27 December 2019

Những câu mở đầu tuyệt tác



Các kiệt tác văn chương thường được mở đầu bằng một vài câu văn cực hay, chúng dường như được nhà văn sửa nhiều lần để chứa đựng được hết mọi tinh túy của tác phẩm, hoặc không thì cũng là một quan điểm sống nổi bật nào đó của chính ông ấy.

Tôi từng thích nhất ba đoạn mở đầu sau đây.

Một là trong Lolita của Nabokov: "Lolita, ánh sáng đời tôi, lửa dục lòng tôi. Lầm lỗi của tôi, linh hồn của tôi."

Hai là trong Anna Karenina của Lev Tolstoy: "Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, mỗi gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo kiểu riêng."

Ba là trong Gatsby Vĩ đại của F. Scott Fitzgerald: "Vào những năm tôi còn trẻ hơn và dễ bị tổn thương hơn, cha tôi đã cho tôi mấy lời khuyên mà tôi cứ lật đi lật lại trong tâm trí mãi từ hồi đó.

'Hễ khi nào con cảm thấy thích chỉ trích bất cứ ai,' ông bảo tôi, 'hãy nhớ là không phải ai trên đời này cũng có những lợi thế mà con có.'"

Nhưng hôm nay đọc được câu mở đầu cũng ấn tượng chẳng kém gì ba câu trên, trong cuốn Speak, Memory của Vladimir Nabokov.

"Chiếc nôi chao trên vực thẳm, và lương tri bảo ta rằng sự tồn tại của ta chỉ là một kẽ sáng hẹp giữa hai cõi hư vô bất tận của bóng tối."

Nhiều khi chỉ vì một cái lúm đồng tiền mà người ta cưới cả một người đàn bà làm vợ, phải chăng ta cũng nên dịch cả một cuốn sách chỉ vì một câu mở đầu tuyệt hay?

24 December 2019

Liều thuốc cần thiết cho những đứa trẻ hận thù

Tượng Pyotr đại đế tại cố đô Nga


Có hai thành phố ảnh hưởng rất mạnh đến thời thanh niên của tôi, là Stockhom và Saint Petersburg (Ленинград). Chúng nằm cách nhau không xa, và ít nhiều liên quan đến một nhân vật vĩ đại là Pyotr I Đại Đế (Пётр I Великий).

Người Nga hết sức kính trọng vị Hoàng Đế này của họ, vì dưới thời cai trị của ông ta, nước Nga đã phát triển rực rỡ, đánh bại hai cựu thù là đế quốc Ottoman và Thụy Điển, tái chiếm các lãnh thổ đã mất và lấy đường thông ra biển.

Thụy Điển đã từng là một đế quốc hùng mạnh ở châu Âu, họ liên tục tấn công Nga và cướp được không ít lãnh thổ của quốc gia này. Do Moscow nằm quá xa vùng biển của Nga, nơi Thụy Điển thường xuyên quấy phá, nên vào năm 1703, Pyotr Đại Đế đã đến một vùng đất hẻo lánh nằm ngay vịnh Phần Lan của biển Baltic, phi ngựa lên một quả đồi, cắm ngọn giáo xuống đất, và nói: Đây sẽ là thủ đô của nước Nga.

Hành động huyền thoại này của Pyotr Đại Đế đã thể hiện tầm nhìn vượt trội và quyết tâm sắt đá của một nhà lãnh đạo kiệt xuất.

Sau đó là một cuộc chiến vĩ đại giữa Nga và Thụy Điển, kết thúc bằng việc Thụy Điển thất bại nặng nề, và hòa ước Nystad giữa Nga và Thụy Điển được chính thức ký kết ngày 14 tháng 9 năm 1721. Theo Hòa Ước này, Thụy Điển phải cắt nhường cho đế quốc Nga vĩnh viễn các vùng Livonia, Ingria và Estonia, cùng với Karelia kéo dài đến Vyborg.

Thất bại này cũng chấm dứt vĩnh viễn các tham vọng bá quyền của Thụy Điển, và họ đã tập trung các nguồn lực của mình vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, để đạt được vị thế ngày nay: một trong những quốc gia có GDP đầu người cao nhất thế giới và hệ thống an sinh xã hội hoàn hảo hạng nhất.

Nói lại một chút về lịch sử, để giải thích cho sự kinh ngạc của tôi, một đứa trẻ lớn lên trong đủ thứ hận thù với các dân tộc khác, khi nhìn thấy bức tượng Pyotr Đại Đế tại một quảng trường nhỏ ở Stockholm. Người bạn đi cùng, một người Thụy Điển chính gốc, cao to và nhợt nhạt như hầu hết những người Bắc Âu khác, đã giải thích cho tôi hiểu rằng "đồng bào" của anh rất tôn trọng Pyotr Đại Đế và họ cho rằng chính sự thịnh vượng ngày nay của họ có phần công lao của vị Hoàng-Đế-kẻ-thù này.

Lịch sử châu Âu là những cuộc chiến liên miên giữa các nước láng giềng. Hầu như bất cứ dân tộc châu Âu nào cũng có những món nợ đẫm máu với dân tộc khác trong cùng lục địa. Và đó cũng là vấn đề của toàn thế giới. Mỹ đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật, giết chết hàng trăm ngàn người. Hàng triệu người đã chết trong chiến tranh thế giới thứ Hai. Không thể tìm được hai đất nước có chung biên giới mà lại không có những món nợ đẫm máu người, những tranh chấp lãnh thổ không thể giải quyết, những bất đồng không bao giờ tìm được tiếng nói chung! Đó là cuộc sống, đó là cái bi, cái hài, cái xấu và cũng là cái đẹp của cuộc sống chúng ta!

