28 July 2012

Chiếc đầu máy xe lửa trong đêm


Lolita - Mô phỏng bức tranh in khắc trong chương 8

Trong chương 8 của Lolita, có đoạn văn sau:

"Bên hàng xóm, người bán đồ mỹ nghệ bày trong cái tủ lộn xộn một estampe (tranh in khắc) cổ xưa của Mỹ, tuyệt đẹp, rực rỡ sắc màu, xanh lá cây, đỏ, vàng và xanh đen - chiếc đầu máy xe lửa với ống khói vĩ đại, những cái đèn lớn kiểu baroque và cản trước khổng lồ, mạnh mẽ lôi các toa tàu màu tím thẫm của mình xuyên thủng màn đêm trên thảo nguyên bão tố và hòa trộn vô số làn khói đen tóe lửa với những đám mây dông xù xì."

Bức tranh trên có thể phần nào minh họa cho hình ảnh trong estampe mà Nabokov đã mô tả.



25 July 2012

Tiểu sử Nabokov


Vladimir Nabokov trên bìa tạp chí Time
Ngôi nhà tuổi thơ Nabokov

Vladimir Vladimirovich Nabokov (Sinh ngày 23 tháng 4 năm 1899, mất ngày 2 tháng 7 năm 1977) là một nhà văn, nhà thơ Nga, sáng tác bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Nabokov là tác giả của một số tiểu thuyết nổi tiếng thế giới, trong đó đặc biệt có cuốn Lolita gây rất nhiều tranh cãi, nhiều lần bị cấm xuất bản tại nhiều quốc gia khác nhau. Lolita được xếp hạng 4 trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của nhà xuất bản Modern Library. Tiểu thuyết Pale Fire của ông được xếp hạng thứ 53 trong danh sách này. Ngoài văn xuôi và thơ, ông còn là dịch giả, dịch thành công nhiều tác phẩm kinh điển từ tiếng Nga sang tiếng Anh và ngược lại.



Vladimir Nabokov sinh ở Sankt-Peterburg trong một gia đình quí tộc giàu có và lâu đời. Ông nội từng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong chính phủ Nga hoàng Aleksandr II và Aleksandr III. Bố là một nhà chính trị nổi tiếng, sau cách mạng tháng Hai làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong chính phủ lâm thời Nga. Mẹ cũng là con gái của một nhà có dòng dõi quí tộc. Mặc dù vậy, Vladimir Nabokov là người hờ hững với chính trị. Tuổi nhỏ Nabokov thích sưu tập tem và nghiên cứu cuộc sống các loài bướm. Từ năm 1911 – 1916 học ở trường trung học Tenishevsky, nơi trước đấy Osip Mandelstam từng học. Năm 1916 in tập thơ đầu tiên Стихи (Thơ). Sau Cách mạng tháng Mười, Nabokov chuyển xuống vùng Krym, nơi bố của ông làm Bộ trưởng Tư pháp của cộng hoà Krym. Sau khi Hồng quân chiếm Krym, cả gia đình đi ra nước ngoài (tháng 4 năm 1919). Những năm 1919 – 1922 Nabokov học văn học Nga và văn học Pháp ở Đại học Cambridge; sau khi tốt nghiệp ông trở về Berlin cùng với gia đình. Năm 1927 ông cưới vợ và viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên: Машенька. Thời gian từ năm 1927 đến năm 1937 ông viết 8 tiểu thuyết bằng tiếng Nga.

Cuối thập niên 1930 Đức quốc xã nắm chính quyền ở Đức, gia đình Nabokov chuyển sang Paris; khi Thế chiến thứ hai xảy ra, cả gia đình sang Mỹ. Vì không còn cộng đồng người Nga ở châu Âu nên không còn bạn đọc bằng tiếng Nga, kể từ đây Nabokov chuyển sang sáng tác bằng tiếng Anh.

Ông viết cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh đầu tiên The Real Life of Sebastian Knight (Cuộc đời thực của Sebastian Knight, 1941), tiếp đến là nhiều tiểu thuyết bằng tiếng Anh khác, mà nổi tiếng nhất là Lolita, in ở Pháp năm 1955, ở Mỹ năm 1958, ở Anh năm 1959. Năm 1960 Nabokov trở về sống ở Montreux, Thuỵ Sĩ và tiếp tục viết một số tiểu thuyết, đáng kể nhất có Pаle Fire (Lửa nhạt, 1962), Ada, or Ardor (Ada hay Ardor, 1969). Ngoài sáng tác, Nabokov còn là một dịch giả thiên tài, ông là tác giả của các bản dịch Слово о походе Игоревом (Câu chuyện về cuộc hành binh Igor), Евгений Онегин (Evgeny Onegin), thơ trữ tình của Pushkin, Lermontov, Tyutchev sang tiếng Anh; Alice's Adventures in Wonderland từ tiếng Anh sang tiếng Nga, và Lolita cũng được ông tự tay dịch qua ngôn ngữ mẹ đẻ. Vladimir Nabokov nói về mình: “Tôi là nhà văn Mỹ, sinh ở nước Nga, học văn học Pháp ở Anh trước khi chuyển về Đức ở 15 năm. Đầu tôi nói chuyện bằng tiếng Anh, tim tôi - bằng tiếng Nga, tai tôi - bằng tiếng Pháp”.

Vladimir Nabokov mất tại Montreux, Thuỵ Sĩ để lại cuốn tiểu thuyết The Original of Laura (Nguyên mẫu của Laura) đang viết dở.

Sưu tầm

24 July 2012

Lolita, chương 5: "Mist and Mast"



Lolita tràn ngập bẫy chữ nghĩa, những câu văn, những từ đa nghĩa. Chính chúng đã tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm. Nhưng chúng cũng là những thử thách mà dịch giả phải vượt qua. Nếu dịch Lolita mà bỏ qua các chỗ chơi chữ này, thì thực ra ai cũng có thể dịch được, bỏ chúng đi thì Lolita cũng chẳng hơn gì một chuyện trinh thám kèm chút chi tiết khiêu dâm nhẹ nhàng, thậm chí hơi lá cải. Ví dụ một cái bẫy nhỏ ở chương 5:

My world was split. I was aware of not one but two sexes, neither of which was mine; both would be termed female by the anatomist. But to me, through the prism of my senses, "they were as different as mist and mast."



Lolita Bản dịch tiếng Việt
Lolita, chương 5: Mist and Mast

Dịch theo nghĩa đen thì "mist and mast" là "sương mù và cột buồm". Trong Lolita, hai từ này đi kèm với từ prism (lăng kính) có ý nghĩa rất hay. Nó gợi hình ảnh về sự không rõ ràng giữa hai giới tính trong Humbert, nhìn qua lăng kính, khi thì thấy cột buồm, khi thấy sương mù,... Nhìn thấy cái gì (sương mù, hay cột buồm) còn do lăng kính đặt thế nào. Humbert dường như muốn thách thức: "anh nhìn tôi ở góc độ này, thì tôi là thế này đấy; còn anh nhìn tôi từ góc độ kia, thì tôi lại là một con người khác". Ngoài ra, Nabokov chơi chữ rất tinh tế khi dùng hai danh từ chỉ khác nhau duy nhất có một nguyên âm thôi (mist, mast). Một dịch giả VN đã chuyển ngữ nó thành "gai và gái", dịch như thế hơi thô, và chỉ chyển tải được cái ý thứ hai (hai từ phát âm gần giống nhau, viết chỉ sai có một chữ), và làm mất đi ý quan trọng nhất. Phương án hay hơn là:

Tôi nhận thức thấy không chỉ một, mà là hai giới tính, chẳng cái nào là của tôi, bác sỹ giải phẫu sẽ đặt tên cả hai là nữ giới. Nhưng với tôi, qua lăng kính tri giác, "chúng khác nhau như cây và mây."

Dịch Lolita mất nhiều thời gian và tốn không ít chất xám nếu người dịch thực sự yêu văn chương và tôn thờ tiếng mẹ đẻ; nhưng đó cũng là một cuộc chơi thú vị cho người dịch tác phẩm này.

