng còng vai xo, mặc chiếc áo thụng đẫm nước mưa, đứng lẩm bẩm nói gì đó và nhìn quanh. Trông thấy tôi, ông giận dữ nháy mắt:

    –  Là ngươi hả, Elisha?

    Tôi cúi đầu. Nhà tiên tri chặc lưỡi, xoa xoa lòng bàn tay lên chỗ hói nâu nâu.

    – Rớt đâu cái bánh. Tìm cho ta đi.

    Mưa đã tạnh. Trên nóc nhà, những đám mây đồ sộ bừng bừng cháy. Xung quanh, trong không trung xanh mờ ngái ngủ, các bụi cây, hàng rào, cái cũi chó lấp lánh lững lờ trôi. Chúng tôi mò mẫm tìm rất lâu khắp các xó xỉnh.  Ông già luôn miệng càu nhàu, nâng gấu áo nặng trĩu, lội đôi xăng đan mòn vẹt lõm bõm qua các vũng nước mưa, và trên đầu cái mũi to, xương xẩu của ông treo một giọt nước lấp lánh. Gạt nhánh tử đinh hương thấp lè tè, tôi chợt để ý thấy, trên đống rác, giữa kính vỡ, một bánh sắt mỏng, chắc là từ cái xe nôi trẻ con nào đó, ông già thở phào nồng ấm ngay trên tai tôi và hấp tấp, thậm chí hơi thô bạo đẩy tôi qua bên, chộp cái vành han gỉ ấy nhấc lên. Ông nháy mắt vui vẻ bảo tôi:

    –  Thì ra là lăn vào đây…

    Rồi ông chằm chằm nhìn tôi, nhíu cặp mày bạc, – và như thể chợt nhớ ra điều gì đó, oai nghiêm nói:

    –  Quay mặt đi nào, Elisha.

    Tôi vâng lời. Thậm chí còn nheo mắt lại. Đứng như vậy được chừng một phút, – và không giữ được lâu hơn.

    Sân vắng tanh. Chỉ có con chó già lông xù với cái mõm bạc màu thò đầu ra khỏi cũi và, giống như người, ngước đôi mắt nâu sẫm đầy vẻ sợ hãi nhìn lên. Tôi ngẩng đầu. Elijah đã leo lên mái nhà, chiếc vành sắt sáng lờ mờ sau lưng ông. Trên những ống khói đen, một ráng mây sừng sững hiện lên như rặng núi loăn xoăn vàng cam, và sau nó là ráng thứ hai, thứ ba. Tôi và con chó im bặt ấy đăm đắm dõi theo nhà tiên tri, vừa leo đến đỉnh nóc nhà, bình tĩnh và thong thả đặt chân lên mây và tiếp tục trèo lên trên, nặng nề bước theo ngọn lửa dịu êm.

    Nắng rọi vào bánh xe của ông, nó lập tức biến thành chiếc vòng vàng khổng lồ, – và chính Elijah dường như lúc này cũng mặc bộ lễ phục lửa, hoà mình với những ráng mây thiên đường ấy, bước mỗi lúc mỗi cao hơn, cao hơn nữa, cho đến khi biến vào lũng trời rực cháy.

    Chỉ đến lúc đó thì con chó già mới cất tiếng sủa khàn khàn ban mai, – và những gợn sóng lăn tăn trên bề mặt sáng chói của vũng nước mưa; làn gió hiu hiu lay động các cây phong lữ đỏ thắm trên ban công, đôi ba cửa sổ tỉnh giấc nồng, – và tôi chạy ra ngoài phố, chân đi đôi dép ngủ kẻ ô ướt sũng, người mặc chiếc áo choàng phai màu, bắt kịp chiếc tàu điện ngái ngủ đầu tiên, vừa chạy vừa khép vạt áo, và vừa cười hoài, vừa hình dung, chỉ lát nữa thôi là sẽ tới nhà em và kể em nghe về vụ tai nạn trời đêm ấy, về nhà tiên tri già cáu kỉnh ấy, vừa rơi xuống khoảng sân nhỏ của tôi.