Vậy nên hãy mỉm cười với chúng, hãy nhìn về phía trước, hãy nghĩ đến tương lai, bởi lẽ những gì đã thuộc về quá khứ thì không thể nào thay đổi được nữa. Đừng vác mãi trên lưng cây thánh giá của sự định kiến, nó sẽ càng ngày càng nặng và rồi sẽ đè bẹp anh một ngày nào đó. Biết buông bỏ thì sẽ nhẹ lòng hơn, và sẽ bước lên được những tầng cao mới. William Clay đã từng nói "Không có kẻ thù vĩnh viễn hay bạn bè vĩnh viễn, chỉ có những lợi ích vĩnh viễn" ("There are no permanent enemies, and no permanent friends, only permanent interests.").

Phải chăng câu nói ấy cũng là liều thuốc cần cho một đứa trẻ mãi vẫn không lớn được vì gánh mãi những hận thù?

17-02-2014

23 December 2019

Mong manh



Độ ngày này bốn năm trước, tôi dịch xong truyện ngắn đầu tiên trong bộ Mỹ Nhân Nga của Nabokov, với cái tên tiếng Việt là "Dấu hiệu và Biểu hiệu", rồi vài hôm sau nó được đăng trên TTCT, và mãi gần đây tôi mới biết nó được đánh giá là truyện ngắn hay nhất của ông ấy.

Thực ra cá nhân tôi thích một số truyện khác của ông ấy hơn, nhưng không thể phủ nhận rằng "Dấu hiệu và Biểu hiệu" được viết với bút lực phi thường của một văn hào vĩ đại đang ở đỉnh cao sự nghiệp, nó mang trong mình những câu chuyện khác, những tầng nghĩa khác, và cũng bí ẩn như nhiều tác phẩm khác của Nabokov.

Nhưng với tôi thì quá trình dịch truyện ngắn ấy đi với một ký ức nặng nề.

Cũng khoảng cái đêm trước hôm tôi dịch xong, khi đi chơi về nhà lúc đêm đã khuya, tôi chợt nghe tiếng mèo kêu khe khẽ ngay cổng nhà, và khi chạy đến thì thấy con mèo của tôi đang hấp hối, có lẽ nó mới bị chiếc ô tô nào đó cán lên khi trèo ra ngoài hàng rào đợi chủ. Mèo nhà mà, rất ngây thơ với ánh đèn xe cộ. Rồi chỉ vài phút sau nó chết, chắc cũng chỉ cố đợi chủ được đến thế. Lúc mang nó đi, tôi chẳng nghĩ được gì, ngoài những dòng chữ dưới đây của Nabokov trong truyện ngắn ấy.

"... về sự mong manh nhiều không đếm xuể trên trái đất này; về định mệnh của những mong manh ấy, những thứ sẽ bị nghiền nát hoặc bị quăng đi, hoặc bị làm cho biến thành điên loạn; về những đứa trẻ bị bỏ rơi ư ử tự hát cho mình nghe ở các góc phố không ai quét dọn; về những cây cỏ dại tuyệt đẹp không giấu được mình khỏi bác nông dân và phải bất lực dõi theo bóng dáng gù như khỉ của bác bỏ lại những bông hoa xơ xác theo các bước chân, tựa như bóng tối hắc ám gớm guốc đang tiến đến gần."

Đúng 2 năm sau ngày ấy, rốt cuộc cuốn sách cũng ra đời, dù lúc đầu tôi chẳng nghĩ là mình sẽ có đủ thời gian và đam mê cho hàng trăm trang sách vô cùng phức tạp. Nhưng, cứ mỗi khi muốn bỏ cuộc thì lại nhớ đến hình ảnh đêm ấy, và muốn ngồi xuống dù chỉ một chút, để nhìn vào một góc thế giới của Nabokov. Và để hy vọng rằng sống không chỉ "có nghĩa là chấp nhận đánh mất hết niềm vui này đến niềm vui khác", mà, biết đâu, đôi khi niềm vui vẫn còn quay lại, dù là dưới một hiện thân khác mà thôi.

14-08-2016

19 December 2019

Một ngày lịch sử: Trump bị luận tội



Đêm qua xem bọn chính trị gia Mỹ họp bàn luận tội tổng thống, kịch tính và hay hơn xem chung kết giải WC bóng đá nhiều lần. Đáng tiếc là báo chí VN không dịch lại và tường thuật trực tiếp từ CNN. Cứ mỗi 4 năm lại có một trận chung kết bóng đá toàn cầu, nhưng hơn 200 năm nay chỉ có 3 tổng thống Mỹ bị luận tội. Đêm qua là một thời điểm lịch sử, rất đáng để theo dõi!

Cảm xúc chung của tôi là buồn, thật sự. Buồn vì sự trắng trợn của các chính trị gia bên Cộng hòa, buồn vì nền dân chủ Mỹ bị tổn thương nghiêm trọng, buồn vì một cơ chế được thiết kế rất tốt nhưng để lộ một lỗi nghiêm trọng là Trump. Buồn vì sự giả dối và sự tha hóa của con người, dù họ đã có quá nhiều và thậm chí là quá thừa.

Mong rằng nước Mỹ, cũng như mọi cơ thể sinh học khác, có khả năng tự chữa bệnh, và sẽ vươn lên, thoát khỏi, tống khứ được biểu tượng của sự phân biệt chủng tộc, giới tính, tham lam, độc tài và cực đoan đến mức thô bỉ - tổng thống đương thời của nó.

Dẫu có nói thế nào, nước Mỹ xứng đáng với một lãnh đạo tử tế và thông minh hơn, và rõ ràng đã đến lúc nước Mỹ cần thay đổi, vì công nghệ mới đã làm cho cơ chế bầu cử mị dân của nó không còn thích hợp nữa. Các triết gia từng thiết kế ra hiến pháp Mỹ có lẽ không hình dung nổi một thời đại như hiện nay, và chắc chắn họ sẽ kinh hoàng nếu được hồi sinh và nhìn thấy Trump.