19 July 2012

Món "Pot au Feu" trong Lolita

Ngay đầu chương 8 cuốn Lolita có nhắc đến món "Pot au Feu" trong một câu văn khá "bí hiểm" như sau: "Although I told myself I was looking merely for a soothing presence, a glorified pot-au-feu, an animated merkin, what really attracted me to Valeria was the imitation she gave of a little girl." Vậy món ăn này được chế biến thế nào, nhìn ra sao, và có ý nghĩa gì trong ẩm thực Pháp? 





Món "Pot au Feu" là một món súp truyền thống của Pháp, giàu năng lượng và thơm ngon không khác gì món Phở của Việt Nam. Do văn hóa Việt chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Pháp, nên nhiều chuyên gia ẩm thực thậm chí còn suy luận và đặt dấu hỏi: Không biết món Phở có phải bắt nguồn từ món "Pot au Feu" (đọc theo âm việt là : pô tô phơ) của "Tây" hay không? Cha ông chúng ta đã Việt hóa cách đọc "pơ tô phơ" thành một từ ngắn gọn và rất Việt là "phở"? Ngoài nguyên liệu chính là thịt bò, phải chăng người Việt đã thay thế các loại rau củ trong món "Pot au Feu" bằng các loại rau củ địa phương như đinh hương, quế, hồi, thảo quả, gừng,... cho phù hợp với khẩu vị dân mình, và tiện lợi hơn cho việc chế biến món ăn này tại Việt Nam?

Xin giới thiệu đến các bạn một cách chế biến món "Phở Tây" này như sau:





Chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn cho 4,5 người: 

- 2 kg thịt bò (gồm chủ yếu ba loại : sườn, bắp bò và đuôi bò)
- 6 cà rốt
- 5 củ hành tây
- 5 khoai tây
- 1/2 cái bắp cải xanh (nếu thích)
- 4 củ cải tròn màu trắng tím
- 1 cây tỏi tây lớn
- Đinh hương, lá nguyệt quế, húng tây, cần tây

Nấu nước dùng:

- 2 củ hành tây và 4 múi tỏi 4 cây đinh hương, húng tây, lá nguyệt quế, 1 cây cần tây, 1 bó rau mùi tây
- 15 hạt tiêu sọ và muối hột

Lưu ý:

Thời gian chuẩn bị: 20 phút
Thời gian nấu: 180 phút

Cách làm :

- Gọt vỏ hành tây, cắm chặt mấy cây đinh hương vào củ hành. Chuẩn bị hai bó: húng tây+ lá nguyệt quế, cần tây + mùi (ngò) tây.

- Rửa sạch thịt bò và cho tất cả vào nồi lớn, với 3,5l - 4l  nước lạnh. Phải cần đến 3 giờ để nấu mềm thịt.

- Đun cho sôi rồi thêm một nắm muối hột và hạt tiêu. Thường xuyên vớt bọt trên mặt nồi.

- Chừng 50 phút trước khi nấu xong, thêm dần các loại củ vào nồi. Trước đó, nên vớt thịt ra một cái thố và dùng vợt để lọc lại nước dùng (loại bỏ cặn thịt trong nồi để nước được trong đẹp). Sau đó lại cho thịt nồi nước dùng rồi mới cho rau củ vào.

- Cho cà rốt và củ cải vào đầu tiên (50 phút trước khi nấu xong) và bắp cải (40 phút), và cuối cùng là tỏi tây, cần tây (20 phút). Khoai tây nên nấu riêng.

Trình bày :

- Cho rau và thịt đã thái lát vừa phải vào trong một đĩa súp lớn, đáy hơi trũng. Có thể ăn kèm với dưa chuột con muối (cornichon) và một ít muối hột nếu thích.



18 July 2012

Jean Paul Marat: Một cái chết, hai cách nhìn nhận khác nhau


Jean Paul Marat đã đi vào giáo trình lịch sử cấp hai và mỗi khi giảng về Cuộc cách mạng Pháp, các giáo viên đều mô tả ông là một nhà cách mạng vĩ đại, một người hùng đã bị kẻ địch ám sát. Thế nhưng, cũng có người lại cho rằng Marat là một đao phủ khát máu.



Jean Paul Marat (1743-1793) sinh ra tại Boudry, Neuchatel, Thụy Sỹ. Năm 1776, ông chuyển đến sống ở Paris và trở thành bác sỹ riêng của em trai vua Louis XIV, người sau này là vua Charles X.

Với khoản thu nhập hậu hĩnh của một bác sỹ hoàng gia, Marat đã xây dựng một trung tâm thí nghiệm tại nhà người tình, với tham vọng trở thành một nhà khoa học nổi tiếng. Ông liên tiếp công bố các công trình nghiên cứu về lửa, nhiệt, điện và quang học và có ảnh hưởng rộng rãi trong giới khoa học Paris. Nhưng ông lại không nhận được sự ủng hộ của các viện khoa học, nhất là khi bác bỏ lý thuyết Newton chỉ bằng những luận điểm thiếu sức thuyết phục. Cuốn sách “Plan De Législation Criminelle” xuất bản năm 1780 của ông bị cấm lưu hành. Theo “Encyclopedia Britannica”, chính điều này khiến ông căm ghét chế độ hiện hành và chính sự áp bức của các thế lực thù địch  đã thôi thúc ông gia nhập hàng ngũ những người phản đối chế độ xã hội và khoa học thời đó.

Khi Cách mạng Pháp bùng nổ, Marat đã nhanh chóng  trở thành một nhà chính trị. Đầu tiên, ông xuất bản cuốn “Offrande À La Patrie” (Dâng tặng tổ quốc), chỉ trích việc nhà vua chỉ chăm lo cho tài sản cá nhân, thờ ơ trước sự sống chết của dân chúng, đồng thời công kích những người cho rằng nước Pháp nên học tập và áp dụng chế độ chính trị của Anh quốc.

Charlotte Corday by Paul Jacques Aimé Baudry, painted 1860.

Tháng 9 năm 1789, Marat xuất bản “Moniteur Patriote  ” (Báo yêu nước). Bốn ngày sau, tờ báo đổi tên thành “Publicist Parisien”  và sau cùng giữ lại tên gọi “L’Amidupeuple” (Báo người bạn của nhân dân). Trên lập trường “người bạn của nhân dân”, ông cho rằng đã là đấu tranh cách mạng thì phải xác định kẻ thù, tất cả những kẻ nắm trong tay quyền lực đều là “kẻ thù của nhân dân”. Tiến hành cách mạng, tức là tiêu diệt những kẻ đó.

Sau khi giành được một ghế trong nghị viện sau cuộc tuyển cử tháng 9 năm 1972, Marat tổ chức các buổi diễn thuyết ở khắp mọi nơi, nhằm thu hút cảm tình và sự ủng hộ của tầng lớp thường dân trong thành phố. Thậm chí ông cho rằng cần phải dùng vũ lực để hoàn thành mục tiêu cách mạng. Ông chủ trương “ra tay trước” đối với tầng lớp quý tộc, bởi vì họ đang mưu đồ phá hoại cuộc cách mạng. Tháng 6 năm 1790, ông đã viết trong một bài báo: “Chặt đầu 5, 6 trăm người để đảm bảo sự yên bình, tự do và hạnh phúc. Lòng nhân đạo mù quáng trói buộc bạn, đè bẹp ý chí chiến đấu của bạn. Và có thể khiến cho hàng ngàn vạn anh em đồng chí của bạn thiệt mạng.” Nhà sử học nổi tiếng Francois Mignet đã đánh giá về Marat trong cuốn “Lịch sử cách mạng Pháp” như sau: “Đó là những phát ngôn và hành động độc đoán và tàn nhẫn, bất chấp sinh mạng con người”.

Vài ngày trước khi qua đời, Marat nổi mụn ngứa ngáy khắp người và phải ngâm mình trong nước đã pha dược liệu. Vừa ngâm mình, ông ta vừa vươn người lên chiếc bàn đặt cạnh bồn tắm để ghi chép danh sách các phần tử phản cách mạng. Sau đó là thấm vấn qua quít, nhanh chóng phán quyết... khiến cho những "phần tử phản cách mạng" này bị đưa lên đoạn đầu đài mà không trải qua bất cứ phiên tòa nào.

