18 July 2012

Jean Paul Marat: Một cái chết, hai cách nhìn nhận khác nhau


Jean Paul Marat đã đi vào giáo trình lịch sử cấp hai và mỗi khi giảng về Cuộc cách mạng Pháp, các giáo viên đều mô tả ông là một nhà cách mạng vĩ đại, một người hùng đã bị kẻ địch ám sát. Thế nhưng, cũng có người lại cho rằng Marat là một đao phủ khát máu.



Jean Paul Marat (1743-1793) sinh ra tại Boudry, Neuchatel, Thụy Sỹ. Năm 1776, ông chuyển đến sống ở Paris và trở thành bác sỹ riêng của em trai vua Louis XIV, người sau này là vua Charles X.

Với khoản thu nhập hậu hĩnh của một bác sỹ hoàng gia, Marat đã xây dựng một trung tâm thí nghiệm tại nhà người tình, với tham vọng trở thành một nhà khoa học nổi tiếng. Ông liên tiếp công bố các công trình nghiên cứu về lửa, nhiệt, điện và quang học và có ảnh hưởng rộng rãi trong giới khoa học Paris. Nhưng ông lại không nhận được sự ủng hộ của các viện khoa học, nhất là khi bác bỏ lý thuyết Newton chỉ bằng những luận điểm thiếu sức thuyết phục. Cuốn sách “Plan De Législation Criminelle” xuất bản năm 1780 của ông bị cấm lưu hành. Theo “Encyclopedia Britannica”, chính điều này khiến ông căm ghét chế độ hiện hành và chính sự áp bức của các thế lực thù địch  đã thôi thúc ông gia nhập hàng ngũ những người phản đối chế độ xã hội và khoa học thời đó.

Khi Cách mạng Pháp bùng nổ, Marat đã nhanh chóng  trở thành một nhà chính trị. Đầu tiên, ông xuất bản cuốn “Offrande À La Patrie” (Dâng tặng tổ quốc), chỉ trích việc nhà vua chỉ chăm lo cho tài sản cá nhân, thờ ơ trước sự sống chết của dân chúng, đồng thời công kích những người cho rằng nước Pháp nên học tập và áp dụng chế độ chính trị của Anh quốc.

Charlotte Corday by Paul Jacques Aimé Baudry, painted 1860.

Tháng 9 năm 1789, Marat xuất bản “Moniteur Patriote  ” (Báo yêu nước). Bốn ngày sau, tờ báo đổi tên thành “Publicist Parisien”  và sau cùng giữ lại tên gọi “L’Amidupeuple” (Báo người bạn của nhân dân). Trên lập trường “người bạn của nhân dân”, ông cho rằng đã là đấu tranh cách mạng thì phải xác định kẻ thù, tất cả những kẻ nắm trong tay quyền lực đều là “kẻ thù của nhân dân”. Tiến hành cách mạng, tức là tiêu diệt những kẻ đó.

Sau khi giành được một ghế trong nghị viện sau cuộc tuyển cử tháng 9 năm 1972, Marat tổ chức các buổi diễn thuyết ở khắp mọi nơi, nhằm thu hút cảm tình và sự ủng hộ của tầng lớp thường dân trong thành phố. Thậm chí ông cho rằng cần phải dùng vũ lực để hoàn thành mục tiêu cách mạng. Ông chủ trương “ra tay trước” đối với tầng lớp quý tộc, bởi vì họ đang mưu đồ phá hoại cuộc cách mạng. Tháng 6 năm 1790, ông đã viết trong một bài báo: “Chặt đầu 5, 6 trăm người để đảm bảo sự yên bình, tự do và hạnh phúc. Lòng nhân đạo mù quáng trói buộc bạn, đè bẹp ý chí chiến đấu của bạn. Và có thể khiến cho hàng ngàn vạn anh em đồng chí của bạn thiệt mạng.” Nhà sử học nổi tiếng Francois Mignet đã đánh giá về Marat trong cuốn “Lịch sử cách mạng Pháp” như sau: “Đó là những phát ngôn và hành động độc đoán và tàn nhẫn, bất chấp sinh mạng con người”.

Vài ngày trước khi qua đời, Marat nổi mụn ngứa ngáy khắp người và phải ngâm mình trong nước đã pha dược liệu. Vừa ngâm mình, ông ta vừa vươn người lên chiếc bàn đặt cạnh bồn tắm để ghi chép danh sách các phần tử phản cách mạng. Sau đó là thấm vấn qua quít, nhanh chóng phán quyết... khiến cho những "phần tử phản cách mạng" này bị đưa lên đoạn đầu đài mà không trải qua bất cứ phiên tòa nào.

Người sát hại Marat là Charlotte Corday (1768-1793). Cô  sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Saint- Saturnin – des-Ligneries, Pháp. Từ lâu, Corday đã có ác cảm với phái Jacobin và ủng hộ phái Girondin chủ trương ôn hòa. Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phái Girondin, nhất là Charles Jean Marie Barbaroux, Corday tình nguyện làm việc cho phái Girondin.

Corday không thuộc phe bảo hoàng, nhưng cô căm ghét Marat vì vụ "Thảm sát tháng 9 năm 1792", khi hầu hết những người phạm tội đều không được xét xử đã bị đem ra hành quyết. Corday cho rằng, Marat phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cô cũng cho rằng việc Marat đòi xử quyết vua Louis XVI là không cần thiết và tin rằng, kẻ thù của truyền thống đạo đức tốt đẹp của Cộng hòa Pháp chính là Marat và cần phải xử tội ông ta.