18 December 2019

Đừng biến mình thành nguồn gieo rắc năng lượng xấu



Báo Nhân Dân



Trẻ, thông thạo nhiều ngoại ngữ, làm kinh doanh giỏi, dịch giả Thiên Lương được biết đến nhiều trong vài năm gần đây nhờ bản dịch các tác phẩm thuộc hàng kinh điển của văn hào gốc Nga Vladimir Nabokov. Facebooker Thiên Lương (ảnh bên) còn được nhiều công dân mạng biết tới với cách nhìn nhận vấn đề luôn logic, khách quan, duy lý, anh cũng là đối trọng của một bộ phận cư dân mạng có thói quen chê bai. Vẫn tâm thế tự tin, lạc quan và hài hước, dịch giả - facebooker Thiên Lương trò chuyện cùng Nhân Dân hằng tháng ngay khi dư vị mùa xuân còn phảng phất:


Là một du học sinh được đào tạo bài bản ở nước ngoài, rồi một ngày, bút danh Thiên Lương bỗng đình đám trên văn đàn vì bản dịch tác phẩm văn học hay và khó đọc vào bậc nhất: Lolita của Nabokov. Anh muốn tìm kiếm sự nổi tiếng bằng cách tự làm khó chính mình, hay vì quá thất vọng với thực trạng dịch thuật văn học trong nước, hoặc một lý do nào đó thuần khiết hơn?

Câu chuyện về bản dịch Lolita của tôi khá thú vị. Thật ra ai theo dõi từ đầu đều biết nó xuất phát từ một cuộc tranh luận nổi tiếng trên báo chí và mạng xã hội. Do những lỗi dịch quá hiển nhiên thậm chí ngay từ những dòng đầu tiên của bản dịch Dương Tường, nên có khá nhiều người muốn dịch lại kiệt tác này. Tuy nhiên mọi người bỏ cuộc rất nhanh sau vài ba trang đầu. Nói chung, theo tôi dịch thuật không phải là công việc có thể làm theo nhóm. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về các cuộc tranh luận dịch thuật, nhưng tôi cho rằng chúng rất có ích vì không thể để kéo dài mãi tình trạng “đọc không thông mà dịch rất thạo”, nói cho cùng thì bản dịch nào cũng phải bám sát bản gốc chứ không thể bịa ra cho xuôi tai rồi nhận là đồng tác giả được. Không rõ ngày xưa thế nào chứ ngày nay thì việc phóng tác đó là một sự vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Bất cứ hợp đồng bản quyền dịch nào cũng có lưu ý đến điều này! Trên thực tế thì cuộc tranh luận về Lolita cũng đưa đến kết quả tích cực là dịch giả phải công khai xin lỗi vì đạo chú thích, nhà sách phải tiến hành biên tập lại toàn bộ cuốn sách, và độc giả có thêm một bản dịch mới. Ngoài việc Lolita là một kiệt tác đặc biệt, luôn được xếp hạng đầu trên văn đàn thế giới, tôi thích Nabokov còn vì ông ấy là một người con của nước Nga vĩ đại, và dẫu có viết tiếng Anh thì chất Nga trong văn chương của ông ấy vẫn rất rõ. Một điều đáng tiếc là mặc dù được đánh giá rất cao trên văn đàn thế giới nhưng cho đến nay văn học Nga chưa được tôn trọng đúng mức ở Việt Nam, một số tác phẩm lớn của họ tuy đã được dịch ra tiếng Việt nhưng hầu hết bị dịch qua ngôn ngữ thứ ba, và dĩ nhiên chúng ta đều biết rằng bản dịch qua ngôn ngữ trung gian sẽ có chất lượng kém.

Cũng giống như anh, facebooker Thiên Lương nhiều năm qua, trên trang cá nhân của mình đã không ngừng phân tích, chỉ ra tư duy cảm tính, theo số đông của một bộ phận cộng đồng mạng Việt Nam, nhất là khi cư dân mạng bày tỏ quan điểm, cách nhìn nhận về các vấn đề xã hội liên quan đến số đông. Trên mạng xã hội có cụm từ “auto chửi”, chỉ những “công dân mạng”, luôn chửi bới, phản bác bất cứ một chủ trương chính sách mới nào. Facebooker Thiên Lương làm cách nào để luôn giữ được thái độ điềm đạm, khách quan, thậm chí hơi hài hước để khai mở cho một đám đông bất mãn?

Ta có thể thấy, ở ngoài đời khi gặp đám cháy trong nhà hát, đám đông thường dồn hết về một chỗ để rồi kẹt cứng ở đó chứ ít ai bình tĩnh nghĩ xem còn lối nào khác để thoát thân. Một điều dễ thấy là đám đông facebook cũng tương tự thế, có một dạng trí tuệ tập thể. Facebook là một môi trường đặc biệt phù hợp với trí tuệ tập thể do nó được xây dựng sao cho kích thích đám đông tự dạy nhau cách đưa tin để được like nhiều. Thành thử nhiều khi một cá nhân được đám đông dạy cho cách viết, chứ không phải là ngược lại. Nhiều người nổi tiếng trên facebook Việt Nam, viết bài thường được vài nghìn like, nhưng tôi thấy chẳng khác gì những diễn viên thú trong rạp xiếc. Thời gian đầu mới lên mạng, họ khá hiền lành, mỗi ngày than thở vài câu, tản mạn dăm dòng, tối đến làm nửa tá thơ cóc, chia sẻ ảnh vợ con, cảnh đẹp quê hương đất nước... Đến một ngày nọ, do bức xúc gì đó, họ chửi bới xã hội, chính quyền, được like nhiều hơn rất nhiều, thế là họ nhớ cái cảm giác được like ấy. Khi họ quay lại viết thơ, tản mạn, tâm sự, chụp ảnh, nói những điều tử tế thì chẳng mấy ai quan tâm. Dần dần họ trở thành một kẻ chê bai mọi thứ. Thật ra rất nhiều facebooker là nạn nhân của những kẻ like họ, bị đám đông huấn luyện, chứ không phải là người dẫn dắt đám đông như họ lầm tưởng về mình. Tại sao tin xấu được like nhiều thì do bản năng con người thôi, khi đọc tin xấu có lẽ họ được an ủi. Còn nói về không khí chung thì tôi không nghĩ xã hội bên ngoài có nhiều người bất mãn như trên facebook. Cuộc sống thật tươi đẹp và lạc quan hơn nhiều so với những gì chúng ta chứng kiến hằng ngày trên mạng. Tuy nhiên triết lý của facebook làm cho sự bất mãn dễ cộng hưởng, làm cho cái xấu và tin tức giả mạo dễ lan truyền nhanh và rộng. Đó cũng là điều mà rất nhiều người, thậm chí lãnh đạo của facebook, nhận ra rồi. Tuy nhiên hiện nay họ vẫn kiếm được rất nhiều tiền từ đó, cho nên khó có hy vọng là họ sẽ làm gì để thay đổi triệt để.