Người sát hại Marat là Charlotte Corday (1768-1793). Cô  sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Saint- Saturnin – des-Ligneries, Pháp. Từ lâu, Corday đã có ác cảm với phái Jacobin và ủng hộ phái Girondin chủ trương ôn hòa. Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phái Girondin, nhất là Charles Jean Marie Barbaroux, Corday tình nguyện làm việc cho phái Girondin.

Corday không thuộc phe bảo hoàng, nhưng cô căm ghét Marat vì vụ "Thảm sát tháng 9 năm 1792", khi hầu hết những người phạm tội đều không được xét xử đã bị đem ra hành quyết. Corday cho rằng, Marat phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cô cũng cho rằng việc Marat đòi xử quyết vua Louis XVI là không cần thiết và tin rằng, kẻ thù của truyền thống đạo đức tốt đẹp của Cộng hòa Pháp chính là Marat và cần phải xử tội ông ta.

Ngày 9 tháng 7 năm 1793, cô gái Charlotte Corday, 25 tuổi, đến Paris, thuê phòng tại khách sạn Hotel Providence. Cô giấu trong mình một con dao găm dài 6 inch và viết sẵn một lá thư “Gửi những người bạn của luật pháp và hòa bình” (Adresse aux Francais amis des lois et de la paix), giải thích động cơ giết Marat. Đầu tiên, cô đến tòa nhà quốc hội tìm Marat, nhưng ông ta không còn ở đó. Sáng ngày 13 tháng 7, cô đến nhà Marat, nói rằng muốn thông báo về kế hoạch nổi loạn tại Caen của phái Girondin, rồi trở về.

Chiều hôm đó cô quay lại. Marat cho phép cô vào gặp. Khi ấy ông ta đang nằm trong bồn tắm. Corday đọc cho Marat nghe tên những nhân vật thuộc phái Girondin sẽ tham gia bạo động. Khi Marat đang chăm chú ghi chép những cái tên để đưa lên đoạn đầu đài, Corday rút con dao găm giấu dưới khăn quàng và đâm vào ngực Marat.

Charlotte Corday không bỏ trốn và bị bắt ngay sau đó.

Và cũng giống như khi Robespierre lớn tiếng đòi xử tử Louis XVI, Corday dõng dạc tuyên bố: “Tôi giết chết 1 người để cứu sống hàng trăm ngàn người. Tôi giết một kẻ tàn ác để cứu những người vô tội". Charlotte Corday bị đưa lên đoạn đầu đài vào ngày 17 tháng 7 năm 1793.

Cái chết của Marat là một sự kiện trọng đại của cuộc cách mạng Pháp. Nó không chỉ được đưa vào các sách lịch sử, mà còn trở thành nguồn tư liệu sáng tác có sức lôi cuốn đặc biệt đối với các nghệ sỹ. Bức tranh nổi tiếng “Cái chết của Marat” của danh họa người Đức Stephane Pannemaker (1847-1930) đã được đưa vào làm hình minh họa cho cuốn “Lịch sử nước Pháp” của Emilede Bonnechose (1801 - 1875). Năm 1907, họa sỹ tranh sơn dầu nổi tiếng người Na Uy, Edvard Munch (1863-1944) cho ra đời bức “Cái chết của Marat”. Thậm chí danh họa Picasso cũng đã vẽ 1 bức cùng chủ đề để làm bìa tác phẩm “De derrière les faggots” của nhà thơ theo chủ nghĩa siêu thực Benjamin Péret (1899-1959). Tuy nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là hai bức tranh về cái chết của Marat của David và Baudry.

David là thành viên tích cực của trường phái Jacobin và là bạn của Robespierre, lãnh tụ trường phái này. Năm 1792, quốc hội mới được thành lập, David có trong danh sách những đại biểu mới, ông đứng chung trên lập trường cứng rắn cùng với Robespierre và Marat, và ông tán đồng quyết định xử tử Louis XVI.  Vài tiếng sau khi Marat bị ám sát, David lập tức đến hiện trường lo liệu hậu sự cho người bạn.


The Death of Marat  Jacques-Louis David, 1793


Vì Marat chết trong bồn tắm khi đang viết lách, David muốn thi thể ông vẫn giữ nguyên tư thế trong suốt quá trình an táng. Nhưng mong muốn của ông không thể thực hiện, vì thi thể của Marat đã bắt đầu thối rữa.  Sau đó, David vẽ bức tranh sơn dầu với tên gọi “Cái chết của Marat”. Hình tượng Marat đã được lý tưởng hóa:  bị mưu sát trong bồn tắm, hung khí rơi dưới đất, máu tươi tuôn ra từ lồng ngực ông, trên khuôn mặt lộ rõ vẻ phẫn nộ và đau đớn, tay trái vẫn nắm chặt bảng danh sách “những phần tử phản cách mạng”. Mục đích của David là muốn dùng những nét vẽ điêu luyện của mình thôi thúc lòng tôn kính và sùng bái của quần chúng đối với nhà cách mạng. Thậm chí có nhà nguyên cứu còn đánh giá bức họa đã được vẽ theo phong cách thần thánh hóa.

Cùng đề tài này, nhưng với quan điểm khác biệt, Paul Jacques Aimé Baudry đã sáng tạo nên bức tranh “Charlotte Corday after the murder of Marat” vào năm 1861.

Paul Jacques Aimé Baudry (1828-1886) theo trường phái cổ điển và từng đoạt giải thưởng Roma năm 1850. Sau khi đến Italy, ông bị thu hút bởi phong cách hội họa Italy của danh họa thời kỳ phục hưng Correggio (1494-1534), và đã sáng tạo nên các tác phẩm “The Martyrdomofa Vestal Virgin”, “St John the Baptist” và bức “Leda”. Có thể nhận thấy, trong giai đoạn đầu, sáng tác của Baudry chủ yếu nghiêng về đề tài cổ đại và thần thoại, hoặc siêu thực (như bức “The Pearland the wave”,1862). Bức “Charlotte Corday after the murder of Marat” vẽ năm 1861 là tác phẩm duy nhất của ông về đề tài lịch sử. Điều đó cho thấy, sự kiện lịch sử này đã tác động mạnh mẽ đến ông như thế nào.

Baudry đã vẽ bức tranh với nỗi căm giận Marat và lòng sùng kính đối với Corday. Ông vẫn tái hiện đầy đủ vụ mưu sát, nhưng khác với David, ông đã để Corday xuất hiện trong bức tranh, bởi vì sự thực là cô không hề có ý định bỏ chạy. Trong bức tranh của Baudry, Corday đứng bên cạnh người bị hại, hiên ngang chính trực như một vị anh hùng.