Ngày 9 tháng 7 năm 1793, cô gái Charlotte Corday, 25 tuổi, đến Paris, thuê phòng tại khách sạn Hotel Providence. Cô giấu trong mình một con dao găm dài 6 inch và viết sẵn một lá thư “Gửi những người bạn của luật pháp và hòa bình” (Adresse aux Francais amis des lois et de la paix), giải thích động cơ giết Marat. Đầu tiên, cô đến tòa nhà quốc hội tìm Marat, nhưng ông ta không còn ở đó. Sáng ngày 13 tháng 7, cô đến nhà Marat, nói rằng muốn thông báo về kế hoạch nổi loạn tại Caen của phái Girondin, rồi trở về.

Chiều hôm đó cô quay lại. Marat cho phép cô vào gặp. Khi ấy ông ta đang nằm trong bồn tắm. Corday đọc cho Marat nghe tên những nhân vật thuộc phái Girondin sẽ tham gia bạo động. Khi Marat đang chăm chú ghi chép những cái tên để đưa lên đoạn đầu đài, Corday rút con dao găm giấu dưới khăn quàng và đâm vào ngực Marat.

Charlotte Corday không bỏ trốn và bị bắt ngay sau đó.

Và cũng giống như khi Robespierre lớn tiếng đòi xử tử Louis XVI, Corday dõng dạc tuyên bố: “Tôi giết chết 1 người để cứu sống hàng trăm ngàn người. Tôi giết một kẻ tàn ác để cứu những người vô tội". Charlotte Corday bị đưa lên đoạn đầu đài vào ngày 17 tháng 7 năm 1793.

Cái chết của Marat là một sự kiện trọng đại của cuộc cách mạng Pháp. Nó không chỉ được đưa vào các sách lịch sử, mà còn trở thành nguồn tư liệu sáng tác có sức lôi cuốn đặc biệt đối với các nghệ sỹ. Bức tranh nổi tiếng “Cái chết của Marat” của danh họa người Đức Stephane Pannemaker (1847-1930) đã được đưa vào làm hình minh họa cho cuốn “Lịch sử nước Pháp” của Emilede Bonnechose (1801 - 1875). Năm 1907, họa sỹ tranh sơn dầu nổi tiếng người Na Uy, Edvard Munch (1863-1944) cho ra đời bức “Cái chết của Marat”. Thậm chí danh họa Picasso cũng đã vẽ 1 bức cùng chủ đề để làm bìa tác phẩm “De derrière les faggots” của nhà thơ theo chủ nghĩa siêu thực Benjamin Péret (1899-1959). Tuy nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là hai bức tranh về cái chết của Marat của David và Baudry.

David là thành viên tích cực của trường phái Jacobin và là bạn của Robespierre, lãnh tụ trường phái này. Năm 1792, quốc hội mới được thành lập, David có trong danh sách những đại biểu mới, ông đứng chung trên lập trường cứng rắn cùng với Robespierre và Marat, và ông tán đồng quyết định xử tử Louis XVI.  Vài tiếng sau khi Marat bị ám sát, David lập tức đến hiện trường lo liệu hậu sự cho người bạn.


The Death of Marat  Jacques-Louis David, 1793


Vì Marat chết trong bồn tắm khi đang viết lách, David muốn thi thể ông vẫn giữ nguyên tư thế trong suốt quá trình an táng. Nhưng mong muốn của ông không thể thực hiện, vì thi thể của Marat đã bắt đầu thối rữa.  Sau đó, David vẽ bức tranh sơn dầu với tên gọi “Cái chết của Marat”. Hình tượng Marat đã được lý tưởng hóa:  bị mưu sát trong bồn tắm, hung khí rơi dưới đất, máu tươi tuôn ra từ lồng ngực ông, trên khuôn mặt lộ rõ vẻ phẫn nộ và đau đớn, tay trái vẫn nắm chặt bảng danh sách “những phần tử phản cách mạng”. Mục đích của David là muốn dùng những nét vẽ điêu luyện của mình thôi thúc lòng tôn kính và sùng bái của quần chúng đối với nhà cách mạng. Thậm chí có nhà nguyên cứu còn đánh giá bức họa đã được vẽ theo phong cách thần thánh hóa.

Cùng đề tài này, nhưng với quan điểm khác biệt, Paul Jacques Aimé Baudry đã sáng tạo nên bức tranh “Charlotte Corday after the murder of Marat” vào năm 1861.

Paul Jacques Aimé Baudry (1828-1886) theo trường phái cổ điển và từng đoạt giải thưởng Roma năm 1850. Sau khi đến Italy, ông bị thu hút bởi phong cách hội họa Italy của danh họa thời kỳ phục hưng Correggio (1494-1534), và đã sáng tạo nên các tác phẩm “The Martyrdomofa Vestal Virgin”, “St John the Baptist” và bức “Leda”. Có thể nhận thấy, trong giai đoạn đầu, sáng tác của Baudry chủ yếu nghiêng về đề tài cổ đại và thần thoại, hoặc siêu thực (như bức “The Pearland the wave”,1862). Bức “Charlotte Corday after the murder of Marat” vẽ năm 1861 là tác phẩm duy nhất của ông về đề tài lịch sử. Điều đó cho thấy, sự kiện lịch sử này đã tác động mạnh mẽ đến ông như thế nào.

Baudry đã vẽ bức tranh với nỗi căm giận Marat và lòng sùng kính đối với Corday. Ông vẫn tái hiện đầy đủ vụ mưu sát, nhưng khác với David, ông đã để Corday xuất hiện trong bức tranh, bởi vì sự thực là cô không hề có ý định bỏ chạy. Trong bức tranh của Baudry, Corday đứng bên cạnh người bị hại, hiên ngang chính trực như một vị anh hùng.

Sưu tầm