Mới đây, để đáp trả lại một bộ phận bi quan trước bảng xếp hạng GDP bình quân đầu người một số quốc gia Đông - Nam Á, khi thấy GDP Việt Nam thua cả nước bạn Lào, anh viết, có đoạn: “Đời thế nào là do cái tâm ta mà ra cả. Nếu muốn kích động dân chống chế độ, thì nhìn cái bảng này thấy Việt Nam thua hết, hơn mỗi Campuchia. Còn nếu nhìn với cái tâm sáng, thì thấy Việt Nam tăng trưởng thần kỳ, từ chỗ bằng 1/2 Lào, 1/7 Philippines, nay đã gần đuổi kịp. Và cứ thế này hai thập niên nữa thì ta chắc chỉ còn thua mỗi Singapore”. Một status mạch lạc, khoa học, logic và công tâm của anh trên facebook cá nhân rất thuyết phục, và dường như “bóc trần” được tâm thế thật của số không ít người tham gia mạng xã hội?

Đám đông luôn có kiểu tư duy thiên về cảm tính, không dựa trên số liệu và không biện chứng, không đặt sự việc trong bối cảnh liên quan. Còn nếu nhìn với cái tâm sáng thì ai cũng phải thấy những thành tựu vượt bậc trong kinh tế và mọi mặt khác trong xã hội. Xuất phát điểm của đất nước chúng ta rất thấp, mặc dù trước 1975, miền bắc có thu nhập GDP trên đầu người tương đương miền nam bất chấp chi tiêu của hàng trăm ngàn lính Mỹ ở miền nam, nhưng cả hai miền đều nghèo nhất châu Á. Trước cách mạng, tỷ lệ người dân mù chữ lên đến 95%. Chiến tranh kéo dài cũng làm chúng ta thiệt hại nặng nề về mọi mặt. Chỉ sau hơn hai thập niên đổi mới, hiện nay tuy còn thua kém nhưng khoảng cách giữa chúng ta và các nước khu vực đã giảm xuống rất nhiều, và nếu duy trì được tốc độ phát triển như những năm gần đây thì chỉ độ hai chục năm nữa Việt Nam sẽ vượt một số nước trong khu vực, và lọt vào 20 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vì vậy chúng ta nên lạc quan hơn với tương lai đất nước, và thật sự thì tình hình chung đang tốt đẹp về mọi mặt. Chính Tổng thống Mỹ còn phải ca ngợi sự phát triển thần kỳ của Việt Nam, tại sao chúng ta lại phải bi quan? Nhiều khi đám đông tư duy rất định kiến, y như trẻ con vậy, trong khi mọi số liệu hiện nay đều rất dễ tìm thấy trên internet, mà người ta vẫn chỉ tin vào những gì người ta muốn tin và chỉ nhìn thấy cái đã in sâu vào đầu họ. Không phải lúc nào tư duy lý tính thuần túy cũng tốt, như tổ tiên ta vẫn nói: làm gì cũng phải có tình, có lý. Tuy nhiên nếu coi “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình” thì cũng không tốt, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa như ngày nay, khi chúng ta phải làm việc với những cường quốc có cách suy nghĩ rất duy lý.

Một số tác phẩm của Nabokov do Thiên Lương dịch
Theo anh, liệu có cách nào để cộng đồng mạng trong nước tham gia mạng xã hội văn minh, tích cực và đúng pháp luật hơn?

Tôi nghĩ Nhà nước nên xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin thất thiệt, kích động chia rẽ dân tộc, phân biệt chủng tộc và xuyên tạc đường lối chính sách. Thực tế chúng ta cũng thấy người dân bắt đầu nhận thức được sự bất tín của các nguồn tin trên mạng, ngày trước các facebooker phản động rất dễ nhận được hàng nghìn like với các bài viết nhảm nhí xuyên tạc, hoặc các tấm hình bị sửa đổi, còn hiện nay thì rất nhiều người đã vào phản đối chúng. Và có nhiều bạn trẻ đã tự lập ra các trang riêng để phản bác lại luận điệu của các nhóm phản động quá khích. Theo sự phát triển tất yếu của đất nước thì mạng xã hội cũng văn minh theo thôi. Tuy nhiên những đất nước phát triển quá nhanh như chúng ta còn gặp vấn đề về khoảng cách thế hệ. Những người cũ, lớn lên trong thời kỳ đất nước quá khó khăn, chia nhau từng mảnh áo, cân thịt, tất nhiên sẽ khó có tiếng nói chung với các bạn trẻ mới ra trường vài năm mà lương đã hàng chục triệu mỗi tháng. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nên có trách nhiệm với đất nước hơn chứ đừng chạy theo vài cái like ảo trên mạng và để đám đông huấn luyện, chi phối, rồi tự biến mình thành những nguồn gieo rắc năng lượng xấu cho mọi người.