Sưu tầm



16 July 2012

Chương 7

Tôi không biết liệu quyển album của mụ tú bà có buộc thêm nút nào vào chuỗi hoa đào hay không; song ít lâu sau, vì sự an toàn của chính mình, tôi quyết định lập gia đình. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng giờ giấc quy củ, các bữa cơm nhà, mọi thỏa thuận ngầm thuộc hôn nhân, thủ tục phòng bệnh của những hoạt động trong buồng ngủ và, ai mà biết được, sự đơm hoa kết trái một vài tiêu chuẩn luân lý nào đấy, một vài thế phẩm tâm linh nào đấy, có thể giúp cho tôi, nếu như không gột rửa nổi chính mình khỏi các dục vọng đê hèn và nguy hại, thì ít nhất cũng giữ được chúng dưới sự kiểm soát hòa bình. Chút tiền được thừa kế sau khi cha tôi mất (cũng chẳng nhiều nhặn gì — Mirana đã bị bán trước đó khá lâu), thêm vào vẻ ngoài đẹp trai tuy hơi hung bạo nhưng vẫn nổi bật, cho phép tôi dấn thân vào cuộc săn một cách bình thản. Sau khi suy đi tính lại mãi, lựa chọn của tôi rơi vào con gái một bác sỹ Ba Lan: người đàn ông tốt bụng ấy đang chữa trị cho tôi khỏi những cơn choáng và chứng mạch nhanh. Chúng tôi đấu cờ: con gái ông bác sỹ ngắm nhìn tôi từ sau giá vẽ của ả, nhét đôi mắt hay đốt ngón tay tạm mượn từ tôi vào đống rác hội họa lập thể mà các cô nương gia giáo ngày ấy vẫn vẽ vời thay cho hoa tử đinh hương và cừu. Cho phép tôi thong thả nhấn mạnh lại rằng: tôi đã từng, và vẫn còn, bất chấp mes malheurs, là một người đàn ông đẹp khác thường; bước đi trễ nải, dáng cao, có mái tóc sẫm màu mềm mại và chút buồn rầu làm phong cách càng thêm quyến rũ. Nam tính khác thường luôn phản chiếu, trên những nét đặc trưng có thể phô trương của chủ thể, thứ gì đó sưng sỉa và bị sung huyết, gắn liền với cái y phải giấu giếm. Và đó cũng là hoàn cảnh của tôi. Than ôi, tôi biết quá rõ rằng chỉ cần búng ngón tay đánh tách là có thể gặt ngay bất kỳ gái già nào tôi lựa được; thực ra, tôi thậm chí quen thói không tỏ ra quá quan tâm đến đàn bà để họ không rụng ào ào, chín mọng, vào lòng tôi lạnh giá. Nếu như tôi là một français moyen ưa thích các quý cô lòe loẹt, chắc tôi dễ dàng tìm được, trong đám gái đẹp điên điên vẫn nhấp nháy vỗ về hòn núi đá lì lợm của tôi, nhiều tạo vật quyến rũ hơn hẳn so với Valeria. Chọn lựa của tôi, tuy vậy, bị thúc giục bởi các toan tính mà bản chất là, như tôi hiểu ra quá trễ, một sự thỏa hiệp thảm thương. Tất cả những chuyện này cho thấy rằng, Humbert tội nghiệp đã luôn ngu ngốc khủng khiếp như thế nào trong các vấn đề thuộc về tình dục.






Lolita. Bản dịch tiếng Việt. Chương 7.

13 July 2012

Chương 6

Nhân đây: tôi hay tự hỏi mình, không biết sau này chuyện gì sẽ đến với các nymphet ấy? Trong thế giới sắt rèn đan lưới nhân quả này, những rung động thầm kín mà tôi lén lấy đi, có chạm tới tương lai họ không? Tôi đã từng chiếm hữu nàng — mà nàng lại không bao giờ biết. Thế đấy. Nhưng một lúc nào đó sau này, liệu chuyện ấy sẽ có ảnh hưởng nào không? Liệu tôi, bằng cách này hay cách khác, có làm xáo trộn đời nàng bằng việc lôi cuốn hình bóng nàng vào nhục cảm của tôi? Chao ôi, điều ấy đã từng, và vẫn hãy còn, là nguồn gốc của sự ngạc nhiên vĩ đại và khủng khiếp.

Dẫu sao, tôi đã biết, nhìn họ sẽ như thế nào, những nymphet đáng yêu, tay-thon, khiến ta phát điên ấy, khi lớn lên. Tôi nhớ lần đi dạo một mình trong chiều xuân xám xịt dọc theo con phố nhộn nhịp đâu đó gần thánh đường Madeleine. Một cô nàng nhỏ nhắn lướt ngang tôi, nhanh nhẹn và nhẹ nhàng trên đôi giày cao gót, chúng tôi cùng lúc quay lại liếc nhau, nàng dừng bước và tôi đến bắt chuyện với nàng. Nàng cao vừa tới tầm lông ngực tôi và có khuôn mặt tròn má lúm đồng tiền thường thấy ở các cô gái Pháp, tôi ưa hàng mi dài và bộ y phục màu xám ngọc trai may bó sát cơ thể trẻ trung, nơi còn lưu giữ — và đó đúng là tiếng vọng của nymphet, cảm giác ớn lạnh khoan khoái, cú bật lẹ làng trong háng tôi — chút gì đó trẻ con hòa quyện với vẻ frétillement chuyên nghiệp ở đôi mông nhỏ lanh lẹn của nàng. Tôi hỏi giá, nàng mau lẹ đáp lời với sự chính xác du dương trong như tiếng bạc (một con chim, một con chim thật sự!) “Cent. Tôi thử trả giá nhưng nàng nhìn thấy nỗi khát khao hoang dại đơn côi trong đôi mắt tôi, đôi mắt đang cúi nhìn xuống tận cái trán tròn và chiếc mũ thô sơ của nàng (một dải băng, một chùm hoa); rồi với cái nháy mắt: “Tant pis, nàng nói, và làm bộ như sẽ bỏ đi. Biết đâu mới ba năm trước có thể tôi từng thấy nàng đang đi về nhà từ trường học! Liên tưởng ấy đã chấm dứt mọi lăn tăn. Nàng dẫn tôi lên chiếc cầu thang dốc đứng quen quen, với tiếng chuông quen quen, dọn đường cho monsieur nào không quan tâm đến chuyện có thể gặp monsieur khác, trên lối leo ảm đạm đến căn phòng thảm hại, chẳng có gì ngoài giường và bidet. Như thường lệ, nàng xin petit cadeau luôn, và như thường lệ, tôi hỏi tên (Monique) và tuổi nàng (mười tám). Tôi quá quen với mấy trò vớ vẩn của đám điếm đứng đường. Đứa nào cũng đáp lại “dix-huit” — một tiếng líu lo gọn gàng, một giọng dứt khoát và giả vờ bâng khuâng nuối tiếc mà chúng, những tạo vật nhỏ đáng thương, phải hót lên cả chục lượt mỗi ngày. Tuy nhiên với trường hợp Monique thì có thể chắc chắn là nàng đã thêm một hoặc hai năm vào tuổi thật của mình thì đúng hơn. Tôi luận ra điều này từ nhiều chi tiết trên cơ thể săn chắc, sạch gọn, non tơ lạ kỳ của nàng. Sau khi lột đồ nhanh mê hồn, nàng đứng một lát, quấn nửa mình vào tấm voan đục màu của màn cửa sổ, lặng nghe với vẻ thích thú trẻ thơ, như đợi như chờ, một người quay đàn hộp trong mảnh sân ngập bụi dưới kia. Khi tôi ngắm nghía đôi tay nhỏ và hướng sự chú ý của nàng đến những móng tay cáu bẩn, nàng ngây thơ nhăn mặt nói “Oui, ce n'est pas bien, và dợm bước đến chậu rửa tay, nhưng tôi nói chuyện ấy chẳng quan trọng đâu, hoàn toàn chẳng quan trọng gì hết. Với mái tóc bob nâu nâu, đôi mắt xám sáng ngời và làn da nhợt nhạt, nàng có vẻ ngoài quyến rũ một cách hoàn hảo. Hông nàng không lớn hơn hông của một cậu bé ngồi xổm; thật sự, tôi chẳng ngại thừa nhận (và quả thực đây mới chính là lý do tại sao tôi cứ lần lữa mãi với thái độ biết ơn ở trai phòng voan-xám ấy của hồi ức cùng Monique bé bỏng) rằng trong độ chừng tám chục grue mà tôi đã từng xài cho mình, thì nàng là cô gái duy nhất cho tôi cái nhói đau khoái lạc thật sự. “Il était malin, celui qui a inventé ce truc-là, nàng nhã nhặn bình luận, và mặc lại đồ cũng với tốc độ thời thượng như lúc cởi ra.

Tôi xin nàng cuộc hẹn nữa, chỉn chu hơn, vào lúc muộn hơn cũng buổi chiều ấy, nàng hứa sẽ gặp lại tôi lúc chín giờ tại tiệm café góc phố, và thề là nàng chưa bao giờ posé un lapin trong suốt quãng đời non trẻ của mình. Chúng tôi quay lại đúng căn phòng đó, và tôi không thể không cất lời khen nàng xinh đẹp làm sao, nàng bẽn lẽn đáp lời: “Tu es bien gentil de dire ça” và sau đó, để ý thấy cái mà tôi cũng vừa để ý thấy trong tấm gương phản chiếu vườn địa đàng nhỏ của chúng tôi — vẻ mặt đáng sợ do sự âu yếm nghiến-răng đang bóp méo miệng tôi — bé Monique ngoan ngoãn (Ôi, nàng thật là một nymphet hoàn hảo!) muốn biết liệu nàng có phải lau lớp son đỏ khỏi môi, avant qu'on se couche, phòng khi tôi định hôn nàng. Tất nhiên rồi, tôi đang định làm điều đó. Tôi buông thả mình với nàng trọn vẹn hơn tôi đã từng làm với bất cứ cô gái trẻ nào trước đây, và ấn tượng sau cùng của tôi đêm ấy về nàng Monique lông-mi-dài đã được tô vẽ thêm bằng nét tươi vui mà tôi hiếm khi thấy đi cùng bất kỳ sự kiện nào trong đời tình ái bẽ bàng, nhớp nhúa, âm thầm của mình. Nàng có vẻ vô cùng mãn nguyện với năm chục phrăng tôi thưởng thêm, lúc nàng tung tăng đi ngoài trời, trong mưa phùn đêm tháng Tư, cùng Humbert Humbert nặng nề lê chân theo chiếc bóng gầy gò của nàng. Dừng bước trước một cửa kính bày hàng, nàng thốt lên hết sức thích thú: “Je vais m'acheter des bas! và chẳng bao giờ tôi có thể quên điệu bộ mà cặp môi trẻ con Paris của nàng bật ra chữ “bas”, phát âm nó với sự thèm muốn đến nỗi làm cho âm “a” hầu như biến thành âm “o” ngắn gọn vui tươi nổ bùng trong chữ “bot”.

Tôi còn một cuộc gặp với nàng ở nhà tôi lúc 2 giờ 15 phút chiều hôm sau, song lần này chán hơn, nàng dường như lớn lên sau một đêm, ít trẻ con đi, nhiều đàn bà hơn. Bệnh cảm lây từ nàng buộc tôi phải hủy cuộc hẹn thứ tư, thực ra thì tôi không buồn vì đã cắt đứt chuỗi xúc cảm đe dọa chất lên tôi những tưởng tượng đau lòng và tan biến dần thành nỗi thất vọng thẫn thờ. Thôi hãy để nàng vẫn là Monique mảnh mai, mượt mà, như nàng đã từng là trong đôi phút: một nymphet lầm lạc tỏa sáng xuyên qua ả điếm non thực dụng và vô cảm.

Sự quen biết ngắn ngủn của tôi với nàng khởi đầu cho dòng suy tưởng có lẽ là khá hiển nhiên với các độc giả sành sỏi. Một quảng cáo trong một tạp chí tục tĩu đã đẩy tôi, vào một hôm hăng máu, vô văn phòng Mlle Edith nào đấy, và cô ả bắt đầu bằng việc chào mời tôi lựa bạn lòng từ bộ sưu tầm gồm những bức ảnh khá là trang trọng trong quyển album khá là dơ bẩn (“Regardez-moi cette belle brune!). Khi tôi gạt quyển album ra xa và bằng cách này cách khác thốt lên được nỗi khao khát tội lỗi của mình, ả nhìn như thể sắp đuổi tôi ra cửa; tuy vậy, sau khi hỏi xem giá bao nhiêu thì tôi chịu móc hầu bao ra, ả ta hạ cố móc nối tôi với người qui pourrait arranger la chose. Hôm sau, một mụ già hen suyễn, son phấn lem nhem, mồm năm miệng mười, sặc mùi tỏi, có chất giọng Provence hài hước và hàng ria đen trên đôi môi đỏ tía, lôi tôi đến một nơi nào đó nhìn có vẻ như là nhà riêng của mụ, và ở đấy, sau khi chùn chụt hôn lên đầu các ngón tay chuối mắn chụm lại để quảng bá trước về chất lượng tươi ngon mới vào đời của món hàng, với điệu bộ phường chèo, mụ kéo rèm qua một bên để lộ cái mà tôi phán đoán là một phần căn phòng, nơi một gia đình đông đúc và cẩu thả thường ngủ. Nó đang trống không, chẳng có ai ngoài con bé mũm mĩm một cách quái đản, vàng vọt, xấu phát tởm, ít nhất cũng phải mười lăm tuổi, với các bím tóc rậm đen buộc ruy-băng rực đỏ, ngồi trên ghế làm bộ như đang nựng con búp bê trọc lốc. Lúc tôi lắc đầu và chực chuồn khỏi bẫy, mụ già vừa nói liến thoắng vừa ra tay lột chiếc áo dệt len xỉn màu cáu bẩn khỏi tấm thân kềnh càng của con bé; rồi sau đó, nhận thấy quyết tâm bỏ đi của tôi, mụ đòi son argent. Cánh cửa cuối phòng mở toang, và hai gã đang ăn bữa chính trong bếp nhảy vào cuộc cãi vã. Chúng quái dị, cổ phanh trần, đen đúa và một trong hai gã đeo cặp kính râm. Thằng nhóc cùng đứa bé đang tuổi tập đi, nhem nhuốc, chân vòng kiềng, núp sau chúng. Bằng lý lẽ hàng tôm hàng cá của cơn ác mộng, mụ tú bà đang nổi tam bành, chỉ vào gã đeo kính, hét lên rằng thằng cha này từng phục vụ trong ngành cảnh sát đấy, lui, vì thế tốt nhất là tôi nên làm như tôi đã được chỉ bảo. Tôi lại gần Marie — vì đấy là tên ngôi sao của con béo — lúc đó nó đã lặng lẽ tha được đôi hông nặng của mình tới chiếc ghế cạnh bàn ăn và tiếp tục chén bát súp dở dang trong lúc đứa bé chập chững nhặt con búp bê lên. Với sự trào dâng lòng trắc ẩn làm kịch tính hóa một cử chỉ ngớ ngẩn, tôi nhét tờ bạc vào bàn tay hờ hững của con béo. Nó nộp món quà của tôi cho tay cựu thám tử, ngay sau đó tôi được phép chuồn đi.








Lolita. Bản dịch tiếng Việt. Chương 6.

12 July 2012

Nhà thờ Madeleine, Paris.



Antoine Blanchard


Gần nơi này, Humbert đã gặp Monique lần đầu tiên, trong chương 6 của "Lolita", trích đoạn dưới đây:

"Tôi nhớ lần đi dạo một mình trong chiều xuân xám xịt dọc theo con phố nhộn nhịp đâu đó gần nhà thờ Madeleine. Một cô nàng nhỏ nhắn lướt ngang tôi, nhanh nhẹn và nhẹ nhàng trên đôi giày cao gót, chúng tôi cùng lúc quay lại liếc nhau, nàng dừng bước và tôi đến bắt chuyện với nàng. Nàng cao vừa tới tầm lông ngực tôi và có khuôn mặt tròn má lúm đồng tiền thường thấy ở các cô gái Pháp, tôi ưa hàng mi dài và bộ quần áo màu xám ngọc trai may bó sát cơ thể trẻ trung, nơi còn lưu giữ - và đó đúng là tiếng vọng của nymphet, cái rùng mình khoái cảm, cú giật mạnh nơi thắt lưng – chút gì đó trẻ con hòa quyện vẻ fretillement (đong đưa) chuyên nghiệp từ cặp mông nhỏ lanh lẹn của nàng. Tôi hỏi giá, nàng mau lẹ đáp lời với sự chính xác du dương trong như tiếng bạc (một con chim, đúng là một con chim) "Cent." (một trăm). Tôi thử trả giá nhưng nàng nhìn thấy nỗi khát khao hoang dại đơn côi trong đôi mắt tôi, đôi mắt đang cúi nhìn cái trán tròn và chiếc mũ thô sơ của nàng (một dải băng, một bó hoa); rồi với một cái nháy mắt: "Tant pis" (Tệ thật), nàng nói, và làm bộ như sẽ bỏ đi. Biết đâu chừng ba năm trước tôi có thể thấy nàng đang đi về nhà từ trường học."

11 July 2012

"fond of" có gì khác "love"


Lolita Bản dịch tiếng Việt Fond of\


Trong Lolita, chương 2, có đoạn văn nguyên bản thế này:

"My mother's elder sister, Sybil, whom a cousin of my father's had married and then neglected, served in my immediate family as a kind of unpaid governess and housekeeper. Somebody told me later that she had been in love with my father, and that he had lightheartedly taken advantage of it one rainy day and forgotten it by the time the weather cleared. I was extremely fond of her, despite the rigidity--the fatal rigidity--of some of her rules. Perhaps she wanted to make of me, in the fullness of time, a better widower than my father."