Trân trọng cảm ơn dịch giả - facebooker Thiên Lương!
Mi Sol (Thực hiện)


17 December 2019

Tác phẩm


  1. Lolita
  2. Mỹ Nhân Nga
  3. Pnin
  4. Mây, hồ, tháp
  5. Thanh âm
  6. Dân Dublin
  7. Bức tranh Dorian Gray 
  8. Mashenka
  9. Phòng thủ Luzhin


Phê bình dịch thuật và song đề tù nhân

Lolita, bản dịch Thiên Lương

Vietnamnet
Ngày 10/5/2013

Thái độ đối đầu của dịch giả và giới phê bình đã làm cho họ không thể ngồi nói chuyện với nhau được về những cái quan trọng hơn trong văn chương.

Thời gian gần đây luôn có những đợt sóng phê bình ào ạt vỗ vào ốc đảo nhỏ nhoi lởm chởm đá tai mèo và thấp thoáng những ngọn hải đăng cũ kỹ trong sương chiều của nền văn học dịch nước nhà. Cũng lạ là từ chỗ chỉ biết gục đầu thành kính đọc tất cả những gì được dịch ra tiếng Việt, độc giả lại quay ngoắt qua chê trách hầu như là tất cả các bản dịch, dù chúng được dịch từ những cây đa cây đề bấy lâu nay vẫn được tưới tắm cẩn thận và thường xuyên bởi những bài báo, giải thưởng, và lời khen (lẫn nhau) của người nhà.

Người thì bảo các thảm họa dịch thuật có nguyên nhân do biên tập quá ẩu, người thì phân trần do nhuận bút quá bèo làm cho dịch giả không thể dịch cho kỹ, người lại nói… từ trước đến nay văn học dịch vốn dĩ là loạn, sao lại ném đá chúng tôi, chỉ vì chúng tôi sinh ra phải cái thời mà bất cứ ai cũng có thể tra cứu tiếng Anh và có được bản gốc chỉ bằng vài cú bấm chuột hay là chạm đầu ngón tay?

Phê bình hay đập cho chết?

Đứng trên một góc độ nào đó, thì rõ ràng là phê bình dịch thuật đang ở trong một giai đoạn rất thiếu tính xây dựng đối với dịch giả. Hầu như các bài phê bình mang tính “đập chết ăn thịt”, tìm và thống kê hàng loạt lỗi dịch sai thô thiển đến mức không thể chấp nhận nổi, rồi kết luận là dịch giả quá kém. Tuy nhiên, những lỗi còn nguy hiểm hơn ví dụ như dịch sai hoàn toàn ý tác giả (mặc dù đúng từng từ trong từ điển) thì lại ít khi được đề cập đến.

Điều này làm cho dịch giả rất ấm ức, và luôn phân trần rằng ai cũng có thể dịch sai từ, những phê bình kiểu moi móc vài chục lỗi sai trong một bản dịch hàng chục hay hàng trăm ngàn từ là khá bất công với dịch giả. Thậm chí có dịch giả còn phản ứng quyết liệt bằng cách hỏi nhà phê bình xem, chẳng hạn, anh nói tôi dịch sai hàng ngàn từ, thì chứng cứ đâu?

Tuy nhiên, không một tờ báo tử tế nào sẽ chịu đăng một bài viết chỉ để liệt kê 3000 lỗi trong một cuốn sách nào đó. Và với những lỗi mang tính học thuật, tranh luận về các đoạn dịch sai ý tác giả mặc dù đúng đến từng chữ, sẽ tốn giấy tốn mực đến mức chúng chỉ có thể đăng trên các trang web cá nhân của nhà phê bình.

Chính điều đó đã dẫn đến tình trạng phải nói là phê bình dịch thuật theo kiểu quyết liệt triệt hạ cho bằng được như hiện nay trên báo chí VN. Những người phê bình không muốn mất thời gian vào chuyện tranh cãi triền miên về một quan điểm dịch với hàng ngàn bài viết xung quanh chỉ một từ duy nhất, điển hình là chỉ với một từ của nhà văn Tim O’Brien mà giới phê bình đã phải thư qua tin lại đến vài chục bài, tốn giấy tốn mực của hầu hết các tờ báo lớn nhỏ của VN, đủ thấy việc phê bình học thuật gian nan đến mức nào, và thái độ phản ứng đến cùng của dịch giả đã đưa đến một kiểu phê bình chỉ nhằm vào việc dịch sai từ. Anh không chịu nhận chỗ này anh dịch sai ý phải không, thế thì tôi sẽ chỉ cho anh hàng chục, hàng trăm chỗ anh dịch sai nghĩa nhé?

Dịch sai tiếng Anh quả thật là tệ, nhưng đáng tiếc đây chưa phải là lỗi nghiêm trọng nhất trong dịch thuật. Đương nhiên với các nhà văn lớn, như Tim O’Brien, Nabokov,… thì không nên và không thể dịch sai dù chỉ một từ, do họ đều suy ngẫm từng từ ngữ họ viết; nhưng một bản dịch vẫn có thể sai hoàn toàn mặc dù dịch sát đến từng chữ. Nhất là những bản dịch từ tiếng Anh – một thứ tiếng có những nghĩa thay đổi hoàn toàn theo ngữ cảnh của nó.

Thái độ đối đầu của dịch giả và giới phê bình đã làm cho họ không thể ngồi nói chuyện với nhau được về những cái quan trọng hơn trong văn chương. Rất khó, và thực tế là không thể bảo một cái đang tưởng nó là ngọn Hải Đăng, rằng nó cần phải đổi hướng đi.

Phê bình có dễ không?

Ở một đất nước duy tình hơn duy lý như VN chúng ta, nơi mà người ta vẫn bảo nhau rằng một bồ cái lí không bằng một tí cái tình, thì phê bình dịch thuật nói riêng và phê bình nói chung là một việc cần nhiều dũng cảm hơn là người ta tưởng.