Cụm từ "extremely fond of" được một dịch giả chuyển ngữ thành "cực kỳ yêu mến". Nhưng dịch như thế chỉ được một phần xác chữ.

Nếu chỉ muốn nói yêu mến, yêu quý, tại sao Nabokov không dùng love, mà lại dùng fond of?. Có lý do đấy. Tuy cả fond of và love đều là yêu, nhưng love là một tình cảm dài hạn, lãng mạn, không cần điều kiện gì cả. Nói chung love (yêu) là không bao giờ phải nói rất tiếc. Còn fond of một ai đó, thì đó là cảm giác khi ta quý mến, yêu thích người đó, thấy vui khi ở cạnh người đó, quyến luyến người đó, không muốn rời xa họ. Nó cũng là love, đúng không? Nhưng là love có điều kiện. Khi bạn thực sự love một ai đó, thì bạn phải chấp nhận người đó, dù họ làm gì đấy bạn khó chịu, bạn không hoàn toàn happy với họ mọi lúc mọi nơi, nhưng bạn vẫn love. Còn khi bạn fond of thôi chứ không love, thì nếu thấy bực mình, bạn có thể ra đi, chấm dứt quan hệ. Một điển hình của love là tình cảm với gia đình, con cái, chẳng ai nói fond of vợ chồng, con cái; phải là love.

Giữa fond love chỉ có một ranh giới, tưởng như mong manh thế thôi, nhưng lại vô cùng quan trọng.

Quay về Lolita, Nabokov dùng chữ fond of trong câu: I was extremely fond of her, despite the rigidity--the fatal rigidity--of some of her rules. chứ không dùng love, vì với Humbert thì bà Sybil không phải mẹ đẻ. Tình cảm của Humbert với bà này vẫn là một thứ tình cảm có điều kiện. Humbert yêu quý bà ta, trân trọng bà ta, thấy vui khi ở bên cạnh bà ta. Nhưng nếu không thấy vui nữa thì có thể là Humbert cũng chẳng quan tâm đến bà ta nữa. Câu văn rất tinh tế: "fond of her, bất chấp chuyện có một số nguyên tắc của her rất cứng nhắc." Không ai nói: "tôi yêu mẹ tôi mặc dù bà rất xấu xí và nghiêm khắc", vì tình yêu với mẹ là tất nhiên, là vô điều kiện. Nhưng tình cảm với bà Sybil thì chỉ là fond of thôi, nên mới có cái câu sau là: despite the rigidity--the fatal rigidity--of some of her rules

Tiếng Việt hình như không có từ thay thế hoàn hảo cho fond of ở đây, nhưng nếu dịch thành "yêu mến" thôi, thì không nói hết cái hồn của chữ. Thực ra thứ tình cảm giống như fond of trong mối quan hệ trẻ con - người nuôi dưỡng, có thể gọi là quấn quýt. Đứa trẻ quấn quýt không chỉ với mẹ, mà còn có thể với một ai đó trong gia đình khi nó yêu quý người đó, lúc nào cũng muốn gần người đó. Nhưng chỉ cần xa cách một thời gian, hay là có gì đó nó không thấy vui nữa, thì nó cũng chẳng quấn quýt nữa.

Nếu ai tìm được từ thay thế cho quấn quýt mà diễn tả được hết cái ý fond of trong văn cảnh trên thì rất hay. Nhưng dù sao thì dịch thành yêu mến thì không tải được hết cái hồn của chữ này trong tiếng Anh và trong văn cảnh này.

6 July 2012

Chương 5

Những ngày xuân xanh của tôi, lúc tôi nhìn lại chúng, dường như bay xa tôi trong cơn lốc quay cuồng các mẩu vụn lờ mờ lặp đi lặp lại, như trận bão tuyết ban mai toàn những mảnh giấy lau đã dùng, mà hành khách nhìn thấy cuốn theo sau toa ngắm cảnh cuối đoàn tàu. Tôi thực dụng, giễu cợt và nhanh gọn trong những quan hệ mang tính vệ sinh với phụ nữ. Khi còn là sinh viên đại học, ở London và Paris, gái làm tiền với tôi là đủ. Sự học của tôi tỉ mẩn và căng thẳng, nhưng không đặc biệt hiệu quả. Ban đầu, tôi dự tính lấy bằng tâm thần học như nhiều nhân tài manqué khác; nhưng tôi lại còn manqué hơn cả họ; kiệt sức dị thường, tôi thấy áp lực đè nặng, bác sĩ, phát bệnh; và tôi quay qua văn học Anh, nơi bao nhiêu thi sỹ nản chí tha hóa thành các giáo viên ngậm tẩu mặc đồ vải tuýt. Paris hợp với tôi. Tôi tranh luận về phim Xô Viết với kiều dân. Tôi ngồi cùng các bạn đồng tính ở tiệm “Les Deux Magots”. Tôi viết những tiểu luận loằng ngoằng cho các tờ tạp chí chẳng mấy người biết. Tôi sáng tác những bài thơ cóp nhặt:

... Fräulein von Kulp
có lẽ đã ngoái lại, tay nàng tựa vào cánh cửa.
Tôi sẽ không theo nàng. Không theo Fresca. Không theo
con hải âu kia.

Một bài luận của tôi lấy tên “Đề tài Proust trong một lá thư từ Keats gửi đến Benjamin Bailey” khiến cho sáu hay bảy học giả đọc nó phải tủm tỉm cười. Tôi xắn tay vào viết cuốn “Histoire abrégée de la poésie anglaise” cho một hãng xuất bản danh tiếng, sau đó bắt đầu biên soạn giáo trình văn học Pháp cho sinh viên nói tiếng Anh (với những so sánh rút ra từ các nhà văn Anh), cuốn sách này khiến tôi bận rộn suốt thập niên bốn mươi — và tập sau cùng của nó gần như đã sẵn sàng để in lúc tôi bị bắt.

Tôi tìm được việc — dạy tiếng Anh cho một nhóm người lớn ở Auteuil. Rồi trường nam sinh thuê tôi trong hai mùa đông. Thỉnh thoảng tôi tận dụng mối quen biết với các nhân viên xã hội và nhà tâm lý trị liệu để đi cùng họ đến những cơ sở khác nhau, như trại trẻ mồ côi và trường cải huấn, những nơi có thể ngắm nghía các bé gái xanh xao mới lớn có hàng mi bện chặt mà hoàn toàn chẳng sợ ai bắt lỗi, gợi nhớ lại điều mà người ta được ban phát trong mơ.

Giờ đây tôi muốn giới thiệu ý niệm như sau. Trong tầm tuổi giữa chín và mười bốn xuất hiện những thiếu nữ để lộ cho một số lữ khách bị bỏ bùa, già hơn họ gấp đôi hay gấp nhiều lần tuổi, thấy bản chất đích thực của họ, bản chất tiên nữ (nghĩa là yêu quái), chứ không phải của con người; và tôi xin được đặt tên cho những vưu vật này là “nymphet”.