Có trăm ngàn cách nói để người ta trách cứ một nhà phê bình: Nó còn quá ít tuổi, anh phê bình thế thì làm sao nó còn có nhiệt tình để dịch tiếp? Ông ấy đã quá già, sao anh có thể nói như thế với một người già? Cô bé đó viết như vậy là khá rồi, sao anh lại đòi hỏi quá nhiều ở một cô gái viết văn? Dịch giả đó đang gặp những chuyện buồn đấy, anh làm vậy ác quá! Tác phẩm đó rất là khó, dịch được như thế hoàn toàn không dễ, anh nên có tinh thần xây dựng hơn! Cái chuyện ấy thì dịch sao mà chẳng được, anh xét nét quá đáng! Đó là chưa kể một số người còn cho rằng phê bình một tác phẩm đôi khi chỉ giúp cho nó bán chạy hơn. Thậm chí nghi ngờ… nhà phê bình là tay trong của nhà sách!

Song đề tù nhân

Thực ra hiện nay, đã là trí thức thì ai cũng có thể là dịch giả hoặc nhà phê bình dịch thuật. Hai vai trò đó không đối kháng lẫn nhau trong một cá nhân. Và nó gợi lại bài toán nổi tiếng có tên là Song Đề Tù Nhân trong lý thuyết trò chơi (game theory). Tóm lược như sau: Hai kẻ bị tình nghi là tội phạm bị cảnh sát bắt. Cảnh sát không có đủ chứng cớ để kết án họ, nên đã cách ly họ. Cảnh sát gặp từng người một và làm cùng thoả thuận: nếu một người thú tội mà người kia im lặng, người im lặng sẽ bị phạt 10 năm tù và người thú tội sẽ được thả tự do. Nếu cả hai đều im lặng, cảnh sát chỉ phạt được mỗi tù nhân 6 tháng tù vì một tội nhỏ nào đó khác. Nếu cả hai đều thú tội, mỗi người sẽ bị phạt 2 năm.

Về mặt lý thuyết thì cả hai nên giữ im lặng để cùng bị phạt ít nhất. Nhưng trong thực tế thì các thí nghiệm cho thấy đa phần người ta chọn giải pháp thú tội. Lý thuyết trò chơi đã có sự phát triển mạnh từ khi John von Neumann là người đầu tiên hình thức hóa nó trong thời kỳ trước và trong Chiến tranh Lạnh, chủ yếu do áp dụng của nó trong chiến lược quân sự, nổi tiếng nhất là khái niệm đảm bảo phá hủy lẫn nhau mà các siêu cường áp dụng để phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân hủy diệt của họ. Những ý tưởng từ lý thuyết trò chơi cũng tìm được chỗ đứng trong việc xây dựng một thị trường cạnh tranh, khi các nhà cung cấp không thể bắt tay nhau để mưu lợi cho nhóm của mình.

Quay về vấn đề phê bình dịch thuật, có thể thấy giải pháp tốt nhất cho giới dịch giả là im lặng trước tất cả những sai sót của đồng nghiệp. Thực tế vừa qua đã cho thấy một nhà cựu-phê bình đã bị phê bình khốc liệt đến thế nào. Có lẽ anh cũng có đôi chút ăn năn về những lời ngày xưa mình đã viết về đồng nghiệp! Tuy nhiên điểm cân bằng mang tính lợi ích nhóm này rất mong manh và sẽ nhanh chóng bị phá vỡ. Thực tế thì cộng đồng không được lợi ích gì khi phải mua sản phẩm được “sản xuất” ra từ một nhóm “đoàn kết nhất trí cao” như thế.

Dù giới dịch giả có phản ứng đến thế nào, thì vai trò của các nhà phê bình là cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng - ở đây là những độc giả mua sách dịch. Chúng ta cần ủng hộ các nhà phê bình cũng nhiều như ủng hộ các bản dịch chất lượng cao. Không thể chấp nhận thái độ của một số dịch giả coi việc dịch sách là một công việc cá nhân bất chấp độc giả, coi độc giả chỉ như những kẻ ăn “cơm mớm” từ miệng dịch giả. Hàng triệu độc giả không biết tiếng Anh và bỏ tiền ra để mua các “dịch phẩm”, sẽ nghĩ thế nào khi biết dịch giả coi thường họ như thế?

Phê bình như thế nào?

Như đã nói ở trên, báo chí không thể đóng vai trò có tính chuyên môn trong việc phê bình dịch thuật, báo chí chỉ có thể rung những hồi chuông cảnh báo về chất lượng của một bản dịch nói riêng, hay là một xu hướng dịch loạn nói chung; và để làm như vậy nó buộc phải dùng biện pháp nghiệp vụ đặc thù của mình là “đánh” vào những biểu tượng nhất định, hoặc vào những thứ mang tính biểu tượng.

Để việc phê bình dịch thuật thực sự mang lại hiệu quả, thì sau những bài báo sẽ phải là các nghiên cứu chuyên sâu hơn, thậm chí là những hội thảo chỉ nhằm vào việc phân tích một bản dịch. Các dịch giả cũng nên từ bỏ tâm thế coi tất cả những phê bình là nhằm vào cá nhân hay một công ty, một nhà sách nhất định. Nếu anh là một dịch giả lương thiện, yêu nghề, hãy đừng ngại lời phê bình, dù nó đúng hay sai, thì nó cũng là những cơ hội để anh hiểu được mình, hiểu được tác phẩm mình đã dịch. Và trên hết, chính những lời phê bình đó sẽ tạo ra một môi trường lành mạnh mà các tác phẩm dịch của anh mong muốn mang đến cho độc giả.

Nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: “Khi tôi chết, nhớ chôn tôi cùng một thằng phê bình!” Cũng không hiểu cụ nói thế là quá ghét hay là quá yêu các nhà phê bình. Nhưng chắc chắn rằng sống hay chết, thì phê bình vẫn phải đồng hành với văn chương, dù đó chỉ là văn chương dịch.