Dễ thấy là tôi sử dụng thuật ngữ thời gian thay cho thuật ngữ không gian. Thật ra, tôi muốn cho độc giả nhìn “chín” với “mười bốn” giống như các đường biên — những bãi biển gương và những tảng đá hồng — của hòn đảo bị bỏ bùa mà các nymphet ấy của tôi thường lai vãng, bao quanh là mênh mông biển mù sương. Có phải mọi cô bé trong tầm tuổi ấy đều là nymphet? Tất nhiên không. Nếu không thì chúng tôi, những người hiểu chuyện, chúng tôi, những lữ khách cô đơn, chúng tôi, những gã cuồng si nymphet, đã phát điên từ lâu. Cả nhan sắc cũng chẳng phải là tiêu chuẩn; và sự thô tục, hoặc chí ít là cái mà một cộng đồng nhất định cho là thô tục, chưa hẳn đã làm phương hại những đặc tính huyền bí nào đó, nét duyên mê hồn, sức quyến rũ quỷ quyệt, gian giảo, khó nắm bắt, làm tan nát cõi lòng, những thứ đã tách rời nymphet khỏi các cô bé cùng tuổi vẫn bị lệ thuộc nhiều vô song vào cõi không gian của những hiện tượng đồng thời hơn vào ốc đảo mơ ảo của thời gian bị mê hoặc, nơi Lolita nô đùa cùng những vưu vật như nàng. Trong cùng giới hạn tuổi này, số nymphet đích thực luôn thấp hơn một cách rõ rệt so với số cô bé tạm thời xấu xí, hoặc thật dễ thương, “xinh xắn”, thậm chí “duyên dáng” và “quyến rũ”, thường thường, mũm mĩm, dáng thô kệch, da lạnh ngắt, đậm chất người trần, với cái bụng tròn và tóc thắt bím, những cô bé sau này có thể, hay không thể, biến thành những phụ nữ tuyệt đẹp (hãy nhìn những cô ả xấu xí béo lùn đi tất đen và đội mũ trắng thay hình đổi dạng thành các ngôi sao điện ảnh cực kỳ hấp dẫn). Một người đàn ông bình thường được đưa cho xem ảnh chụp nhóm nữ sinh hoặc nữ hướng đạo sinh và được đề nghị chỉ ra em đáng yêu nhất chưa hẳn sẽ chọn nymphet trong số họ. Phải vừa là nghệ sĩ, vừa là thằng điên, một kẻ sầu muộn mênh mang, với bong bóng độc dược nóng bỏng trong cật cùng ngọn lửa cuồng dục luôn rực đỏ trong cột xương sống mẫn cảm (ôi, phải cố gắng thế nào để co mình che giấu!), thì mới nhận ngay ra, qua các dấu hiệu rất khó giải thích bằng lời — gò má thoáng lượn nét mèo, đôi chân và cánh tay thon nhỏ phủ đầy lông tơ, cùng nhiều chỉ dấu khác mà nỗi tuyệt vọng, sự hổ thẹn và những giọt lệ yếu mềm cản ngăn tôi lập bảng kê — tiểu quỷ chết chóc giữa đám trẻ ngoan lành; nàng đứng lẫn vào chúng, không bị ai nhận ra, và chưa tự ý thức được quyền lực phi thường của chính mình.

Hơn nữa, do ý niệm thời gian đóng vai trò ma thuật đến thế trong vụ việc này, nên nhà nghiên cứu không nên bất ngờ khi được biết rằng cần có khoảng chênh vài tuổi, tôi cho là không thể ít hơn mười tuổi, thông thường là ba mươi hoặc bốn mươi tuổi, và đến tận chín mươi tuổi trong một vài trường hợp được nhiều người biết, giữa thiếu nữ và trang nam nhi, mới có khả năng làm cho anh ta rơi vào bùa mê của nymphet. Đây là câu hỏi về sự căn chỉnh tiêu cự, về khoảng cách nào đó đủ cho con mắt bên trong run sướng vươn qua, về sự tương phản nào đó đủ làm trí não hào hển bừng tỉnh nỗi khát khao trái cấm. Hồi tôi còn con trẻ và nàng cũng là con trẻ, thì với tôi, Annabel bé nhỏ không phải nymphet; tôi là kẻ xứng đôi vừa lứa với nàng, một faunlet chính danh, trên cùng ốc đảo bị bỏ bùa ấy của thời gian; song hôm nay, vào tháng Chín năm 1952 này, sau hai mươi chín năm trôi qua, tôi nghĩ tôi đã có thể nhìn ra con yêu nữ khởi thủy, kiếp nạn đời tôi, ẩn khuất ở trong nàng. Chúng tôi đã yêu nhau với một tình yêu non dại, được đặc trưng bởi sự mãnh liệt vẫn rất hay tàn phá cuộc đời người lớn. Tôi là chàng trai mạnh mẽ và vẫn sống sót; song chất độc ngấm vào vết thương, mà vết thương thì mãi không lành, và chẳng bao lâu sau, tôi đã thấy mình đang trưởng thành giữa một nền văn minh cho phép người trai tuổi hai lăm được ve vãn thiếu nữ tuổi mười sáu, mà không được đụng đến cô bé mười hai.

Vậy nên, không lấy gì làm lạ là những năm tháng trưởng thành tại châu Âu của đời tôi tỏ ra hai mặt đến mức quái đản. Bề ngoài, tôi có các quan hệ được gọi là bình thường với đám gái trần tục mang quả bí ngô hay quả lê thay cho vú; bên trong, tôi bị thiêu đốt dần mòn bởi lò lửa địa ngục của thứ dục vọng khu biệt dành cho mọi nymphet thoáng qua mà kẻ nhát gan luôn cúi mình theo luật pháp như tôi chẳng khi nào dám đến gần. Những con đàn bà tôi được phép dùng chỉ là các tác nhân xoa dịu tạm thời mà thôi. Tôi sẵn lòng tin là những cảm giác tôi nhận được từ việc làm tình tự nhiên cũng chẳng khác gì cái mà những con đực lớn bình thường cảm thấy khi giao hoan với các bạn tình lớn bình thường của chúng theo cái nhịp thường lệ vẫn làm rung chuyển thế giới. Khổ nỗi là các “quý ông” kia chưa từng, mà tôi lại từng, thoáng thấy niềm khoái lạc muôn phần nhức nhối hơn. Cơn mộng tinh mờ đục nhất của tôi còn ngàn lần sáng chói hơn mọi vụ thông dâm mà văn hào cường dương nhất hay kẻ liệt dương tài giỏi nhất có thể hình dung ra. Cõi đời tôi tách đôi. Tôi nhận thức thấy không phải một mà hai giới tính, chẳng cái nào trong số chúng thuộc về tôi, cả hai sẽ được bác sỹ giải phẫu đặt tên là nữ. Nhưng với tôi, qua lăng kính tri giác, “chúng khác nhau như cây và mây”. Giờ đây tôi có thể lý giải tất cả những điều này. Nhưng vào lúc hai mươi mấy, ngoài ba mươi tuổi, tôi không hiểu nỗi thống khổ ấy của mình rõ ràng như thế. Mặc dù thể xác tôi biết nó thèm khát cái gì, nhưng tâm hồn tôi gạt bỏ mọi cầu xin thuộc về thể xác. Lúc này tôi thấy hổ thẹn và hoảng sợ, lúc khác tôi lại lạc quan đến mức khinh suất. Những cấm kỵ làm tôi ngạt thở. Các nhà phân tâm học ve vãn tôi bằng cách giả vờ giải phóng các dục năng giả tạo. Việc tôi thấy các đối tượng duy nhất có thể khiến tim mình xao xuyến là chị em gái của Annabel, người hầu gái và tỳ nữ của nàng, đôi lúc có vẻ giống như dấu hiệu cảnh báo tôi về bệnh điên. Vào những lúc khác, tôi lại tự nhủ rằng việc đó chung quy chỉ là một vấn đề thuộc về quan điểm, rằng thực sự chẳng có gì sai trái khi bị kích thích đến phát cuồng bởi trẻ em gái. Cho tôi được phép nhắc để độc giả nhớ lại rằng ở Anh, với sự thông qua Đạo Luật Trẻ Em và Người Vị Thành Niên hồi năm 1933, thuật ngữ “trẻ em gái” được xác định là “cô gái tuổi trên tám nhưng dưới mười bốn” (sau đấy, từ tuổi mười bốn tới mười bảy, luật pháp xác định là “vị thành niên”). Mặt khác, tại bang Massachusetts, Hoa Kỳ, thì “trẻ nổi loạn”, theo quy định của luật pháp, là đứa “giữa bảy với mười bảy tuổi” (hơn nữa, chúng thường xuyên kết giao với bọn xấu xa đồi bại). Hugh Broughton, nhà văn gây tranh cãi dưới thời vua James Đệ Nhất, từng chứng minh được là Rahab làm gái điếm từ thuở lên mười. Tất cả những điều này thật thú vị, và tôi dám nói rằng quý vị đang thấy tôi sùi bọt mép trong cơn hứng; nhưng không, không phải thế đâu; tôi chỉ đang ném những suy nghĩ vui vui vào một bát xu nhỏ mà thôi. Thêm vài bức tranh nữa nhé. Đây là Virgil, người có thể ngợi ca nymphet bằng giọng đơn, nhưng có lẽ cái ông mê đắm hơn lại là khu đáy chậu dưới bìu trai trẻ. Đây là hai công chúa sông Nile sắp đến tuổi lấy chồng, con gái Vua Akhnaten và Hoàng hậu Nefertiti (cặp đôi hoàng tộc ấy có một lứa sáu đứa), không mặc gì ngoài những chuỗi hạt rực sáng, thư giãn trên gối, nguyên vẹn sau ba ngàn năm, với những tấm thân chó tơ nâu nềm, tóc cắt ngắn và đôi mắt dài đen như mun. Đây là vài cô dâu mười tuổi, bị ép buộc phải tự ngồi lên fascinum bằng ngà voi tại thánh đường học thuật kinh điển. Kết hôn và chung sống trước tuổi dậy thì là chuyện chẳng có gì lạ ở nhiều tỉnh miền Đông Ấn Độ. Cụ già tám chục tuổi người Lepcha giao cấu với đứa bé tám tuổi, cũng chẳng ai quan tâm. Xét cho cùng, thì Dante đã yêu điên dại Beatrice của ông hồi nàng mới chín tuổi, một cô bé lóng lánh, tô son điểm phấn và đáng yêu, đeo đầy trang sức, diện chiếc đầm đỏ thắm, đó là hồi năm 1274, ở Florence, tại bữa tiệc riêng tư trong tháng Năm dễ chịu. Và lúc Petrarch yêu điên dại Laureen của ông, nàng là một nymphet tóc vàng tuổi mười hai chạy trong gió, trong bụi và phấn, một bông hoa đương bay lượn, giữa bình nguyên đẹp tuyệt vời nhìn từ vùng đồi Vaucluse.