Thiên Lương

‘Mashenka’ của Nabokov: Tiểu thuyết đầu tay khởi nguồn cho những cay đắng



‘Mashenka’ của Nabokov: Tiểu thuyết đầu tay khởi nguồn cho những cay đắng
Mashenka ở bảo tàng Nabokov tại St. Petersburg

Bài trên Thể Thao Văn Hóa

Sau khi giới thiệu nhiều tác phẩm lớn về sau của Vladimir Nabokov, dịch giả Thiên Lương mới đây đã dịch và xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của đại văn hào người Nga, Mashenka.

“Mashenka là tiểu thuyết đầu tay của tôi. Tôi bắt đầu làm việc với nó ở Berlin, ngay sau khi lập gia đình vào mùa xuân năm 1925”, Nabokov nói viết trong lời tựa cho ấn bản ở Mỹ.

Nói tới tiểu thuyết đầu tay, ít nhiều sẽ có cảm giác về sự ngây ngô, non tay. Điều này không hẳn sai, nhưng lại cũng chẳng hẳn là xấu. Đặc biệt với những nhà văn lớn, sẽ là điều thú vị dành cho độc giả khi được gặp lại họ vào thời điểm các trải nghiệm đều non mới (như Những đêm trắng của Fyodor Dostoyevsky) và nhất là, thỉnh thoảng lại có những riêng tư được gài gắm.

Mặc dù sinh thời luôn phản bác chuyện gắn tác phẩm với kinh nghiệm đời thực của tác giả, tuy nhiên, trong tiểu thuyết đầu đời đặc biệt này, bản thân Nabokov thừa nhận đã vi phạm nguyên tắc của mình: “Thiên hướng ai cũng biết của người mới vào nghề trong việc xâm phạm sự riêng tư của chính mình, bằng cách tự giới thiệu mình, hoặc một thế nhân, vào tiểu thuyết đầu tay, ít nhờ vào sự hấp dẫn của chủ đề có sẵn hơn là vào sự khuây khỏa do thoát được khỏi chính mình trước khi vươn tới những điều tốt đẹp hơn”.

Cụ thể, sẽ có những tương đồng nhất định giữa các kỷ niệm của Nabokov với nhân vật Ganin, giữa nàng Mashenka với nàng Tamara của ông và ở cả những khung cảnh làng quê giữa thực và truyện. Hơn thế nữa, Mashenka có thể coi là khởi thủy cho các nhân vật nữ trong những kiệt tác sau này của Nabokov.

Cụ thể, trong bài phỏng vấn với tạp chí Vogue, ông đã ngầm thừa nhận “mối quan hệ, nếu có, giữa nữ nhân vật đầu tiên của tôi và Ada gần đây của tôi”. Tuy không nhắc tới Lolita, tuy nhiên, độc giả dễ dàng ướm Ganin và Mashenka với chút gì đó của Humbert và Annabel. Tất cả đều kết thúc trong cay đắng.

Chú thích ảnh
Mashenka là bản dịch thứ 8 của dịch giả Thiên Lương


Nhưng cần phải nói rằng, dù Mashenka có những yếu tố ngây thơ, có tình tiết riêng tư, nhưng nó phần nào giống như một dạng prequel (tiền truyện), tức là đứng ở vị trí một lão làng hiện tại để giải mã quá khứ, chứ không phải người chập chững lần đầu cầm bút sáng tác.

Thật vậy, chỉ qua vài trang đầu, người hâm mộ Nabokov dễ dàng nhận ra văn phong cũng như chủ đề quen thuộc sẽ được ông khai thác sâu về sau, trong hầu hết mọi tác phẩm. Đó là khả năng sử dụng tính từ chuẩn xác, cảm thức tha hương, tàn ác với nhân vật, thậm chí thói giễu nhại Freud và đặc biệt, là những cú đánh đột ngột. Trong khi độc giả đang thư thái lang thang ở một góc phố tĩnh lặng, đẹp đẽ thì Nabokov bỗng từ đâu kéo giật họ lại vào một ngõ hẻm, nơi những cảm xúc hổ thẹn đi bỗng bị lột trần.

Mashenka, do Thiên Lương dịch, dài 176 trang, vừa ra mắt vào hè này và hiện có thể mua rộng khắp tại các tiệm sách cũng như trên các trang mua bán trực tuyến.

Thư Vĩ
Cocobay

Vụ ông cụ đầu tư 600 tỷ vào Cocobay là ví dụ điển hình của đòn bẩy tài chính, một thứ mà dân chơi chứng khoán, bất động sản rất hay dùng. Tiện thể, thầy chỉ cho các em xem nó là như nào.

Đúng như từ đòn bẩy, kỹ thuật đầu tư này sẽ cho bạn mua số hàng có giá trị lớn hơn nhiều lần so với vốn bạn có. Ví dụ bạn có 1 tỷ đồng, người ta sẽ cho bạn vay thêm 2 tỷ để mua 3 tỷ tiền hàng, với lãi suất 10% chẳng hạn, và sau một thời gian nhất định, giả dụ 1 năm, sẽ có 2 trường hợp sau.

 1. Hàng tăng giá 30% lên 3.9 tỷ, bạn bán đi. Trả lại ngân hàng 2 tỷ vốn, 200 triệu lãi. Bạn còn lãi 700 triệu. Coi như lãi 70% trên vốn.

 2. Hàng giảm giá 30% còn 2.1 tỷ, bạn không muốn bán cũng phải bán. Trả lại ngân hàng 2 tỷ vốn, 200 triệu lãi. Bạn còn nợ 100 triệu.

 Trường hợp 2 được bọn Mỹ đặt cho một cái tên rất mỹ miều và rùng rợn là margin call. Có cả phim, mời gúc.

 Khi bạn được mời mua nhà, mời mua cổ phiếu, mời đầu tư, cò luôn trình bày phương án 1 cho bạn, và luôn lờ đi phương án 2.

 Tuy nhiên đời không như mơ. Rất nhiều nhà đầu tư, nếu như không muốn nói là đa số, rơi vào trường hợp 2. Đừng nghĩ họ ngu nhé, có một cao thủ ngành tài chính, tóc bạc phơ dù còn rất trẻ, cũng đang ngồi tù vì vậy đó.

 Ông cụ mua 600 tỷ Cocobay cũng làm vậy thôi: Vốn gần 200 tỷ, vay 402 tỷ, mua 600 tỷ tiền nhà với hy vọng có dòng thu nhập 60 tỷ mỗi năm và nhà lên giá. Lãi vay ngân hàng thì mỗi năm phải trả độ 45 tỷ. Ví dụ nhà lên giá thành 1000 tỷ thì cụ bỏ túi ngon ơ 400 tỷ lãi trên vốn 200 tỷ.

Cụ chả ngọng đâu. Nhưng làm sao cụ giỏi bằng 3 tay chơi lão luyện là ngân hàng, nhà nước và chủ đầu tư được. Cụ chỉ là con gà trong ván tá lả đủ 4 tay.

 Sau 2 năm êm đềm hạnh phúc, dòng tiền của cụ cân bằng đẹp như mơ. Cụ lấy tiền thuê nhà trả lại vừa đủ cho ngân hàng, thì đùng một cái, chủ bảo thôi xoá bài làm lại, chơi ván khác.

 Thành ra bây giờ cụ có 600 tỷ tiền ảo, cụ vay 330 tỷ (trả được hơn 70 tỷ vốn rồi), và cụ phải trả mỗi năm khoảng 35 tỷ lãi cho ngân hàng. Nhưng chủ đầu tư dừng trả lãi cho cụ.

Bây giờ vòng quay tài chính bắt đầu đè bẹp cụ. Chỉ một năm nữa, cụ sẽ vay ngân hàng thành 365 tỷ, chưa kể nếu cụ nợ quá hạn, lãi suất siêu cao, cụ có thể bị nợ đến 402 tỷ.

Nhà cụ thì ảo, 600 tỷ đó thực ra giá trị thật tối đa 200 tỷ. Cụ bán cho là được 300 tỷ đi. Cụ trả ngân hàng xong vẫn nợ 102 tỷ, còn 200 tỷ vốn của cụ thì mất trắng. Mà cụ cứ càng kiện cáo cụ càng chết, vì nhà cụ bán không ai dám mua. Ngân hàng thì nó nắm luật bằng 1000 cụ. Money never sleeps. Cụ cần thời gian, còn ngân hàng và chủ đầu tư không có gì ngoài thời gian. Kiện 2 năm chứ 10 năm chúng nó vẫn hầu cụ được.

 Thế mới tài.

 À tài ở đây là ba thằng kia, không phải cụ. Mà người ta có câu: Khi người có tiền gặp người có kinh nghiệm, thì người có kinh nghiệm sẽ có tiền và người có tiền sẽ có kinh nghiệm.

 Chỉ lo là không biết cụ còn thời gian để xài kinh nghiệm không, vì chu kỳ bất động sản là 10 năm...

 Bài tập về nhà: Tìm trong tranh ở trên xem con nào là Cụ, con nào là chủ đầu tư, con nào là ngân hàng,...



AN

Một trong những điều anh thích ở nhà Phật là "An". Chữ này gốc Tàu, vì nói chung những khái niệm cao siêu kiểu này thì người Việt không nghĩ ra được. Từ điển thuần Việt chỉ có tay chân chim bướm thóc lúa là cùng. An là cái nằm ngoài năng lực tư duy người Việt cổ, thậm chí cả người Việt hiện đại.

Chữ An đó có thể hiểu đơn giản qua hình ảnh một quả lắc, hay cái đánh nhịp của dân học nhạc. Quả lắc luôn chuyển động, như tâm hồn con người, nó bay từ cực này qua cực kia, như chúng ta luôn mải nghĩ về quá khứ hay tương lai chứ không để tâm đến hiện tại.

Cứ nghĩ xem bao nhiêu phần trăm thời gian trong ngày bạn nghĩ về việc sau này bạn sẽ làm gì, và ngày xưa bạn làm khác đi thì sẽ ra sao. Chúng ta cứ mải chạy theo việc sẽ mua được cái nhà mới, sẽ lên được chức, sẽ lấy được chồng, sẽ đi chơi năm sau, sẽ...., hoặc là giá như ngày xưa học trường khác, giá như ngày xưa không lấy con ấy, giá như không mua con FLC,...

Dân VN mình sống vất vả và không vui cũng vì vậy. Cả cái nước này cứ suy nghĩ mãi xem ngày xưa có nên đánh Mỹ không, vua Quang Trung mà chết muộn hơn thì sao, rồi lại mơ ước đến ngày được Mỹ xâm lược lần nữa, bỏ bom lên HN, hay là Nhật đến bắt cả nước trồng đay thay lúa, hoặc Pháp qua xây đường tàu cao tốc Bắc Nam cho.

Cái tâm không An thì chẳng bao giờ hạnh phúc được, y như quả lắc chẳng lúc nào không đu đưa.

Nhưng những gì đã qua thì không thể thay đổi được, những gì sắp đến cũng không ai biết, chỉ có hiện tại là của ta. Vậy mà ta chẳng mấy khi nghĩ về nó, y như một kẻ đang làm tình mà cứ sợ có bầu, rốt cuộc chẳng có gì vui.

Hãy tận hưởng từng nhịp sống, chỉ có nó mới là của bạn.

4 July 2019

Bức tranh Dorian Gray


Bản dịch "Bức tranh Dorian Gray", được in xong vào tháng 6 năm 2019. 
Đây là tiểu thuyết duy nhất của Oscar Wilde.