Nhưng chúng ta hãy đàng hoàng và lịch sự. Humbert Humbert đã hết sức cố gắng cư xử tử tế. Hắn đã thật sự chân thành. Hắn vô cùng tôn trọng những đứa trẻ thông thường, cùng sự trong sáng và yếu mềm của chúng, và dù trong tình huống nào hắn cũng không bao giờ mó vào sự trinh trắng của đứa bé, nếu có chút xíu rủi ro tai tiếng. Tuy nhiên tim hắn vẫn đập rộn ràng làm sao mỗi khi, giữa đám đông vô tội, hắn liếc thấy một tiểu yêu nữ, “enfant charmante et fourbe”, mắt mờ, môi tươi, mười năm trong tù nếu anh lộ ra cho bé biết anh đang ngắm bé. Đời trôi qua thế đấy. Humbert hoàn toàn có khả năng giao hợp với Eve, nhưng Lilith mới là người hắn thèm muốn. Giai đoạn mới nhú của quá trình phát triển bầu vú xuất hiện khá sớm (10,7 tuổi) trong chuỗi thay đổi thân thể đồng hành với thời dậy thì. Còn dấu hiệu trưởng thành tiếp theo là sự xuất hiện đầu tiên của lông mu chứa sắc tố (11,2 tuổi). Cái bát nhỏ của tôi đã đầy đến miệng.

Tàu đắm. Đảo san hô. Đơn côi với đứa con run rẩy của vị hành khách đã chết đuối. Em yêu ơi, đây chỉ là một trò chơi thôi! Sao mà những chuyến phiêu lưu hoang tưởng của tôi lại kỳ diệu đến thế lúc tôi ngồi trên chiếc ghế dài cứng ngắc ở công viên giả vờ như đắm mình vào cuốn sách rung rung. Quanh học giả trầm lặng, các nymphet tung tăng nô đùa, cứ như y là bức tượng thân quen hay một phần bóng râm và đốm nắng lung linh dưới gốc cổ thụ. Có lần, một cô bé tuyệt xinh mặc váy kẻ ô vuông, lách cách đặt bàn chân vũ trang hạng nặng lên ghế, ngay gần tôi, luồn đôi tay trần thon thả vào tôi, thắt chặt lại dây đôi giày trượt pa-tanh của mình, và tôi tan ra trong nắng trời, chỉ còn mỗi cuốn sách làm lá sung, mái tóc quăn nâu vàng của nàng xõa xuống phủ lên đầu gối trầy da, bóng lá san sẻ cùng nàng xôn xao hòa lẫn bắp chân rực nắng ngay cạnh cái má tắc kè bông của tôi. Lần khác, một nữ sinh tóc đỏ vịn tay bên trên tôi trong métro, và màu nâu đỏ mà tôi phát hiện thấy trong nách nàng còn luẩn quẩn hàng tuần trong máu tôi. Tôi có thể kể ra rất nhiều mẩu chuyện lãng mạn đơn phương như vậy. Vài cái trong đó chấm dứt trong hương vị đậm đà của địa ngục. Chẳng hạn như lần tôi chợt để ý thấy từ ban công nhà mình một cửa sổ sáng đèn bên kia phố, và cái gì đó loáng thoáng như nymphet đang cởi đồ trước tấm gương đồng lõa. Do biệt lập, do xa xôi, ảo cảnh ấy có sức hấp dẫn đặc biệt mãnh liệt làm tôi phải lao hết tốc độ về phía sự thỏa mãn đơn độc của mình. Nhưng thật bất ngờ, thật quỷ quái, những họa tiết khỏa thân mềm mại làm tôi mê mệt ấy biến hình thành cánh tay trần kinh tởm sáng-ánh-đèn của một gã đàn ông bận đồ lót đang đọc báo bên cánh cửa sổ mở toang trong đêm hè nóng, ẩm, tuyệt vọng.

Nhảy dây, nhảy ô. Mụ già bận đồ đen ngòm ngồi xuống bên tôi, trên băng ghế của tôi, trên cái trăn khoái lạc của tôi (một nymphet đang mò dưới tôi để tìm hòn bi đi lạc) và hỏi xem tôi có bị đau bụng không, mụ phù thủy xấc xược. Chao ôi, hãy để mặc tôi ở công viên tuổi dậy thì, ở vườn tôi xanh rêu. Hãy mặc cho chúng nô đùa quanh tôi mãi. Đừng lớn nữa.





Lolita. Bản dịch tiếng Việt. Chương 5.

1 July 2012

Golden midges


Lolita Bản dịch tiếng Việt


Đầu chương 2 "Lolita", Humbert hồi tưởng về ký ức tuổi thơ như sau:

"My very photogenic mother died in a freak accident (picnic, lightning) when I was three, and, save for a pocket of warmth in the darkest past, nothing of her subsists within the hollows and dells of memory, over which, if you can still stand my style (I am writing under observation), the sun of my infancy had set: surely, you all know those redolent remnants of day suspended, with the midges, about some hedge in bloom or suddenly entered and traversed by the rambler, at the bottom of a hill, in the summer dusk; a furry warmth, golden midges."

Golden midges là một cụm từ khó chuyển ngữ, trong thực tế cũng ít độc giả cảm nhận được ý nghĩa của những con muỗi vàng là gì. Trong bản essay nổi tiếng của Lewis Carroll: "Alice on the Stage" (ai đọc Alice in Wonderland chắc biết Lewis Carroll), có đoạn văn rất hay sau đây:

"they lived and died, like summer midges, each in its own golden afternoon"

Có lẽ Nabokov mượn cái ý của Lewis Carroll đó để viết đoạn văn này, có thể thấy ký ức của Humbert được hình dung như một thung lũng mà mặt trời đang lặn, mọi thứ nhạt nhoà dần dần, và kỷ niệm chập chờn như những con muỗi mắt (midges), đôi khi chúng lơ lửng trên những hàng rào nở hoa, nhưng lại dễ dàng xao động, tản mát đi mất, khi có bước chân của lữ khách dưới chân đồi. Và những con muỗi mùa hè (summer midges) ấy cũng sắp chết rồi, trong buổi chiều vàng (golden afternoon) cuộc đời ngắn ngủi của nó. Furry warmth, golden midges,... là hiện thân những ám ảnh của Humbert về tuổi thơ, về người mẹ của mình.

Nabokov viết "Lolita" bằng phong cách như ông tự nhận ngay chương 1, là rất fancy. "Lolita" giàu hình ảnh, nhiều sự liên tưởng, đầy rẫy những cái bẫy ngôn ngữ, đôi khi như một câu chuyện trinh thám, với những chi tiết tưởng là thừa ở chỗ này, nhưng lại rất đắt giá ở chỗ khác.